Phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice được nhiều DN FDI tin dùng

Thuế VAT khấu trừ là thuật ngữ thường xuyên được sử dụng trong quá trình áp dụng thuế giá trị gia tăng. Thuế VAT khấu trừ là gì và có những phương pháp khấu trừ thuế nào? Các vấn đề xoay quanh khấu trừ thuế giá trị gia tăng sẽ được giải đáp chi tiết dưới đây.

Thuế VAT khấu trừ

Các quy định quan trọng về thuế VAT khấu trừ.

1. Thuế VAT khấu trừ là gì?

Phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng đối với các loại thuế hiện nay. Hiểu đơn giản là người nộp thuế sẽ không trực tiếp đi nộp thuế mà số tiền thuế sẽ được trừ vào thu nhập hoặc chi phí mua hàng của người nộp thuế. Bản chất khấu trừ thuế GTGT là hình thức để xác định được số tiền thuế mà người nộp thuế cần nộp vào ngân sách nhà nước đối với các sản phẩm tính thuế. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 10, Luật Giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013), phương pháp khấu trừ được hiểu như sau: – Khi đi mua hàng: Doanh nghiệp chịu thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, gọi là thuế GTGT đầu vào. Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chính bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu. – Khi bán hàng: Người mua hàng của doanh nghiệp sẽ chịu phần thuế GTGT tính trên sản phẩm đó, gọi là thuế GTGT đầu ra. Số thuế GTGT đầu ra này chính bằng tổng số thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ bán ra được ghi trên hóa đơn GTGT. >> Tham khảo: Các trường hợp được hoàn thuế VAT.

Bản chất của khấu trừ thuế GTGT

Bản chất khấu trừ thuế GTGT.

=> Số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp theo phương pháp khấu trừ bằng số thuế GTGT đầu ra trừ đi số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng áp dụng với các đối tượng thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ: – Gồm các cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm do bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tối thiểu là 1 tỷ đồng trở lên (trừ hộ, cá nhân kinh doanh). – Cơ sở kinh doanh tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế (trừ hộ, cá nhân kinh doanh).

2. Đặc điểm, vai trò và điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Việc khấu trừ thuế GTGT có đặc điểm đặc trưng, vai trò quan trọng đối với quản lý thuế. Đồng thời, người nộp thuế cần nắm được điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

2.1. Đặc điểm thuế VAT khấu trừ

Khấu trừ thuế GTGT có những đặc trưng cơ bản sau:

  • Kết quả thuế VAT khấu trừ sẽ cho con số chính xác mà người nộp thuế cần phải nộp vào ngân sách nhà nước được xác định trực tiếp dựa trên số hiệu thuế trong các khâu sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
  • Khấu trừ thuế VAT đầu vào là số thuế GTGT được khấu trừ dựa trên số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp mua vào.
  • Khấu trừ thuế VAT bán ra là số thuế GTGT được khấu trừ dựa trên số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp bán ra.

2.2. Vai trò của khấu trừ thuế GTGT

Khấu trừ thuế GTGT có vai trò như sau: – Khấu trừ thuế GTGT phản ánh đúng bản chất của thuế GTGT, nghĩa là trực tiếp đánh vào người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ cuối cùng. – Khấu trừ thuế giúp cơ quan thuế quản lý thuế, thu thuế dễ dàng hơn. – Áp dụng khấu trừ thuế sẽ khiến cho hoạt động hạch toán được diễn ra minh bạch, đúng với tiêu chuẩn và quy định pháp luật đối với công tác kế toán.

2.3. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 12, Luật Giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013), điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào: – Có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. – Đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên: Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. – Hàng hóa dịch vụ xuất khẩu: Ngoài đáp ứng đủ 2 điều kiện trên còn cần phải:

  • Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
  • Hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

Điều kiện được khấu trừ thuế

Điều kiện khấu trừ thuế VAT.

3. Phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Theo Khoản 1, Điều 12, Luật Giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013), phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào được quy định như sau:

  • Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ toàn bộ, bao gồm cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất.
  • Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT: Chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

Lưu ý: Trong trường hợp này, cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ. Nếu không thực hiện hạch toán riêng thì thuế đầu vào sẽ được khấu trừ theo tỷ lệ phần trăm doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ. – Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ. – Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, mỏ khí được khấu trừ toàn bộ. – Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào sẽ được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trên đây là một số quy định quan trọng về thuế VAT khấu trừ. Người nộp thuế cần lưu ý nắm được các thông tin về bản chất khấu trừ thuế GTGT, điều kiện và phương pháp khấu trừ thuế GTGT trong quá trình mua vào, bán ra. Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn: CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://einvoice.vn/
  • Fanpage: Hóa đơn điện tử Einvoice.