Panadol là loại thuốc vô cùng quen thuộc trong tủ thuốc của nhiều gia đình. Tuy nhiên, panadol có tác dụng gì không phải ai cũng biết hết. Thuốc giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu như đau đầu, sốt, đau cơ, đau răng…
Mặc dù Panadol rất phổ biến thế nhưng không phải ai cũng biết rõ tác dụng của Panadol và liều dùng Panadol như thế nào. Cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về Panadol trong bài viết này để có thể sử dụng thuốc một cách hiệu quả, tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn.
Panadol là thuốc gì?
Panadol là một loại thuốc giảm đau có chứa thành phần chính paracetamol (acetaminophen) – hoạt chất được sử dụng để làm giảm đau và hạ sốt. Panadol được dùng như một loại thuốc kê đơn và không kê đơn, an toàn cho hầu hết mọi người khi tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, thuốc Panadol vẫn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng (nếu sử dụng quá liều), điển hình là tổn thương gan.
Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Panadol
Giống như những loại thuốc khác, Panadol có những chỉ định và chống chỉ định riêng, cụ thể như sau:
1. Chỉ định
Panadol chứa hoạt chất paracetamol được chỉ định để sử dụng trong các trường hợp cần giảm đau mức độ nhẹ đến vừa và hạ sốt. Cụ thể, Panadol có thể được dùng trong các tình huống như: (1)
- Đau đầu, bao gồm đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu cũng như các trường hợp đau đầu khác, chẳng hạn như đau đầu do chấn thương, mất ngủ hay các bệnh nghiêm trọng như u não…
- Người bị đau cơ bắp hoặc khớp có thể dùng Panadol. Loại thuốc này cũng có thể giúp làm giảm các cơn đau ở những vị trí khác trên cơ thể như đau lưng, đau cổ, đau vai, đau sau khi tập thể dục hoặc chấn thương nhẹ.
- Đau sau phẫu thuật.
- Đau răng.
- Đau bụng khi tới kỳ kinh nguyệt.
- Hạ sốt.
2. Chống chỉ định
Các trường hợp chống chỉ định hoặc chống chỉ định một phần với Panadol gồm có: (2)
- Người quá mẫn cảm với paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người có bệnh lý về gan chống chỉ định sử dụng Panadol hoặc chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Vì nếu sử dụng thành phần paracetamol có trong thuốc với liều lượng lớn hoặc dùng trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan.
- Người nghiện rượu, bia và các loại thức uống có cồn không nên dùng paracetamol.
Các dạng và hàm lượng thuốc Panadol
Hiện nay, thuốc Panadol có một số dạng và hàm lượng phổ biến dưới đây:
1. Panadol xanh
Đây là loại Panadol tiêu chuẩn, được sản xuất với dạng viên nén, có bao bì màu xanh dương. Mỗi viên chứa 500 mg paracetamol. Panadol xanh được dùng để giảm đau mức độ nhẹ đến vừa và hạ sốt.
2. Panadol đỏ (Panadol extra)
Panadol đỏ cũng là thuốc dạng viên nén, có bao bì màu đỏ với thành phần chứa 500 mg paracetamol và 65 mg caffeine. Paracetamol có hiệu quả giúp làm giảm đau và hạ sốt. Caffeine có tác dụng tăng cường hiệu quả giảm đau của paracetamol cũng như giúp người bệnh tỉnh táo hơn khi mệt mỏi.
3. Panadol sủi
Panadol sủi chứa 500 mg paracetamol/viên. Thuốc có thể tan trong nước. Điều này giúp thuốc hoạt động nhanh hơn sau khi người bệnh uống. Panadol sủi cũng được dùng để làm giảm đau mức độ nhẹ đến vừa và hạ sốt.
Tác dụng của Panadol
Xem thêm : Xem tử vi tuổi Mão chi tiết: Tính cách, số mệnh, tình yêu và sự nghiệp
Panadol chứa hoạt chất paracetamol – loại thuốc giúp làm giảm đau và hạ sốt. Vậy cụ thể thuốc Panadol có tác dụng gì? Các công dụng của Panadol có thể kể đến bao gồm:
1. Giảm đau
Tác dụng của Panadol có thể giúp làm giảm các cơn đau nhẹ đến vừa, bao gồm đau đầu, đau cơ, đau khớp… Các trường hợp đau sau khi vận động hoặc chấn thương nhẹ cũng có thể sử dụng Panadol để giảm đau. Ngoài ra, thuốc Panadol còn được sử dụng để điều trị các cơn đau bệnh lý, đau sau khi tiểu phẫu hoặc phẫu thuật, đau răng, đau bụng do kinh nguyệt…
2. Hạ sốt
Panadol có thể giúp giảm sốt ở cả người lớn và trẻ em do các nguyên nhân như cảm, sốt sau khi tiêm vaccine, sốt xuất huyết, sốt siêu vi… Ngoài ra, việc dùng thuốc Panadol cũng giúp làm giảm cảm giác không thoải mái khi bị sốt.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Panadol chỉ giúp làm giảm triệu chứng (đau và sốt) nhưng không điều trị nguyên nhân gây ra triệu chứng. Chẳng hạn như Panadol có thể giúp cải thiện tình trạng đau đầu do viêm xoang, nhưng không điều trị viêm xoang. Vì vậy, nếu muốn điều trị các nguyên nhân gây sốt hoặc đau đầu thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.
Cách dùng và liều dùng Panadol
Để thuốc Panadol có thể phát huy tối đa công dụng và tránh gây ra tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng khi uống. Người lớn và trẻ em sẽ có liều dùng Panadol khác nhau:
1. Liều dùng Panadol cho trẻ em và người lớn
Cho người lớn:
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể uống 1 đến 2 viên Panadol mỗi 4 đến 6 giờ. Nếu dùng cùng lúc 2 viên Panadol thì nên đợi từ 6 đến 8 tiếng mới uống liều tiếp theo. Lưu ý không nên uống quá 8 viên Panadol trong vòng 24 giờ để tránh tình trạng ngộ độc paracetamol.
Cho trẻ em:
Liều dùng Panadol cho trẻ em phụ thuộc vào trọng lượng và tuổi của trẻ. Thông thường, trẻ em chỉ được dùng 10 – 15 mg paracetamol/kg/lần. Do đó, trẻ em từ 10 đến 12 tuổi chỉ được dùng 1 viên/lần, không quá 4 lần trong 24 giờ. Lưu ý không nên cho trẻ dùng Panadol đỏ có chứa caffeine. Trẻ em dưới 10 tuổi thường không đạt số cân nặng quy định nên chưa được sử dụng Panadol, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
2. Cách dùng Panadol
Thuốc Panadol dạng viên nén thường được uống trực tiếp với nước. Nên chọn nước lọc thay cho các loại nước ép hoa quả hay nước trà và chú ý nuốt cả viên nén, không nghiền, bẻ đôi viên thuốc hoặc nhai. (3)
Với Panadol dạng viên sủi, hãy cho thuốc vào ly nước (khoảng 200 – 300ml) và chờ cho đến khi viên sủi hoàn toàn tan trong nước. Khi thuốc đã hoàn toàn tan, người bệnh cần uống ngay lập tức. Lưu ý, dù bạn đang dùng Panadol dạng viên nén hay dạng sủi thì cũng cần uống sau khi ăn để giảm nguy cơ gây kích ứng dạ dày.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Panadol
Một số lưu ý mà bạn cần nắm trước khi sử dụng Panadol bao gồm:
- Không nên dùng quá liều lượng được quy định. Việc sử dụng quá liều Panadol có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến suy gan, thậm chí là tử vong.
- Người mắc bệnh gan nên thận trọng khi dùng Panadol.
- Không sử dụng Panadol cùng với các loại thuốc khác chứa paracetamol để tránh nguy cơ dùng quá liều.
- Những người uống rượu nhiều cũng nên thận trọng khi dùng Panadol. Vì rượu có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương gan do paracetamol.
- Không được bẻ đôi Panadol dạng viên nén mà cần uống cả viên. Uống thuốc với nước lọc (tốt hơn là dùng với nước ấm để tăng khả năng hấp thụ). Hạn chế dùng thuốc với nước trà, nước ép, nước ngọt, rượu bia…
- Với Panadol dạng viên sủi, cần đợi thuốc hòa tan hoàn toàn trong nước rồi mới sử dụng.
- Nếu bạn cần uống Panadol trong một khoảng thời gian dài, hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn chính xác về liều dùng và cách sử dụng sao cho phù hợp.
- Không dùng thuốc nếu không có triệu chứng sốt hoặc đau nhức.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn kết hợp Panadol với các loại thuốc khác.
- Với người lớn, nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, không được dùng Panadol quá 10 ngày liên tục. Trẻ em chỉ nên dùng thuốc tối đa 5 ngày trừ một số trường hợp đặc biệt.
Sử dụng thuốc Panadol đúng cách có thể giúp làm giảm bớt những cơn đau đầu và hạ sốt. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đau đầu hoặc gặp cơn đau ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện với tần suất dày đặc thì không nên chủ quan tự ý dùng thuốc tại nhà. Đau đầu có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, bị u màng não… Lúc này, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị.
Khoa Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế đáng tin cậy cho những người đang gặp phải vấn đề về đau đầu hay các bệnh lý thần kinh khác. Đội ngũ chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật, máy móc hiện đại, giúp người bệnh nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị phù hợp.
Tác dụng phụ của Panadol
Xem thêm : Thanh cua Surimi có được làm từ cua thật không? Các món ăn ngon với thanh cua
Panadol là một trong những loại thuốc giảm đau chứa paracetamol an toàn, thường không gây ra tác dụng phụ nếu dùng đúng liều lượng. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ vẫn có thể xảy ra, bao gồm:
- Phản ứng dị ứng như nổi ban, ngứa, sưng, khó thở hoặc chảy nước mắt.
- Chán ăn, buồn nôn, ói mệt, đau bụng.
- Mất khả năng tập trung, cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Hạ thân nhiệt, hạ huyết áp đột ngột.
Nếu bạn phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi dùng Panadol thì cần ngừng dùng thuốc ngay lập tức và phải theo dõi các triệu chứng cẩn thận. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Quá liều và quên liều
Người bệnh cần biết cách xử trí khi quên liều hoặc dùng quá liều Panadol để đảm bảo an toàn, nhận được hiệu quả tối ưu từ thuốc, cụ thể như sau:
1. Quá liều Panadol có nguy hiểm không?
Sử dụng quá liều Panadol có thể gây ra tình trạng ngộ độc paracetamol, làm tổn thương gan nghiêm trọng, khiến người bệnh bị suy gan, thậm chí tử vong. Do đó, khi gặp triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu của việc dùng quá liều Panadol gây ngộ độc paracetamol có thể bao gồm: (4)
- Mệt mỏi, vã mồ hôi, mất khả năng tập trung.
- Cảm thấy buồn nôn, đau bụng, căng tức hạ sườn phải, nôn ói.
- Mắt và da có ám vàng (vàng da, vàng mắt).
- Tiêu chảy, buồn nôn, ói mệt.
- Hạ đường huyết, rối loạn đông máu, lú lẫn…
2. Quên liều Panadol
Nếu bạn quên một liều Panadol sẽ không có tác dụng phụ nào xảy ra. Tuy nhiên, thuốc không còn hiệu quả giảm đau sau 4 – 6 tiếng. Do đó, nếu bạn đang điều trị theo phác đồ hay cần giảm đau, hãy dùng Panadol ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp thời điểm dùng liều tiếp theo đã gần kề thì hãy bỏ qua liều bạn quên và tiếp tục lịch trình sử dụng thuốc như bình thường. Bạn không nên dùng liều kép để bù vào liều đã quên.
Tương tác thuốc Panadol
Paradol có thể tương tác với một số loại thuốc, thực phẩm, người bệnh cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng:
1. Viên uống Panadol có thể tương tác với thuốc nào?
Panadol hay các loại thuốc khác chứa paracetamol trong thành phần có thể tương tác với một số thuốc hay thực phẩm chức năng như Simvastatin, Clopidogrel, Levofloxacin, Naproxen, Diazepam, Aspirin, Amlodipine, Amoxicillin, Atorvastatin… Panadol cũng tương tác với các loại thuốc khác có thành phần chứa paracetamol.
2. Viên uống Panadol tương tác với rượu và thức ăn
Viên uống Panadol có thể tương tác với rượu hoặc các loại thực phẩm chứa cồn. Khi dùng những loại thực phẩm này trong thời gian sử dụng thuốc sẽ gây tổn hại đến gan, khiến bạn cảm thấy khó chịu, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi…
Cách bảo quản thuốc Panadol
Bạn đã biết panadol là thuốc gì? Một số lưu ý khi bảo quản Panadol mà bạn cần ghi nhớ thêm bao gồm:
- Bảo quản Panadol ở nơi khô ráo, mát mẻ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hay để thuốc ở nơi có nhiệt độ cao, ẩm ướt.
- Nhiệt độ bảo quản tối ưu là từ 15 đến dưới 30 độ C.
- Để thuốc trên cao, tránh xa tầm tay của trẻ em.
- Không sử dụng Panadol nếu bạn nhận thấy thuốc có sự thay đổi về màu sắc, kích thước, hình dạng, mùi hoặc độ ẩm.
- Không sử dụng Panadol sau ngày hết hạn sử dụng in trên bao bì.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, Panadol là loại thuốc giúp làm giảm đau, hạ sốt. Người bệnh nên sử dụng thuốc đúng cách để nhận được lợi ích tối ưu, tránh gặp phản ứng phụ bất lợi. Tốt hơn hết, bạn nên dùng thuốc theo bác sĩ chỉ định.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp