Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân – Tạp chí Cộng sản

Tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân (tiềm lực kinh tế quốc phòng) là khả năng tiềm tàng về kinh tế của một quốc gia có thể huy động để đáp ứng các nhu cầu của công cuộc giữ nước, gắn chặt với sức mạnh tổng hợp của chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học công nghệ, hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước và nhân dân để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để có tiềm lực kinh tế quốc phòng vững mạnh phải dựa vào sự phát triển kinh tế, xã hội, cùng với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh. Trong các yếu tố hợp thành tiềm lực kinh tế quốc phòng thì “tiềm lực kinh tế quân sự” được xem là đặc trưng. Bởi vì, ngành công nghiệp quốc phòng, có nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm cho các nhu cầu hoạt động lực lượng vũ trang và bảo đảm tư liệu sản xuất cho công nghiệp quốc phòng. Để tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng, cần tập trung vào 2 vấn đề chủ yếu sau:

1 – Kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đặt ra như một tất yếu khách quan, vừa đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, vừa tăng cường, củng cố tiềm lực kinh tế quốc phòng theo một cơ cấu kinh tế hiện đại và hợp lý theo ngành, lĩnh vực, vùng miền và lãnh thổ. Với cơ cấu ngành, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm. Chú trọng đầu tư công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất vật liệu, công nghiệp có công nghệ cao. Phát triển các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cơ khí xây dựng, thiết bị toàn bộ, cơ khí đóng tàu, cơ khí chế tạo máy công cụ và hiện đại hóa cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thâm canh tăng năng suất gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất nguyên liệu. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng chuyển đổi cơ cấu sản xuất; tăng đầu tư cho thủy lợi, giảm thuế thủy lợi phí để đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu, kích thích phát triển cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kết cấu hạ tầng xã hội theo hướng hoàn thiện một bước cơ bản mạng lưới giao thông vận tải (các đường không, bộ, biển) theo luật của Việt Nam và phù hợp với luật quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các vùng và một phần đáng kể giữa nước ta với các nước trên thế giới và khu vực, góp phần quản lý chặt chẽ mạng lưới giao thông bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo và không phận.

Trong điều kiện hiện nay, cần chú trọng xây dựng các dự án có tính khả thi, phát huy tối đa tiềm năng nội lực kết hợp hợp tác với các nước có nền công nghiệp tiên tiến, từng bước chuyển giao công nghệ cho ta. Trước tiên, cần tập trung đầu tư thiết bị, chú trọng các trang thiết bị thu thập, xử lý, khai thác và truyền bá thông tin, tạo môi trường mới cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học quân sự nói riêng, bứt phá, tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh.

Mặt khác, cần quan tâm thích đáng cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ của các ngành sản xuất dịch vụ chủ yếu, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ứng dụng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ tự động hóa. Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn ở các khu công nghệ cao như Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng cổng In-tơ-nét ở một số thành phố lớn; xây dựng và đưa vào hoạt động các phòng thí nghiệm trọng điểm của quốc gia.

Trên cơ sở kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh. Hơn lúc nào hết, các khu kinh tế quốc phòng cần được đầu tư phát triển về chiều sâu, trở thành nhân tố mới về sự kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh – đối ngoại. Ví như các khu kinh tế quốc phòng Mường Chà (Điện Biên, Lai Châu); Bình Liêu – Hải Hà – Móng Cái và Bắc Hải Sơn (Quảng Ninh); Khe Sanh – Hướng Hóa (Quảng Trị); Gia Lai – Kon tum; DK-1 (Biển Đông)… thời gian qua đã góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, tăng khả năng cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai, tạo nên thế trận quốc phòng – an ninh liên hoàn từ biên cương, vùng biển đảo, đến các địa bàn chiến lược. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng cần kết hợp chặt chẽ hơn với quá trình đổi mới công nghệ của nền sản xuất xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quản lý của Nhà nước; xây dựng và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng về kinh tế – xã hội và kết cấu hạ tầng quân sự.

Như vậy, sự phát triển và tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng luôn gắn chặt với kết quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, cần tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, kết hợp với phát triển khoa học công nghệ dân sinh và khoa học công nghệ quân sự; xây dựng cơ cấu kinh tế với cơ cấu vùng hợp lý tạo khả năng và sức mạnh tại chỗ trong phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng – an ninh; xác định đúng và tập trung nguồn lực cho những chương trình, dự án khoa học công nghệ dân sinh và quốc phòng; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các nước bạn truyền thống, nhằm khai thác tốt nhất các nguồn lực từ các đối tác đó để từng bước tự sửa chữa, hồi tu, trung tu, đại tu… các máy móc trang bị kỹ thuật kết hợp phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường quốc phòng; tiến tới tạo đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

2 – Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, sử dụng hiệu quả tiềm lực kinh tế quốc phòng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hiện nay nước ta đã trở thành thành viên của WTO có nhiều điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường toàn cầu phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng. Thực tế, cạnh tranh kinh tế thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ… giành giật sự chi phối về chính trị, khống chế về quân sự giữa các nước ngày càng gay gắt; bọn phản động trong và ngoài nước chưa từ bỏ âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Gần đây, bọn phản động người Việt lưu vong lại tiếp tục xuyên tạc, vu cáo về tình hình “tự do, dân chủ, nhân quyền” tại Việt Nam; đồng thời, chúng đề nghị chính quyền Bu-sơ gia tăng sức ép đối với đất nước ta. Chúng còn tăng cường bóp méo lịch sử về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam – Đông Dương… Nhiều vấn đề mới của thế giới và khu vực liên quan đến quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc… chỉ có thể giải quyết triệt để trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quyết định. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật vừa khẳng định quyền lực của Nhà nước, vừa tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh; tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng khi nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn, đầy đủ hơn vào nền kinh tế thế giới.

Định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vai trò quản lý của Nhà nước. Kết quả quá trình quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng lại tác động trực tiếp đến xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng, cũng như các tiềm lực khác của nền quốc phòng toàn dân. Vì lẽ đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa có giá trị định hướng về mặt pháp lý cho sự vươn lên của toàn bộ nền kinh tế, vừa là cơ sở pháp lý để sử dụng hiệu quả sức mạnh các tiềm lực, trong đó có tiềm lực kinh tế quốc phòng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Một hệ thống pháp luật đồng bộ sẽ là động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển với: 1 – Những chính sách phù hợp cho từng giai đoạn, thời kỳ sẽ tạo nên các nấc thang mới cho sự vươn lên của mọi thành phần kinh tế. Tiềm lực kinh tế quốc phòng chỉ được tăng cường bằng kết quả phát triển năng lực sản xuất của tất cả các thành phần kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; 2 – Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; 3 – Giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội và con người; 4 – Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là một cuộc cách mạng to lớn, toàn diện, triệt để và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới ấy, cùng với việc khẳng định: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tăng cường tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân không đơn thuần dựa vào kết quả sự phát triển của kinh tế, mà còn là hệ quả của việc giải quyết các mối quan hệ xã hội; mức độ thành công trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; của trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam trước thời cơ và thách thức trong xu thế hội nhập hiện nay.

Tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với xu thế hội nhập, không thể không giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Bởi vì, quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Do đó, các vấn đề xã hội cần được quan tâm và giải quyết một cách đồng bộ phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Qua đó, huy động tối đa mọi nguồn lực vật chất và tinh thần, tính tích cực và chủ động của mỗi tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Chương trình hành động sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, khóa X của Đảng “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”. Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp cần cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Trong đó, Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng chương trình hành động bảo đảm quốc phòng – an ninh với những mục tiêu vừa kịp thời cho trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống. Đây là cơ hội để các đơn vị từ trung ương đến cơ sở có điều kiện xây dựng chương trình hành động sát thực tiễn yêu cầu xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân trở thành nội dung quan trọng trong xây dựng các tiềm lực của sức mạnh quốc gia, là nền tảng vật chất cho xây dựng các tiềm lực khác. Với nước ta hiện nay, tiến hành hội nhập quốc tế phải gắn liền với giữ vững độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia, làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong và ngoài nước. Điều đó cũng có nghĩa là càng hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào nền kinh tế thế giới, càng phải chú trọng một cách toàn diện đối với lĩnh vực quốc phòng. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề về xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng lực lượng và thế trận của nền quốc phòng toàn dân, nhằm tận dụng thời cơ, đẩy lùi thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới và khu vực.