Bị tiêu chảy có nên uống nước dừa?

Đối với các dạng tiêu chảy nhẹ, việc điều trị thường chỉ là bồi hoàn đủ số lượng dịch bị mất thông qua nước uống, hoặc các dung dịch chứa điện giải. Trong đó, nước dừa là một trong những bài thuốc lâu đời để ngăn ngừa mất nước do tiêu chảy vì các nguyên nhân như:

  • Nước dừa rất giàu điện giải và khoáng chất, giúp bổ sung chất khoáng mất khỏi cơ thể do tiêu chảy cũng như giảm mất nước;
  • Nước dừa giúp loại bỏ các chất độc hại giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi
  • Nước dừa là dung dịch đẳng trương chứa hàm lượng chất điện giải tương tự như tìm thấy trong cơ thể;
  • Nước dừa có chứa axit lauric khi đi vào cơ thể chuyển đổi thành monolaurin giúp kháng các loại virus, kháng khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa;
  • Nước dừa là một dạng chất lỏng vô trùng, ít calo và chất béo nhưng giàu vitamin khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Thực tế thì nước dừa chứa hàm lượng kali gấp 2 lần so với kali trong chuối giúp giúp cân bằng sức khỏe cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch.

Bệnh nhân bị tiêu chảy khi uống nước dừa cần chú ý những điều sau:

  • Nên uống nước dừa mỗi 2-3 giờ/ lần, không uống khi bụng đói vì dễ gây ớn lạnh, đau bụng;
  • Tuy trong nước dừa chứa đầy đủ hàm lượng kali và glucose nhưng hàm lượng natri và clorua tương đối thấp nên để đảm bảo hơn thì người bệnh nên cho thêm một lượng nhỏ muối vào nước dừa để bù đắp sự thiếu hụt này;
  • Bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột có thể lựa chọn nước dừa như một phương pháp bù nước đường uống khả thi và tiết kiệm;
  • Nước dừa giúp làm dịu niêm mạc dạ dày và giảm axit, phòng ngừa các biến chứng dạ dày;
  • Nước dừa an toàn cho nhiều đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ em và thậm chí là người già bị tiêu chảy và mất nước.