NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG CÓ NÊN UỐNG NƯỚC MÍA?

Nước mía là một loại đồ uống có vị ngọt, thường được tiêu thụ ở các vùng của Ấn Độ, châu Phi và châu Á, trong đó có Việt Nam.

Loại thức uống này được bày bán rộng rãi như một loại thức uống hoàn toàn tự nhiên tốt cho sức khoẻ.

Trong Y học Cổ truyền Phương Đông, nước mía được dùng để điều trị các bệnh về gan, thận và một số bệnh khác. Một vài người thậm chí tin rằng nước mía có thể hữu ích đối với bệnh tiểu đường.

Bài viết này sẽ giải thích toàn bộ về nước mía, hàm lượng các chất dinh dưỡng, lượng đường huyết và liệu nước mía có phải là một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường hay bất kỳ ai đang theo dõi lượng đường huyết của họ.

Nước mía là gì?

Nước mía chứa nhiều chất điện giải tốt cho sức khỏe

Nước mía là một loại thức uống ngọt, được ép từ thân cây mía đã bóc vỏ. Nước mía thường được trộn cùng với chanh, tắc hoặc một số loại nước trái cây khác, sau đó phục vụ với đá để có một loại thức uống thơm ngon.

Ngoài ra, nước mía còn được chế biến để tạo ra đường mía, đường nâu và mật mía.

Mía cũng có thể được dùng để làm rượu Rhum, và ở Brazil, mía được lên men để làm một loại rượu gọi là Cachaca.

Nước mía không phải là đường nguyên chất, trong đó bao gồm khoảng 70 – 75% nước, khoảng 10 – 15% chất xơ và 13 – 15% đường ở dạng sucrose hay còn gọi là saccharose. Trên thực tế, đây là nguồn chính của hầu hết đường ăn trên thế giới.

Ở dạng chưa qua chế biến, nước mía cũng là một nguồn chống oxi hoá phenolic và flavonoid tốt. Những chất chống oxi hoá này là lý do chính mà một số người cho rằng nước mía có lợi cho sức khoẻ.

Do không qua chế biến như hầu hết các loại đồ uống có đường nên nước mía vẫn giữ được các vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, vì nước mía cũng chứa chất điện giải, chẳng hạn như kali, nên thức uống này được xem như một nguồn cung cấp điện giải. Trong một nghiên cứu ở 15 vận động viên đua xe đạp, nước mía đã được chứng minh là có hiệu quả như một loại thức uống thể thao trong việc cải thiện thành tích tập luyện và bù nước.

Tuy nhiên, nước mía làm tăng lượng đường huyết của vận động viên trong khi tập luyện. Lợi ích của nước mía chủ yếu liên quan đến hàm lượng carb và khả năng khôi phục năng lượng dự trữ trong cơ bắp sau khi tập luyện.

Tóm tắt

Nước mía là một loại thức uống được ép trực tiếp từ thân cây mía. Đây là một nguồn cung cấp chất chống oxi hoá và một số chất dinh dưỡng khác. Tuy vậy, hầu hết các tuyên bố về lợi ích sức khoẻ của nước mía đều không có cơ sở cụ thể.

Hàm lượng đường trong nước mía

Mặc dù cung cấp một số chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, nước mía vẫn chứa nhiều đường và carb.

Hàm lượng dinh dưỡng của một ly nước mía (240ml)

Năng lượng 183kcal Protein 0g Chất béo 0g Đường 50g Chất xơ 0 – 13g

Có thể thấy, chỉ 240ml nước mía chứa một lượng đường khổng lồ 50g, tương đương với 15 muỗng cà phê đường. Con số này lớn hơn đáng kể so với 9 muỗng cà phê và 6 muỗng cà phê tổng lượng đường khuyến nghị tương ứng cho nam và nữ mỗi ngày bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Đường là một loại carb mà cơ thể phân huỷ thành glucose. Một số thực phẩm và thức uống có lượng carb cao có thể làm tăng lượng đường huyết quá mức, đặc biệt đối với những người mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường cần được theo dõi lượng đường huyết một cách cẩn thận.

Mặc dù nước mía có chỉ số đường huyết GI thấp, nhưng lại có tải lượng đường huyết GL cao. Điều này có nghĩa là nước mía chắc chắn sẽ có tác động lớn đến lượng đường huyết.

Trong khi GI đo lường mức độ làm tăng lượng đường huyết nhanh hay chậm của một loại thực phẩm, GL đo lường tổng lượng đường huyết tăng lên. Do đó, GL đưa ra một bức tranh chính xác hơn của tác động nước mía đối với lượng đường trong máu.

Tóm tắt

Nước mía có hàm lượng đường rất lớn và tải trọng đường huyết cao tuy có chỉ số đường huyết thấp. Do đó, nước mía có tác động đáng kể đến lượng đường huyết.

Người bị tiểu đường có nên uống nước mía?

Giống như các loại thức uống nhiều đường khác, nước mía là một lựa chọn không tốt cho người bị tiểu đường. Lượng đường lớn trong nước mía có thể khiến lượng đường huyết tăng lên một cách nguy hiểm. Vì vậy, những người bị tiểu đường nên tránh hoàn toàn loại thức uống này.

Tuy những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về chiết xuất mía cho thấy rằng chất chống oxi hoá polyphenol có thể giúp các tế bào tuyến tuỵ sản xuất nhiều insulin hơn, nghiên cứu này chỉ là sơ bộ và không an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Nước mía có thể làm tăng đường huyết nên người mắc bệnh tiểu đường không nên sử dụng!

Tóm tắt

Mặc dù một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra tác dụng của nước mía đối với bệnh tiểu đường, loại thức uống này hoàn toàn không thích hợp cho bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Kết luận

Nước mía là một loại thức uống chưa tinh chế được chiết xuất từ thân cây mía.

Mặc dù nước mía cung cấp một lượng chất chống oxi hoá tốt cho sức khoẻ, loại thức uống này lại chứa rất nhiều đường. Do đó, tất cả mọi người mắc bệnh tiểu đường nên tránh hoàn toàn sử dụng nước mía.

Thay vào đó, người bị tiểu đường có thể chọn cà phê, trà hoặc nước trái cây không đường.

Cử nhân. Nguyễn Nhật Phúc

Theo Healthline

TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT

Thời gian làm việc:

– Từ thứ 2 đến thứ 6:

Sáng: 7h15 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h15

– Thứ bảy: 7h15 – 11h30

Địa chỉ: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt

Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt