Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh mang tính chất liên minh. Lực lượng đồng minh chống phát-xít, liên minh các quốc gia và các dân tộc trên thế giới đã đoàn kết, chung sức trong cuộc chiến đấu chống lại khối phát-xít xâm lược đứng đầu là phát-xít Ðức, Italy và quân phiệt Nhật. Ở châu Âu mặt trận chủ yếu là mặt trận Liên Xô – Ðức, ở châu Á là mặt trận Mỹ – Nhật. Hơn 50 quốc gia có chế độ xã hội khác nhau cùng với hàng trăm triệu người đã tập hợp lại trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp chung. Hạt nhân của lực lượng đồng minh, lực lượng chủ yếu của Liên minh lớn là Liên Xô, Anh và Mỹ. Những quyết định liên minh quan trọng nhất đã được thông qua tại các hội nghị các nhà lãnh đạo ba cường quốc kể trên diễn ra tại Tehran (năm 1943), tại Yalta và Posdam (năm 1945).
Những định hướng ban đầu về sự hợp tác trong tương lai của các nước trong lực lượng đồng minh chống phát-xít đã được vạch ra trong cuộc hội đàm Anh – Pháp – Liên Xô diễn ra tại Moscow mùa hè năm 1939, khi đó Mỹ đã theo dõi sát sao cuộc hội đàm này. Ngày 22-6-1941, khi phát-xít Ðức tiến công Liên Xô, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tuyên bố, nước Anh sẽ dành sự trợ giúp toàn diện đối với Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Ðức. Ngày 24-6, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tuyên bố ủng hộ Liên Xô. Về phía mình, ngày 3-7, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin bày tỏ tin tưởng rằng cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Xô-viết vì tự do của đất nước sẽ “hòa cùng cuộc đấu tranh của nhân dân các nước châu Âu và Mỹ vì nền độc lập của mình, vì tự do dân chủ”.
Bạn đang xem: Chiến tranh thế giới thứ hai- cuộc chiến tranh mang tính chất liên minh
Ngày 12-7-1941 tại Moscow đã diễn ra lễ ký thỏa thuận Liên Xô – Anh về những hành động chung trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Ðức, đặt nền tảng cho việc hình thành liên minh chống phát-xít. Ngày 1-1-1942, tại Washington (Mỹ), 26 nước đã ký Tuyên ngôn của LHQ về việc thành lập liên minh quốc tế chống chủ nghĩa phát-xít và chống chủ nghĩa quốc xã. Ðến cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới tham gia liên minh này.
Quyết định cuối cùng liên quan việc mở mặt trận thứ hai ở châu Âu đã được thông qua tại cuộc họp lần đầu tiên có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill và nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin tổ chức tại Tehran cuối tháng 11, đầu tháng 12-1943.
Cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên bờ biển Normandi (Pháp) là chiến dịch đổ bộ của lực lượng thủy quân lục chiến lớn nhất trong lịch sử và đã được các chuyên gia cũng như dư luận nhiều nước đánh giá cao. Nhà lãnh đạo Chính phủ Liên Xô trong bức điện gửi Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill đã nhận xét rằng chiến dịch đổ bộ này là một “thành tích có vị trí cao nhất”. Với cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên Normandi, quân phát-xít Ðức đã bị đẩy vào thế nằm giữa hai gọng kìm – một từ phía đông và một từ phía tây.
Xem thêm : Cách uống mầm đậu nành Healthy Care Úc Super Lecithin tăng vòng 1
Sáng sớm ngày 6-6-1944, một hạm đội gồm hơn 5.000 tàu chiến đã rời các cảng biển ở Anh, vượt qua eo biển Manche và bắt đầu đổ bộ các đơn vị của quân đồng minh lên bờ biển Normandi. Trong cuộc đổ bộ mang tên “Chiến dịch Chúa tể” này, lực lượng của Mỹ và Anh đóng vai trò chủ yếu. Tính tổng cộng có tới 2,8 triệu binh sĩ đã đóng quân ở Anh trong thời gian này, trong đó có 20 sư đoàn của Mỹ, 14 của Anh, ba của Canada, một của Pháp và một của Ba Lan, và cùng nhiều đơn vị khác. Quân đồng minh khi đó đã có lực lượng vượt trội so với kẻ địch, nhiều gấp ba lần về quân số và xe tăng, gấp mười lần về máy bay và hoàn toàn làm chủ trên biển.
Ngày 10-6-1944, bốn ngày sau khi quân đồng minh đổ bộ lên Normandi, quân đội Xô-viết ở các mặt trận Leningrad và Karenski bắt đầu mở các cuộc tiến công vào các vị trí của quân phát-xít. Ngày 23-6, các đơn vị Hồng quân tiến vào Belarus. Chiến dịch mang tên “Bagration” bắt đầu. Ðây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất của chiến tranh thế giới thứ hai. Số quân mà cả hai phía đưa vào các trận đánh trong chiến dịch này lên tới hơn bốn triệu người, 7,5 nghìn xe tăng, bảy nghìn máy bay. Tại chiến dịch này (từ tháng 7 đến tháng 8-1945), quân đội Xô-viết đã đập tan tập đoàn quân “Trung tâm” của phát-xít Ðức, tiến quân được 500 km và bắt đầu giải phóng Ba Lan, kịp thời chi viện cho các đơn vị của lực lượng đồng minh.
Lực lượng đồng minh đổ bộ lên Normandi sau khi vượt qua những cuộc chiến ác liệt với kẻ địch, đến ngày 25-7 đã mở rộng và củng cố được bàn đạp có chiều dài gần 100 km và chiều sâu tới 50 km.
Một nhân tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của “Chiến dịch Chúa tể” là chiến dịch này đã phối hợp chặt chẽ với việc Hồng quân mở các cuộc tiến công trên mặt trận Xô – Ðức, theo đúng thỏa thuận đã đưa ra tại hội nghị ở Tehran, và ngoài ra quân đồng minh còn nhận được sự trợ giúp đáng kể của Phong trào kháng chiến Pháp.
Cùng với “Chiến dịch Chúa tể”, việc quân đồng minh đổ bộ lên miền nam Pháp ngày 15-8-1944 và tiếp sau đó tiến sâu vào lãnh thổ Pháp là bước phát triển mới có ý nghĩa quan trọng. Các đơn vị của lực lượng đồng minh ở hướng này đã liên kết lại thành tập đoàn quân số 6. Trong đó, lực lượng cơ bản của tập đoàn quân này là quân đoàn số 7 của Mỹ và quân đoàn số 1 của Pháp. Cuối mùa hè năm 1944, ba tập đoàn quân của lực lượng đồng minh gồm tập đoàn quân số 21 (chỉ huy là Ðại nguyên soái Bernard Mongomery) ở phía bắc, tập đoàn quân số 12 (chỉ huy là Tướng Omar N. Bradley) ở miền trung và tập đoàn quân số 6 (chỉ huy là Tướng Jacob Dever) ở phía nam đã mở cuộc tiến công từ phía tây nhằm vào quân phát-xít Ðức. Ngày 15-9, các đơn vị Hồng quân đã tiến vào thủ đô Sophia của Bulgaria và tiến vào Nam Tư vài ngày sau đó.
Ý nghĩa quan trọng của sự phối hợp các chiến dịch quân sự của phe đồng minh đã được thể hiện rõ qua cuộc phản công bất ngờ của quân Ðức. Ngày 16-12-1944, quân Ðức đã mở cuộc phản công dữ dội và bất ngờ vào quân đồng minh. Mục đích của đòn tiến công này là nhằm đánh tan đạo quân Anh – Mỹ ở phía bắc tuyến Antev – Brussels – Luxemburg. Xe tăng mang dấu thập ngoặc của quân phát-xít Ðức đã tràn vào lãnh thổ Bỉ và Luxemburg ở phía tây-bắc. Do bị bất ngờ, các sư đoàn của Mỹ đã phải rút lui. Ðến ngày 25-12, trận tuyến của quân Mỹ đã bị chọc thủng trên chiều dài 80 km và quân Ðức lấn vào sâu tới 100 km. Ngoài ra, ngày 1-1-1945, hơn một nghìn máy bay của quân Ðức đã mở chiến dịch ném bom vào các sân bay tiền duyên, kho tàng và những mục tiêu tập trung trang, thiết bị kỹ thuật quân sự, gây thiệt hại lớn cho quân đồng minh.
Ngày 12-1, Hồng quân đã mở cuộc tiến công chiến lược trên các mặt trận từ biển Baltik tới dãy Karpas sớm thời hạn dự kiến. Ðến ngày 28-1, các đơn vị quân phát-xít Ðức bị quân đồng minh tiến công mạnh mẽ đã buộc phải rút về những vị trí trước đây của chúng và chuyển sang thế phòng ngự.
Ngày 25-4-1945, Hồng quân và lực lượng đồng minh ở phía tây đã gặp nhau ở sông Elber. Vài ngày sau, quân đội phát-xít Ðức đã đầu hàng.
Ðạt được mục tiêu chủ yếu của mình là đánh tan quân phát-xít, “Liên minh lớn” gồm ba cường quốc đã giành được vị trí xứng đáng trong lịch sử của thế kỷ 20 và được các dân tộc trên thế giới mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn. Năm ngoái, nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandi, hàng loạt cuộc gặp và thảo luận đã được tổ chức ở nhiều nước. Các hoạt động này đã thu hút sự quan tâm chú ý rộng rãi của dư luận. Các hoạt động kỷ niệm chiến thắng phát-xít trong chiến tranh thế giới thứ hai không chỉ là sự tưởng nhớ các anh hùng đã ngã xuống trong những trận đánh suốt chiều dài của cuộc chiến tranh này, mà còn là bài học nhắc nhở về sự cần thiết của việc đoàn kết các lực lượng dân chủ trong thời kỳ mới để đối phó những mối đe dọa của thế kỷ 21.
Điền Tâm (Theo RIA-Novosti)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp