BỐN THÀNH PHỐ

Video tỉnh quảng ninh có bao nhiều thành phố

Vị trí địa lý

Thành phố Hạ Long nằm tại điểm tây bắc của Vịnh Bắc Bộ. Phía đông giáp thành phố Cẩm Phả; phía tây giáp thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên; phía nam giáp huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Vịnh Hạ Long; phía bắc giáp huyện Sơn Động, Bắc Giang và huyện Ba Chẽ. Diện tích tự nhiên của thành phố bao gồm phần diện tích trên đất liền và hàng trăm đảo đá vôi trên các Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Lan Hạ.

Là thủ phủ tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long được xác định là một trong 3 đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Bắc Bộ: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Thành phố Hạ Long có vị trí đặc biệt thuận lợi. Với nội địa, đây là một cửa ngõ quan trọng hướng ra biển của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả vùng trung du và miền núi Đông Bắc-Việt Bắc. Với các nước trong khu vực và quốc tế, thành phố Hạ Long nằm liền kề vùng phát triển Nam Trung Hoa và xa hơn là cả khu vực kinh tế châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn đang phát triển năng động. Thành phố Hạ Long là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt là kỳ quan Vịnh Hạ Long. Nếu ven biển là những cảng nước sâu thuận lợi cho tàu thuyền cập bến thì trong lòng đất lại có than, đất sét, đá vôi… Thành phố vừa có ngư trường lại vừa có lâm trường với trữ lượng và tiềm năng khai thác dồi dào, phong phú.

Điều kiện tự nhiên

Thành phố Hạ Long có địa hình đa dạng và phức tạp thuộc loại đồi núi tiếp giáp biển, nằm trong hệ thống cánh cung Đông Triều-Móng Cái, thấp dần từ bắc xuống nam, bao gồm cả đồi núi, thung lũng, vùng ven biển và hải đảo. Đây cũng là một trong những khu vực hình thành lâu đời nhất trên lãnh thổ Việt Nam, được chia thành 3 vùng rõ rệt gồm: vùng đồi núi bao bọc phía bắc và đông bắc, vùng ven biển ở phía nam quốc lộ 18A và vùng hải đảo. Trong đó, vùng đồi núi bao bọc phía bắc và đông bắc chiếm 70% diện tích, độ cao trung bình từ 150-250m và thấp dần về phía biển, độ dốc trung bình từ 15-20%, xen giữa là các thung lũng nhỏ hẹp. Vùng ven biển ở phía nam quốc lộ 18A, độ cao trung bình từ 0,5-5m và vùng hải đảo bao gồm toàn bộ vùng vịnh với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu là đảo đá. Kết cấu địa chất của thành phố Hạ Long chủ yếu là đất sỏi sạn, cuội sỏi, cát kết, cát sét… ổn định và có cường độ chịu tải cao, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình. Khoáng sản chủ yếu là than đá và nguyên vật liệu xây dựng.

Điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo đã tạo cho thành phố Hạ Long có một vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh. Trong kháng chiến, khu vực rừng núi có nhiều hang động rất thuận lợi cho xây dựng căn cứ và sơ tán. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm…

Trung tâm thành phố trải dài và chia thành 2 khu vực chính: phía đông và phía tây ngăn cách bởi eo biển Cửa Lục. Nối hai bờ Cửa Lục là cầu Bãi Cháy – một trong năm cây cầu dây văng một mặt phẳng có khẩu độ lớn nhất thế giới. Phía đông thành phố là trung tâm chính trị, hành chính, thương mại và công nghiệp khai thác than của tỉnh và thành phố. Phía tây là trung tâm du lịch, dịch vụ; có khu công nghiệp đóng tàu, khu sản xuất vật liệu, cảng biển với công suất lớn, hiện đại tầm cỡ quốc gia. Nơi đây nổi tiếng với khu du lịch Bãi Cháy, Tuần Châu; có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan (năm 1994) và về địa chất, địa mạo (năm 2000) và tổ chức New7Wonders công nhận là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới (năm 2012). Vì vậy, Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng trong nước, khu vực và thế giới.