Trong chiến tranh, nhất là khi thực hành tác chiến chiến lược, tổ chức, sử dụng lực lượng là một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi quyết định. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tác chiến chiến lược sẽ có nhiều thay đổi cả về đặc điểm, tính chất và quy mô. Vì thế, nghiên cứu thấu đáo nội dung này là vấn đề cấp thiết.
Chúng ta biết, trong các cuộc chiến tranh, dù ở quy mô và điều kiện nào, tác chiến chiến lược – cấp độ tác chiến cao nhất – luôn là nội dung quan trọng, quyết định đến thành công hay thất bại của cuộc chiến. Tuy vậy, cấp độ tác chiến này không phải cứ muốn là có thể thực hiện được ở trong mọi thời điểm; nói cách khác, nó chỉ được tiến hành trong những giai đoạn nhất định của chiến tranh, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố cơ bản, như: thế trận, lực lượng, thời cơ và mưu lược, v.v. Trong đó, tổ chức, sử dụng lực lượng là một trong những yếu tố cơ bản, cốt lõi, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng để cùng các yếu tố khác, thực hiện thắng lợi mục đích, nhiệm vụ của tác chiến chiến lược và chiến tranh. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây cho thấy, do tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến chiến lược hợp lý, khoa học, nhất là sử dụng lực lượng cơ động chiến lược, chúng ta đã tạo sức mạnh vượt trội ở thời điểm, thời cơ quyết định, làm thay đổi cục diện chiến trường và giành thắng lợi cuối cùng. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), các yếu tố về tác chiến chiến lược đã có sự phát triển, nhất là về quy mô lực lượng, phương thức và trình độ tác chiến, vũ khí, trang bị, v.v. Vì thế, nghiên cứu về nghệ thuật quân sự nói chung, tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến chiến lược nói riêng là vấn đề cấp thiết, cần được tiến hành một cách nghiêm túc, thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.
Trước hết, phải tổ chức, sử dụng lực lượng tại chỗ linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và loại hình tác chiến chiến lược. Đây là nội dung rất quan trọng đối với tác chiến nói chung, tác chiến chiến lược nói riêng, bởi lực lượng tại chỗ là thành phần chủ yếu cấu thành phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương để thực hiện phương châm: làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh; đồng thời, cùng với các lực lượng khác tiến hành thắng lợi các chiến dịch, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược của tác chiến chiến lược. Đặc biệt hiện nay, lực lượng tại chỗ có sự phát triển mới so với trước đây cả về thành phần, quy mô, trình độ tác chiến và vũ khí, trang bị thì công tác này lại càng có ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện tốt vấn đề này, theo chúng tôi, ngay từ thời bình, cùng với tăng cường giáo dục, tuyên truyền về vai trò, vị trí của lực lượng tại chỗ đối với tác chiến chiến lược, cần chủ động hình thành các kế hoạch, phương án tổ chức, sử dụng lực lượng này trên từng địa bàn theo các tình huống tác chiến chiến dịch, tác chiến chiến lược, nhằm tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi xảy ra chiến tranh. Theo đó, về mặt tổ chức, tùy tình hình cụ thể của đối tượng, địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ, có thể tổ chức lực lượng tại chỗ thành các tiểu đoàn, trung đoàn, thậm chí đến cấp sư đoàn bộ binh; được tăng cường các loại vũ khí, trang bị tương đối hiện đại và hiện đại, như: pháo cối đi cùng, tên lửa phòng không tầm thấp, tên lửa chống tăng và một số binh chủng khác. Về sử dụng lực lượng, có thể phân theo tính chất nhiệm vụ, như: lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ, phòng ngự, nghi binh, tạo thế, cơ động đánh địch đổ bộ đường không, đường biển, đánh địch rộng khắp, đánh hiểm,… trên địa bàn nhưng phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình tác chiến chiến lược.
Xem thêm : 18 Cách làm đẹp da mặt tự nhiên tại nhà đơn giản nhất
Trong đánh địch tiến công hỏa lực, lực lượng tại chỗ thường được sử dụng làm lực lượng chủ yếu của tác chiến phòng không nhân dân, tham gia bắn máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, phòng tránh, sơ tán bảo toàn lực lượng và tham gia cùng lực lượng chủ lực phòng không – không quân tiến hành các chiến dịch phòng không. Đối với tác chiến bảo vệ biển, đảo, lực lượng tại chỗ có thể thực hiện nhiệm vụ phòng thủ giữ vững các đảo, tham gia đánh địch rộng khắp trên biển và khi có điều kiện có thể phối hợp với lực lượng Hải quân tiến hành các đòn đột kích hoặc chiến dịch trên biển. Trong tác chiến phòng thủ chiến lược, lực lượng tại chỗ thường sử dụng làm lực lượng phòng thủ, phòng ngự, đánh địch tiến công trên bộ, đổ bộ đường không, đánh địch rộng khắp, đánh hiểm, tạo thế cài xen, phòng chống bạo loạn từ bên trong, giữ ổn định địa bàn. Đồng thời, cùng lực lượng cơ động của Bộ tiến hành các chiến dịch phòng ngự, phản công; tham gia đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao trên địa bàn tác chiến. Khi tiến hành phản công và tiến công chiến lược, lực lượng tại chỗ thường được sử dụng trong tác chiến giữ vững địa bàn, tạo lập thế trận, ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, kìm giữ, làm suy yếu địch trong các khu vực phản công và tiến công chiến dịch. Đặc biệt, khi có điều kiện và thời cơ, có thể chủ động tạo thế và phối hợp với lực lượng cơ động chiến lược, tiến hành thắng lợi các chiến dịch, chiến dịch chiến lược phản công, tiến công, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của tác chiến chiến lược.
Hai là, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức, sử dụng lực lượng cơ động chiến lược trong điều kiện mới. Đây là một trong những nội dung cốt lõi, quan trọng nhất trong tạo sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho tác chiến chiến lược giành thắng lợi. Nhận thức rõ điều đó và từ bài học kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến trước đây, trong những năm qua chúng ta đã quan tâm, phát triển lực lượng này với tổ chức lực lượng hợp lý hơn, được trang bị vũ khí tương đối hiện đại và hiện đại; khả năng tác chiến và cơ động được cải thiện đáng kể, sức mạnh chiến đấu được nâng lên, nhất là đối với các quân chủng, binh chủng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cao của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện đại, việc tổ chức, sử dụng lực lượng này cần có sự đổi mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả. Theo đó, về cơ bản, chúng ta cần kế thừa các hình thức tổ chức lực lượng cơ động chiến lược trong chiến tranh giải phóng, nhưng phải nâng lên ở một trình độ mới, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể nghiên cứu hình thức tổ chức lực lượng tác chiến dưới dạng cụm lực lượng tác chiến chiến lược. Đây là một hình thức tổ chức lực lượng tác chiến lâm thời, gồm: tổ chức cụm lực lượng tác chiến chiến lược tác chiến theo địa bàn, sử dụng chủ yếu trong tác chiến phòng thủ chiến lược và cụm lực lượng cơ động phản công, tiến công sử dụng chủ yếu trong phản công và tiến công chiến lược.
Cần thấy rằng, cụm lực lượng tác chiến này không tổ chức theo kiểu độc lập, tách rời để thực hiện nhiệm vụ trên một hướng, khu vực, mà luôn được liên kết với các thành phần lực lượng khác, tạo thành chỉnh thể thống nhất và chỉ có thể được tổ chức ngay trước khi tiến hành tác chiến chiến lược hoặc trong diễn tập, luyện tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn. Vì vậy, việc sử dụng cụm lực lượng trong tác chiến chiến lược phải chặt chẽ, theo một ý định thống nhất, bảo đảm tính tổng thể nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, khi thực hành tác chiến chiến lược, các binh đoàn binh chủng hợp thành cùng các lực lượng cơ động của các binh chủng: Xe tăng, Pháo binh, Công binh,… và một bộ phận lực lượng quân chủng, hình thành cụm lực lượng để tiến hành các chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Khi đó, lực lượng cơ động của Quân chủng Phòng không – Không quân có thể tổ chức thành các cụm lực lượng của mình, tiến hành các chiến dịch phòng không bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, đội hình tác chiến của binh chủng hợp thành, bảo vệ các hành lang vận chuyển chiến lược, hoặc tiến hành các đợt tác chiến phòng không – không quân tập trung. Đối với Quân chủng Hải quân, nhất là các lực lượng cơ động, như: tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm, tên lửa bờ biển,… tổ chức thành các cụm lực lượng cơ động của Quân chủng (khi có điều kiện có thể tổ chức hạm đội hải quân) để phối hợp tiến hành các chiến dịch, đòn đột kích trên biển. Tuy nhiên, trong điều kiện chiến tranh hiện đại, địch sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, việc tổ chức cụm lực lượng tác chiến chiến lược cần bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, nắm và vận dụng đúng thời cơ, thực hành tác chiến nhanh, gọn, đạt hiệu quả cao nhưng vẫn bảo toàn lực lượng để càng đánh càng mạnh, giành thắng lợi trong chiến tranh.
Xem thêm : Chứng minh tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể
Ba là, coi trọng việc tổ chức, sử dụng lực lượng các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương trong hoạt động tác chiến chiến lược. Khác với các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), dự báo hoạt động tác chiến chiến lược có thể diễn ra ngay từ đầu, trên một hướng (khu vực) rộng lớn, thậm chí trên một vùng, miền hoặc phạm vi cả nước, sẽ tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, tổ chức, sử dụng lực lượng các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tham gia tác chiến chiến lược là nội dung rất quan trọng. Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng sự tham gia của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với công tác quân sự, quốc phòng nói chung, các cuộc diễn tập quy mô chiến lược nói riêng còn chưa nhiều và chưa nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống về tổ chức, sử dụng lực lượng này khi tác chiến chiến lược xảy ra.
Thời gian tới, theo chúng tôi, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng và toàn dân đối với nội dung này, Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng để xây dựng kế hoạch, cơ chế huy động nguồn nhân lực cùng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của từng lĩnh vực cho hoạt động tác chiến chiến lược. Trong đó, cùng với chú trọng kế hoạch tổ chức, sử dụng lực lượng ban, ngành, đoàn thể trong ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân trên từng địa bàn, theo một ý định thống nhất, cần đẩy mạnh việc phối hợp, tham gia của các ngành kinh tế trọng yếu, như: Qiao thông vận tải, Y tế, Bưu chính – Viễn thông, Ngoại thương,… cho tác chiến chiến lược. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các hoạt động đấu tranh chính trị, kinh tế và ngoại giao giữa các lực lượng trong suốt quá trình chiến tranh.
Đấu tranh vũ trang nói chung, ở cấp độ chiến lược nói riêng là hoạt động có vị trí trọng yếu đối với cả cuộc chiến tranh và với vận mệnh của quốc gia, dân tộc nên đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì thế, cần tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa một bước về phương thức hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong chiến tranh nói chung và tác chiến chiến lược nói riêng, nhất là việc hoàn chỉnh về phương thức, cơ chế tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chung, trên từng hướng chiến trường và trong từng loại hình tác chiến chiến lược. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở để các cấp, ngành, lực lượng tổ chức, thực hành luyện tập, diễn tập ngay từ thời bình, đáp ứng yêu cầu của tác chiến chiến lược và chiến tranh trong tình hình mới.
TRẦN THÁI
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp