Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự 1999

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự 1999 cụ thể như sau:

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa các vụ án hình sự

Dấu hiệu nhận biết về tội cưỡng đoạt tài sản

Tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó “người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Ngoài những dấu hiệu về chủ thể phải đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với “Tội cưỡng đoạt tài sản thì mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội này. Nếu người phạm tội không có mục đích chiếm đoạt tài sản mà hành vi nhằm một đích khác thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự có hành vi khách quan “đe dọa sẽ dùng vũ lực…” là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội “Cướp tài sản” đe dọa “dùng vũ lực ngay tức khắc” thì tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đe dọa “sẽ dùng vũ lực” tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe dọa này không có tính nguy hiểm như tội cướp.

Trường hợp một số phóng viên, công tác viên của một số báo có thể không có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng lại dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với cá nhân, tổ chức bằng việc đăng hoặc không đăng bài báo nhằm ép cá nhân, tổ chức đó phải đưa tiền cho mình cũng thỏa mãn dấu hiệu phạm tội của tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Ở đây, người bị đe dọa, uy hiếp tinh thần còn có điều kiện để chống cự lại, có thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.

Thực tế, quá trình diễn biến tội phạm, nếu người phạm tội đang trong giai đoạn chiếm đoạt tài sản như vừa cầm được tài sản trong tay người bị hại thì người bị hại giành giật lại, hoặc đang trong lúc giằng co tài sản mà người phạm tội đánh, đấm, đâm, chém… người bị hại để chiếm đoạt bằng được tài sản đó thì lúc này người phạm tội đã dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản và do đó chuyển hóa thành tội “Cướp tài sản” chứ không còn là “Cưỡng đoạt tài sản”.

Tội “Cưỡng đoạt tài sản” là nhóm tội có cấu thành hình thức. Tức là khi người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì tội phạm đã hoàn thành. Tội này có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Trên đây là Điều 135 Bộ luật hình sự quy định về Tội cưỡng đoạt tài sản do Luật sư TGS Law tóm tắt và chọn lọc lại những ý chính để bạn đọc có thể hiểu rõ nhất. Nếu bạn vẫn chưa hiểu thì có thể liên hệ tới số Hotline: 1900.8698 hoặc truy cập và Website: Văn phòng luật sư tư vấn miễn phí. Mọi thắc mắc của bạn đọc sẽ được chúng tôi giải đáp đầy đủ và chi tiết nhất.