Tội phạm rất nghiêm trọng là gì? Tội phạm rất nghiêm trọng theo Bộ luật hình sự?

1. Tội phạm rất nghiêm trọng là gì?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì: “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là trên 7 năm tù đến 15 năm”.

Tội phạm rất nghiêm trọng trong tiếng Anh là “very serious crime“.

2. Tội phạm rất nghiêm trọng theo Bộ luật hình sự:

2.1. Tội giết người:

Giết người là hành vi tước đoạt mạng sống của người khác trái pháp luật. Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Tội phạm giết người thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và có thể bị kết án 07 năm đến 15 năm nếu không thuộc các trường hợp sau đây:

– Giết 02 người trở lên;

– Giết người dưới 16 tuổi;

– Giết phụ nữ mà biết là có thai;

– Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

– Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

– Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

– Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

– Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

– Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

– Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

– Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

– Thuê giết người hoặc giết người thuê;

– Có tính chất côn đồ;

– Có tổ chức;

– Tái phạm nguy hiểm;

– Vì động cơ đê hèn.

2.2. Tội hiếp dâm:

Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự 2015. Hành vi khách quan của tội hiếp dâm được thực hiện qua 2 nhóm hành vi:

– Nhóm hành vi thứ nhất là nhóm hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác.

Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:

+ Ngưòi bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật… dẫn đến không thể chống cự được);

+ Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác… dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).

Thủ đoạn khác ở đây có thể là đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

– Nhóm hành vi thứ hai là nhóm hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

Theo đó, giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

Còn hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

+ Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

+ Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Tội phạm hiếp dâm thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức;

– Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

– Nhiều người hiếp một người;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Đối với 02 người trở lên;

– Có tính chất loạn luân;

– Làm nạn nhân có thai;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

– Tái phạm nguy hiểm.

2.3. Tội cướp tài sản:

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015. Hành vi khách quan của tội cướp tài sản là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội cướp thì ngay từ khoản 1, tội phạm được thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì tội phạm sẽ được chuyển sang khoản 2 với mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

– Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

– Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Tái phạm nguy hiểm.

2.4. Tội mua bán trái phép chất ma túy:

Tội mua bán trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, mua bán trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không kể có thu lợi hay không).

+ Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

+ Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

+ Tàng chữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác (nếu không có mục đích bán lại cho người khác thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy).

+ Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác (nếu không có mục đích bán lại cho người khác thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy).

+ Dùng chất ma túy (thay cho tiền) nhằm trao đổi thanh toán trái phép (chẳng hạn mua hàng hóa rồi dùng chất ma túy để trả thay vì trả tiền).

+ Dùng tài sản không phải là tiền (như vàng, xe gắn máy…) nhằm đem trao đổi, thanh toán…lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác.

Tội mua bán trái phép chất ma túy thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Mua bán với 02 người trở lên;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

– Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

– Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

– Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

– Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

– Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

– Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

– Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

– Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

– Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;

– Tái phạm nguy hiểm.

2.5. Tội tham ô tài sản:

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, tham ô tài sản là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tội tham ô tài sản thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức;

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

– Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

Ngoài những tội phạm trên đây thì trong Bộ luật hình sự còn rất nhiều loại tội phạm rất nghiêm trọng khác xâm phạm đến đa dạng các quan hệ xã hội trong đời sống.

Có thể thấy, sự phân hóa tội phạm là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong các ngành luật khác có liên quan các quy định thể hiện sự phân hóa trong chống các loại tội phạm khác nhau. Đó là căn cứ pháp lý thống nhất để các chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi áp dụng luật hình sự.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.