Dân số Việt Nam tăng hơn 800.000 người trong năm 2023

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023. Theo đó, đến hết năm 2023, dân số trung bình năm 2023 ước tính 100,3 triệu người, tăng 834.800 người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022.

Kết thúc năm 2023, dân số của Việt Nam là 100,3 triệu người. Ảnh minh họa

Trong đó, dân số thành thị 38,2 triệu người, chiếm 38,1%; dân số nông thôn 62,1 triệu người, chiếm 61,9%; nam 50,0 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 50,3 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2023 là 99,5 nam/100 nữ.

Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi.

Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, tuy nhiên lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2. Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước.

Bên cạnh đó, tổng tỷ suất sinh năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Tỷ suất sinh của Việt Nam thấp hơn trung bình của các nước Đông Nam Á (2,0 con/phụ nữ). Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn ở mức cao. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái.

Dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.

Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là “con một” trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.