Bị trật khớp cổ tay phải làm sao? Bao lâu thì khỏi?

Khi bị sai khớp cổ tay, người bệnh cần phải được xử trí đúng cách nhằm tránh những tai biến có thể xảy ra. Vậy trật khớp cổ tay phải làm sao? Một số lưu ý khi bị trật khớp cổ tay bao gồm:

  • Cho người bệnh dừng lại mọi hoạt động, không di chuyển bệnh nhân đi chỗ khác.
  • Sử dụng chườm đá thật nhẹ nhàng lên chỗ bị trật khớp để giúp giảm đau cho người bệnh. Tuy nhiên không sử dụng đá lạnh chườm trực tiếp vào vết thương mà cần quấn qua lớp khăn tránh hiện tượng bỏng lạnh.
  • Không tự ý nắn khớp bị trật về vị trí ban đầu nếu người sơ cứu không có chuyên môn y học.
  • Giữ nguyên vết thương bằng cách sử dụng gạc hoặc vải để buộc lại.
  • Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được thăm khám và can thiệp đúng cách.

Khi bị trật khớp cổ tay, nếu không được xử trí đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng như:

  • Gãy xương: trật khớp có thể đi kèm với gãy xương.
  • Chảy máu: Chảy máu thường đi kèm với những tổn thương tại mô mềm nghiêm trọng.
  • Tổn thương mạch máu: Một số trường hợp bị trật khớp cổ tay dạng kín có thể dẫn tới thiếu máu cục bộ ở ngoại vi. Tổn thương mạch máu có thể xuất hiện trên lâm sàng vài giờ sau chấn thương.
  • Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh có thể bị tổn thương do căng giãn khi trật khớp hoặc có thể bị đứt trong trật khớp hở
  • Nhiễm trùng: Bất kỳ tổn thương nào tại khớp cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ nhiễm trùng cao phụ thuộc về những bệnh nhân trật khớp hở hoặc phải phẫu thuật. Nhiễm trùng cấp tính có thể dẫn tới viêm xương và rất khó điều trị khỏi.
  • Mất vững: Sai khớp cổ tay có thể dẫn tới sự mất vững khớp. Sự mất vững của khớp có thể làm mất chức năng và tăng nguy cơ thoái hóa khớp
  • Cứng khớp và hạn chế vận động: Nếu khớp cổ tay bị bất động quá lâu thì tình trạng cứng khớp sẽ xảy ra sớm hơn. Đặc biệt, khớp cổ tay rất dễ bị cứng khớp sau chấn thương, nhất là ở người cao tuổi.
  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp xuất hiện chủ yếu khi mạch máu nuôi khớp bị tổn thương.