Đặc điểm tâm lý của trẻ em độ tuổi nhi đồng và vị thành niên

Là giai đoạn có nhiều biến động, phát triển phức tạp hơn các giai đoạn trước. Các nội tiết tố sinh trưởng và sinh sản phát triển, chuẩn bị cho dậy thì. Trẻ từ 10 – 19 tuổi lớn lên nhanh và thay đổi rõ rệt về thể chất, tâm sinh lý. Hệ thần kinh thực vật phát triển, trẻ hay có cảm giác hồi hộp, khó thở… Trẻ quan tâm đến sự thay đổi cơ thể mình.

Phát triển tâm lý có khuynh hướng tự lập, nó sẽ kích thích tính độc lập, sáng tạo trong học tập và hoạt động. Sự bắt chước đã mang tính chất lựa chọn, nhưng đối tượng mà trẻ bắt chước vẫn mang tính cụ thể và đồng nhất với nhân vật. Chọn đó là thần tượng của mình và noi theo. Do đó, sự noi gương tính trung thực, giản dị, khiêm tốn của người lớn sẽ có tác dụng giáo dục trẻ, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị…

Tuổi vị thành niên có tính tự trọng cao, khá nhạy cảm với những gì xúc phạm đến khuynh hướng tự lập của mình. Những lời trách mắng nặng nề sẽ bị trẻ phản ứng lại mạnh mẽ, hay giận dỗi bỏ đi hoặc ngấm ngầm căm tức. Do đó, trẻ không nghe và làm theo những điều khuyên bảo, ngay cả điều đúng, chỉ nghe theo người đồng cảm với mình. Do đó, nhân cách được hình thành ở giai đoạn trước dễ bị phá vỡ để xây dựng một nhân cách mới, trên cơ sở nhân cách cũ.

Trong giai đoạn này, trẻ tham gia những nhóm bạn thân cùng sở thích, đồng cảm… Tính trung thực với nhóm bạn bè được đánh giá cao, sự phản bội được coi là thấp hèn. Do đó, thầy cô, bố mẹ phải quan tâm đến cơ sở kết bạn của trẻ.

Nhân cách được hình thành một cách khá hoàn chỉnh, biểu hiện khá ổn định như nếp sống, thói quen về đạo đức. Tư duy của trẻ cũng đạt đến trình độ suy luận khá hợp lý. Trẻ xây dựng cho mình những chuẩn mực, giá trị xã hội là cơ sở cho hành vi có ý thức của mình

  • Xem thêm: Trẻ thế nào được coi là dậy thì sớm?