Bạn đang thắc mắc trình tự xét xử vụ án hình sự gồm những giai đoạn nào? Quy trình xét xử vụ án hình sự diễn ra ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.
1. Trình tự xét xử vụ án hình sự gồm những giai đoạn nào?
Trình tự xét xử một vụ án hình sự theo quy định hiện nay có bảy giai đoạn, gồm:
Bạn đang xem: Các giai đoạn xét xử vụ án hình sự
- Khởi tố vụ án hình sự;
- Điều tra vụ án hình sự;
- Truy tố vụ án hình sự;
- Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;
- Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự;
- Thi hành bản án và quyết định của Tòa án;
- Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án hình sự mà có những vụ án hình sự sẽ không trải qua đầy đủ các giai đoạn nêu trên, một vụ án hình sự thường sẽ qua năm giai đoạn cơ bản là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
2. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
2.1. Khái niệm
Tố giác về tội phạm được quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 đó là việc các nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, các nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
2.2. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm;
Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
- Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
- Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2.3. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thành việc tiếp nhận.
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
Công an phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan có thẩm quyền.
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận; lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Các cơ quan, tổ chức khác sau khi được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
2.4. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Nếu các dấu hiệu của tội phạm đã rõ ràng;
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự: Nếu không có dấu hiệu tội phạm;
- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Chưa thể kết luận về tố giác, tin báo tội phạm, kiện nghị khởi tố vì phải chờ kết quả của hoạt động tố tụng khác.
Lưu ý:
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.
Xem thêm : Tin tức
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trường Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi kết thúc thời hạn kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
- Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra xác minh nguồn tin;
- Khám nghiệm hiện trường;
- Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
3. Khởi tố vụ án hình sự
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 thì chỉ được khởi tố vụ án khi xác định được dấu hiệu tội phạm trên một trong những căn cứ sau:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo của phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú.
Quyết định khởi tố vụ án là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều tra. Các hoạt động điều tra và việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải làm sáng tỏ những tài liệu đầu tiên, xác định hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tội phạm, thu thập những vật chứng và những tình tiết có giá trị cho việc phát hiện tội phạm thì tiến hành khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản; trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì giữ người hoặc bắt người trước khi khởi tố vụ án.
4. Điều tra vụ án hình sự
Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng mọi biện pháp để xác định tội phạm. Khi đủ chứng cứ, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố.
Trường hợp đặc biệt đối với thủ tục rút gọn thì chỉ cần ra quyết định đề nghị truy tố.
Thẩm quyền điều tra thuộc về:
- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
- Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Để đảm bảo cho quá trình điều tra được xử lí một cách nhanh chóng, kịp thời, pháp luật hình sự đã quy định rõ thời hạn điều tra tại Khoản 1 Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
- Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
- Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Tuy nhiên, do nhiều vụ án có tính chất phức tạp, được thực hiện trên quy mô lớn, nhiều đối tượng tham gia thì vụ án đó được gia hạn thời hạn điều tra. Thời hạn gia hạn được quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
3. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
4. Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, nhập vụ án thì tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Truy tố
Truy tố vụ án hình sự do Viện kiểm sát thực hiện.
Xem thêm : Khoa học tự nhiên không bao gồm lĩnh vực nào sau đây?
Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
- Truy tố bị can trước Tòa.
- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.
- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trong trường hợp cần thiết thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng:
- Không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng;
- Không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
6. Xét xử vụ án hình sự
6.1. Quy trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 thì việc Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự cần phải được tiến hành theo quy trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự như sau:
Bước 1: Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án:
- Tòa án kiểm tra và xử lý bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo do viện kiểm sát giao và nếu đầy đủ thì tiến hành thụ lý vụ án.
- Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
- Đưa vụ án ra xét xử;
- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
- Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 2: Giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa
- Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải quyết các yêu cầu, đề nghị:
- Yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án;
- Đề nghị của bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín;
- Đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng mặt tại phiên tòa.
- Nếu xét thấy yêu cầu, đề nghị có căn cứ thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này và thông báo cho người đã yêu cầu, đề nghị biết; nếu không chấp nhận thì thông báo cho họ bằng văn bản nêu rõ lý do.
Bước 3: Thực hiện thủ tục bắt đầu phiên tòa.
- Chuẩn bị khai mạc phiên tòa;
- Khai mạc phiên tòa;
- Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản;
- Cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng;
- Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt.
Bước 4: Tiến hành thủ tục tranh tụng tại phiên tòa
- Công bố bản cáo trạng;
- Tiến hành xét hỏi và kết thúc việc xét hỏi;
- Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa; Kiểm sát viên tiến hành luận tội;
- Tiến hành tranh luận tại phiên tòa;
- Tiếp tục xét hỏi;
- Bị cáo nói lời sau cùng.
Bước 5: Nghị án và tuyên án
- Nghị án: Sau khi kết thúc tranh luận, hội đồng xét xử vào phòng nghị án để thảo luận về quyết định bản án, tiến hành xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến luận tội của viện kiểm sát, lời bào chữa, ý kiến của bị cáo, người có lợi ích cần được giải quyết trong vụ án. Thành viên hội đồng xét xử tiến hành biểu quyết các vấn đề của vụ án theo đa số.
- Tuyên án: Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.
- Trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án.
6.2. Quy trình xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 thì việc xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xem xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Theo đó, trình tự thủ tục phiên tòa phúc thẩm hình sự được tiến hành theo các bước như sau:
6.2.1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
- Chuẩn bị khai mạc phiên tòa;
- Khai mạc phiên tòa;
- Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản: Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ;
- Cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng;
- Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt.
6.2.2. Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm
- Công bố bản cáo trạng;
- Một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
- Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
- Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố;
- Hỏi bị cáo; Hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; Hỏi người làm chứng;
- Xem xét vật chứng;
- Trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức;
- Tranh luận tại phiên tòa:
- Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
- Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
- Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
- Ra quyết định Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự.
6.2.3. Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
- Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
- Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có). Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định.
Lưu ý:
Khi xét xử Hội đồng xét xử chỉ xem xét xử lại những phần bị kháng cáo, kháng nghị trong bản án của tòa sơ thẩm, nhưng trên cơ sở xem xét toàn bộ vụ án.
Tòa phúc thẩm có thể ra một trong các quyết định sau: bác kháng cáo, kháng nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa án sơ thẩm; hủy án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại; hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
7. Thi hành bản án và quyết định của Tòa án
Trong quá trình này, cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Áp dụng các biện pháp cưỡng chế những người có hành vi vi phạm pháp luật thi hành bản án quyết định đối với các hình phạt như: hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân; tử hình; cải tạo không giam giữ; tịch thu tài sản; cấm huy động vốn kinh doanh; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc một số ngành nghề nhất định; cấm cư trú, trục xuất,…
8. Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thuộc một trong các căn cứ sau đây:
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi nào ra bản án, quyết định đó.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
- Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ.
- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.
- Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
9. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021;
- Thông tư: 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề trình tự xét xử vụ án hình sự. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp