Cơ cấu lại nền kinh tế: Ưu tiên ngành, lĩnh vực nào?

trong cac co cau kinh te cua nen kinh te co cau kinh te quan trong nhat la 1

Việc hoạch định các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế đòi hỏi phải phân tích rõ quy mô của từng ngành, hiện trạng của từng lĩnh vực cụ thể. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Thanh Huyền

Mới hoàn thành 37/102 nhiệm vụ

Sáng nay (11/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 27, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu, khai mạc vào ngày 23/10 tới. Nhiều nội dung về kinh tế – xã hội, trong đó có việc đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, sẽ được đặt lên bàn nghị sự.

Tại Nghị quyết số 31/2021/QH15, Quốc hội đề ra 7 nhóm mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025 với 27 chỉ tiêu cụ thể.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nêu rõ, ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội, giao 30 chỉ tiêu và 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án, cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả sơ bộ sau gần 2 năm thực hiện cho thấy, có khoảng 10 trong số 23 chỉ tiêu (có thông tin đánh giá) có khả năng hoàn thành. Một số chỉ tiêu đạt kết quả khả quan như tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng.

“Khả năng đạt được 13 chỉ tiêu còn lại gặp thách thức rất lớn, thậm chí có một số chỉ tiêu rất khó đạt, đặc biệt là các chỉ tiêu quan trọng như tăng năng suất lao động, số lượng doanh nghiệp. Các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại tổ chức tín dụng, mặc dù cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng khả năng hoàn thành mục tiêu gặp nhiều khó khăn”, Chính phủ đánh giá.

Về hạn chế, Chính phủ nhìn nhận, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Mức độ cải thiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 2021-2022 là 4,7%, năm 2023 ước tăng 4%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình giai đoạn 2016-2020 (5,9%). Tỷ trọng công nghiệp chế biến – chế tạo trong GDP tăng chậm, năm 2021 là 24,3%, năm 2022 là 24,7%.

“Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới”, Chính phủ đánh giá.

Đáng chú ý, báo cáo đề cập một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế rất quan tâm, đó là phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm, năng lực hấp thụ vốn giảm. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng chậm lại, quy mô còn nhỏ, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa theo kịp tiến trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số. Doanh nghiệp tư nhân trong nước tuy đã từng bước tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhưng chủ yếu vẫn ở những giai đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, liên kết giữa doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa có nhiều cải thiện.

Về các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

“Tập trung nguồn lực sửa đổi, bổ sung và xây dựng hệ thống pháp luật mới nhằm khai thác tốt hơn các cơ hội mới, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa, tuần hoàn”, Chính phủ nêu định hướng.

trang2

Ưu tiên bất động sản, năng lượng

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cho rằng, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Nghị quyết số 31/2021/QH15 yêu cầu tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Minh Sơn, Chính phủ chưa đi sâu phân tích, đánh giá khả năng thực hiện, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực này đến hết năm 2023 và dự kiến khả năng hoàn thành đến hết năm 2025 và chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

“Giải ngân chậm, quy hoạch chậm, số hóa chậm, thu chi đều không đạt yêu cầu, các ngành, lĩnh vực không có điểm sáng, phải nhìn thực tế là như vậy”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) nhận xét khái quát.

Nhìn rộng hơn, ông Trúc Anh nêu hàng loạt vấn đề chưa thấy thể hiện ở báo cáo, như thiếu hụt điện năng giải quyết thế nào, rồi thị trường bất động sản quá yếu kém không quản lý được, tín dụng “tiếp máu” cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp rất khó khăn… đều cần có câu trả lời.

Theo ông Trúc Anh, phải nhìn thấy quy mô của nền kinh tế và quy mô của từng ngành như thế nào, hiện trạng của từng lĩnh vực cụ thể ra sao, không bắt mạch cụ thể được, nên đưa ra giải pháp thực sự rất khó.

“Báo cáo cứ nói đầu tư vào giao thông hoành tráng như thế, thì cụ thể đã giảm được bao nhiêu phần trăm chi phí logistics cũng không đánh giá được”, ông Trúc Anh lấy ví dụ.

Trong những năm tới, ông Trúc Anh cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế cần tập trung vào điện, năng lượng và bất động sản. Trong đó, thiếu hụt năng lượng là vấn đề sống còn.

“Phải giải quyết như thế nào khi năng lượng tái tạo không hòa vào lưới điện quốc gia, không ổn định, không tạo lợi thế cạnh tranh. Điện hạt nhân có triển khai tiếp không. Bên cạnh đó, phải kiểm soát bằng được thị trường đất đai, đặc biệt là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu, tín dụng, nếu làm được sẽ là cơ hội lớn cho phát triển”, ông Trúc Anh nêu quan điểm.

Riêng về bất động sản, nhấn mạnh nếu không kiểm soát được thì gây thất thoát lớn, đại biểu Trúc Anh cho rằng, cần học tập kinh nghiệm từ nhiều chính sách thuế các nước đang áp dụng.

“Tôi lấy ví dụ đơn giản, một bà bán nước vô tình có đất ở vị trí kim cương, nhưng bà ấy chỉ muốn bán nước, mà chúng ta không có cơ chế nào để phát huy đúng tính chất của mảnh đất kim cương đó, nếu vẫn chỉ bán nước, thì không thể là đất kim cương được”, vị đại biểu Hà Nội nêu.

Nhất trí với đại biểu Trúc Anh, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo nên bắt đầu từ tổng thể xem quy mô nền kinh tế ở mức độ nào có so sánh với khu vực và thế giới, các ngành lĩnh vực nào còn yếu còn kém, từ đó đưa ra giải pháp.

“Trong tái cơ cấu nền kinh tế, cần xác định ưu tiên ngành, lĩnh vực nào trong giai đoạn 2023-2025. Có ưu tiên cho năng lượng không? Trong dịch vụ thì ưu tiên gì, cho logistics, du lịch…? Cá nhân tôi cho rằng, cần ưu tiên logistics. Phải làm rõ vấn đề trên mới có thể rõ ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nào”, chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm.