Phân Biệt Sự Khác Nhau Giữa Trọng Lượng Và Khối Lượng

So Sánh Phân Biệt Sự Khác Nhau Giữa Trọng Lượng Và Khối Lượng

Trọng lượng và khối lượng là hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn, hiện nay nhiều giấy tờ của cơ quan nhà nước thậm chí các bài viết khoa học vẫn dùng sai giữa chúng. Vậy sự khác nhau giữa trọng lượng và khối lượng là gì ở bài viết này sẽ phân biệt rõ ràng định nghĩa cũng như bản chất so sánh điểm giống khác nhau giữa khối lượng và trọng lượng.

Chắc chắn rồi, không phải tự nhiên mà khoa học có hai khái niệm khác nhau như vậy. Tuy nhiên nhiều người thậm chí nhiều cơ quan kiểm soát, đo lường vẫn dùng bừa, trường hợp đáng lẻ phải là khối lượng lại dùng trọng lượng. Ví dụ hình ảnh dưới đây được chụp từ tờ mã vạch thông quan của Cục Hải quan TPHCM – Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó cân nặng của hàng hóa nhập khẩu thực tế là 391,5kg được cho là “Trọng lượng hàng”

Dùng trọng lượng thay vì khối lượng trong tờ mã vạch thông quan

Để xem trong trường hợp cụ thể trên dùng trọng lượng là đúng hay sai, ta cũng tìm hiểu so sánh để phân biệt sự khác nhau giữa trọng lượng và khối lượng.

Về Khái niệm

– Khối lượng của vật chỉ lượng chất tạo thành vật đó. Đơn vị là Kilogam (kg)

– Trọng lượng của vật là cường độ của trọng lực tác dụng lên vật đó. Nó phụ thuộc vào khối lượng của vật và gia tốc trọng trường. Đơn vị là Newton

Như vậy qua khái niệm ta cũng có thể thấy sự khác nhau giữa khối lượng và trọng lượng

– Khối lượng của một vật chỉ tính chất của vật đó nên ở mọi nơi kể cả trong môi trường chân không, dù dưới đáy đại dương hay có vượt qua tầng đối lưu của trái đất hoặc bay ra khỏi trái đất này đi nữa thì khối lượng vẫn không thay đổi.

– Trọng lượng thì lại khác khối lượng, nó thường biến và phụ thuộc vào khối lượng và gia tốc trọng trường, đương nhiên nếu xét trên một vật cụ thể thì khối lượng là cố định vậy lúc này trọng lượng chỉ còn phụ thuộc vào gia tốc trọng trường ký hiệu là g

Từ đây ta có công thức liên quan giữa khối lượng và trọng lượng :

P = mg

trong đó : P là trọng lượng của một vật, m là khối lượng của một vật và g là gia tốc trọng trường

Giá trị g theo quy ước trong chương trình phổ thông cơ sở là 9,81m/s2 tuy nhiên thực tế giá trị gia tốc trọng trường thay đổi theo độ cao tại những nơi chịu lực hút của trái đất. Ví dụ một chiếc máy bay có cân nặng 1000kg thì khi ở sân bay khối lượng nó vẫn 1000kg còn trọng lượng sẽ bằng 1000kg nhân cho giá trị g tại sân bay và khi máy bay cất cánh đến độ cao 9km thì khối lượng vẫn 1000kg nhưng trọng lượng sẽ khác đi bởi giá trị g lúc này đã thay đổi.

Trở lại câu chuyện Cục Hải quan TPHCM – Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất, cụ thể ở đây là lô hàng BƠM TORISHIMA được nhập từ Nhật về Việt Nam và kiện hàng có cân nặng 391,5kg tuy nhiên trên giấy tờ thì cục Hải quan lại cho rằng đó là trọng lượng hàng, điều đó xin được không bàn luận thêm bởi nước trong quá thì cá khó sống, nếu đó là câu nói của người bán cá bán gạo ở chợ thì không sao bởi dù sao họ cho là trọng lượng hàng hay khối lượng hàng thì vẫn không quan trọng bằng giá bán bao nhiêu, hàng chất lượng hay không!