Ngay từ thế kỷ 18, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn đã tổng kết và đề ra bốn nguyên lý trị nước: “Phi nông bất ổn – Phi công bất phú – Phi thương bất hoạt – Phi trí bất hưng”. Đặc biệt, để nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của nguyên lý thứ tư, ông còn nêu ra một khảo dị: “Phí trí tắc vong”. Điều đó có nghĩa là: không có trí thức, không có hiền tài, hoặc không biết sử dụng trí thức, hiền tài, thì chắc chắn là mất nước, chứ không chỉ đơn giản là đất nước không hưng thịnh. 300 năm sau, trong thời đại mà sự cạnh tranh giữa các quốc gia, địa phương không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên, dựa vào nguồn nhân công giá rẻ, mà cạnh tranh dựa vào sức mạnh của tri thức, soi lại vẫn còn nguyên giá trị.
Trong chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, có thể nhận thấy rằng người trí thức chỉ hình thành khi có đủ hai quá trình: Thứ nhất là quá trình tích lũy tri thức. Trong đó, yêu cầu người trí thức phải tích lũy tri thức liên tục, tích lũy trong mọi hoàn cảnh, và phải tích lũy thật sâu tri thức thuộc một lĩnh vực chuyên biệt mà mình theo đuổi. Đồng thời, người trí thức cũng dần dần phải tìm hiểu được các quy luật phổ biến và vĩnh hằng đang chi phối cuộc sống nhân loại. Bởi chính nhờ việc hiểu rõ một số quy luật, người trí thức mở rộng sự hiểu biết của mình sang các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn. Quá trình đào sâu và mở rộng tri thức cũng vẫn là quá trình tích lũy, nhưng đòi hỏi người trí thức ở trình độ cao hơn, nhiều sáng tạo hơn và liên tục, không có điểm dừng. Thứ hai là quá trình chia sẻ tri thức. Người trí thức phải chia sẻ kiến thức của mình đã tích lũy, qua đó đóng góp nhiều hơn và tốt hơn cho cuộc sống hiện tại. Người trí thức không đơn thuần là nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình, mà hơn hết, thước đo nhân cách của nhà trí thức là mang lại hạnh phúc cho cộng đồng xã hội. Quá trình chia sẻ của trí thức có thể ở bục giảng hay trong các phòng thí nghiệm, trong các cuộc hội thảo khoa học. Nhà trí thức sẽ hóa thân thành trung tâm trí tuệ để tiếp thu tri thức cộng đồng. Nhà trí thức lúc đó không còn là một cái tôi bé nhỏ. Họ trở thành các trung tâm trí tuệ không ngừng mở rộng, không ngừng thu nạp thêm tri thức mới, không ngừng tỏa sáng truyền bá hiểu biết đến những góc khuất của cuộc sống. Ngày nay, khi khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, loài người đang bước vào thời đại kinh tế tri thức, trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người trở thành nguồn lực quan trọng nhất quyết định hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, của mỗi địa phương thì vai trò của đội ngũ trí thức lại càng quan trọng và có tính quyết định. Xã hội hiện đại là xã hội tri thức và tri thức nhân loại thì tăng với cấp số nhân. Những thay đổi về kiến thức diễn ra trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của khoa học công nghệ và kỷ nguyên xa lộ thông tin. Do đó, người trí thức không nên tự bằng lòng về những kiến thức đã có mà cần phải tiếp cận kho tàng tri thức mới.
Bạn đang xem: Trí thức trong nền kinh tế tri thức
Thời đại tri thức, nhiều quan niệm, khái niệm thay đổi và xuất hiện mới. Những vấn đề về chính trị, hành chính, kinh tế, khu vực tư pháp, pháp lý, xã hội học, văn hóa dân tộc và sự dung hòa các nền văn hóa khác nhau, vấn đề quốc gia, dân tộc, quản trị công… đòi hỏi có cách tiếp cận mới. Tự bằng lòng, tự chấp nhận với bản thân sẽ là lực cản ngáng đường đi tới không chỉ riêng người trí thức, của người lãnh đạo mà cho cả xã hội.
Ngày nay, khái niệm “nền kinh tế tri thức” được nói đến nhiều dưới những cách diễn đạt khác nhau. Các quan điểm cơ bản cho rằng nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó, sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất giúp phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Nền kinh tế tri thức “là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng” hay “Là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin”… Từ cách hiểu trên, có thể kết luận rằng, muốn xây dựng một nền kinh tế tri thức thì cần phải có nhiều tri thức, nhiều người sáng tạo, sở hữu và truyền bá tri thức, hoặc đơn giản có nhiều người lao động trí óc, trong đó có nhiều nhà trí thức.
Như vậy, ở những vị trí, vai trò khác nhau, người trí thức có những đóng góp khác nhau cho xã hội. Theo đó, đối với trí thức là cán bộ lãnh đạo, luôn vắt óc suy nghĩ đúc kết thực tiễn, phát hiện quy luật, dự đoán tình hình, nắm bắt cái mới, tìm ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho phù hợp tình hình mới, làm cho ngành, cho xã hội phát triển lên tầm cao mới. Còn, đối với trí thức là cán bộ quản lý,phải trăn trở tìm giải pháp mới cho nhiệm vụ mới, phù hợp với hoàn cảnh mới. Đồng thời, có kế hoạch hành động thật cụ thể, tỉ mỉ trong việc tổ chức điều khiển, phối hợp và kiểm tra. Đối với trí thức là các doanh nhân, yêu cầu phải nhạy bén tìm kiếm và nắm bắt thị trường, chèo lái con thuyền ra biển lớn và mang sản phẩm của dân mình đi cạnh tranh thắng lợi khắp năm châu trong thời kỳ tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đối với trí thức là các thầy, cô giáo, đòi hỏi phải tư duy phát triển không ngừng để đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với xu thế phát triển, làm tốt chức năng “người kỹ sư tâm hồn”, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo một nguồn nhân lực đủ năng lực trí tuệ và kiến thức để tiến vào nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, đứng ở vai trò người thầy thuốc, người trí thức – thầy thuốc phải tìm phương án phòng bệnh và chữa bệnh hữu hiệu nhất với công nghệ hiện đại thực hiện tốt việc bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đối với trí thức là các văn nghệ sĩ, nhà báo, phải kịp thời sáng tạo ra những tác phẩm mới phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Đối với trí thức trong lực lượng bảo vệ an ninh, quốc phòng, phải luôn trăn trở, suy nghĩ để “biết địch, biết ta, nhằm trăm trận trăm thắng”. Với trí thức là cán bộ khoa học – công nghệ, yêu cầu luôn thi thố tài năng để có nhiều công trình, phát minh, “đi tắt, đón đầu” áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại để đuổi kịp các nước tiên tiến. Đối với trí thức là các công chức thừa hành, luôn đào sâu suy nghĩ tìm cách cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu suất công tác. Đối với đội ngũ dự bị trí thức là các học sinh, sinh viên phải suy nghĩ thấu đáo, xác định đúng mục tiêu học tập, tìm thấy trong sự học niềm say mê, hứng thú, từ đó tích luỹ tri thức và đưa tri thức phục vụ xã hội…
Xem thêm : CÔNG TY KẾ TOÁN THIÊN ƯNG dạy học kế toán thực hành thực tế
“Phi trí bất hưng”, vai trò của người trí thức đã được khẳng định ở mọi thời đại. Ý thức được vai trò làm chủ đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức chúng ta ngày nay ngày càng xác định rõ vị trí quan trọng và trách nhiệm thiêng liêng của mình, đang ngày đêm nghiên cứu, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Xu thế toàn cầu hóa đang thôi thúc mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới cùng vào cuộc thực hiện những ý tưởng mang tính quyết định đối với số phận của dân tộc mình. Trong cuộc đua đó, thời gian sẽ xác định rõ nước nào tiến bộ, nước nào lạc hậu; nước nào thành công, nước nào thất bại… Với riêng chúng ta, trí thức ngày xưa đã đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh vĩ đại dựng nước và giữ nước. Trí thức ngày nay đang tham gia vào cuộc chiến đấu không kém phần cam go nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, phấn đấu cho sự phồn vinh của đất nước. Tri thức là nền tảng, là động lực và là cơ sở để nước ta hội nhập; chủ thể của tri thức không ai khác là đội ngũ trí thức – nguồn tài nguyên vô giá của quốc gia dân tộc. Trí thức Việt Nam phải làm sao để khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp