Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy là gì?

1. Căn cứ pháp lý

Điều 409 Chương XXV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy như sau:

“Điều 409. Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy

1. Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy

2.1. Khách thể của tội phạm

Điều 26 Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam quy định nghĩa vụ của người sỹ quan như sau:

“Điều 26. Nghĩa vụ của sĩ quan

Sĩ quan có nghĩa vụ sau đây:

1. Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham gia xây dựng đất nước, bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”

Theo đó, trực ban, trực chiến, trực chỉ huy là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người tham gia quân ngũ. Tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban xâm phạm nghiêm trọng một trong các chế độ quan trọng – chế độ trực chiến, trực chỉ huy, trực ban trong Quân đội, làm giảm sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Như vậy, khách thể của tội phạm là chế độ của Quân đội nhân dân Việt Nam và sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban thể hiện ở hành vi chấp hành không nghiêm chỉnh chế độ trực chiến, trực chỉ huy, trực ban gây hậu quả nghiêm trọng.

Chấp hành không nghiêm chỉnh chế độ trực chiến, trực chỉ huy, trực ban là chấp hành một cách lơ là, chậm trễ hoặc tuỳ tiện các quy định về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm nhiệm vụ trực chiến, trực chỉ huy và trực ban theo quy định của Điều lệnh quân đội.

Theo Từ điển tiếng Việt, trực ban là trực theo phiên làm việc để đảm bảo công tác được liên tục; trực chiến là luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu và trực chỉ huy là trong tư thế sẵn sàng điều khiển sự hoạt động của một lực lượng, một tập thể trong quân ngũ.

Do nhiệm vụ của người sỹ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, của Đảng và của nhân dân, công việc này xảy ra bất kể ngày đêm nên để duy trì thể lực cũng như đảm bảo hiệu quả công việc mà các chiến sỹ sẽ thay nhau luân phiên trực theo ca. Như vậy, trường hợp người sỹ quan không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về trực ban, trực chiến hay trực chỉ huy có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia.

Hậu quả nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm. Hậu quả này có thể là thiệt hại về vật chất (về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản) hoặc thiệt hại phi vật chất.

Trường hợp hậu quả nghiêm trọng không xảy ra, người thực hiện hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nhưng sẽ bị xử lý kĩ luật theo quy định tại Điều 24 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về việc áp dụng các hình thức kỉ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỉ luật trong Bộ Quốc phòng:

“Điều 24. Vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban, trực nghiệp vụ

1. Tự ý bỏ vị trí hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

2. Nếu đã bị xử lý kỷ luật mà còn tái phạm thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, đến giáng chức, cách chức.”

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm.

Họ chỉ có thể là:

“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.

2. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.

3. Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

4. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”

Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý, có thể là vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Theo Điều 11 Bộ luật Hình sự, vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

– Vô ý do quá tự tin : Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

– Vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

3. Hình phạt đối với người phạm tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy

Điều 409 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự.

Luật Hoàng Anh