CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Nghỉ việc tự đóng bảo hiểm xã hội được không? Là câu hỏi của rất nhiều lao động khi nghỉ việc. Ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, người lao động làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc còn có chế độ thai sản, ốm đau, chế độ BNN- TNLĐ… Khi nghỉ việc quyền lợi tham gia bảo hiểm bắt buộc của người lao động sẽ bị cắt.

Người lao động động sau nghỉ việc tự đóng BHXH được không?

Người lao động động sau nghỉ việc tự đóng BHXH được không?

1. Khi nghỉ việc tự đóng bảo hiểm xã hội được không?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

  • Cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; lực lượng quân đội…;

  • Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Mặt khác, căn cứ vào Khoản 4, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, người lao động khi nghỉ việc có thể tự đóng bảo hiểm cho mình. Tuy nhiên, khi tự đóng bảo hiểm xã hội người lao động phải tham gia BHXH dưới hình thức BHXH tự nguyện.

Do tham gia BHXH tự nguyện nên người lao động chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất mà mất đi chế độ thai sản, chế độ ốm đau, TNLĐ-BNN. Điều này sẽ khiến người lao động bị thiệt thòi hơn so với những lao động tham gia BHXH bắt buộc.

2. Phương án giải quyết có lợi nhất để hưởng BHXH khi nghỉ việc

Người lao động nghỉ việc mà vẫn muốn tham gia BHXH để hưởng quyền lợi thì nên làm như thế nào để có lợi nhất. Căn cứ theo quy định của pháp luật thì người lao động có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sau:

2.1 Trường hợp người lao động nghỉ việc để tìm việc mới

Căn cứ theo Điều 61, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Trong trường hợp người lao động nghỉ việc ở đơn vị cũ để tìm công việc mới tốt hơn, nên lựa chọn việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH. Việc bảo lưu thời gian này rất có lợi cho người lao động. Trong trường hợp khi tìm được việc làm mới người lao động sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc và nhận nhiều quyền lợi hơn so với việc tham gia BHXH tự nguyện.

Nghỉ việc bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc tiếp tục tham gia khi tìm được công việc mới.

Nghỉ việc bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc tiếp tục tham gia khi tìm được công việc mới.

Đồng thời, tại Khoản 5, Điều 3, Luật BHXH 2014 quy định về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH như sau:

  • Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng.

  • Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.

2.2 Trường hợp người lao động nghỉ hẳn và làm việc tự do

Trong trường hợp người lao động nghỉ hẳn, làm việc tự do và không ký kết hợp đồng lao động với bất kỳ đơn vị hay doanh nghiệp nào thì người lao động nên lựa chọn hình thức tham gia BHXH tự nguyện. Với hình thức tham gia BHXH này, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tiếp tục duy trì chế độ hưu trí và chế độ tử tuất cho người lao động. Ngoài ra người lao động còn được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia.

Căn cứ Theo Khoản 1, Điều 87, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Mức đóng BHXH tự nguyện được quy định bằng 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn.

Mức đóng BHXH tự nguyện được quy định bằng 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn

Như vậy:

  • Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng. Do vậy mức đóng BHXH thấp nhất ở thời điểm hiện tại là 154.000 đồng/tháng.

  • Mức lương cơ sởnăm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sẽ tiếp tục được giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Do vậy mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất là 6,556 triệu đồng/tháng.

Người lao động có thể lựa chọn không tham gia BHXH, tuy nhiên với lựa chọn này người lao động sẽ mất đi rất nhiều lợi ích, đặc biệt đối với người lao động đã gần đủ điều kiện nhận lương hưu.

Qua bài viết “Nghỉ việc có đóng BHXH được không?” hy vọng sẽ giúp người lao động giải quyết được những thắc mắc và lựa chọn được phương án phù hợp cho mình. Mọi thắc mắc hoặc để được tư vấn rõ hơn người lao động có thể liên hệ theo đường dây nóng của Bảo hiểm xã hội điện tử eBH: 1900.558.873 hoặc 1900.558.872 để được hỗ trợ tốt nhất.