Một số chính sách của Ấn Độ đối với nông dân
Cách mạng xanh lần một bắt đầu từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, thông qua các biện pháp kỹ thuật, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu và giống mới bằng lai tạo, làm tăng năng suất đáng kể cho các loại cây trồng, nhất là lúa mì và lúa gạo.
Bạn đang xem: Chính sách của Ấn Độ đối với nông nghiệp, nông dân và kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam – Tạp chí Cộng sản
Năm 1963, Ấn Độ nhập một số chủng lúa mì mới của Mêhico và xử lý chủng Sonora 64 bằng phóng xạ, đã tạo ra giống Sharbati Sonora, hàm lượng chất dinh dưỡng và chất lượng còn tốt hơn cả chủng Mêhico tuyển chọn, ngoài ra, còn các loại giống ngô, lúa,… Ấn Độ cũng nhập khẩu phân bón phục vụ cho việc nâng cao năng suất cây trồng và cải tạo hệ thống thủy nông, cung cấp lượng nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp. Kết quả là từ một nước có nạn đói kinh niên, không sao vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn lương thực, Ấn Độ đã trở thành một nước có đủ ăn và dư thừa để xuất khẩu với tổng sản lượng lương thực kỷ lục 60 triệu tấn/năm; tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa.
Cách mạng xanh lần hai bao gồm việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới có năng suất cao, chất lượng tốt, giống mới có khả năng chống chịu dịch bệnh, thích nghi với môi trường, khí hậu khắc nghiệt; quản lý và điều phối nguồn nước tưới tiêu bằng cách chuyển nước từ miền Bắc xuống miền Tây và miền Nam. Cuộc cách mạng xanh lần hai tập trung cải thiện vật tư đầu vào, dịch vụ cho nông dân, khuyến nông và phương pháp quản lý, nhằm bảo đảm thu nhập cho người dân. Nhờ đó, Ấn Độ tăng năng suất lương thực lên gấp 2 – 3 lần.
Cách mạng trắng được thực hiện ngay sau khi cuộc cách mạng xanh lần một kết thúc. Chính phủ Ấn Độ đã phát động một chương trình chăn nuôi bò sữa được gọi là Operation Flood (OF) 1971-1996 nhằm tổ chức các nhà sản xuất ở nông thôn thành các hợp tác xã, để họ có một thị trường đảm bảo, giá cả có lợi. Năm 1989, Chính phủ Ấn Độ còn phát động chương trình Technology Mission on Dairy Development (TMDD) phối hợp chương trình đầu vào và đầu ra cho ngành chăn nuôi bò sữa nhằm nâng cao năng suất sản xuất sữa. Để bảo hộ sản xuất sữa trong nước trước sức mạnh cạnh tranh của thị trường thế giới, Chính phủ đã áp dụng thuế nhập khẩu cao, các hàng rào thuế quan, hạn chế định lượng nhập khẩu và xuất khẩu, các quy định cấp phép nghiêm ngặt. Kết quả Ấn Độ trở thành nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới với số lượng lên đến 500 triệu bò sữa. Phong trào chăn nuôi bò sữa của các hợp tác xã đã lan rộng khắp toàn quốc với 125.000 ngôi làng của 180 huyện ở 22 bang.
Cải cách kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 1991 – 1999: Chính phủ đã đưa ra kế hoạch tăng cường kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp; lập quỹ phát triển nguồn nước cho 100 khu vực được ưu tiên; chi 10 triệu USD cho chương trình cải tạo và khai thác đất hoang; quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng lương thực tại miền Đông và Đông Bắc, mở rộng và củng cố các hợp tác xã; thành lập trung tâm dự báo mùa màng quốc gia nhằm giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất; sửa đổi luật hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ việc tích trữ và buôn bán các loại nông sản nhằm ổn định thị trường; xây dựng Chương trình quốc gia về công nghiệp hóa nông thôn triển khai ở 100 nhóm làng xã mỗi năm; từ tháng 4-1995, thực hiện kế hoạch bảo hiểm toàn diện cho mùa màng, theo đó, phí bảo hiểm đ¬ược phân chia giữa các bang và trung ương, theo tỷ lệ 1/2.
Cải cách kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp lần hai từ năm 2000 đến nay: Ngày 28-7-2000, Chính phủ Ấn Độ công bố chính sách nông nghiệp mới với mục tiêu đạt tăng tưởng 4%/năm, gồm các nội dung chính: từ năm 2004-2010, đầu tư cho nông nghiệp tăng 7,5-7,7%; nâng cấp giống gia súc để đáp ứng nhu cầu về thịt, sữa, trứng,…; ưu tiên chăn nuôi gia súc, gia cầm, thực hiện đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp; ưu tiên điện khí hóa nông thôn và thủy lợi; thực hiện kế hoạch nhằm liên kết toàn bộ các con sông lớn của đất nước bằng hệ thống kênh, đập chắn, hồ chứa; xây dựng một chiến lược toàn diện để kiểm tra, giám sát và bảo quản, giảm những tổn thất và lãng phí từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản và phân phối nông sản; bãi bỏ những hạn chế trong việc vận chuyển, dự trữ lương thực và dầu ăn, cho phép tự do xuất khẩu lúa mì, gạo,…; thành lập các khu “nông nghiệp xuất khẩu”; đầu tư 22 triệu USD vào những khu vực sản xuất nông nghiệp lớn; giành khoản ngân sách 16 tỷ USD/năm để thực hiện các biện pháp giảm thiệt hại sau thu hoạch;… Ở cả 25 bang và 7 lãnh thổ trực thuộc trung ương của Ấn Độ đều có trường Đại học Nông nghiệp với môi trường học tập tốt, đội ngũ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao. Tích tụ ruộng đất được tiến hành thông qua các hợp đồng và chế độ cho thuê đất, vì vậy, nông dân có thể tăng cường đầu tư về kỹ thuật, vốn và nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống các ngân hàng thương mại phục vụ nông nghiệp cũng ngày càng tốt hơn. Đến cuối năm 2004, Ấn Độ có 67.283 chi nhánh các ngân hàng thương mại, trong đó 32.178 chi nhánh ở khu vực nông thôn, chiếm 47,8%.
Tháng 2-2002, Chính phủ ban hành Luật về hàng hoá thiết yếu, bỏ những hạn chế về vận chuyển nông sản giữa các bang, để nông dân có thể bán được nông sản ở mức giá tốt nhất, củng cố các hợp tác xã ở nông thôn, tăng cường vai trò các hợp tác xã tín dụng, cung cấp đủ và kịp thời nguồn tín dụng, đáp ứng nguồn nước tưới. Tháng 5-2005, lại có thêm một kế hoạch đầu tư khoảng 3 tỷ USD để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp: Việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho nền nông nghiệp Ấn Độ tăng năng suất nhanh chóng. Nhờ công nghệ sinh học, việc tạo ra các giống cây trồng biến đổi gen và các đặc tính kháng được thuốc trừ cỏ, kháng sâu bệnh được dễ dàng hơn. Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất, Ấn Độ thực hiện thâm canh, tăng vụ; coi trọng công tác thủy lợi và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt,… Xây dựng hệ thống kho lạnh, dây chuyền vận chuyển đến thị trường để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng và giảm mức thất thoát đến mức nhỏ nhất, đặc biệt là trái cây và rau quả.
Xem thêm : BÁNH KEM BAO NHIÊU CALO? CÁCH ĂN BÁNH KEM KHÔNG BÉO
Kết quả và hạn chế
Từ năm 1984, Ấn Độ đã căn bản tự giải quyết nhu cầu lương thực, chấm dứt nạn đói, xuất khẩu gạo thuộc một trong vài nước cao nhất thế giới; sản xuất mía đường nhiều thứ hai thế giới; sản xuất và tiêu dùng chè nhiều nhất; đứng thứ sáu về sản xuất cà phê, năng suất cao su vào loại bậc nhất thế giới; thứ ba về sản xuất thuốc lá; thứ nhất về rau, thứ hai về hoa quả; đứng đầu về sản xuất, xuất khẩu gia vị; thứ 5 thế giới về sản xuất trứng, thứ 6 về sản xuất cá; … Từ chỗ phải nhập khẩu sữa, Ấn Độ trở thành quốc gia sản xuất sữa hàng đầu thế giới. Đó là những thành tựu to lớn của nông nghiệp Ấn Độ.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng của nông nghiệp vẫn thấp hơn mức tăng chung của nền kinh tế. Ví dụ, tăng trưởng GDP chung trong những năm gần đây đạt trên 8% thì nông nghiệp chỉ tăng trên 2%.
Các hệ lụy từ cuộc cách mạng xanh ngày càng bộc lộ rõ, như làm môi trường tự nhiên bị ô nhiễm và suy kiệt; góp phần cùng với các yếu tố khác dẫn đến sự biến đổi khí hậu theo hướng bất lợi cho cuộc sống con người. Những thay đổi trong nông nghiệp phá vỡ tính khép kín cộng đồng địa phương, đưa người nông dân đến với thị trường nhưng cũng buộc người nông dân phải phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty cung cấp giống, phân hóa học và thuốc trừ sâu. Cách mạng xanh cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người bất kể họ ở nông thôn hay thành thị. Vấn đề an toàn thưc phẩm, hiện tượng lương thực thực phẩm “bẩn” đã và đang trở thành mối lo ngại lớn không chỉ cho nông dân nước này.
Một số kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam
Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm Ấn Độ trên các phương diện sau:
– Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp
Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ kết hợp việc phát huy ngành nghề sản xuất truyền thống với việc áp dụng công nghệ thông tin. Ấn Độ được mệnh danh là cường quốc về công nghệ thông tin, vì thế họ đã tận dụng ngành khoa học này một cách triệt để vào việc phát triển nông nghiệp. Thí dụ trang web của Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) là một bách khoa toàn thư trực tuyến đồ sộ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, dự báo thời tiết nông vụ chính xác, thị trường tiêu dùng nông sản toàn thế giới.
– Tạo giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao, chất lượng tốt
Kết quả đạt được trong việc lai tạo, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi ở nước ta là không thể phủ nhận, song công tác này chưa thật sự bền vững và chưa có đột phá về năng suất, chất lượng. Ví dụ, trong việc lai tạo, tuyển chọn giống lúa, chúng ta vẫn thiếu các giống thích hợp với sự bất thuận của thời tiết, sâu bệnh, vẫn còn phải nhập giống từ Trung Quốc. Với hiện trạng như vậy, Việt Nam cần có những biện pháp khắc phục như nâng cao hiệu quả quản lý giống một cách đồng bộ và phù hợp, nhằm tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với các hệ sinh thái khác nhau, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt cũng như phải đảm bảo được chất lượng, tạo ra những giống có chất lượng vượt trội, tạo thương hiệu riêng của Việt Nam.
Xem thêm : Tập thể dục xong bao lâu thì tắm? Có nên tắm sau khi tập gym?
– Cải tạo và sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả
Sử dụng công nghệ để cải tạo đất và che phủ đất tại những vùng đất bạc màu; sử dụng phân bón một cách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng, từng loại đất. Biện pháp tối ưu là sử dụng phân bón sinh học, vi sinh học để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, giảm chi phí sản xuất; luân canh cây trồng đúng hướng, sử dụng nước tưới hiệu quả. Cần hoàn thiện chính sách đất đai, tạo điều kiện cho nông dân chủ động lao động, sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cũng như thống nhất về vấn đề hạn điền, thời hạn sử dụng đất, minh bạch, rõ ràng về quyền lợi của người nông dân khi sử dụng đất để tạo tâm lý yên tâm, tập trung đầu tư cải tạo đất đai và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
– Cải tạo hệ thống thủy lợi, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp
Cần tiếp tục đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các hệ thống tưới cho cây trồng cạn, hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; xây dựng hệ thống kiểm soát và xử lý nước thải ở các làng nghề, các khu dân cư tập trung; nâng cao vai trò của cộng đồng, từng bước xã hội hoá công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng giao cho nông dân quản lý các công trình thuỷ lợi trong thôn, xã.
– Giải quyết các vấn đề của người nông dân
Việc thu hẹp dần đất nông nghiệp là xu thế tất yếu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các hộ nông dân là những người chịu sự tác động nhiều nhất. Vì vậy, chính sách cần tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận tín dụng ngân hàng cũng như mở rộng các kênh tương tác giữa người nông dân và các thông tin về khoa học – công nghệ nông nghiệp, nông thôn.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị kiến thức cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình, chủ động trong việc tiếp cận khoa học – công nghệ mới, giống cây trồng vật nuôi, áp dụng đúng cách các biện pháp cải tạo, chăm sóc cây trồng. Việc phục hồi, phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân, tạo một lượng sản phẩm có giá trị lớn cho xã hội. Nhà nước nên hỗ trợ đầu ra cho người nông dân, xây dựng thị trường tiêu thụ rộng lớn, đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo được thu nhập của người lao động, góp phần tăng tích lũy.
– Bảo vệ môi trường, gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với việc giữ gìn tài nguyên, bảo vệ nguồn sống của nông dân
Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tổn thất nhiều nhất khi biến đổi khí hậu. Khi xảy ra thảm họa hay thiên tai thì những người nghèo, những nông dân cần đến môi trường tự nhiên để sản xuất lại là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Vì vậy, phát triển bền vững là cái đích phải hướng tới và mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Ấn Độ rất đáng để chúng ta học tập, phổ biến kinh nghiệm cho nông dân để họ thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Đồng thời, cần nghiên cứu thực hiện “Chương trình quốc gia về Bảo hiểm nông nghiệp” như Ấn Độ đã làm. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp dành cho tất cả nông dân và là bắt buộc đối với người vay vốn. Chẳng hạn, mức bồi thường nhiều loại cây trồng từ 60-90% sản lượng trung bình trong những năm trước và số tiền bảo hiểm vay vốn tới 150% giá trị sản lượng. Tỷ lệ phí bảo hiểm là 1,5-3% đối với cây lương thực và cây lấy dầu, đối với cây thương mại hàng năm và cây vườn thì được áp dụng theo thực tế. Tỷ lệ bồi thường lớn hơn phí bảo hiểm (đối với cây lương thực và cây lấy dầu) và lớn hơn 150% phí bảo hiểm (đối với cây thương mại hàng năm). Muốn vậy, Nhà nước cần nâng cao vai trò quản lý của mình, có sự đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, ban hành cách chính sách thuận lợi, minh bạch, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phát huy vai trò của mình./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp