Vài nét về chính sách tôn giáo thời phong kiến

Bối cảnh chính sách

Hầu hết các nhà nước phong kiến dựa vào Phật giáo, Nho giáo làm cơ sở tư tưởng vương triều và vận hành xã hội. Nhờ đó có thời kỳ tôn giáo, nhất là Phật giáo đóng vai trò hộ quốc an dân, là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân, chống đồng hoá. Đồng thời, nhà nước phong kiến hỗ trợ cho Tam giáo phát triển. Chính sách hài hoà và trọng dụng Tam giáo nổi bật thời Lý – Trần – Lê, từ thế kỷ X đến thế kỷ XV.

Năm 1592, quân Nam triều dưới sự lãnh đạo của họ Trịnh đã chiếm được Thăng Long, nhà Mạc đổ. Đất nước tồn tại hai thế lực: Vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Trải qua thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nội chiến, đến thế kỷ XVIII, XIX nhất là triều đại nhà Nguyễn giai đoạn đầu, sự khủng hoảng tinh thần trong xã hội diễn ra thường xuyên bởi sự xâm lăng của thực dân và xáo trộn xã hội. Khi đó, tư tưởng Nho giáo được nâng lên là tư tưởng chủ đạo trong trị nước. Nhà Nguyễn đã tổ chức việc học Nho trên khắp nước, mở các khoa thi, khuyến khích đạo đức Nho giáo trong dân như truy phong, tế tự các trung thần nghĩa sĩ…

Đến thời cận đại, Nho giáo dần lạc hậu, các luồng tư tưởng mới đã xâm nhập vào Việt Nam và có vai trò ngày càng quang trọng trong những tầng lớp mới trong xã hội.

Phật giáo giai đoạn này cũng được nhà nước quan tâm sử dụng để thu phục lòng dân. Nhà nước cho xây mới, tu sửa chùa chiền, nhưng không phát huy được vai trò của Phật giáo trong xã hội. Sự chấn hưng Phật giáo như một xu hướng canh tân để tìm hướng đi cho Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đất nước bị xâm lược và nhiều biến động.

Khi đó đạo Công giáo – một tôn giáo độc thần từ phương Tây du nhập vào Việt Nam, sau một thời gian đã thâm nhập sâu rộng vào xã hội và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận dân chúng.

Thế kỷ XIX cũng là thế kỷ bản lề với những thay đổi mang tính thời đại: Chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ và nhu cầu mở rộng thị trường đi đối với việc xâm chiếm các quốc gia làm thuộc địa trong đó có việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Quá trình truyền giáo của đạo Công giáo liên quan tới quá trình xâm lược của thực dân Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa và trong quá trình đó đã tạo nên mối quan hệ giữa chủ nghĩa thực dân với đạo Công giáo ở Việt Nam. Tình hình này làm cho xung đột giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo, giữa triều đình và tôn giáo này ở Việt Nam thêm trầm trọng.

Khi du nhập vào Việt Nam, đạo Công giáo đã khó khăn trong vấn đề hội nhập với những giá trị văn hoá Việt Nam, ban đầu đã tạo ra một tôn giáo xa lạ với lề lối và văn hoá truyền thống của người Việt. Ở giai đoạn trước khi Pháp xâm lược, việc truyền giáo ở Việt Nam gắn với hoạt động thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, thì trở ngại lớn trong quan hệ Công giáo – dân tộc là vấn đề “nghi lễ”. Đây là một trong những nguyên nhân khiến triều đình nhà Nguyễn cấm đạo. Sự khác biệt về hệ tư tưởng, tạo ra xung đột giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây, phá vỡ thế độc tôn Nho giáo mà các triển đại phong kiến đã lấy đó làm chỗ dựa để cai trị đất nước, làm xáo trộn tư tưởng của người dân thông qua việc cấm thờ cúng tổ tiên. Đấy chính là bước khởi đầu cho quan hệ giữa nhà nước phong kiến và tôn giáo cụ thể là Công giáo. Mối quan hệ này hết sức tế nhị và không kém phần phức tạp trong lịch sử Việt Nam.

Chính sách tôn giáo

Thời Lý, chiều hướng xây dựng mối quan hệ liên kết, hài hoà giữa chính trị và tôn giáo, trong đó có quan hệ giữa triều đình với Phật giáo, đã trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị – tôn giáo Đại Việt và tạo nên một nền tảng văn hoá chính trị hết sức rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Mối quan hệ liên kết, ủng hộ lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, tốt đẹp giữa Phật giáo và triều đình nhà Lý suốt 215 năm dựng nước đã góp phần xây dựng một nhà nước Đại Việt hùng mạnh và văn hiến.

Do ảnh hưởng của Phật giáo chi phối mạnh mẽ trong đời sống chính trị, xã hội, chính sách pháp luật thời Lý – Trần cũng rất nhân văn, thể hiện trong Bộ luật Hình thư (thời Lý); Quốc triều Thông chế, Quốc triều Hình luật (thời Trần). Dù vẫn có những quy định những hình phạt thảm khốc đối với các tội nặng, nhưng về cơ bản pháp luật thời kỳ này mang bản chất nhân văn, từ bi của đạo Phật. Điều này cho thấy, giai cấp thống trị thời Lý – Trần quan niệm điều làm nên sức mạnh cho triều đại không nằm ở sự chuyên quyền của người đứng đầu, hay ở sự bạo lực chuyên chế của nhà nước, mà ở trí tuệ và đạo đức của người cầm quyền.

Mối liên hệ Phật giáo và chính trị thời Lý tuy có đầy đủ hình thức ưu thế của tôn giáo đối với chính trị nhưng trong thực tế đặc tính của mối liên hệ ấy cho thấy không có sự lấn áp của tôn giáo đối với chính trị, mà trái lại đã dung hòa trong tinh thần hợp tác với chính quyền. Đó là điểm đặc biệt trong quan hệ tôn giáo và chính trị thời Lý. Có lẽ vì thế mà Đại Việt thời Lý, Phật giáo đã đạt tới sự thịnh vượng. Có thể nói, Phật giáo và vương quyền cùng phát triển và đạt tới sự hài hòa. Phật giáo, một nhân tố đặc biệt quan trọng như chất keo để đoàn kết dân tộc. Nhìn chung, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII, Phật giáo Việt Nam cộng với chủ nghĩa yêu nước và khát vọng độc lập, hòa bình đã hòa trộn vào nhau tạo ra một quốc gia Đại Việt thời Lý ổn định phát triển.

Thời Trần, ba vị vua đầu tiên là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông là những người có kiến thức Phật học ở trình độ cao. Đặc biệt vua Nhân Tông đã xuất gia tu hành và là một trong những người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm nổi tiếng. Các vua Anh Tông, Minh Tông đều hết lòng bảo trợ Phật giáo. Triều đình cho in nhiều sách Phật giáo, trong dân gian cũng như trong hàng ngũ quan lại quý tộc có rất nhiều người sùng Phật.

Sang thời Lê sơ thế kỷ XV – XVI, Nho giáo được chính quyền chọn làm hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Ngay sau khi giành được chủ quyền, năm 1428, Lê Lợi đã cho dựng lại Quốc Tử Giám ở kinh đô, mở các trường học ở các lộ, giáo dục được mở rộng tới mọi tầng lớp nhân dân.

Năm 1429, khoa thi Minh kinh được tổ chức tại Thăng Long.

Năm 1442, tổ chức khoa thi hội đầu tiên tại kinh đô.

Việc tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được các triều vua Lê thực hiện đều đặn.

Năm Tân Mùi (1511), vua Lê Tương Dực một lần nữa cho sửa lại điện Sùng nho ở Quốc Tử Giám và 2 giải vũ, 6 gian nhà Minh luân, phòng bếp, phòng kho, làm mới 2 nhà bia ở bên Đông và Tây, mỗi gian để một tấm bia, đó là 2 tấm bia đề tên tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) và Mậu Thìn năm Đoan Khánh thứ 4 (1509), sai Đông Các Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên Đỗ Nhạc làm bài ký.

Dưới thời Lê, việc chú trọng khoa cử Nho giáo cùng với việc ban bố các quy định về lễ giáo của nhà nước đã khiến cho Nho giáo chiếm ưu thế hơn so với Phật giáo. Các nghi lễ triều đình theo nghi thức Nho giáo thường xuyên được tổ chức như: Tế Tôn miếu, tế Giao, tế Xã Tắc, tế Danh sơn đại xuyên, tế Khổng Tử…

Thế kỷ XVII – XVIII, mặc dù bị suy thoái, Nho giáo thời Lê Trịnh vẫn được coi là nền tảng tư tưởng chính của giai cấp thống trị. Hệ thống thờ cúng theo Nho giáo vẫn được các vua Lê duy trì hàng năm cúng tế.

Năm 1663, chúa Trịnh đã mở rộng 24 điều giáo huấn của Lê Thánh Tông thành 47 điều để ban bố đến cấp xã. Thi cử Nho giáo tiếp tục được sử dụng để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên tình hình chính trị xã hội đương thời đã khiến cho bộ máy quan lại không còn được quy củ như trước.

Sang thế kỷ XVI- XVIII, Phật giáo được hưng thịnh cả trong triều đình và làng xã. Giai đoạn này rất nhiều chùa được sửa chữa và xây dựng mới. Đạo giáo và các tín ngưỡng truyền thống cũng được phát triển hơn trước. Các ngôi đình được sửa chữa và xây dựng to đẹp, các lễ hội làng được thường xuyên. Tục cúng hậu và mua hậu ở các đình, chùa, đền, miếu phát triển và phổ biến rộng ở giai đoạn này.

Đến thời kỳ nhà Nguyễn (1802-1945) trước tình hình bị đe dọa về mặt chủ quyền cũng như sự xâm nhập của một tôn giáo ngoại lai, nhà Nguyễn đã nhìn Công giáo với nhãn quan chính trị, tôn giáo gắn bó với thực dân chứ không nhìn tôn giáo dưới góc độ tâm linh, văn hoá, đạo đức để có thể thấy tôn giáo có những yếu tố tích cực. Do đó, bao trùm lên chính sách đối với Công giáo thời Nguyễn là cấm đạo với mục đích bảo vệ an ninh đất nước trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa thực dân.

Triều đình nhà Nguyễn đã ban hành nhiều văn bản về các biện pháp cấm đạo ở những địa phương. Chẳng hạn, riêng trong năm 1859 triều đình ban hành tới 7 văn bản thực thi các biện pháp cấm đạo, trong đó có một số thực hiện trong cả nước. Việc ban hành nhiều văn bản một mặt, cho thấy các biện pháp của triều đình luôn ở thế bị động, vá víu, không có một chính sách lâu dài. Mặt khác, nội dung các văn bản đôi khi chồng chéo. Tình trạng phổ biến là khi văn bản này mới bắt đầu triển khai thì lại có văn bản mới ban hành. Tháng 6/1961, triều định ban hành chỉ dụ cấm đạo thì đến tháng 10 lại có văn bản khác mà nội dung các biện pháp cấm đạo lại có sự chỉnh sửa. Việc ban hành nhiều các văn bản với các biện pháp cấm đạo đôi khi thiếu nhất quán, khiến các quan lại địa phương khó thực thi, vô hình chung lại là một kẽ hở để bộ máy quan lại địa phương tuỳ cơ ứng biến, hoặc quá tả khuynh, hoặc quá hữu khuyng trong ứng xử đối với người Công giáo.

Những chính sách đó phản ánh sự thiếu triệt để của một nhà nước mang nặng tính tự ti trước sự đe doạ của nước ngoài. Các biện pháp cấm đạo không phân biệt tốt xấu khiến giáo dân nảy sinh tư tưởng ngoại vong dễ bị lôi cuốn vào con đường xa rời lợi ích dân tộc.

Nhà Nguyễn ban hành nhiều văn bản cấm đạo, nhưng sự chỉ đạo thực hiện chính sách không chặt chẽ. Không thấy có một tổ chức hay một quan chức chuyên trách nào được triều đình cử ra để trông coi đôn đốc việc thi hành. Tất cả đều giao cho cho các quan lại địa phương. Họ hoàn toàn tự do trong việc thi hành hay không thi hành các chỉ dụ cấm đạo. Sự thiếu chuyên nghiệp trong thực thi công vụ cộng với nạn tham nhũng của quan lại ở địa phương đã làm cho các biện pháp đối phó của triều đình trở nên vô hiệu.

Thời nhà Nguyễn, Nho giáo vẫn được nhà nước lấy làm chỗ dựa về hệ tư tưởng. Các kỳ thi Nho giáo được diễn ra khá đều đặn, thông thường là 3 năm mở một khoa thi, năm trước thi hương, năm sau thi hội. Việc thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền được tổ chức thờ cúng từ cấp Trung ương cho tới các địa phương với hệ thống văn miếu, văn từ và văn chỉ.

Đối với Phật giáo, một mặt, nhà nước hạn chế xây dựng chùa chiền ở các làng xã. Bên cạnh đó, các chùa sắc tứ của nhà nước lại rất được quan tâm xây sửa, chu cấp tiền lương cho sư tăng.

Tuy sử dụng Nho giáo làm hệ tương tưởng cai trị nhưng nhà Nguyễn cũng ít quan tâm củng cố các tôn giáo truyền thống vốn là thế mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó không đánh thức được lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người dân có tôn giáo, không làm rõ âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ xâm lược và trách nhiệm của tín đồ các tôn giáo đối với vận mệnh dân tộc.

Có thể nói, nhà Nguyễn chưa có một chính sách tổng thể lâu dài để có thể giảm thiểu tới mức tối đa tác hại của sự gắn kết giữa chù nghĩa thực dân Pháp và Giáo hội Công giáo, giảm thiểu được bất đồng giữa lương và giáo, tạo ra một sự đoàn kết nhất trí vì những vấn đề chung của dân tộc.

Chỉ khi đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước mới được giải quyết trong đó có việc đánh giá nhìn nhận vai trò của tôn giáo.

Đảng Cộng sản Việt Nam coi tôn giáo là một lực của cách mạng, tín đồ các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó dẫn dắt quần chúng tín đồ các tôn giáo tham gia vào các phong trào yêu nước, ngày càng gắn bó đồng hành cùng dân tộc.