Nhiều năm qua, chúng ta đã chuyển khá nhiều từ Hán Việt không cần thiết sang từ thuần Việt (hoặc gần thuần Việt), nhằm làm cho tiếng Việt trong sáng hơn, biểu đạt sát đúng hơn cuộc sống muôn màu muôn vẻ trong bối cảnh trở về với cội nguồn. Tuy nhiên, những năm gần đây lại có xu hướng ngược chiều là dùng lại từ Hán Việt đã được chuyển sang từ thuần Việt (hoặc gần thuần Việt) từ lâu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là, một khi trình độ dân trí càng ngày càng cao, thì các văn bản hành chính, chính trị, pháp luật, các công trình nghiên cứu khoa học xã hội, chứa nhiều từ Hán Việt một cách bắt buộc, cũng đi sâu hơn vào đời sống. Bên cạnh đó, ở khoa học tự nhiên cũng có rất nhiều từ ngành nghề, nghiệp vụ khó tránh từ Hán Việt.
Mặc dù vậy, trong những trường hợp, tình huống nhất định, chúng ta vẫn có thể chuyển nhiều từ Hán Việt sang những từ khác quen dùng trước nay của người Việt (có thể vẫn có yếu tố Hán) gần gũi với người Việt hơn. Những từ nêu dưới đây – tùy thuộc vào văn cảnh cụ thể – có thể là những gợi ý cho sự chuyển đổi đó.
Bạn đang xem: Chuyển đổi từ Hán Việt sang từ thuần Việt
Xem thêm : Bệnh nhân tiểu đường có ăn được lạc không?
Trù phú, phì nhiêu có thể chuyển thành màu mỡ, giàu có, tươi tốt. Sơ bộ → bước đầu. Thường nhật, thường niên → hằng ngày, hằng năm. Hy hữu, hãn hữu → hiếm có. Tái lập, tái diễn → lập lại, lặp lại. Trạm xá → trạm y tế. Sử dụng → dùng. Nội nhật → trong ngày. Băng hoại → suy sụp, đổ vỡ, tan tác. Trầm kha → bệnh nặng. Đa phần, đa số → phần lớn, số đông. Tối đa, tối thiểu → cao nhất, thấp nhất. Thí điểm → làm thử. Triển khai, tiến hành, thực hiện → làm. Khả ái, khả kính → đáng yêu, đáng kính trọng. Địa chấn → động đất. Tháp tùng → đi cùng, đi theo. Ẩm thực → ăn uống. Ngoại quốc → nước ngoài. Tham quan → đi thăm. Khai mạc, triển khai → bắt đầu, mở đầu. Tạo tác → làm ra. Phát biểu, phát ngôn → lời nói, nói năng. Cự ly → khoảng cách. Quan sát → xem xét. Mạn đàm → nói chuyện. Địa cầu → quả đất. Cường điệu → thổi phồng. Khiếm thị → kém mắt, hỏng mắt. Khiếm khuyết → thiếu sót. Nan giải → khó khăn. Cập nhật → mới nhất, kịp thời. Phụ huynh → bậc cha mẹ. Thái quá → quá mức. Bất cập → chưa tới, hụt tầm. Tư gia → nhà riêng. Bệnh nhân → người bệnh. Dứt điểm → xong gọn. Học đường → trường học. Bất khả kháng → khó giải quyết. Khu chung cư → khu nhà ở. Cam go → gay go. Họ tộc → dòng họ. Lễ động thổ → lễ khởi công. Photocopy → sao chụp. Quán triệt → hiểu thấu, thấu hiểu. Quan niệm → suy nghĩ. Cố hương → quê cũ, quê gốc. Xâm nhập → đi sâu. Mục sở thị → mắt nhìn. Hợp long → nối nhịp. Vĩ đại → to lớn. Hiện hữu → xuất hiện, có mặt. Sống có thủy có chung → sống có trước có sau, có đầu có cuối…
Chắc chắn những thí dụ nêu trên chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số những trường hợp cần xem xét. Đương nhiên, sự chuyển đổi chỉ đạt hiệu quả ở những trường hợp nhất định, không phải ở bất cứ văn bản nào, văn cảnh nào thì từ A sang B cũng hợp lý. Như vậy, những từ Hán Việt chưa được chuyển đổi vẫn được sử dụng bình thường và không thể thay thế.
Việc giảm bớt từ Hán Việt là việc nên làm trước tiên đối với các tác giả báo chí, văn chương, các biên tập viên, nhà trường, những người am hiểu, trân trọng tiếng Việt. Cách viết trên báo chí, sách vở, trong nhà trường ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng nhận thức, thói quen đúng – sai khi nói và viết của bạn đọc, bạn nghe nhìn, bạn đọc mạng Internet… Sự biến đổi tự thân của ngôn ngữ cũng có thể có nhưng không nhiều. Ngay cả thói quen sai, nếu đã thành nếp, nếu sửa được thì vẫn nên sửa. Con người sinh ra và điều khiển ngôn ngữ chứ không phải là ngược lại./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp