Tại sao nữ 18 tuổi mới được kết hôn ? – Luật ACC

Đăng ký kết hôn là việc xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa nam và nữ được nhà nước công nhận và bảo vệ. Việc kết hôn phải đáp ứng điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, vì vậy kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, tất cả các cuộc hôn nhân giữa nam và nữ sẽ phải tuân theo các điều kiện kết hôn của Luật này. Trong bài viết này, Luật ACC sẽ cung cấp một số thông tin liên quan ý nghĩa của việc quy định độ tuổi kết hôn.

Độ tuổi kết hôn ở nữ giới

Căn cứ pháp lý

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

1. Độ tuổi kết hôn là gì ?

Tuổi kết hôn là tuổi mà một người được phép lấy chồng/vợ cũng như quyền làm hoặc buộc phải làm cha mẹ hoặc các hình thức khác đồng thuận khác. Độ tuổi và các yêu cầu khác nhau ở mỗi nước, nhưng nhìn chung thì phần lớn các quốc gia quy định độ tuổi kết hôn của nữ là từ 18-20 tuổi, và tuổi kết hôn của nam lớn hơn nữ khoảng 1-2 tuổi. Tuy nhiên một số nước cho phép độ tuổi kết hôn sớm hơn 1-2 năm nếu có sự đồng ý của cha/mẹ, hoặc trong trường hợp người nữ đã mang thai.

2. Độ tuổi kết hôn của nam và nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện như sau:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau đây:

+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

– Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, độ tuổi kết hôn hợp pháp của nam và nữ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi thì được xem là hành vi tảo hôn theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

3. Tại sao nữ 18 tuổi mới được kết hôn ?

– Về mặt sinh học: Trước tuổi 18, cơ thể người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện, nếu kết hôn và mang thai thì nguy cơ đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ gia tăng, đứa con còn có nguy cơ bị Suy dinh dưỡng. Hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định: ở tuổi 16, 17, khung xương chậu của thiếu nữ chưa phát triển hoàn thiện, ít nhất phải đến 22 tuổi cơ thể phụ nữ mới phát triển đầy đủ cho việc sinh con, còn những trường hợp 16, 17 tuổi mà sinh con hầu hết phải mổ lấy thai.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo độ tuổi thích hợp để có thai lần đầu là 20 đến 22 tuổi.

– Về mặt tâm lý học: Tuổi 16 – 17 vẫn nằm trong giai đoạn dậy thì, chưa phát triển hoàn thiện. Việc học tập, tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống của lứa tuổi này chưa đầy đủ, chưa xử lý được các vấn đề trong cuộc sống. Ngày nay điều kiện sống được nâng cao, trẻ em thành phố có sự phát triển về thể hình khá nhanh so với các thế hệ trước, nhưng đó chỉ là vấn đề hình thể, còn trong lĩnh vực tâm lý, trí tuệ thì các em vẫn cón đang ở tuổi vị thành niên “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa đủ chín chắn, hiểu biết để đảm đương vai trò làm vợ chồng, làm cha mẹ.

Ở Việt Nam, học sinh phải từ 18 tuổi trở lên mới có thể hoàn tất 12 năm học phổ thông để có thể sống tự lập. Nếu cho phép kết hôn sớm hơn 18 tuổi thì sẽ rất ảnh hưởng đến việc học tập của người vợ, và hôn nhân rất dễ có nguy cơ đổ vỡ.

– Về mặt lập pháp:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn không những tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật mà còn hạn chế một số quyền của người vợ khi xác lập giao dịch, hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (phải có người đại diện).

Việc quy định nữ 18 tuổi mới được kết hôn là dựa trên các căn cứ về mặt khoa học, xã hội đã được các nhà làm luật nước ta nghiên cứu rất kĩ càng chứ không phải là quyết định theo cảm tính. Trên hết, quy định này thể hiện tính nhân văn sâu sắc khi quan tâm tới sức khỏe tâm sinh lý của nữ giới, các quyền bình đẳng trong hôn nhân đặc biệt quyền và lợi ích của bên được cho là yếu thế hơn (nữ giới), đồng thời đảm bảo quy định pháp luật về quyền trẻ em, góp phần ngăn chặn nạn tảo hôn ở nước ta.

4. Quy định xử phạt nếu kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.”

Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Về mức xử phạt đối với hành vi tảo hôn được quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

  1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
  2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật ACC về “Tại sao nữ 18 tuổi mới được kết hôn ?”. Bài viết trên là những thông tin cần thiết mà quý độc giả có thể áp dụng vào đời sống thực tiễn. Trong thời gian tham khảo nếu có những vướng mắc hay thông tin nào cần chia sẻ hãy chủ động liên hệ và trao đổi cùng luật sư để được hỗ trợ đưa ra phương án giải quyết cho những vướng mắc pháp lý mà khách hàng đang mắc phải.