Tăng cường chất lượng tuyến y tế cơ sở

  • Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phát huy vai trò của y tế cơ sở
  • Nâng cao mạng lưới y tế cơ sở, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
  • Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 80 triệu USD giúp Việt Nam cải thiện dịch vụ y tế cơ sở
  • Chi phí cho y tế cơ sở thấp, trong khi số người khám, chữa bệnh chiếm đa số

Trong những năm qua, không thể phủ nhận mạng lưới y tế cơ sở đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi mình sinh sống là chủ trương của Bộ Y tế triển khai nhiều năm qua.

Lập sổ theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ cơ sở

Theo thống kê năm 2016, nước ta có 13.658 cơ sở y tế công lập, với 303.515 giường bệnh và 231 cơ sở y tế tư nhân, với 12.068 giường bệnh. Trong đó, có 47 BV tuyến Trung ương, 471 BV tỉnh, phòng khám chuyên khoa; 679 BV huyện với 79.644 giường bệnh, 351 phòng khám đa khoa khu vực; 11.120 Trạm Y tế xã với 47.557 giường bệnh.

Mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam bao gồm y tá thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.

tuyen y te co so bao gom 1

Trạm Y tế xã điểm Đoàn Kết, huyện Vân Đồn được đầu tư, nâng cấp khang trang.

Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế, là tuyến đầu, là “người gác cổng” của hệ thống y tế. Người dân ở thôn, bản, tổ dân phố ra xã, phường khám bệnh định kỳ, theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, làm giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Vì đây là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất, lại dễ tiếp cận với chi phí thấp, tạo sự công bằng xã hội. Làm tốt y tế cơ sở sẽ kéo giảm bệnh nhân lên tuyến trên. Do vậy, chủ trương của Bộ Y tế chính là nâng cao chất lượng y tế cơ sở để giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại gần nơi mình sinh sống, giảm gánh nặng bệnh tật.

Bà Nguyễn Thị Hà, người dân xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh cho biết), bà có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, trước đây thường xuyên phải lên BV huyện, BV tỉnh khám. Nhưng từ khi Trạm Y tế xã Đoàn Kết thực hiện mô hình Trạm Y tế điểm, bà tháng nào cũng tới Trạm kiểm tra sức khỏe và điều trị ổn định ngay từ tuyến xã, không phải lên tuyến trên.

Có những Trạm Y tế trước đây chủ yếu làm công tác kế hoạch hóa gia đình, nhưng nay đã đỡ đẻ, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tương đối tốt. Nhiều Trạm Y tế xã đã được tăng cường bác sĩ tình nguyện, không chỉ làm tốt công tác khám chữa bệnh, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa bệnh.

Tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Theo ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), tăng cường y tế cơ sở là nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tính đến năm 2016, 84% Trạm Y tế xã ở nước ta có bác sĩ làm việc tại trạm; 94,1% Trạm Y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 76,2% Trạm Y tế xã đạt chẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế triển khai đẩy mạnh tăng cường y tế cơ sở với nhiều chương trình thực tế, hiệu quả.

Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu đề ra, còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là về nguồn nhân lực y tế. Theo thống kê năm 2016, nước ta có 8,6 bác sĩ cho 10.000 dân; 2,96 dược sĩ đại học cho 10.000 dân; 84% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tại trạm.

Tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng tại chỉ đạt 1:2 trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ này cần thiết là 1:4. Cơ cấu nhân lực không hợp lý, mất cân đối trong phân bổ nguồn nhân lực, cung ứng dịch vụ y tế còn gặp nhiều khó khăn là những rào cản cho việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đặc biệt, BHYT chi rất thấp: 20% khám chữa bệnh BHYT tại xã, chi khoảng 3%, 50% khám chữa bệnh BHYT tại huyện, chi 27-28%. Chưa chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám chữa bệnh lưu động. Chính vì vậy người dân còn ngần ngại đi khám bệnh, khiến nhiều người khi có bệnh mới tới khám, có người bệnh ở giai đoạn muộn mới được phát hiện.

Theo ông Nguyễn Công Sinh, đối với hệ thống y tế xã, phường nếu chất lượng tốt, người bệnh đa số muốn khám ở gần để đỡ tốn kém. Do vậy, muốn tăng cường mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, phải đổi mới phương thức tài chính như: Đổi mới toàn diện cơ chế đầu tưu tài chính cho mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới phương thức chi trả cho mạng lưới y tế cơ sở, gắn chi trả với kết quả đầu ra và hiệu lực hoạt động.

Đặc biệt, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của Trạm Y tế xã để thực hiện là vai trò tuyến đầu trong dự phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục sắp xếp các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc. Tăng cường phát triển năng lực nguồn nhân lực, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ. Xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường truyền thông cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến y tế cơ sở.

Làm tốt những điều này, hệ thống y tế cơ sở sẽ đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm quá tải ở bệnh viện tuyến trên.