Cơ cấu lao động theo ngành thời gian qua được đánh giá thông qua số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Bảng 1 cho thấy, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 62,7% năm 2001 xuống còn 48,7% năm 2010 và 27,6% năm 2022, tương ứng với đó là số lượng lao động trong ngành này giảm 10,369 triệu người (từ 24,469 triệu năm 2001 xuống còn 14,1 triệu lao động năm 2022).
Lao động trong ngành Nông nghiệp giảm dần qua từng năm, nhưng trong đại dịch COVID-19 lao động trong ngành này lại tăng lên từ 28,3% năm 2020 lên 29% năm 2021 do giãn cách xã hội nên người lao động quay trở về quê tìm việc. Việc tăng lên này chỉ mang tính tức thời, vì khi dịch bệnh được kiểm soát họ sẽ quay trở lại thành phố để làm việc.
Tuy lực lượng lao động trong ngành Nông nghiệp giảm nhưng sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành Nông nghiệp đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, mà biểu hiện rõ nhất là thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn ngày càng tăng thêm các hộ làm công nghiệp, thương mại và dịch vụ, trong khi hộ làm nông nghiệp thuần túy giảm dần.
Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thể hiện rõ khi tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng lên từ 22,8% năm 2001 lên 29,6% năm 2010 và 39,1% năm 2022. Lượng lao động ngành này tăng 5,985 triệu người từ năm 2001 đến 2010 và 5,377 triệu người từ năm 2010 -2022 chủ yếu là lao động trong lĩnh vực Dịch vụ du lịch, vận tải kho bãi, thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản…
Trong 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, lực lượng lao động trong ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều lao động phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc khác… Năm 2020, các doanh nghiệp du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70% – 80%; năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc/chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động cầm chừng chiếm 10%. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp.
Đối với lực lượng lao động ngành công nghiệp, từ năm 2001- 2010, lao động ngành này tăng đáng kể là 5,137 triệu người với tỷ trọng bình quân là 18,2% và từ năm 2011 đến 2020 là 28,1%; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng dao động nhẹ và ổn định khoảng 32,25% tổng nhu cầu lao động trong giai đoạn 2019 – 2022 và đạt mức 33,3% năm 2022.
Đối với công nghiệp, cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm đang có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực ngày càng được chú trọng. Điều này đòi hỏi lao phải có kỹ năng, kiến thức để làm các công việc phức tạp và phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ.
Trong làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 4, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, tạm dừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng cũng làm hàng triệu người bị mất việc (lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người, chiếm 33%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước. Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát thì lực lượng lao động trong ngành này đã tăng 740 nghìn người, tuy số lượng tăng không nhiều.
Xem thêm : Bánh Chưng biểu tượng văn hoá trong ngày Tết cổ truyền Việt
Như vậy, từ đầu năm 2020 đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động mất việc cao hơn so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá dầu tăng cao… đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động: 9,1 triệu lao động trong quý I/2021; 12,8 triệu lao động trong quý II/2021; hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021 bị mất việc.
Trong quý III/2021, tình hình nghiêm trọng nhất khi có 4,7 triệu lao động bị mất việc, 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ do doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 12 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu bị giảm thu nhập. Hầu hết những lao động bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%.
Để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 “về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ”. Tính đến cuối năm 2022, có khoảng trên 3,74 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động… Điều này đã khiến lao động trong quý IV/2022 ở các ngành có xu hướng tăng, thu nhập tháng của người lao động quý IV/2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn, hạn chế
Năng suất lao động nước ta hiện nay tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng lao động và dịch vụ sử dụng nhiều lao đông phổ thông. Ngoài ra, người lao động hiện nay có nhiều lựa chọn việc làm về thời gian và thu nhập nên một số ngành không tuyển đủ công nhân vì thu nhập so với mức chi tiêu chưa cân xứng.
Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động đã có những cải thiện nhất định, song nhìn chung chất lượng còn thấp. Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp trong công việc còn yếu, khuynh hướng nắm vững lý thuyết, nhưng kém về năng lực thực hành còn phổ biến dẫn đến nhiều doanh nghiệp không tuyển được đúng vị trí việc làm.
Mức lương tối thiểu giữa khu vực công và khu vực tư nhân có sự khác biệt khá lớn ở Việt Nam. Người lao động có kỹ năng đang có xu hướng chuyển sang khu vực tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương cao hơn và môi trường làm việc cạnh tranh hơn.
Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng mới ra trường thường thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, đào tạo chưa gắn liền trực tiếp với ngành nghề cụ thể, kiến thức còn mang tính hàn lâm. Thế hệ gen z năm (sinh từ 1997 đến 2012) được tiếp cận với khoa học công nghệ sớm và nhiều hơn nên họ nhanh nhạy, khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường hay sau khi ra trường, họ tự tạo ra con đường cho riêng mình thu được những kết quả khả quan, nhưng con số này không nhiều.
Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cải tiến năng lực sản xuất thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo xu hướng tăng cường ký kết các hiệp định… Xu thế này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cầu lao động và yêu cầu về kỹ năng trình độ thay đổi nhanh chóng.
Xem thêm : 1 carat kim cương bằng bao nhiêu ly? Bảng tra cập nhật 2024
Giải pháp đề xuất
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng cũng như cơ cấu lao động ở nước ta hiện nay cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.
Thứ hai, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Khuyến khích người lao động có trình độ tay nghề đi làm việc ở nước ngoài nhất là thị trường có thu nhập cao và ổn định, qua đó, sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn hàng để bố trí việc làm cho người lao động, tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân người lao động. Đặc biệt các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự khi tiếp nhận các đơn hàng trong thời gian tới.
Thứ tư, người lao động cũng cần chủ động học thêm nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ, để có việc làm bền vững, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Sự phát triển của nguồn nhân lực là một trong những tiền đề giúp phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, cần có những chính sách ưu tiên trong các vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tạo môi trường làm việc năng động sáng tạo, dân chủ để người lao động yên tâm công tác và công hiến.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1- 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021;
- Tổng cục thống kê (2001-2020), Niên giám thống kê 2001,2010, 2019, 2020, 2021, 202;
- Vương Phương Hoa, “Vận dụng lý luận về vai trò nhà nước đối với thị trường của Paul A.Samuelson trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam”, Đề tài khoa học cấp cơ sở, mã số T2021-04-10, năm 2021
- TS. Nguyễn Trùng Khánh, Phục hồi ngành Du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bênh COVID-19, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phuc-hoi-nganh-du-lich-trong-dieu-kien-thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-benh-covid-19.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp