Không biết bị tiểu đường, uống nước ngọt giải khát

Không biết bị tiểu đường, mỗi ngày chị N. uống 2-3 chai nước ngọt; đến khi người bệnh khó thở, ngã khuỵu… đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM mới phát hiện ra.

khó thở nhập viện phát hiện tiểu đường

Đường huyết tăng 3-5 lần

Chị N.T.N. (50 tuổi, Quận 12) đang làm việc bỗng choáng váng, mệt, khó thở, lơ mơ, được đồng nghiệp đưa đến khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM vào sáng 22/5.

Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng lơ mơ, bác sĩ CKI Nguyễn Hoàng Khương, lập tức chỉ định đo huyết áp, xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết tăng cao đến 500mg/dl, gấp 3-5 lần (bình thường trước khi ăn dao động từ 90 – 130mg/dl và sau khi ăn 180mg/dl). Trong khi đó, huyết áp tụt chỉ còn 83/50 mmHg (bình thường 120/80mmHg). Đồng thời, chỉ số HbA1C (đánh giá đường huyết trong vòng 3 tháng) cao đến 11.22% (bình thường 4-5.6%), kali máu giảm còn 2.73 meq/l (bình thường 3,5 -5 meq/l).

Với kết quả trên, bác sĩ Khương nhận định chị N. bị tiểu đường nhưng không hay biết, không điều trị dẫn đến tăng đường huyết, hạ kali, tụt huyết áp, hôn mê. Nếu không được điều trị kịp, tính mạng chị N. rơi vào nguy kịch.

Sau khi truyền bù bịch, điện giải, insulin, chị N. tỉnh táo, hết khó thở. Người bệnh được tiếp tục theo dõi với bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường.

Tỉnh dậy trên giường bệnh, chị N. ngỡ ngàng khi bác sĩ thông báo bị tiểu đường. Chị kể làm phụ hồ tại công trình xây dựng, khuân vác vật nặng, làm ngoài nắng liên tục, thường uống 2-3 chai nước ngọt mỗi ngày và các loại nước mát, thảo dược (gừng, cỏ mần trầu…) chứa nhiều đường.

Theo bác sĩ Khương, đái tháo đường là bệnh mạn tính với đặc trưng đường huyết cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân tuyến tụy không sản xuất hoặc sản xuất ít insulin, tế bào trong cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả.

Việt Nam có hơn 5 triệu người bị tiểu đường, trong đó 50% trường hợp không biết mắc bệnh như chị N. do không nhận ra triệu chứng tiểu đường: khát nước và uống nhiều nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, ăn nhiều nhưng sụt cân… Nhiều người bệnh vô tình biết mình bị tiểu đường khi đi khám sức khỏe hoặc bệnh trở nặng hay biến chứng như: suy tim, suy thận, mờ mắt, bàn chân đái tháo đường, vết thương lâu lành,…

Nguy hiểm hơn, khi không biết mình bị tiểu đường lại thường xuyên uống nước ngọt, các loại nước từ lá cây dân gian khiến đường huyết tăng cao, dễ dẫn đến các biến chứng cấp tính: tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan cetoan (máu chứa nhiều axit). Đường huyết tăng giảm thất thường trong thời gian dài dẫn đến các biến chứng mạn tính: suy thận, mờ mắt, tổn thương mạch máu, bàn chân đái tháo đường…

Bác sĩ Khương nhận định chị N. bị tiểu đường
Bác sĩ Khương nhận định chị N. bị tiểu đường nhưng không hay biết, không điều trị dẫn đến tăng đường huyết, hạ kali, tụt huyết áp, hôn mê.

Trên 35 tuổi cần tầm soát tiểu đường

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường: trên 35 tuổi, thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ, rối loạn lipid máu… Trong đó, chế độ ăn nhiều tinh bột (cơm, bún, phở, cháo…), thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt, ít vận động… là các yếu tố nguy cơ thường gặp trong cuộc sống hiện đại.

Nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan trên 196.000 người Mỹ trong suốt 22-26 năm, đánh giá lặp đi lặp lại về chế độ ăn sau mỗi 4 năm cho thấy tiêu thụ hơn 120ml đồ uống có đường (nước ngọt, nước ép trái cây nguyên chất) mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 16% so với uống nước lọc. Nếu tăng đồ uống có đường lên hơn 120ml, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên 18%. Nghiên cứu cũng cho thấy nếu thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc, trà… có thể giảm 2%-10% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương khuyên người bệnh tiểu đường nên uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Trong chế độ ăn hàng ngày, cần đảm bảo các nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất…), không nên quá kiêng khem gây suy kiệt sức khỏe. Người bệnh cần cắt giảm đường trong chế độ ăn, ít hơn 9 muỗng cà phê (tương đương 36 gam đường); tránh dùng thức uống có vị ngọt, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Tái khám định kỳ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, tầm soát, phát hiện biến chứng ở giai đoạn sớm để điều trị kịp thời, kéo dài tuổi thọ.

Với người bình thường, cần cắt giảm đường trong bữa ăn hàng ngày. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo cần cắt giảm đáng kể lượng đường bổ sung giúp ngăn ngừa bệnh béo phì và bệnh tim.

Đối tượng Lượng đường 2 – 18 tuổi Trẻ em vẫn phát triển bình thường mà không cần thêm đường vào chế độ ăn hàng ngày. Do đó, cần giảm lượng đường bổ sung hàng ngày dưới 6 muỗng cà phê hoặc 24 gam mỗi ngày. Nữ giới trưởng thành Không quá 100 calo mỗi ngày (khoảng 6 thìa cà phê hoặc 24 gam) Nam giới trưởng thành Không quá 150 calo mỗi ngày (khoảng 9 thìa cà phê hoặc 36 gam đường)

Trong chế độ ăn hàng ngày, người dân nên uống nước lọc, các loại nước không đường; dùng nước ép từ quả mọng để tạo vị ngọt cho sữa, sữa chua… thay vì thêm đường hay sữa đặc; ăn trái cây thay vì uống nước ép. Bên cạnh đó, người dân nên luyện tập thể dục, đi bộ 30 phút mỗi ngày để hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì. Khi có các triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân… nên khám bác sĩ để được đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe, điều trị kịp thời.