Khái niệm, đặc điểm và vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Khái niệm về thuế thu nhập doanh nghiệp

Trên thế giới, thuế đánh vào thu nhập của doanh nghiệp là hình thức phổ biến. Tuy nhiên, pháp luật các nước có sự khác nhau trong việc sử dụng tiêu chí phân định thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế thu nhập cá nhân dựa trên đối tượng nộp thuế. Chẳng hạn, ở Pháp thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng bắt buộc đối với công ty đối vốn. Ở Thái Lan, cơ sở kinh doanh có tư cách pháp nhân thì chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nếu cơ sở kinh doanh không có tư cách pháp nhân thì thu nhập từ kinh doanh hoặc phi kinh doanh đều thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân

Ở Việt Nam, thu nhập của doanh nghiệp và thu nhập của cá nhân phát sinh từ hoạt động kinh doanh là thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định “Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”. Và Điều 3 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định “ Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác”.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 không đưa ra định nghĩa nhưng căn cứ vào Điều 2 và Điều 3 của Luật này có thể đưa ra khái niệm như sau: Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế thu vào thu nhập phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu nhập khác hợp pháp của các tổ chức (còn được gọi là các doanh nghiệp). Như vậy, quan hệ thuế thu nhập doanh nghiệp ở đây là quan hệ thu, nộp thuế phát sinh giữa nhà nước và các tổ chức sản xuất kinh doanh có thu nhập được các quy phạm pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh.

vai tro cua thue thu nhap doanh nghiep
Hình minh họa. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp

2. Đặc điểm cơ bản của thuế thu nhập doanh nghiệp

So với quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không bị giới hạn về địa giới hành chính nên chủ thể nhân danh nhà nước thực hiện quyền thu thuế là cơ quan thuế các cấp.

Đối tượng chịu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập có nguồn gốc phát sinh chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, dưới góc độ lý luận, để thu nhập được coi là thu nhập chịu thuế phải thoả mãn 2 điều kiện: có hành vi kinh doanh phát sinh trên thực tế không phân biệt tư cách chủ thể là doanh nghiệp hay là các tổ chức khác, có đăng ký kinh doanh hay không có đăng ký kinh doanh (đăng ký dưới các hình thức khác theo Luật các tổ chứ tín dụng, Luật Luật sư, Luật Đầu tư…); có thu nhập thực tế hợp pháp phát sinh trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các khoản thu nhập khác. Dấu hiệu có thu nhập phát sinh là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đều hướng đến lợi ích cho riêng mình. Vì vậy, nhà nước can thiệp gián tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm điều tiết thu nhập. Đồng thời đảm bảo sự công bằng về nghĩa vụ nộp thuế giữa các đối tượng nộp thuế và quy trình chu chuyển vốn từ khu vực này sang khu vực khác. Chẳng hạn, việc quy định đánh thuế hay không đánh thuế, quy định mức thuế suất khác nhau đối với từng ngành nghề, mặt hàng hay các loại thu nhập đều có thể tác động đến các ngành, nghề, qua đó đảm bảo sự phát triển cân đối ngành nghề trong nền kinh tế.

Mục đích cơ bản của thuế thu nhập doanh nghiệp là động viên một phần thu nhập vào ngân sách nhà nước, đảm bảo sự đóng góp công bằng, hợp lý giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá phát sinh thu nhập. Các nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp có vị trí quyết định đến cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước. Đồng thời kích thích khả năng tăng trưởng nền kinh tế, Nhà nước sử dụng nguồn thu đó để cấp phát cho thành phần kinh tế nhà nước, các ngành nghề quan trọng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện môi trường đầu tư, đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định.

3. Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật thuế của Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng điều tiết các hoạt động kinh tế xã hội trong từng thời kỳ phát triển kinh tế nhất định. Đồng thời đảm bảo tính công bằng xã hội về thuế đối với các doanh nghiệp. Nhà nước sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp làm công cụ điều tiết thu nhập của các chủ thể có thu nhập cao, đảm bảo yêu cầu đóng góp của các chủ thể kinh doanh vào ngân sách nhà nước được công bằng hợp lý.

Thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp nhà nước có các chính sách nhằm thu hút vốn từ nhiều kênh khác nhau như thực hiện chế độ miễn, giảm thuế tạo cơ hội khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, khuyến khích sản xuất phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Nhờ đó, Nhà nước xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển toàn diện vào từng ngành, lĩnh vực, những vùng, miền trong từng giai đoạn nhất định.

Ban hành thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết đồng bộ với việc cải cách thuế, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế. Song để phát huy một cách có hiệu quả vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng ta cần xem xét nó dưới nhiều khía cạnh, kể cả những kinh nghiệm xử lý của nước ngoài.

Xem thêm: Khái niệm, đặc điểm và phân loại thuế thu nhập

Xem thêm: Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp