Văn hóa và văn minh

1. Cặp thuật ngữ văn hóa và văn minh liên quan đến một trong những khái niệm đa nghĩa nhất với nhiều cách giải thích khác nhau.

Tiếp đó, người ta bắt đầu hiểu từ văn hóa có nghĩa là sự khai trí, giáo dục và trình độ học vấn của con người; theo nghĩa này từ văn hóa thâm nhập vào hầu hết ngôn ngữ các nước ở châu Âu, trong đó có nước Nga. Trong tác phẩm Văn hóa, sự hình thành, biến đổi khái niệm, sự thay thế khái niệm từ M.Xixêron đến Hécđerơ, I.Niđécman đã chỉ ra rằng, nghĩa của từ này đã thay đổi. Bắt đầu từ thế kỷ XVII, trong tư tưởng Khai sáng ở nước Đức (X.Puphenđoócphơ) khái niệm văn hóa đã được sử dụng với nghĩa rộng rãi hơn – đó là tất cả những gì do con người tạo ra, tồn tại bên cạnh thiên nhiên trinh nguyên, chưa có sự động chạm của con người.

Vào các thế kỷ XVII-XVIII thuật ngữ văn hóa mới mang ý nghĩa của một khái niệm khoa học. Trong khoa học thời cận đại đã ra đời một quan niệm cho rằng: giữa thiên nhiên và nhân cách tồn tại một thế giới đặc biệt của hoạt động người, thế giới đó được gọi là văn hóa.

Ngày nay, khoa học về văn hóa đã hình thành nên hơn 300 định nghĩa, điều đó chứng tỏ rằng có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu văn hóa.

Từ cuối thế kỷ XIX, trường phái nhân học văn hóa của Hoa Kỳ (Franz Boas, A.Kroeber, M.Mead…) đã có ảnh hưởng rất lớn. Trong trường phái này vấn đề được đặt lên hàng đầu là động học phát triển của văn hóa và các cơ chế truyền đạt văn hóa đi qua các thế hệ.

Trong khuôn khổ của nhân học văn hóa Hoa Kỳ đã sản sinh ra khái niệm phương pháp giao lưu tiếp biến như là quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa, mà kết quả của những cuộc tiếp xúc này đã làm biến đổi các hệ thuyết (paradigms) văn hóa (F.Herskovits, J.Menvin, Ô.ốttenbécgơ). Theo phương pháp này, sự khác biệt văn hóa giữa các cộng đồng tộc người sẽ được san bằng qua những cuộc tiếp xúc liên tục và trực tiếp.

Vào đầu thế kỷ XX, lý thuyết nhân học xã hội (trường phái chức năng) của các nhà dân tộc học và xã hội học người Anh là B.Malinowski và Radeliffe Brown đề ra khái niệm cấu trúc xã hội. Malinốpxki đã phân tích ý nghĩa của các thiết chế xã hội và ảnh hưởng của chúng đối với sự kiểm tra và điều tiết hành vi con người. Nhờ sự hỗ trợ của phương pháp chức năng, ông đã miêu tả những hình thái khác nhau của sự tương tác xã hội và đã sử dụng khái niệm văn hóa như là một tổng thể thiết yếu của các hệ thống xã hội tương liên. Nguyên lý chức năng luận cho phép xem xét văn hóa như một hệ thống chỉnh thể nội tại, được tạo ra từ tổ hợp của những yếu tố cần thiết, gắn liền bằng các mối quan hệ phụ thuộc vào nhau về mặt chức năng. Mỗi nền văn hóa khi trở thành bậc thang của trình độ phát triển văn hóa chung, nó sẽ không còn tương quan với các nền văn hóa khác nữa.

Thuyết chức năng đã góp phần làm giàu cho ngành dân tộc học bằng tri thức về các nền văn hóa của các dân tộc cổ đại. Nhưng hạn chế của lý thuyết này biểu hiện ở chỗ, khi phủ nhận sự tiến hóa về xã hội và văn hóa, nó đã làm mất đi tiêu chuẩn thống nhất của sự phát triển văn hóa trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Tiếp đó, xuất hiện khái niệm về bản sắc văn hóa của những dân tộc khác nhau, thừa nhận tính bất tương hợp giữa các nền văn hóa của các dân tộc ấy, người ta gọi đó là thuyết tương đối văn hóa.

Dựa trên cơ sở khái quát những kết quả nghiên cứu của nhân học văn hóa và xã hội, người ta đề xuất cách tiếp cận giá trị học – tức tiếp cận giá trị để hiểu văn hóa. Việc sử dụng rộng rãi khái niệm văn hóa như là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần bắt đầu từ công trình của V.Vinđenbanđơ. Văn hóa được xem như là hệ thống những phương thức hoạt động theo chuẩn mực, những thủ pháp hoạt động mong đạt tới các kiểu mẫu điển hình. Các đại biểu nổi tiếng của lưu phái này là: G.Rikkert, G.Côghen, Ph.Bơrentanô, M.Selerơ và V.Vunđơ… Trong các ngành triết học và văn hóa học của Nga có các đại biểu: G.Karpov, A.Zvorkin, G.Phransev… Ưu điểm của cách tiếp cận là: sự nới rộng của nó cho phép hình dung văn hóa như là biểu hiện các khía cạnh và lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Mặt khác sự giải thích giá trị học đã khuôn các hiện tượng văn hóa vào lĩnh vực giá trị tương đối hẹp, ở đó thiếu hẳn những tiêu chuẩn chặt chẽ của chúng.

Một số các nhà nghiên cứu có ý định giải thích cơ sở bản năng của văn hóa con người, bằng cách quan tâm nghiên cứu những thành tố tự nhiên trong văn hóa, những đặc điểm về cuộc sống tự nhiên của con người. Các nhà nghiên cứu Ph.Hamintơn, G.Spencer, S.Freud và một số nhà khoa học khác đã lấy cách tiếp cận này làm chính để xác định bản chất của văn hóa. Trong văn hóa học, trào lưu này gọi là trào lưu tự nhiên. Theo ý kiến S.Freud thì sự phát triển văn hóa là sự phát triển trí năng và sự chuyển nhập hướng nội những xung lực hung tính của con người cùng với toàn bộ ưu thế liên tục và những hiểm họa. Theo S.Freud, văn hóa là xu hướng kiểm tra gay gắt của con người đối với các dạng hoạt động xã hội có lợi cho nó.

Gần gũi với quan niệm của Freud – người sáng lập ra tâm lý học phân tích chiều sâu là C.Jung nghiên cứu biểu hiện hồn nhiên của những mô-típ phôn-cờ-lo và huyền thoại trong giấc mơ của những bệnh nhân và đã đi đến kết luận, rằng trong tâm trạng của con người hiện đại có chứa đựng kinh nghiệm của các thế hệ xa xưa. Phương pháp luận nhận thức những hiện tượng xã hội thông qua sự bộc bạch cái vô thức có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật, tâm lý học, xã hội học và đã được vận dụng rộng rãi trong các khoa học khác.

Nhà văn hóa học Hoa Kỳ Leslie White – người sáng lập ra trường phái biểu trưng, có dự định khởi thảo một lý thuyết chung về văn hóa. Ông cho rằng, văn hóa – đó là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, có trong xã hội loài người, có quy luật riêng của nó trong sự vận hành và phát triển. L.White xem biểu tượng (symbol) là dấu hiệu chức năng của mọi người, khác với những dấu hiệu ở động vật. Việc nghiên cứu văn hóa đã được tiến hành thông qua phân tích những đặc điểm của những hình thái biểu tượng này hay khác, chứa đựng trong văn hóa, như: những cội nguồn văn tự, nghi thức, thờ cúng, lễ thức. Những người kế tục L.White (như E.Cassirer…) xem xét văn hóa như là cơ chế tạo ra tổng thể những văn bản, còn văn bản là sự hiện thực hóa văn hóa.

Sự giải thích đầy hứng thú về biểu tượng còn được đặt ra trong phạm vị phân tâm học. ở đây, biểu tượng biểu hiện không phải như thuộc tính hoạt động hữu thức của con người, mà ngược lại – như khả năng biểu hiện duy nhất và gián tiếp của những khởi nguyên vô thức trong tâm trạng cá thể và trong văn hóa. Trong mối liên hệ này các ý tưởng của C. Jung là rất đặc sắc, khi ông nghiên cứu những hình ảnh – biểu tượng phổ quát (những cổ mẫu) của vô thức tập thể.

Iuri Lotman đã xác định văn hóa như là một tổng thể những thông tin (không kể thông tin di truyền sinh học), những phương thức bảo tồn và tổ chức thông tin. Các truyền thống khoa học khác nhau phân tích biểu tượng hoặc ký hiệu đã dẫn đến ra đời môn ký hiệu học – khoa học nghiên cứu những thuộc tính của hệ thống ký hiệu, hoặc các hệ thống ký hiệu, mà mỗi ký hiệu đều có thể truyền đạt một ý nghĩa nhất định. Trường phái biểu tượng (ký hiệu học) trong văn hóa học hiện nay đã phổ biến toàn thế giới.

I. Hâydinhga trong tác phẩm Kinh nghiệm nghiên cứu yếu tố chơi trong văn hóa đã đề xuất một khái niệm đặc sắc về văn hóa. Trong sự xuất hiện và phát triển của văn hóa thế giới, Hâydinhga đã mang đến cho trò chơi một ý nghĩa đặc biệt, ông xem nó như là cơ sở của cuộc sống chung toàn nhân loại ở bất cứ thời đại nào. Vai trò văn minh hóa của trò chơi biểu thị ở chỗ nó theo đuổi các quy tắc được xác lập một cách tự nguyện, ở sự chống lại chủ nghĩa quyền uy, ở việc cho phép có quyền lựa chọn khác, ở vắng mặt sự đe dọa của cái nghiêm ngặt. Theo ý kiến ông thì văn hóa xuất hiện như là trò chơi trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Thờ cúng trong tôn giáo, thi ca, âm nhạc, vũ đạo.v.v… đã trở thành những biểu hiện cơ bản của văn hóa.

Hâydinhga phân tích các yếu tố chơi trong ngôn ngữ, pháp đình, chiến tranh, khoa học, thi ca, triết học, nghệ thuật, trong văn hóa các thời đại khác nhau, nói riêng trong văn hóa La Mã cổ đại. Khẩu hiệu “Bánh mì và trình diễn”, vai trò của hí trường trong các thành phố La Mã chứng minh ý nghĩa của trò chơi trong sinh hoạt của nhà nước La Mã. Trong nền văn hóa trung cổ, giới hiệp sĩ, công việc xét xử, điều lệ tố tụng, viện ghin-đi, trường học đều là những yếu tố có mang tính chất vui chơi. Thời Phục Hưng – đó là vũ hội hóa trang vui nhộn, cải trang để tham gia trò chơi huyền thoại đầy lý tưởng của quá khứ. Tóc giả đã trở thành vật đại diện cho yếu tố vui chơi của thế kỷ XVII. Nguyên lý vui chơi, tinh thần hồn nhiên trong cuộc đua tài hiếu thắng đặc trưng cho các câu lạc bộ, hội văn chương, các nhà sưu tập, các hội bí mật và các phe phái tôn giáo ở thế kỷ XVIII. Hâydinhga nhận thấy từ thế kỷ XX, yếu tố vui chơi trong quá trình văn hóa đã dần dần trở nên giảm thiểu. Điều đó cũng có thể nhận thấy rõ trong sự tiến hóa của trang phục nam giới, trong đó thay cho những cái nơ, đai, quần lửng ngắn, những cam-dôn dài bằng bộ com-pơ-lê đồng loạt và những đầu tóc rập theo một kiểu. Về sau, tinh thần thực dụng chủ nghĩa thâm nhập vào trò chơi ngày càng mạnh mẽ hơn, trình diễn đại chúng đã trở thành những cuộc trình diễn có tổ chức, được che đậy dưới cái tên hư cấu sáng tạo. Văn hóa mang tính chất chống lại con người, cùng với sự xác lập các lý tưởng của xã hội tư sản. Theo Hâydinhga, nhà nước, các đảng chính trị, các tổ chức, nhà thờ đã không còn đủ sức mạnh để tạo cơ sở vững chắc cho nền văn minh nhân loại: trình độ văn minh phụ thuộc vào sự thành công của một nhà nước, một chủng tộc hay một giai cấp. Hâydinhga cho rằng: sự thống trị của con người đối với bản thân nó đã trở thành nền tảng của văn hóa.

Trong triết học và văn hóa học ở nước Nga, tiếp cận hoạt động được vận dụng khá phổ biến, trong khuôn khổ của phương pháp tiếp cận này, văn hóa được xem như là quá trình hoạt động sáng tạo (A.Arnodov, E.Banler, V.Megiuev, L.Kogan), hoặc văn hóa là phương thức đặc biệt của hoạt động người (E.Markarian, M.Kagan…). Các đại biểu của phái thứ nhất xem văn hóa như là văn hóa tinh thần, nó được xác định dưới dạng một quá trình sản xuất, bảo quản các giá trị tinh thần. Phái thứ hai, trong đó E.Markarian cho rằng: văn hóa là cái làm khu biệt giữa hoạt động sống của loài người với các hình thái của đời sống sinh vật. Trong xã hội hoạt động sống của con người được chương trình hóa không theo cách di truyền, mà thông qua các loại hành vi, xã hội hóa, được củng cố trong truyền thống và trong kinh nghiệm xã hội. Những cơ chế ngoài sinh học sẽ thay thế các cơ chế sinh học. Hệ thống các cơ chế và phương tiện này là văn hóa. Trong tác phẩm “Bản chất của văn hóa”, V.Davidovits xem xét hoạt động và văn hóa thông qua khái niệm “phương thức”. Trong trường hợp này văn hóa như là phương thức của phương thức, nhưng các tác giả cho rằng, trong điều kiện xếp chồng lên nhau thuật ngữ này vẫn hoàn toàn hợp lý.

Khái niệm hoạt động đã hấp dẫn bởi xu hướng nhân bản, các tác giả của xu hướng này muốn chứng minh vai trò cơ bản của cá nhân như là sự khởi đầu sáng tạo trong lịch sử nhân loại. Giáo sư ở Mát-xcơ-va I.Saitanov, trong cuốn sách “Văn hóa: lý luận và các vấn đề” đã ghi nhận khái niệm văn hóa bao gồm: a) Toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người; b) Tổng thể kỹ năng và sự bảo đảm thực hiện chúng; c) Kết quả của hoạt động này, biểu hiện cao nhất là trong nghệ thuật và trong toàn bộ những cái do bàn tay người tạo ra. Nhà nghiên cứu lý luận và lịch sử văn hóa nổi tiếng là A.Gurevits hiểu văn hóa không chỉ là toàn bộ những thành tựu tinh thần của con người, mà còn là hệ thống những định hướng sinh động của nó như là nội dung hiện thực trong ý thức mỗi thành viên của xã hội. Thực ra mỗi con người đều là đại biểu của một nền văn hóa cụ thể, biến đổi trong thời gian và không gian, vì thế cần chú ý nghiên cứu tình cảm, ý tưởng và các động cơ của hành động, chứa đựng trong những con người thực tế của các thời đại khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận về tính cấp thiết của phân tích văn hóa học đối với con người và hình ảnh của nó trong văn hóa.

2. Sự giải thích đa dạng về khái niệm văn hóa tất yếu sẽ động chạm đến một khái niệm đa nghĩa khác – văn minh. Nguồn gốc của từ văn minh khơi lên từ chữ La tinh civis (công dân), nó đặc trưng cho đời sống dân sự (thành thị). Người La mã hiểu văn minh là trình độ phát triển của đời sống thị dân, nhấn mạnh đến tính chất ưu việt của họ trong các mối sinh hoạt và về chính trị, khác biệt với đời sống các bộ lạc nguyên thủy, hoang dã sống vây quanh họ ở ngoài thành thị. Trong một thời gian dài thuật ngữ văn minh được sử dụng để diễn đạt các thuộc tính như: có giáo dục, lịch sự, tinh tế, ngược với khái niệm về tính chất nông thôn, thô lậu. Từ cuối thế kỷ XVII thuật ngữ này đã phổ biến rộng rãi trong các sách triết học ở Châu Âu. Về cơ bản văn minh đặc trưng cho sự thống nhất của lịch sử toàn thế giới và cho sự tiến bộ của toàn thể loài người. Sự phát triển văn hóa được xem như sự tiến bộ của văn minh.

Trong cơ cấu của thuyết văn minh, ý tưởng chiếm vị trí trung tâm là ý tưởng về “trạng thái tự nhiên” của con người, cùng với các quyền sống, tự do và sở hữu của nó.

Trong các tác phẩm của R.Ferguson, Ô.Mirabeau, P.Herdere và Ph.Vonter, văn minh biểu hiện như là sự sản sinh ra lý trí, bảo đảm chính nghĩa và sự thịnh vượng. ý tưởng về sự tiến bộ của văn minh cũng như tiến bộ của văn hóa là khá phổ biến trong triết học cổ điển Đức (E.Kant, G.Hegel). Trong khi đó, đối với các nhà xã hội không tưởng (J.J. Rút-xô), văn minh được xem như là sự đe dọa đối với tính nhân bản, đạo đức, như là bạo lực đè nặng lên thiên nhiên. Vì thế đã xuất hiện truyền thống đối lập giữa hai khái niệm văn hóa và văn minh. Điều quan trọng được nhấn mạnh trong văn minh là sự đổi mới, thậm chí là tiến trình lịch sử có khuynh hướng bạo lực, tách khỏi con đường của đời sống tự nhiên. Văn minh thể hiện kinh nghiệm vật chất – kỹ thuật của nhân loại, còn văn hóa – đó là kinh nghiệm tinh thần, khoa học và nghệ thuật. Văn minh nghiêng về lý trí, văn hóa hướng về tinh thần. ý tưởng về lịch sử toàn thế giới được khẳng định thành ý tưởng về sự thống nhất của văn hóa toàn nhân loại, gắn kết thế giới trên cơ sở thống nhất về tinh thần, đối lập với văn minh có thiên hướng bạo lực.

Thế kỷ XIX đã quảng bá một quan niệm xem xét văn minh thông qua sự tích luỹ số lượng những nhân tố, xác định xã hội văn minh hóa cao hơn xã hội tiền văn minh. Phương pháp tiếp cận này khởi đầu từ L.Morgan. trên sự giáp ranh của văn minh nổi bật lên một số thành tố như: nâng cao năng suất trong hoạt động kinh tế, tiếp tục phân công lao động, phân hóa xã hội, phát triển thủ công, thương mại (xuất hiện nhà buôn và tiền), cơ cấu thành phố, xây dựng công trình kiến trúc, văn tự… Biểu hiện chung và quan trọng nhất của tính văn minh là: phân hóa xã hội và sự hình thành các quan hệ giai cấp, đi kèm với điều đó là sự xuất hiện của sở hữu tư nhân và nhà nước.

Tiếp theo L.Morgan, Ph.Engels hình dung văn minh như là nấc thang phát triển của xã hội, diễn ra sau hai thời kỳ mông muội và dã man.Văn minh được nhìn nhận như một thời kỳ dài phát triển xã hội của các dân tộc riêng lẻ và của thế giới nói chung, đặc trưng của thời kỳ này được xác định bằng các quan hệ sản xuất thống trị.

Nhà sử học người Pháp Ph.Ghidô, một trong những người đầu tiên có ý định giải quyết mâu thuẫn giữa ý niệm tiến bộ thống nhất của loài người với tính đa dạng của tư liệu lịch sử – dân tộc chí đã phát hiện được, ông đặt ra cơ sở lịch sử – tộc người cho quan niệm văn minh khi giả định rằng, có nhiều nền văn minh địa phương đang tồn tại, chúng duy trì sự tiến bộ nói chung cho xã hội loài người.

Về sau này nhà tư tưởng người Đức O. Spengler, trong tác phẩm “Ngày tàn của châu âu” (1919) đã phủ nhận sự thống nhất và tính kế thừa trong sự phát triển văn hóa loài người, không thừa nhận tính chỉnh thể của sự tiến bộ lịch sử, ông đã đối lập văn hóa với văn minh. O. Spengler tin rằng, bất cứ nền văn hóa nào khi đã đạt đến sự chín muồi , thì sẽ đi vào suy thoái, điều đó tất yếu sẽ dẫn đến làm sụp đổ xã hội, cái xã hội mà nền văn hóa ấy phụ thuộc vào. Các xã hội phương Tây và văn hóa của chúng đã trải qua thời phát triển cực thịnh và hiện đang ở trong giai đoạn cuối cùng của sự suy thoái. Trong thời kỳ nảy sinh văn hóa thì huyền thoại và tôn giáo có ý nghĩa ưu thế. Thời kỳ chín muồi gắn liền với việc xây dựng các hệ thống triết học, phát triển khoa học và nghệ thuật. Giai đoạn cuối cùng đặc trưng bởi sự gia tăng của chủ nghĩa cá nhân, sự quảng bá các hệ thống triết học và sự phát triển khoa học. O.Spengler gọi giai đoạn cuối cùng này là văn minh, nó đánh dấu bước chuyển từ sáng tạo đến lặp lại, từ tính chất độc đáo của những giá trị đến sản xuất hàng loạt. Ông đã gắn kết “Ngày tàn của châu Âu” và linh cảm về cuộc khủng hoảng đang tới gần với giai đoạn văn minh, với những đặc tính như: vô thần, chủ nghĩa thực dụng thô bỉ, sùng bái lối sống tiêu dùng. Các ý tưởng của O.Spengler rất cận kề với các quan điểm của bộ phận các nhà tư tưởng Nga vào các thế kỷ XIX-XX.

Ở nước Nga khái niệm văn minh xuất hiện vào thế kỷ XIX, nó gắn liền với số phận lịch sử của nhân dân Nga. Từ “Bút ký triết học” đầu tiên của P.Tradaev người ta đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các học giả phương Tây và những người theo chủ nghĩa Xla-vian về vị trí của nước Nga trong cộng đồng thế giới. Các học giả phương Tây đã đồng nhất một cách đơn giản văn minh nói chung với văn minh Tây Âu. Các nhà Xla-vian học thì nhấn mạnh vào đặc sắc dân tộc của nước Nga, dữ kiện này chứng tỏ rằng, trong lịch sử nước Nga đã không đi cùng đường với châu Âu. Điều có ý nghĩa đáng kể trong cuộc tranh luận này là lý thuyết về các loại hình văn hóa – lịch sử của N.Danilevsky, được tóm tắt trình bày trông cuốn sách “Nước Nga và châu Âu” (1868), phần nhiều cũng là dựa theo ý tưởng dự đoán của O.Spengler. Theo ý kiến N.Danilevsky, thì nền văn hóa, văn minh mang tính nhân loại phổ biến chưa bao giờ từng tồn tại. Sự tiến bộ không hề tạo ra đặc quyền quyết định của phương Tây hoặc châu Âu, mà đọng lại ở phương Đông và châu á. Mỗi nền văn hóa giống như một cơ thể sống, nó có số phận riêng, thời kỳ tồn tại của văn minh riêng lẻ có thể còn dài, nhưng không thể là vô hạn.

N.Berdiaev đã kế tục quan niệm về sự đối lập giữa hai khái niệm văn hóa, văn minh. Theo quan niệm của ông thì văn hóa bị lây nhiễm bởi thói xấu của văn minh. Văn minh được xem như là lĩnh vực hành động của quần chúng, nó biểu hiện sự lớn mạnh của lực lượng sản xuất, sự thống trị của “chủ nghĩa hiện thực kinh tế”. ở đây có hàm nghĩa nói tới quan điểm duy vật về lịch sử.

Trong triết học và trong văn hóa Nga (L.Tolstoi, V.Soloviev), các khía cạnh tiêu cực của sự phát triển văn minh như: tính chất một chiều của tiến bộ về vật chất – kỹ thuật, sự mất mát tính toàn vẹn của nhân cách, làm tổn hại đến thiên nhiên. Quá trình hình thành nền văn minh thế giới được xem xét như là một trong những điều kiện quan trọng nhất và là hệ quả của bước chuyển của các nước phát triển ở châu Âu sang chủ nghĩa tư bản (thế kỷ XVI-XVIII).

Người kế tục O.Spengler trong việc nghiên cứu các nền văn minh riêng lẻ là A.Toynbee. Ông cũng xem văn minh là giai đoạn kết thúc của văn hóa và xác định nó như một hệ thống văn hóa – lịch sử giới hạn trong một thời – không gian, nổi bật lên bởi sự thống nhất tương đối của đời sống tinh thần, xã hội, chính trị và kinh tế. Mỗi nền văn minh đang sống động, khi nó vẫn còn đưa ra được những đáp ứng trả lời các câu hỏi của tình huống lịch sử, tuy vậy, khi xã hội không còn khả năng đưa ra những câu trả lời thì nó sẽ tiếp cận với sức mạnh của vũ khí, văn minh sẽ chấm dứt con đường đi của mình và tiến tới diệt vong.

Trong thế kỷ XX nhà xã hội học Hoa Kỳ Alvin Toffler trong cuốn sách “Làn sóng thứ ba” đã đưa ra một cách hiểu độc đáo về quá trình văn minh. Quá trình lịch sử của sự phát triển văn minh trải qua nhiều giai đoạn, giống như những làn sóng xô đẩy và va đập vào nhau, chúng sản sinh ra các mâu thuẫn và những trở ngại xã hội. Ba làn sóng được xem là các loại hình lịch sử của văn minh: văn minh nông nghiệp tồn tại đến trước các thế kỷ XVII-XVIII, văn minh kỹ nghệ bắt đầu từ thời đại xuất hiện cách mạng công nghiệp, đây là loại hình văn minh mới, được đặc định bởi chủ nghĩa nhân đạo cá nhân, phát hiện những khả năng rộng rãi nhất để biểu hiện các tài năng sáng tạo vốn có ở con người. Sự phục hưng văn minh diễn ra do kết quả của sự hình thành xã hội thông tin hậu công nghiệp, mà đặc trưng của nó là sự cá thể hóa cao độ các lĩnh vực kinh tế, xã hội và tinh thần cũng như khả năng đổi mới – nhanh chóng diễn ra trong xã hội đầy biến đổi. Chủ nghĩa nhân đạo sẽ là cái mới cơ bản trong hệ thống giá trị của xã hội này. Cách tiếp cận trên đây trở thành dẫn chứng của nhận thức lạc quan về quá trình văn minh.

Nhà triết học Tây Ban Nha Ortega y Gasset – một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ XX đã bác bỏ các ý tưởng của O.Spengler về sự đối lập văn hóa với văn minh. Trong tác phẩm “Sự nổi dậy của quần chúng”, ông xem xét tính kế thừa trong sự phát triển văn hóa và văn minh với tính cách là quy luật phổ biến của lịch sử. Vì vậy toàn bộ những thành tựu văn hóa, đã được các dân tộc châu Âu tích luỹ trong quá khứ cần phải được họ bảo vệ cho hiện nay và cho tương lai. Cuộc khủng hoảng diễn ra ở châu Âu vào đầu thế kỷ XX không có nghĩa là kết thúc truyền thống văn hóa châu Âu. Ông chứng minh rằng, không có “Ngày tàn của châu Âu”, theo tác giả, sự cần thiết đối với châu Âu hiên nay là một cuộc phục hưng lịch sử mới. Bằng khái niệm “Châu Âu” Ortega y Gasset đã chỉ ra tất cả các vùng, trong quá trình phát triển của chúng, đều đã khai thác những thành quả của truyền thống văn hóa châu Âu. Ông nhìn thấy sự khủng hoảng của văn minh và văn hóa biểu thị ở sự xuất hiện của “văn hóa đại chúng” trong xã hội. “Con người đại chúng” đã đánh mất cá tính, mất phẩm chất tinh thần và đạo đức. Quần chúng phi cá tính và hay gây hấn sẽ trở thành kẻ phá hoại văn hóa. Xã hội đại chúng đối lập với giới tinh hoa, mà đặc trưng ở họ là đã vươn tới sự hoàn thiện về trí tuệ và đạo đức, có sáng kiến lịch sử, có năng lực thực hiện các nhiệm vụ chung của dân tộc và của nhân loại. Ortega y Gasset đã gắn kết sự phục hưng văn minh và văn hóa với vai trò và ý nghĩa cao cả của giới tinh hoa văn hóa.

Trong văn hóa học hiện thời ở nước Nga có thể chia ra hai xu hướng chính trong quan niệm về mối tương quan giữa hai khái niệm văn hóa và văn minh.

Chẳng hạn, khi gắn kết văn hóa với phương thức đặc biệt của hoạt động người, E.Markarian khẳng định văn minh như là giai đoạn phát triển của văn hóa, những nét đặc trưng của nó là: có cơ cấu giai cấp, nhà nước, quá trình đô thị hóa, xuất hiện văn tự… Một quan niệm khác về mối tương quan giữa văn minh và văn hóa do một số nhà khoa học chủ trương như V.Megiuev, E.Banlere,.v.v…, họ xem xét văn hóa như là quá trình hoạt động sáng tạo của cá nhân, như sự khởi đầu sáng tạo của quá trình lịch sử, còn văn minh là hình thái tổ chức của đời sống xã hội, tạo điều kiện cho văn hóa vận hành. Từ đây, có thể nhận thấy: mâu thuẫn giữa văn hóa và văn minh theo hai xu hướng trên là mâu thuẫn giữa quá trình sáng tạo và hình thái của tổ chức.

Tóm lại, các khái niệm văn minh và văn hóa nổi bật lên ở tính phức tạp và tính đa nghĩa của chúng. Chúng tôi quan niệm, sẽ là đúng hơn nếu cho rằng hai khái niệm này có thể bổ túc cho nhau. Nếu văn hóa xác định con người ở thước đo sự phát triển của nó, ở các phương thức tự biểu hiện trong các dạng hoạt động khác nhau, thì khái niệm văn minh xác định sự tồn tại xã hội của bản thân văn hóa. Nền văn minh của thế giới hiện đại không phải là điểm xuất phát, mà là kết quả của quá trình tiến hóa phức tạp, lâu dài của những nền văn minh địa phương riêng lẻ đầu tiên, trong đó có những nền văn minh đã bị hủy hoại, bị tiêu diệt một cách thảm hại.

Hoàng Vinh (dịch) Nguồn: hoidantochoc.org.vn (12/01/06)