Lợi dụng nhu cầu vay tiền với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, họ dùng mọi thủ thuật để “bẫy” người vay bằng các khoản chi phí không rõ ràng, lãi suất “cắt cổ”, thậm chí còn biến tướng thành một hình thức lừa đảo mới…
Vay 10 triệu đồng, trả 400 triệu đồng vẫn chưa dứt nợ
Bạn đang xem: App cho vay nặng lãi: Không trả tiền không sống yên!
Do cần tiền xoay xở việc mua bán, chị L.T.T.O. (39 tuổi) đăng ký vay 10 triệu đồng qua app trực tuyến (gọi tắt là app vay).
Để làm thủ tục vay, chị phải chụp hình chứng minh nhân dân và cung cấp số tài khoản ngân hàng gửi lên app vay. Sau đó, tài khoản ngân hàng của chị tự động nhận được tiền giải ngân.
Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ có một nửa số tiền chị vay và thời hạn vay chỉ có 1 tuần, kể từ ngày được “giải ngân”. Quá bất ngờ, chị O. gọi vào các số điện thoại liên lạc trên app cho vay thì không ai nghe máy. Nhưng khi đến hạn thanh toán thì chị O. liên tục nhận được điện thoại “nhắc nợ”.
Do thời hạn vay quá ngắn, đến hạn không có khả năng thanh toán nên chị O. bị các đối tượng cho vay bêu xấu bằng cách ghép hình ảnh, thông tin vào lệnh truy nã tung lên các website có nội dung đồi trụy.
Quá hoảng sợ, chị O. đành vay app này để trả nợ app kia. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, từ số tiền vay 10 triệu đồng ban đầu, nay chị phải trả nợ với số tiền gần 400 triệu đồng.
Tương tự, bà L.T.T.T. (trú thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) cũng khổ sở vì khoản vay qua app.
Bà T. kể trong một lần lướt Facebook thì thấy hiện lên ứng dụng cho vay tiền không lãi suất. Bà tò mò tải app về điện thoại tìm hiểu và thử vay lần đầu là 500.000 đồng trong vòng 1 tuần không tính lãi.
Lần vay đầu, bà T. trả đúng hẹn nên không có vấn đề gì xảy ra. Sau đó, bà T. được mời chào vay tiếp hạn mức 3 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
Xem thêm : Acc Honkai Star Rail miễn phí 2023, Share Nick HSR Free VIP
Tin vào lời dẫn dụ từ “nhân viên tư vấn” của app, bà tiếp tục vay. Do không có tiền trả đúng hạn, bà được tư vấn vay app khác để đáo nợ. Cứ như thế, từ 3 triệu đồng ban đầu bà đã sập bẫy app “tín dụng đen” với khoản nợ gần 100 triệu đồng.
Do số nợ ngày càng lớn, trả hoài không hết nên lúc nào bà T. cũng phải sống trong tình trạng khủng hoảng tinh thần còn người thân, bạn bè thì liên tục bị “khủng bố” đòi nợ.
“Chỉ vì sự thiếu hiểu biết của tôi đã gây ảnh hưởng quá lớn đến gia đình và người thân. Khoản nợ liên tục tăng, tôi trả ba năm rồi mà vẫn chưa dứt nợ nên cứ bị gọi điện hăm dọa…”, bà T. lo lắng.
Biến tướng lừa đảo
Không chỉ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, nhiều ứng dụng còn là cái bẫy lừa đảo sẵn sàng “đánh chén” bất kỳ người dùng nào.
Chẳng hạn, trong quá trình làm thủ tục vay, người dùng sẽ phải cung cấp số tài khoản ngân hàng lên app để nhận tiền vay. Sau đó bên app sẽ thông báo số tài khoản người dùng cung cấp bị thiếu hoặc sai số nên app đã chuyển tiền nhưng… bị mất.
Do đó, người vay được yêu cầu phải đóng thêm tiền cho app để chỉnh sửa lại số tài khoản hoặc “phạt” vì đã làm mất tiền của app cho vay. Số tiền phí này có thể đến vài triệu đồng.
Đang cần vốn để kinh doanh, lướt Facebook thấy quảng cáo hấp dẫn, anh D. nhấp vào xem thì được hướng dẫn truy cập trình duyệt có tên “VN5515.xyz”. Tại đây, anh D. chọn khoản vay 40 triệu đồng, thời hạn 12 tháng với lãi suất 0,7%. Sau đó, anh được một người xưng là “nhân viên chăm sóc khách hàng” nhắn tin gửi một mã rút tiền.
Tuy nhiên khi nhập mã này thì hệ thống báo anh D. nhập sai và số tiền vay bị “đóng băng”. Anh D. được yêu cầu chuyển khoản 4 triệu đồng (số tài khoản của một người tên DUONG THI PHUONG tại Ngân hàng MB) để thẩm định và “giải băng”.
Thế nhưng việc “giải băng” liên tục bị lỗi, cứ mỗi lần như vậy “nhân viên chăm sóc khách hàng” lại dùng nhiều lời ngon ngọt để dụ anh D. tiếp tục chuyển tiền với cam kết sẽ hoàn trả đầy đủ tiền cho anh khi đã khắc phục được lỗi.
Xem thêm : Gợi ý kích thước bàn thờ treo tường chuẩn phong thủy mang đến tài lộc
Tiếc của, anh D. lao theo. Sau 3 lần “khắc phục lỗi”, anh D. bay mất 50 triệu đồng, trong đó có tiền cầm chiếc xe máy. “Nghi bị lừa nên tôi năn nỉ họ trả lại 50 triệu đồng, không cần vay nữa thì họ kêu tôi phải chuyển thêm 40 triệu đồng nếu không toàn bộ số tiền của tôi sẽ bị phong tỏa”, anh D. rầu rĩ.
Theo nhiều cán bộ công an, lợi dụng tâm lý người dân cần tiền gấp, các app cho vay đưa ra chiêu thức cho vay đơn giản để dẫn dụ người dân sập bẫy. Một cán bộ Công an huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phân tích các công ty cho vay tiền qua app đa số được điều hành từ người nước ngoài.
Các ứng dụng thường có trên điện thoại di động như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”… Các app này được quảng cáo đầy rẫy, hấp dẫn trên các nền tảng mạng xã hội.
Các app cho vay thường yêu cầu người vay tiền tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do họ soạn sẵn.
Trong đó, đáng chú ý có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động. Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Phần lớn các app đều giữ lại một khoản phí, tiền lãi phải thu, đồng thời sẽ phạt trả tiền chậm rất cao…
Đơn cử, ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay lần đầu chỉ được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng nhưng thực tế khách hàng chỉ nhận được 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày.
Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Nếu khách vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2-5%. Nếu không thanh toán, trả tiền nộp chậm, người vay và người thân của họ sẽ bị tra tấn bằng điện thoại hằng ngày.
“Với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng tính lãi suất 2,5%/ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm”, cán bộ này cho biết.
Ngoài ra, trong quá trình đòi nợ, bên cho vay thường hù dọa theo kiểu “khủng bố”. Do lo sợ cũng như muốn tránh nguy cơ bị quấy rối, bêu rếu trên mạng xã hội nên người dùng thường cam chịu để giải quyết cho xong chuyện.
Đó là cơ hội để app cho vay bẫy người dùng cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mã OTP… thông qua các trang web mạo danh kiểm tra thông tin, thanh lý hợp đồng. Từ đó, chúng trục lợi tiền từ các thông tin chiếm đoạt được.
(còn tiếp)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp