Hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Việt nam

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về khoa học – kỹ thuật – công nghệ, kéo theo những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói riêng và quyền tác giả nói chung ngày càng có xu hướng gia tăng. Thực trạng này tại Việt Nam diễn ra khá phổ biến và rộng rãi bởi tốc độ của công nghệ thông tin trên Internet với độ phủ sóng làm cho những hành vi xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở nên phức tạp.

1. Như nào là bị coi là xâm phạm quyền tác giả

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được biểu hiện tùy theo đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Những hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định theo Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 bao gồm:

– Chiếm đoạt quyền tác giả ( đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học).

– Mạo danh, mạo nhận là tác giả.

VD: Tác phẩm âm nhạc “Điều còn lại” trước đây có tên là “Điều em muốn nói” của tác giả Hoàng Thu Trang bị nghệ danh Mờ Naïve ( Trần Hà My ) mạo nhận là tác giả trên sóng truyền hình.

– Công bố, phân phối tác phẩm không được sự cho phép của tác giả.

– Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả không được sự cho phép của đồng tác giả đó.

– Sửa, cắt xén hoặc xuyên tạc nội dung tác phẩm gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả.

– Sao chép tác phẩm mà không xin phép của tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định trong Luật này.

Ví dụ: Quán photocopy có hành vi photo giáo trình, tài liệu, sách tham khảo,… để bán là hành vi bị coi là xâm phạm bản quyền tác giả đối với những tài liệu này.

– Làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép của tác giả cũng như chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định khác.

– Sử dụng tác phẩm không xin phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền thù lao, nhuận bút, quyền lợi vật chất khác được quy định trong pháp luật pháp luật, trừ trường hợp quy định khác

– Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền thù lao, nhuận bút, và quyền lợi vật chất khác theo quy định cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả cũng được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

– Nhân bản, tạo bản sao, phân phối, trưng bày triển lãm hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu.

Ví dụ: Hành vi quay lén và tung nhiều trích đoạn lên mạng xã hội phim hài hành động “Lộ mặt” vào tháng 06/2018 khi không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả của bộ phim này lên mạng xã hội để lưu giữ hoặc chia sẻ cho người khác

– Xuất bản tác phẩm khi không được sự cho phép của chủ sở hữu.

– Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

– Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

– Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập – xuâst khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

– Làm và bán tác phẩm với chữ ký giả của tác giả.

– Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao của tác phẩm mà không tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả không đồng ý.

2. Xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả như thế nào ?

Khi tác phẩm của mình bị một cá nhân hay tổ chức nào đó sử dụng với mục đích bất chính hay chưa được sự đồng ý, cho phép của mình,… thì chủ sở hữu quyền tác giả hoàn toàn có thể xử lý xâm phạm quyền tác giả này theo các quy định của pháp luật.

Sau khi điều tra đầy đủ các chứng cứ, chủ sở hữu quyền hoàn toàn có thể gửi thư cảnh báo bên vi phạm dừng hành vi xâm phạm quyền tác giả (Đây là phương án dễ dàng và thuận tiện cho cả 2 bên)

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà tác giả có thể khuyến cáo – yêu cầu đơn vị có thẩm quyền xử lý đối tượng có hành vi xâm phạm quyền tác giả.