TS. Lê Thành Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy

1. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, có ba điểm cơ bản cấu thành bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trước hết, đó là một Nhà nước dân chủ, nơi mà “bao nhiêu lợiích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…;”[4] nhân dân là nguồn gốc và là chủ thể đích thực của quyền lực nhà nước. Hai là, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và trách nhiệm của người cán bộ đối với dân. Theo Người, “chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả cán bộ từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”[5]. Sự lãnh đạo của Đảng là yêu cầu tất yếu và điều kiện tiên quyết để Nhà nước được thành lập, xây dựng và hoạt động bảo đảm đúng là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ba là, sự gắn bó giữa Chính phủ với nhân dân: “Nếu không có nhân dân, Chính phủ không có đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không có ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối”[6].

Về phương thứchình thành, Nhà nước của dân, do dân, vì dân là Nhà nước được lập ra bằng con đường bầu cử, nhân viên Nhà nước thực thi, thừa hành quyền hạn thông qua sự ủy thác của nhân dân. Hồ Chí Minh viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do những người có tài, có đức để gánh vác các công việc nước nhà… ”[7]. Nhân dân giữ quyền thay đổi, bãi miễn Chính phủ và nhân viên Nhà nước khi họ làm hại cho dân, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[8]. Pháp quyền vừa là mục tiêu cần đạt, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động, đồng thời là công cụ trong Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Biểu hiện rõ nét nhất trong tư tưởng của Người về vấn đề này là yêu sách “thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra đạo luật”; ban hành hiến phápvà “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.[9]

Quan niệm về nhà nước của dân, do dân, vì dân của Hồ Chí Minh gắn với yêu cầu Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; một hệ thống pháp luật mang tính dân chủvà được xác lập bằng phương thức dân chủ.Đồng thời, tư tưởng đó không chỉ đề cao pháp luật thuần túy mà còn mang đậm tính nhân văn. Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hóa dẫn đến đức trị như Khổng Tử hay pháp trị như Hàn Phi Tử mà kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong quản lý của Nhà nước, quản lý xã hội.[10]Người gắn tính nghiêm minh của pháp luật với đạo đức, lòng nhân ái và sự khoan dungđể kết tinh thành chủ nghĩa nhân văncao cả, bởi nghĩ cho cùng, Người viết, “vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người.”[11]

2.Từ những ý tưởng sơ khai ban đầu thời kỳ tiền khởi nghĩa về độc lập dân tộc, dân quyền; sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945) và qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc thêm và toàn diện hơn về nội hàm của Nhà nước pháp quyền XHCN.[12] Quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền được phát triển trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới yêu cầu của thực tế xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) tiếp tục phát triển nhận thức trước đây, đồng thời khắc họa đậm nét và toàn diên những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN. Cương lĩnh đã khái quát những nội dung cơ bản sau đây về Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân: (i) Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân với nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; (ii) Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiếm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; (iii) Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức và quản lý xã hội bằng pháp luật; tăng cường pháp chế XHCN; (iv) Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đẩy đủ quyền làm chủ của nhân dân; (v) Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân đều bị nghiêm trị; (vi) Giữ nghiêm kỷ cương xã hội, có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân, xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; (vii) Tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.[13] Điểm mới của Cương lĩnh là bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời nhấn mạnh pháp chế XHCN, sự liên hệ mật thiết giữa Nhà nước với nhân dân và yêu cầu thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân.

3. Trải qua gần 70 năm xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta đã được củng cố và trưởng thành về nhiều mặt. Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được khẳng định một cách nhất quán và liên tục qua các bản Hiến pháp. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 thể hiện sâu sắc hơn nữa bản chất dân chủ của đất nước và chế độ ta, thể hiện chủ quyền nhân dân với việc khẳng định ngay trong Lời nói đầu là bản Hiến pháp này do Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ. Hiến pháp 2013 đã bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được tiếp tục khẳng định và phát triển với nội hàm sâu hơn; ngoài những nội dung kế thừa, Hiến pháp 2013 có quy định mới là Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

Vị trí, vai trò của pháp luật được nhận thức và định dạng rõ nét hơn, phù hợp hơn với yêu cầu nội tại của xã hội Việt Nam và xu hướng phát triển của thế giới. Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 chuyên sâu về xây dựng pháp luật (giai đoạn 2005 – 2020) với những bước đi và giải pháp cơ bản, đồng bộ cho cả xây dựng và thi hành pháp luật. Về nội dung, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã bước đầu thể hiện tư duy lập pháp mới, đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch; phạm vi được mở rộng hơn để bao quát hầu hết các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ (trong năm 2005, có tới gần 50% các văn bản luật, pháp lệnh được ban hành điều chỉnh riêng lĩnh vực kinh tế). Về hình thức văn bản, yêu cầu Quốc hội ban hành luật, giảm dần việc Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành pháp lệnh đã được thực hiện; số lượng các pháp lệnh do UBTVQH ban hành đã giảm cơ bản so với trước đây. Đánh giá ở góc độ này, có thể nói chúng ta đã tiến một bước dài trong việc thực hiện nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là các đạo luật ngày càng giữ vị trí trung tâm, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội. Việc hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh kịp thời hơn, nâng cao hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật, từng bước khắc phục dần tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn.[14] Các VBQPPL được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 1992 đến nay, Quốc hội thông qua hơn 300 luật. Tổng số lượng các VBQPPL do các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành lên đến con số gần 20.000, bao quát hầu hết các lĩnh vực cần điều chỉnh của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Các luật nhìn chung ngày càng có chất lượng cao hơn và cụ thể hơn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bám sát, phản ánh đúng và đầy đủ hơn thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.

4. Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn những tồn tại, hạn chế. Các cơ quan trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, mặc dù được thiết kế kỹ hơn, nhưng sự vận hành vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao; số lượng VBQPPL được ban hành trong thời gian qua vẫn rất lớn, với nhiều hình thức văn bản, nhiều cấp độ hiệu lực khác nhau, nên hệ thống pháp luật vẫn rất phức tạp, cồng kềnh; trong nhiều trường hợp khó tiếp cận, áp dụng và thực hiện. Chẳng hạn, đơn cử trong giai đoạn 2005-2010, Quốc hội và UBTVQH ban hành 124 luật, pháp lệnh; Chính phủ ban hành 769 nghị định; các bộ, ngành ban hành 1.769 thông tư và 461 thông tư liên tịch (tính trung bình cứ mỗi 01 luật, pháp lệnh có 6-7 nghị định, 20 thông tư, thông tư liên tịch). Tính ổn định của hệ thống pháp luật còn thấp. Nhiều VBQPPL, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng thường xuyên thay đổi. Do không tính hết được những nhu cầu và sự vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực cần điều chỉnh nên trong một số lượng đáng kể các trường hợp, cơ quan soạn thảo có xu hướng ban hành các VBQPPL với những quy định mang tính tuyên ngôn chung hơn là quy phạm pháp luật. Tính công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật còn hạn chế. Toà án chậm nghiên cứu ban hành án lệ để bổ sung cho những “điểm khuyết” hoặc làm rõ những “điểm mờ” của các VBQPPL. Việc phân định không rõ, chồng chéo chức trách và quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước trong những lĩnh vực có tính liên ngành, hệ thống cũng làm giảm tính khả thi của pháp luật, ví dụ như việc vẫn tiếp diễn tình trạng không xác định được trách nhiệm của các cơ quan đối với việc để xảy ra những vi phạm pháp luật nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh làm ảnh hưởng, gây hậu quả xấu đến an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân.[15]

5. Một nhà nước cùng với hệ thống pháp luật được thiết kế và vận hành theo đúng nội dung và nguyên tắc pháp quyền XHCN sẽ thực sự là động lực phát triển mới của nước ta, trước mắt cũng như lâu dài. Ở khía cạnh này, Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến quan trọng. Nhưng những quy định cô đọng của Hiến pháp về những vấn đề rường cột của nhà nước pháp quyền, chẳng hạn như nguyên tắc chủ quyền nhân dân; chủ thể thực hiện các quyền và ranh giới thẩm quyền; yếu tố kiểm soát quyền lực giữacác cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cần được nhận thức đúng theo tinh thần Hiến pháp và cụ thể hóa trong các đạo luật ở tầm tư tưởng của Hiến pháp chứ không đơn thuần chỉ câu nệ vào câu chữ cụ thể. Thể chế trong từng lĩnh vực cần được tiếp tục hoàn thiện theo Hiến pháp 2013 và những định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về cải cách pháp luật; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; các Kết luận có liên quan của Bộ Chính trị về các Nghị quyết này. Chẳng hạn, về tổ chức bộ máy Nhà nước, cần làm rõ quyềnlập hiến, lập pháp của Quốc hội; cụ thể hóa chức năng hành pháp, khởi xướng, hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô, bảo đảm việc thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước của Chính phủ; phân định rõ thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Về quyền con người, quyền và tự do cơ bản của công dân, yêu cầu đặt ra là cơ chế thực thi trên thực tế. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần đảm bảo điều kiện thực chất và khả thi cho các tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp thực hiện quyền tự chủ. Tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc của WTO và các cam kết quốc tế khác trong đó các yếu tố thị trường được phát triển đồng bộ, các quan hệ thị trường được điều chỉnh chủ yếu bởi hợp đồng với sự tôn trọng của Nhà nước đối với thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng nếu không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan hành chính Nhà nước thông qua các giấy phép và các quyết định hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.[16]

Có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của dân, do dân cùng một hệ thống pháp luật tương thích vẫn còn nguyên giá trị soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó được Đảng ta thực hành, vận dụng và phát triển phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế qua từng thời kỳ. Những thành tựu đạt được là rõ ràng, không thể phủ nhận; nhưng thách thức, thậm chí có phần khắc nghiệt hơn trước đây, còn ở phía trước. Các mục tiêu kinh tế – xã hội trực tiếp; và cao xa hơn là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chỉ có thể được hiện thực hóa, duy trì và phát triển bền vững trên một nền pháp quyền lấy gốc ở nơi dân.

L.T.L