Có nên dùng cồn 70 độ rửa vết thương?

Thực hành làm sạch vết thương là một phần không thể thiếu trong việc xử trí vết thương do bất kỳ nguyên nhân nào, từ chấn thương cấp tính cũng như vết thương mãn tính. Theo đó, chăm sóc vết thương “tốt” đồng nghĩa với việc ngăn ngừa và kiểm soát sự ô nhiễm vi sinh tại chỗ, giảm khả năng nhiễm trùng và phòng tránh những tác động có hại đối với quá trình chữa lành vết thương. Để đảm bảo được điều này, đó là vai trò của thuốc sát trùng tại chỗ. Đây là các chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt, ức chế hoặc làm giảm số lượng vi sinh vật và được cho là cần thiết để kiểm soát nhiễm trùng vết thương.

Thuốc sát trùng tại chỗ quen thuộc, phổ biến và có lịch sử sử dụng lâu đời nhất để rửa vết thương là cồn (hay rượu). Mặc dù một số loại cồn đã được chứng minh là có khả năng kháng khuẩn hiệu quả, nhưng cồn etylic, cồn isopropyl và n-propanol được dùng nhiều nhất để khử trùng bề mặt cứng và khử trùng da. Nhìn chung, cồn là thuốc sát trùng tại chỗ được phân loại là loại I, an toàn, hiệu quả không chỉ đối với vết thương mà còn dùng cho nhân viên y tế rửa tay hay chuẩn bị da cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Các loại cồn nêu trên đã được chứng minh là có hoạt tính diệt khuẩn in vitro tuyệt vời với khả năng chống lại hầu hết các vi khuẩn gram dương và gram âm. Cơ chế tiêu diệt vi khuẩn của cồn là gây tổn thương màng và sự biến tính nhanh chóng của protein, sau đó can thiệp vào quá trình trao đổi chất và sự đông tụ và biến tính của protein ly giải tế bào. Ngoài ra, cồn cũng có thể tiêu diệt được vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, các loại nấm khác nhau và một số loại vi rút có vỏ bọc. Tuy nhiên, cồn lại không có tính tiêu diệt bào tử và có hoạt tính kém đối với một số loại vi rút không có vỏ bọc. Ngoài ra, hoạt tính kháng khuẩn của cồn còn phụ thuộc vào nồng độ của dung dịch. Cụ thể là tác dụng sẽ trở nên thấp hơn đáng kể nếu ở nồng độ dưới 50% và tối ưu nhất là trong khoảng 60-90%.