Vào đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn, do những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, do đặc điểm về giao thông ở các cảng, triều Nguyễn đã chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ duy nhất đón tiếp thế giới bên ngoài để trao đổi buôn bán, vì thế Đà Nẵng đã thực sự thay thế Hội An.
Tháng 10 năm Ất Mùi (1835), theo sách Quốc triều Chính biên toát yếu (Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1998), vua Minh Mạng hạ lệnh cho các quan trấn thủ của các cửa biển với lời lẽ hết sức cương quyết: “Lệ tàu phương Tây đậu ở cửa Đà Nẵng, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán. Phép nước rất nghiêm không được làm trái, phải trở ra biển lập tức, không được vào cửa”.
Bạn đang xem: Nhà Nguyễn có thực sự "bế quan tỏa cảng"?
Nhờ những thuận lợi về vị trí (gần kinh đô), giao thông (cảng nước sâu, thuận lợi cho tàu lớn ra vào), kèm theo chủ trương của triều đình (chỉ chọn cửa Đà Nẵng, thực hiện chính sách mở cửa giao thương có kiểm soát) nên Đà Nẵng đã sớm trở thành trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của nước ta.
Để đẩy mạnh phát triển thương mại tại Đà Nẵng, nhà Nguyễn đã cho triển khai nhiều chủ trương:
(1) Đưa ra nhiều chính sách khuyến khích người dân sản xuất các loại hàng hóa có lợi thế xuất khẩu của nước ta như hồ tiêu, quế, tơ lụa, vải vóc, đường mía…
Xem thêm : Văn bản là gì? Có mấy loại văn bản?
(2) Tổ chức thu mua theo giá thị trường nhằm đảm bảo đầy đủ nguồn hàng cho nhu cầu của các thuyền buôn nước ngoài và chống sự độc quyền của thương nhân Hoa kiều, lợi dụng việc thiếu hàng mỗi khi có nhiều tàu đến để ép giá nông dân, người sản xuất và nâng giá đối với thương nhân nước ngoài.
(3) Tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài, như được thanh toán tiền hàng theo yêu cầu, được đổi hàng lấy hàng, được miễn thuế xuất khẩu…
(4) Có mạng lưới thu mua hàng từ các nơi. Khi sông Cổ Cò bị lấp, hàng từ Hội An vận chuyển ra Đà Nẵng gặp khó khăn, vua Minh Mạng đã cho đào sông Vĩnh Điện để hàng hóa từ vùng nguyên liệu ở phía tây hay các vùng sản xuất như Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn… có thể theo sông Vĩnh Điện chở trực tiếp ra Đà Nẵng.
Để đảm bảo hàng hóa cho thương nhân các nước, nhà Nguyễn cho xây dựng ở Đà Nẵng một hệ thống kho chứa hàng thuộc loại hàng đầu của cả nước. Tàu của triều đình ở kinh muốn lấy hàng để chuyển đi các nơi khác cũng đều phải ghé vào các kho ở Đà Nẵng. PGS.TS Lưu Trang trong cuốn Phố cảng Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2005) cho biết “Ở đây (Quảng Nam và Đà Nẵng – NV) có tất cả 5 kho nhưng hai kho chính ở Đà Nẵng.
Đó là kho Đà Nẵng (còn gọi là kho Mỹ Thị) và kho Cu Đê, ở Hòa Hiệp, Liên Chiểu ngày nay… Có thể khẳng định đây là những kho trọng yếu của nhà Nguyễn… Đây là những hệ thống phức hợp kho. Mỗi kho bao gồm nhiều phòng, mỗi phòng hoặc một số phòng chứa một loại hàng hóa riêng biệt với số lượng khá nhiều.
Có kho để tạm chờ chuyển về kinh tiêu dùng, kho chứa các loại hàng hóa dành để xuất khẩu hay dự phòng như đường, lúa gạo, tôm cá, mắm muối và có cả các kho chứa các hàng hóa quan trọng của Nhà nước như tiền bạc, trang bị quốc phòng”.
Xem thêm : Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Phân loại và các đặc điểm?
Dưới thời Minh Mạng, các kho ở Đà Nẵng cũng đã được tăng cường. Năm 1828, xây thêm kho để chứa đường mua từ Quảng Ngãi. Năm 1840 xây thêm kho thóc, theo Đại Nam Thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học dịch), kho này “có 3 tòa, xây tường gạch trước sau đều dài 15 trượng 2 thước, tả hữu đều dài 23 trượng, thân cao 4 thước 5 tấc, đằng trước xây một cửa tò vò” (một trượng ở Trung Kỳ ngày đó dài 4,7m, một thước đo đất dài 0,47m – NV). Mỗi kho cử viên Thủ ngự cai quản với hơn 100 lính làm việc thường xuyên.
Lúc đầu triều Nguyễn giao việc quản lý buôn bán ở Đà Nẵng cho hai cơ quan thuộc Bộ Hộ là Ty Hành nhân và Ty Tào chính, đóng tại kinh đô Huế. Ty Tào chính lo việc vận tải hàng hóa và tổ chức thu thuế các tàu thuyền.
Ty Hành nhân có nhiệm vụ kiểm soát đo lường và quy định giá cả hàng hóa. Sau này việc buôn bán ngày càng phát triển và đa dạng không còn hoàn toàn phụ thuộc vào gió mùa nên vào năm 1874, dưới thời Tự Đức, ở triều đình đã thành lập ở Đà Nẵng Nha Thương bạc, cử một Chánh Thương biện hải phòng trông coi, đảm nhận cả việc buôn bán với nước ngoài lẫn phòng thủ bờ biển.
Cơ quan này đóng bên bờ sông Hàn thuộc địa phận xã Nại Hiên Tây (nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu, đoạn giữa cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi). Mỗi lần tàu buôn nước ngoài đến cảng Đà Nẵng, thuyền trưởng phải lên bờ trình cho Ty Tào chính và Ty Hành nhân biết xuất xứ, mục đích, số lượng hàng hóa, nhân viên, hành khách trên tàu. Các ty cho người xuống tàu kiểm tra, tính thuế sau đó tấu trình về kinh để xin chỉ thị. Khi có lệnh của Bộ Hộ hàng hóa mới được đưa vào buôn bán.
Do vào thời nhà Nguyễn, nước ta là nước nông nghiệp, giới thương nhân chưa đáng kể, việc buôn bán ở Đà Nẵng nằm phần lớn trong tay Hoa kiều. Vì vậy trong việc buôn bán với nước ngoài, triều Nguyễn cố gắng giữ vai trò chủ đạo, chủ động nắm nguồn hàng, quyết định giá cả thu mua và trao đổi.
Điều này không phải là không có lý do vì Nhà nước mới đủ điều kiện thực hiện. Vả lại có làm như vậy mới có thể kiểm soát, quản lý được các vấn đề khác vì ngày đó vấn đề ngoại thương gắn liền với ngoại giao và quốc phòng.Mặt khác triều đình cũng muốn ngăn cản sự lũng đoạn của thương nhân Hoa kiều.
Qua việc phân tích tình hình thương mãi của triều Nguyễn ở Đà Nẵng, PGS.TS Lưu Trang đánh giá trong sách đã dẫn: “Có thể khẳng định nhà Nguyễn không “ức thương” hay “bế quan tỏa cảng” như trước nay người ta thường gán ép cho nó. Thực tế trong thương nghiệp Nhà nước có tham vọng độc quyền nhưng không phải là nhằm đem lại tất thảy quyền lợi cho Nhà nước hay cho dòng tộc mà còn đem lại quyền lợi cho đại đa số nhân dân lao động, đồng thời kìm hãm sự bành trướng của kinh tế Hoa thương”.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp