Vitamin D3: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Nếu bạn chưa biết vitamin D3 là gì, vitamin D3 có tác dụng gì đối với sức khỏe cũng như cách bổ sung vitamin D3 thế nào để an toàn sức khỏe và tránh tác dụng phụ không đáng có, hãy đọc bài viết dưới đây để tìm câu trả lời cho mình nhé!

Vitamin D3 là gì?

Vitamin D3 hoặc cholecalciferol còn được gọi là vitamin ánh nắng, được hình thành khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Vitamin D nói chung và vitamin D3 nói riêng là một trong những loại vitamin tan trong chất béo (cùng với vitamin D1, vitamin D2), có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là khả năng hấp thụ canxi và phốt pho từ ruột vào trong máu. Điều này nhằm giữ cho hệ xương khớp của cơ thể luôn chắc khỏe, linh hoạt đồng thời giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

Vitamin D3 có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Vậy vitamin D3 có tác dụng gì với sức khỏe bạn có biết? Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra vitamin D3 có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe như tăng cường hệ cơ xương khớp, nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm triệu chứng trầm cảm… Cụ thể:

1. Vitamin D3 giúp tăng cường sức khỏe của hệ cơ xương khớp

Một trong những vai trò quan trọng của vitamin D3 là giúp tăng khả năng hấp thụ canxi ở ruột non. Vì vậy, nếu cơ thể thiếu hụt loại vi chất này sẽ khiến canxi không hấp thụ được vào máu dẫn đến nồng độ canxi trong máu suy giảm. Khi canxi trong máu suy giảm, cơ thể bắt buộc phải “điều động” canxi từ xương để ổn định canxi trong máu dẫn đến hậu quả xương khớp yếu dần đi, loãng xương, xương dễ gãy…

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, cơ thể nếu được cung cấp đầy đủ vitamin D3 từ nhỏ sẽ đạt được khối lượng cơ xương chắc khỏe ở tuổi trưởng thành. Do đó, việc bổ sung vitamin D3 cho cơ thể rất quan trọng, giúp bảo vệ xương khớp luôn khỏe mạnh, chắc khỏe. (1)

2. Vitamin D3 nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, phòng tránh tối đa sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Ngoài tăng cường sức khỏe cơ xương khớp, vitamin D3 cũng được chứng minh có tác dụng tăng cường/ nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể bằng cách tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch. (2, 3)

Cụ thể, vitamin D3 giúp cơ thể tạo hàng phòng thủ vững chắc chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài tấn công vào đường hô hấp. Bên cạnh đó, nó còn ổn định nồng độ insulin trong máu, thúc đẩy các tế bào phát triển mạnh khỏe..

3. Vitamin D3 giúp cải thiện tâm trạng, hạn chế trầm cảm

Vitamin D3 có tác dụng gì? Một tác dụng tuyệt vời nữa không thể không kể đến của vitamin D3 đó là giúp cải thiện tâm trạng, hạn chế khả năng mắc trầm cảm. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, thiếu hụt vitamin D3 trong cơ thể có thể là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng trầm cảm. (4, 5)

Theo nghiên cứu, vitamin D3 có nhiều tác động tích cực đến não bộ, do đó, việc bổ sung đầy đủ vitamin D3 cho cơ thể có thể giúp tinh thần con người trở nên tích cực hơn, nhờ vậy có thể giảm bớt triệu chứng của trầm cảm.

4. Vitamin D3 giúp cải thiện sức khỏe tim mạch

So với người khỏe mạnh, những người thừa cân béo phì và người có huyết áp cao lượng vitamin D3 trong cơ thể sẽ thấp hơn. Trong khi đó, nếu lượng vitamin D3 trong cơ thể cao hơn ngưỡng quy định có thể sẽ dẫn đến chứng đau tim, đột quỵ. Vì vậy, việc bổ sung vitamin D3 cho cơ thể đầy đủ theo khuyến nghị rất quan trọng, có tác dụng bảo vệ và cải thiện sức khỏe hệ tim mạch hiệu quả. (6)

5. Vitamin D3 giúp giảm cân, đào thải mỡ thừa hiệu quả

Tác dụng của vitamin D3 với việc giảm mỡ thừa cũng được chứng minh có tính hiệu quả. Tuy nhiên, chuyên gia khuyên, để giảm cân hiệu quả và an toàn, mọi người chỉ nên xem vitamin D3 là một phương pháp hỗ trợ, còn lại vẫn cần một chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đều đặn. (7, 8)

Liều lượng Vitamin D3 theo khuyến nghị cho từng lứa tuổi

Bảng dưới đây là hàm lượng vitamin D khuyến nghị bổ sung mỗi ngày cho từng lứa tuổi theo Bộ Thực phẩm và Dinh dưỡng (Food and Nutrition Board) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (National Academy of Sciences) (9):

Độ tuổi Giới tính Nam Nữ 0 – 12 tháng 400 IU 400 IU 1 – 13 tuổi 600 IU (15 mcg) 600 IU (15 mcg) 14 – 18 tuổi 600 IU (15 mcg) 600 IU (15 mcg) 19 – 50 tuổi 600 IU (15 mcg) 600 IU (15 mcg) 51 – 70 tuổi 600 IU (15 mcg) 600 IU (15 mcg) Trên 70 tuổi 800 IU (20 mcg) 800 IU (20 mcg)

Còn những đối tượng bị thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể được bác sĩ chỉ định bổ sung theo liều lượng phù hợp như sau:

Đối tượng Liều bổ sung vitamin Thời gian bổ sung Người thiếu vitamin D 50.000 IU/ tuần 6 – 12 tuần Ngăn ngừa loãng xương ở người lớn tuổi 400 – 1.000 IU vitamin D3/ ngày Người bị suy tim 800 IU vitamin D3/ ngày, sử dụng cùng 1000 mg canxi/ ngày 3 năm Người mắc bệnh đa xơ cứng 400 IU vitamin D/ ngày Người mất xương do cường tuyến cận giáp 800 IU vitamin D3/ ngày 3 tháng Người bị nhiễm trùng đường hô hấp 300 – 4.000 IU vitamin D3 7 tuần – 13 tháng Ngăn ngừa mất răng ở người lớn tuổi 700 IU vitamin D kết hợp 500 mg canxi/ ngày 3 năm

Vitamin D3 có ở đâu? Cách bổ sung vitamin D3 cho cơ thể an toàn

Vitamin D3 là một trong những vi chất tối quan trọng đối với sức khỏe con người do đó cần bổ sung đầy đủ và đúng liều lượng để đảm bảo các hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể không thể tự tổng hợp được loại vitamin này mà cần bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau. Vậy có thể bổ sung vitamin D3 cho cơ thể từ những nguồn nào và bổ sung thế nào để an toàn sức khỏe?

1. Bổ sung vitamin D3 từ các thực phẩm tự nhiên

Theo các chuyên gia sức khỏe, cách tốt nhất và an toàn nhất để bổ sung vitamin D3 cho cơ thể là thông qua chế độ dinh dưỡng giàu dưỡng chất, đa dạng các loại thực phẩm. Đặc biệt, các thực phẩm tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật và động vật trong khẩu ăn hàng ngày của gia đình. Đó là:

Thực phẩm giàu vitamin D3 thường có nguồn gốc từ động vật bao gồm: Lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá, gan bò, các loại cá (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá chim…), phô mai, sữa bò…

Cần lưu ý, mặc dù việc bổ sung vitamin D3 cho cơ thể thông qua thực phẩm là an toàn và được khuyến khích, tuy nhiên, cách bổ sung này dễ gây thiếu hụt lượng vitamin D3 cung cấp cho cơ thể theo khuyến nghị vì nó có thể thất thoát qua quá trình chế biến và nấu chín thực phẩm. Hơn nữa, cơ thể cũng khá khó hấp thụ đủ lượng vitamin D3 thông qua chế độ ăn uống.

2. Ánh sáng mặt trời

Nếu bạn lo lắng thực phẩm không cung cấp đủ vitamin D3 cho cơ thể? Đừng quá lo, ngoài thực phẩm, cung cấp vitamin D3 cho cơ thể thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng rất hiệu quả và được giới chuyên khuyến khích nên thực hiện mỗi ngày.

Theo đó, khi cơ thể bạn – cụ thể là làn da – tiếp xúc trực tiếp với tia UVB (tia cực tím mặt trời B) trong ánh nắng mặt trời nó sẽ hình thành vitamin D. Lượng vitamin D hình thành từ ánh nắng mặt trời chiếm từ 80 – 90%, trong khi đó chỉ chiếm từ 10 – 20% thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

Một số nghiên cứu khoa học mới nhất hiện nay đã chỉ ra, thời điểm cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tạo hàm lượng vitamin D3 nhiều nhất trong khoảng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Thời gian tiếp xúc mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút sẽ giúp cơ thể đảm bảo được lượng vitamin D3 cần thiết.

3. Bổ sung vitamin D3 bằng các sản phẩm viên uống

Bên cạnh thực phẩm và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, trong một số trường hợp, việc bổ sung vitamin D3 cho cơ thể bằng viên uống (dưới dạng viên uống hoặc chất lỏng) có thể được cân nhắc sử dụng, nhất là với những đối tượng được chỉ định bổ sung vitamin D3.

Theo đó nên lưu ý, với những trường hợp bổ sung vitamin D qua đường uống, cần phải được sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ. Việc tự ý bổ sung vitamin D có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe như: tăng canxi trong máu (hay còn gọi là tăng canxi huyết), dẫn đến sỏi thận, làm xương suy yếu dần, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và tim mạch gây nguy cơ đột quỵ…

Một số triệu chứng của việc dùng vitamin D quá liều như: ăn không ngon miệng, nôn và buồn nôn, khát nước, đi tiểu nhiều và bị mất nước, yếu cơ xương, tâm trạng thay đổi thất thường, táo bón, giảm cân… Trường hợp ngộ độc vitamin D3 có thể gây nhịp tim không đều, suy thận, lú lẫn, mất phương hướng…

Thông thường, khi tình trạng thiếu vitamin D3 của cơ thể mới bắt đầu xảy ra nó sẽ không có bất kỳ/ hoặc rất ít triệu chứng, nhưng khi trải qua thời gian dài các triệu chứng mới xuất hiện rõ rệt. Vì vậy, để phòng tránh nguy cơ thiếu hụt vitamin D3 của cơ thể đồng thời bổ sung an toàn, hiệu quả cần thực hiện xét nghiệm tầm soát tình trạng thừa và thiếu vi chất tại các cơ sở, phòng khám uy tín.

Nguy cơ thiếu hụt vitamin D3 hiện nay

Theo kết quả điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam, có 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 37% ở trẻ em bị thiếu hụt vitamin D. Điều này cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin D hiện vẫn còn đang rất phổ biến. (10)

Vitamin D3 có nhiều vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, do đó, nếu tình trạng thiếu hụt vitamin D3 xảy ra sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như tăng nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Đó là:

Nguy cơ sức khỏe Diễn giải Hen phế quản Một trong những vai trò của vitamin D là tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, do đó, thiếu hụt vitamin D kéo dài có thể khiến hoạt động của phổi bị yếu đi góp phần làm tăng nguy cơ viêm phế quản mãn tính hoặc hen phế quản, nhất là ở trẻ em. Ở những người đã mắc bệnh, điều này sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn. Loãng xương, gãy xương Hệ cơ xương của cơ thể khỏe mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào lượng vitamin D được cung cấp hàng ngày đủ hay không. Nếu không, mật độ xương sẽ suy giảm, xương trở nên suy yếu dần làm tăng nguy cơ cao loãng xương, gãy xương… Tim mạch Thiếu hụt vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa, tắc mạch, đột quỵ… Viêm nhiễm Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Và vitamin D góp phần vào việc hình thành một hệ miễn dịch khỏe mạnh, do đó, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ bị vi khuẩn, vi rút tấn công khiến cơ thể dễ mắc các bệnh lây/ viêm nhiễm như viêm ruột, viêm khớp dạng thấp… Các bệnh về tâm lý Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vitamin D có những tác động tích cực tới não bộ. Vì vậy, bạn cũng có thể mắc các vấn đề/ bệnh về tâm lý nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D.

Để nhận biết cơ thể thiếu hụt vitamin D3 ngoài việc đến các cơ sở, phòng khám xét nghiệm bạn cũng có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: ra mồ hôi nhiều, tóc bị rụng, đau nhức cơ xương khớp, khó ngủ, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi, táo bón, răng mọc chậm (với trẻ em)…

Nguyên nhân được cho rằng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D là chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu dưỡng chất, đặc biệt vitamin D3; cơ thể hấp thu dinh dưỡng kém, thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, biến chứng bệnh, độ tuổi, thể trạng thừa cân béo phì, ảnh hưởng của một số loại thuốc điều trị bệnh (thuốc kháng nấm, thuốc điều trị HIV…)…

Tác dụng phụ của vitamin D3 (Cholecalciferol)

Vitamin D3 khá an toàn đối với sức khỏe nếu được bổ sung đúng liều lượng và đúng cách. Tác dụng phụ thường gặp nhất khi bổ sung vitamin D3 không đúng cách là tăng canxi máu (nghĩa là lượng canxi tăng bất thường trong máu). Hậu quả của tình trạng này có thể dẫn đến sỏi thận, hệ xương suy yếu, hoạt động của tim và não bị cản trở.

Ngoài ra, bạn có thể gặp phải các phản ứng dị ứng (nổi mề đay, khó thở, sưng,..), đau ngực, cảm thấy khó thở, có vị kim loại trong miệng, cơ thể suy nhược, giảm cân không rõ lý do, đau cơ hoặc xương, buôn nôn và nôn, táo bón, thậm chí trong trường hợp bổ sung quá liều có thể gây tử vong.

Các tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng vitamin D3

Mặc dù vitamin D khá an toàn đối với mọi người dùng, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng, đặc biệt dùng chung vitamin D3 với các loại thuốc khác có thể dẫn đến các tương tác thuốc nguy hiểm.

Vì vậy, trong trường hợp có sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh như dưới đây, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn bổ sung vitamin D cho cơ thể để tránh các nguy cơ không mong muốn xảy ra:

  • Thuốc chứa nhôm: Ở những người mắc suy thận, việc uống vitamin D và một số loại thuốc có chứa nhôm trong thời gian dài có thể làm tăng mức độ nhôm có hại trong cơ thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
  • Thuốc chống co giật (như phenobarbital và phenytoin) nếu uống cùng vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi đồng thời làm tăng sự phân hủy vitamin D.
  • Thuốc giảm cân cholestyramine (prevalite), nếu đồng thời uống thuốc giảm cân và viên bổ sung vitamin D có thể sẽ làm giảm hấp thụ vitamin D.
  • Thuốc điều trị cholesterol Atorvastatin (lipitor): Hiệu quả điều trị bệnh của loại thuốc này có thể bị mất tác dụng nếu người bệnh có sử dụng vitamin D.
  • Thuốc trị vảy nến calcipotriene (dovonex) dùng chung với vitamin D có thể khiến lượng canxi trong máu tăng lên.
  • Thuốc điều trị bệnh tim digoxin (lanoxin) nếu dùng chung với vitamin D, đặc biệt vitamin D liều cao, có thể làm tăng lượng canxi trong máu, làm tăng nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Thuốc điều trị huyết áp diltiazem (cardizem, tiazac), nếu dùng chung với vitamin D, đặc biệt vitamin D liều cao có thể làm giảm hiệu quả điều trị bệnh của thuốc, đồng thời gây tăng nồng độ canxi trong máu
  • Thuốc lợi tiểu thiazide (dùng điều trị huyết áp cao) nếu dùng chung với vitamin D có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu vì làm giảm bài tiết canxi thông qua nước tiểu.
  • Orlistat (xenical, alli) nếu dùng chung với vitamin D sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin D của cơ thể.
  • Steroid (prednison), nếu dùng chung với vitamin D có thể làm giảm sự chuyển hóa của vitamin D trong cơ thể và làm giảm sự hấp thụ canxi.
  • Verapamil (verelan, calan), nếu dùng chung với vitamin D, đặc biệt vitamin d liều cao có thể làm giảm hiệu quả điều trị bệnh của thuốc đồng thời gây tăng nồng độ canxi trong máu.

Vitamin D3 và những câu hỏi thường gặp

Vitamin D3 cần thiết cho sức khỏe, vì vậy, việc sử dụng đúng cách vô cùng quan trọng. Một số giải đáp các thắc mắc thường gặp khi sử dụng vitamin D3 dưới đây sẽ giúp bạn yên tâm bổ sung loại vi chất này cho bản thân và cả gia đình:

1. Vitamin D3 có giống với vitamin D không?

Vitamin D bao gồm vitamin D1, D2, D3, D4, D5, trong đó có 2 loại chính mà ta thường bắt gặp là vitamin D2 và vitamin D3. Vì vậy, không có sự khác biệt lớn giữa vitamin D3 và vitamin D.

Là một trong các dạng tự nhiên của vitamin D, vitamin D3 được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, gan, hải sản… Vitamin D3 có trong các thực phẩm được hấp thu vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin D, có tác dụng tích cực đến sức khỏe xương khớp.

2. Nên bổ sung vitamin D3 khi nào?

Vitamin D3 có đặc tính tan trong chất béo, do đó, để tăng khả năng hấp thu vitamin D3 của cơ thể, bạn cần bổ sung loại vitamin này cùng lúc với các thực phẩm giàu chất béo. Vì vậy, bạn không cần phải băn khoăn uống vitamin D3 vào thời điểm nào trong ngày, theo đó, chỉ cần nhớ bổ sung vitamin D3 cùng các thức ăn giàu chất béo là được.

3. Cách phòng ngừa tác dụng phụ khi bổ sung vitamin D3 như thế nào?

Nếu bạn bổ sung vitamin D3 đúng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn riêng của bác sĩ, bạn không cần quá lo lắng về tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bạn cần đặc biệt chú ý đe

Theo đó, để sử dụng vitamin D3 an toàn, tránh các phản ứng không mong muốn xảy ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau khi bổ sung vitamin D3 dưới dạng thuốc:

  • Bạn thuộc típ người bị dị ứng hoặc dễ bị dị ứng (có thể là dị ứng với đậu nành/ đậu phộng…) bởi vitamin D3 hoặc các sản vitamin D khác có thể chứa các thành phần gây phản ứng dị ứng. Lúc này, việc bổ sung vitamin D3 sẽ khiến tình trạng dị ứng của bạn thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, nó cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
  • Nếu bạn có tiền sử bệnh tật như mắc các bệnh lý ở thận/ hoặc gan, khó hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm, tăng canxi máu… hãy cân nhắc khi sử dụng thuốc bổ sung vitamin D, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng để tránh các nguy cơ xấu xảy ra.
  • Nếu bạn mắc các bệnh về gan, tiểu đường hoặc bất kỳ tình trạng bệnh lý nào cũng cần cẩn trọng với vitamin D3, đặc biệt vitamin D3 dưới dạng viên nhai, dạng lỏng hoặc viên hòa tan vì chúng có thể chứa cồn hoặc đường… có thể tác động xấu đến sức khỏe.
  • Bạn là mẹ đang mang thai hoặc mẹ sau sinh, việc dùng vitamin D3 cần phải tuân thủ đúng liều lượng như khuyến nghị, bởi vitamin D3 khi bổ sung vào cơ thể sẽ được truyền đến thai nhi (nếu mẹ đang mang thai) và truyền đến trẻ (nếu đang cho con bú, vitamin D3 truyền qua đường sữa mẹ). Theo đó, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và con yêu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung và cẩn trọng trong quá trình sử dụng nhé!
  • Trong trường hợp nếu quên uống vitamin D3, đừng uống dồn vào lần sau mà hãy bỏ qua chúng và uống với liều lượng như hướng dẫn.

Trường hợp bổ sung vitamin D3 bằng thực phẩm, hãy đảm bảo chọn lựa thực phẩm tươi ngon, không chứa hóa chất hoặc thuốc trừ sâu để ngăn ngừa các mối nguy sức khỏe. Tốt nhất nên chọn mua thực phẩm tại các nơi uy tín, chất lượng như siêu thị, các cửa hàng bán sản phẩm sạch…

4. Nên uống vitamin D3 trong bao lâu?

Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ thiếu hụt vitamin D3 mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng và thời gian bổ sung cụ thể nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Chẳng hạn, với trẻ sơ sinh cần phải bổ sung 400 IU vitamin D3/ ngày và sử dụng đến khi bé cai sữa mẹ. Còn với những người thiếu vitamin D3 nên bổ sung 50.000 IU/ tuần, trong thời gian từ 6 – 12 tháng, đối với bệnh đa xơ cứng nên bổ sung 400 IU vitamin D/ ngày…

Tóm lại, để có sức khỏe thật tốt bạn cần thực hiện chế độ ăn uống đa dạng các nhóm thực phẩm, đầy đủ bốn nhóm dưỡng chất, nhất là vitamin D3. Vì loại vitamin này không chỉ giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt, tăng cường sức khỏe xương khớp mà nó còn tham gia vào hoạt động của nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể…

Vì vậy, bạn cần duy trì ổn định hàm lượng vitamin D3 của cơ thể bằng cách bổ sung chúng thật an toàn thông qua các nguồn thực phẩm tự nhiên, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu dùng các thực phẩm chức năng!