Tìm hiểu xuất xứ hai bài thơ của Bác

Trong Hồ Chí Minh toàn tập 1947-1949 cũng như trong hai cuốn Thơ Hồ Chủ Tịch và Hồ Chí Minh thơ của NXB Văn học 1967 và 1975 đều in hai bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc và Cảnh khuya của Bác làm năm 1947 nhưng hoàn cảnh ra đời cụ thể như thế nào thì có thể nhiều người chưa được rõ.

Tôi có đọc Hồi ký Phan Anh (Bộ trưởng bộ kinh tế cũ ở ATK) do bà Đỗ Hồng Chỉnh – vợ ông – dựa vào những sổ tay của ông để lại và qua trao đổi trực tiếp với ông, bà viết: “Một tối, anh (tức Phan Anh, chú thích của tác giả bài viết này) đi họp theo lệnh triệu tập của Hồ Chủ tịch. Nơi họp là một cái đình nhỏ bằng gỗ lợp tranh ở trong rừng, không có đèn chỉ có một đống lửa ở giữa sân. Mọi người đợi một chút thì thấy một ông cụ đầu trùm khăn ung dung đi ngựa tới. Ngọn lửa trong sân đình được khơi sáng thêm. Bác cùng mọi người trao đổi tình hình, mắt Bác sáng, giọng nói sang sảng, ấm áp, đã củng cố tinh thần quyết tâm vượt gian khổ, kháng chiến đến cùng. Họp xong ăn ngô nướng, mọi người tự nướng lấy ngay ở đống lửa đang cháy, thay cho bếp, cho đèn. Với ngô thì toàn là ngô nếp mới bẻ. Mọi người ăn ngô và uống nước chè tươi.

Sau ngày họp, anh nhận được quà của Bác Hồ: Một bài thơ và một miếng thịt lợn rừng. Bài thơ như sau:

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về, thường chén thịt rừng quay.

Non xanh nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt chè tươi mặc sức say.

Kháng chiến thành công ta trở lại,

“Trăng xưa”, “Hạc cũ” với xuân này.

Như vậy là bài thơ đầy tính xác thực: họp ở rừng, ăn ngô nếp nướng, uống nước chè tươi. Nhưng khu rừng này ở đâu? Báo Nhân dân ngày 22/11/2006 có bài “ATK Định Hoá, điểm đến của du lịch Thái Nguyên 2007”, tác giả Nguyễn Hùng viết: “Đồi Khau Tý thuộc xã Điềm Mặc ghi dấu ấn lịch sử ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng T.Ư Đảng và Chính phủ trở lại chiến khu lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chính khung cảnh hữu tình của rừng núi Khau Tý đêm trăng đã tạo cảm hứng sáng tác bài thơ “Cảnh rừng” nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Như vậy hoàn cảnh ra đời cụ thể của bài thơ lại được hiểu rõ hơn: Đó là một đêm trăng của rừng núi Khau Tý thuộc huyện Định Hoá Thái Nguyên, ATK của cuộc kháng chiến thần thánh, thủ đô gió ngàn. Tôi hỏi bà Đỗ Hồng Chỉnh: Có phải bài thơ và miếng thịt lợn rừng Bác tặng riêng cho ông Anh Phan? Bà giải thích: Hồi đó ông Anh Phan bảo bà: “Tôi hoạ có người bảo tôi là “phạm thượng” đấy”.

Giáo sư Hà Minh Đức trong một tối nói chuyện về thơ Bác trên truyền hình cũng cho rằng: Bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc theo một số người là Bác làm để động viên những cán bộ mới lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Theo tôi có lẽ vì thế mà bài thơ không đề tặng ai.

Về bài Cảnh khuya, cũng theo cuốn Hồi ký Phan Anh, thì Thu Đông năm 1947, trên đường từ xã Xuất Tác sang xã Nhất Thể để di chuyển cơ quan, tránh địch vây lùng, lúc đó địch bám sát ta gần nhất thì anh (Phan Anh, chú thích của tác giả bài viết này) nhận được bài thơ của Bác. Đó là vào tháng 11/1947. Bài thơ như sau:

Đêm khuya nhân lúc qua hoài,

Nên câu thơ thẩn chờ ai hoạ vần.

*

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Nước nhà đang gặp lúc gay go,

Trăm việc ngàn công đều phải lo.

Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức,

Sức nhiều thắng lợi lại càng to.

Theo bài Những ngày đầu sống trong An toàn khu Việt Bắc, trong cuốn Nhớ những ngày ở ATK Việt Bắc (NXB Phụ nữ, 2995), tác giả Nguyễn Thượng Hoà, lúc đó là Tham chính văn phòng của Bộ trưởng Phan Anh, viết: “một buổi tối tháng 11 năm 1947, liên lạc hoả tốc tới, chuyển một bức thư gửi anh Phan Anh. Anh mở ra xem rồi gọi ngay chúng tôi sang, đọc thư. Hoá ra là bài thơ của Bác Hồ mới làm xong gửi cho anh Phan Anh và yêu cầu anh hoạ. Bài thơ rất hay, tôi thuộc lòng mấy câu: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa… Anh Phan Anh làm thơ rất nhanh (anh nổi tiếng là người giỏi lẩy Kiều). Sáng hôm sau, anh đã gọi chúng tôi sang đọc cho nghe bài thơ anh hoạ, trong đó có bốn câu cuối nói lên lòng tin của anh vào thắng lợi của cuộc kháng chiến:

Nước nhà tuy gặp bước gay go

Lái vững chèo dai ta chẳng lo.

Vượt sóng dựng buồm ta lựa gió,

Thuận chiều sẽ mở cánh buồm to.”

Theo các tài liệu trên thì bài Cảnh khuya được làm vào tháng 11-1947 trong hoàn cảnh quân Pháp tấn công lên Việt Bắc, các cơ quan trung ương di chuyển để tránh địch, còn 3 khổ: khổ 1 có 2 câu mào đầu bằng thể lục bát: “Đêm khuya nhân lúc quan hoài… khổ 2 có 4 câu được mang tên là Cảnh khuya. Tiếng suối trong … Khổ 3 (khổ cuối) có 4 câu: Nước nhà đang gặp lúc gay go…

Cả bài thơ toát lên không khí khẩn trương, nhiều công việc phải lo trong lúc địch tấn công tuy nhiên Bác vẫn bình tĩnh, ung dung giành thời gian đêm khuya để làm thơ, mong anh em hoạ lại để thể hiện ý chí của mình:

Khổ hai được mệnh danh là bài Cảnh khuya, hai câu đầu nêu cảnh đẹp của núi rừng để dẫn hai câu sau nói lên tâm trạng của Bác, lo việc nước, chưa ngủ được trước những tình thế gay go được nói rõ trong khổ cuối.

Hoàn cảnh ra đời và toàn bài Cảnh khuya là như vậy.

Trong nhà bà Đỗ Hông Chỉnh hiện nay, bài thơ Bác tặng và bài thơ hoạ của ông Phan được ghi nguyên vẹn ba khổ như trên bằng chữ sơn son thiếp vàng và được treo trang trọng hai bên bàn thờ của ông và cụ thân sinh ra ông. Tôi lại hỏi bà: Bài này có phải Bác tặng riêng cho ông Phan Anh hay không? Bà cũng trả lời như trên: chắc bác còn gửi cho một số người nữa nhưng anh Phan Anh vinh dự được nhận thì cũng coi như được tặng chứ.

Một số hiểu biết của chúng tôi về hai bài thơ trên, xin cung cấp để bạn đọc tham khảo và cho biết thêm ý kiến.

Trần Hành

(Văn nghệ)