Nhân kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (năm 1288) và đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Văn Quân – Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) về những trang sử oai hùng của cha ông.
Năm 938 Ngô Quyền đã chỉ đạo quân dân ta đánh thắng quân Nam Hán, làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội. Năm 1288, vua tôi nhà Trần lại tiếp tục đánh thắng quân Mông Nguyên trên sông Bạch Đằng. Vậy theo ông, điểm giống và khác nhau giữa hai trận chiến này là gì?
Bạn đang xem: Chiến thắng Bạch Đằng thôi thúc quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc
PGS.TS Vũ Văn Quân: Đây đều là những trận đánh mang tính quyết chiến chiến lược, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng dân tộc.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mông – Nguyên, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Từ Ngô Quyền rồi đến Trần Hưng Đạo đều đã tận dụng tối đa địa hình hiểm yếu vùng cửa sông Bạch Đằng, bố trí trận địa cọc, lợi dụng thủy triều, tiến hành một trận thủy chiến với quyết tâm rất cao nhằm tiêu diệt triệt để lực lượng thủy binh địch.
Cũng có những điểm khác nhất định giữa hai trận Bạch Đằng. Trận Bạch Đằng năm 938 là tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán khi chúng vừa tiến vào cửa ngõ đất nước, còn trận Bạch Đằng năm 1288 là tiêu diệt quân Mông – Nguyên khi chúng trên đường rút quân về nước.
Để có được chiến thắng Bạch Đằng 1288, vua tôi nhà Trần phải có những tính toán hết sức chi li và khoa học, ông có thể nói rõ hơn điều này?
Nói về điều này thì cần nhiều thời gian, nhưng ở đây có mấy điểm mấu chốt.
Xem thêm : Quy Định Về Hóa Đơn Của Hộ Kinh Doanh
Thứ nhất, Trần Quốc Tuấn và bộ chỉ huy nhà Trần đã có một quyết tâm chiến lược rất cao nhằm đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nguyên khi chúng buộc phải rút quân về nước bằng một trận quyết chiến và chọn cánh quân thủy do Ô Mã Nhi chỉ huy làm đối tượng tiêu diệt chủ yếu.
Thứ hai, chọn vùng cửa sông Bạch Đằng làm trận địa chính để thực hiện mục tiêu chiến lược này và vì thế việc tính toán như thế nào để cho trận đánh diễn ra đúng theo ý đồ là điều mang tính quyết định. Tính toán đó thể hiện ngay khi ta quyết cản trở không cho lực lượng kỵ binh hộ tống thủy binh, khi không cho thủy binh địch dò đường và phân tán qua đường sông Giá mà dồn chúng phải qua sông Đá Bạc ra cửa Bạch Đằng, là khiêu chiến, truy kích dồn địch vào trận địa cọc trong thời điểm thủy triều xuống mạnh…
Ông nói gì về ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Chiến thắng này đã chặn bước xâm lược của quân Nguyên Mông xuống phía nam, thậm chí ngăn cản ý định xâm lược Nhật Bản của quân Nguyên Mông như một số nhà nghiên cứu nhận định?
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có một ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Đó được coi là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với chiến thắng này, quân và dân Đại Việt bấy giờ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược lần thứ ba của đế chế Mông – Nguyên, đè bẹp ý chí xâm lăng của chúng.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 cũng như thắng lợi của cả ba cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên của quân dân Đại Việt vào các năm 1258, 1285, 1288 có một ý nghĩa quốc tế thực sự to lớn. Chúng ta biết, đế quốc Mông Cổ hình thành vào đầu thế kỷ XIII và với những thế mạnh đặc biệt của nó (tổ chức nhà nước chặt chẽ theo kiểu quân sự, tài bắn cung cưỡi ngựa, khả năng cơ động rất cao của quân đội…), vó ngựa xâm lăng của người Mông Cổ đã tung hoành khắp các lục địa Á – Âu, cuốn một phần lớn thế giới bấy giờ vào các cuộc chiến tàn khốc.
Nhiều quốc gia bị diệt vong, mà gần ta nhất là nhà Tống – một đế chế hùng mạnh của Trung Quốc – cũng cùng chung số phận. Bị chặn lại và thất bại trong cả ba lần xâm lược Đại Việt, mưu đồ dùng Đại Việt làm bàn đạp bành trướng xuống vùng Đông Nam Á của đế chế Mông – Nguyên không thực hiện được. Tập trung lực lượng và bị đánh bại ở Đại Việt cũng góp phần cản trở cuộc xâm lược Nhật Bản của nhà Nguyên.
Trải qua trên dưới 1.000 năm, những hiện vật còn lại của chiến thắng Bạch Đằng là hệ thống trận đồ cọc gỗ được phát hiện tại nhiều khu vực trong khoảng 50 năm qua. Ông đánh giá thế nào về giá trị của những hiện vật này? Việc phát hiện nhiều bãi cọc ở các vị trí cách xa nhau có khái quát được phần nào bối cảnh và quy mô trận chiến trên sông Bạch Đằng?
Cho đến nay, dấu tích của chiến trường xưa còn lại rõ nét nhất là các bãi cọc. Chúng ta đã phát hiện được nhiều địa điểm như bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa. Đây là những di tích cực kỳ có giá trị, là bằng chứng rõ rệt nhất về một trận Bạch Đằng với cách bố trí chiến trận bằng một trận địa cọc nhằm tiêu diệt thủy quân địch.
Xem thêm : Thần số học số 6 hợp với số nào? Các con số hợp với số 6 trong tình yêu, công việc
Từ di tích các bãi cọc này, chúng ta có cơ sở để tìm hiểu nhiều vấn đề quan trọng như toàn bộ bối cảnh, quy mô của chiến trường Bạch Đằng, kỹ thuật đóng cọc, loại gỗ sử dụng, vai trò của trận địa cọc trong toàn bộ trận đánh…
Với di tích các bãi cọc đã phát hiện hiện nay, không chỉ là phần “vật thể” mang những giá trị đặc biệt, mà là cả một đời sống lịch sử hào hùng của cha ông ta, của dân tộc ta. Giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống chiến thắng giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ sẽ vô cùng hiệu quả từ những di tích như thế này.
Chiến thắng Bạch Đằng 1288 được coi là chiến thắng của trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Theo ông, những bài học nào từ chiến thắng này có thể rút ra đối với ngày nay, nhất là khi chủ quyền trên biển của chúng ta tiếp tục bị đe dọa?
Xét một cách cụ thể, chiến thắng Bạch Đằng là kết quả tài thao lược của bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến bấy giờ, trực tiếp là Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời cũng không thể không nhắc đến vai trò của Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Cha ông ta đã biết lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên để bố trí trận địa cho một trận quyết chiến chiến lược. Nói như Nguyễn Trãi ở đầu thế kỷ XV: “Quan hà bách nhị do thiên thiết”, nghĩa là “Quan hà hiểm trở, hai người chống trăm người do trời sắp đặt”.
Nhưng đấy mới chỉ là một nửa theo cách nhận xét của Nguyễn Sưởng ở cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV là “Bán tại quan hà, bán tại nhân”, nghĩa là “Một nửa nhờ địa thế núi sông, một nửa do con người” và trên hết là như đánh giá của Trương Hán Siêu: “Tại đâu đất hiểm, cốt người đức cao”.
Vì thế xét một cách rộng hơn, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là tổng hợp sức mạnh của toàn dân tộc, thắng lợi đó là mẫu mực của tinh thần “cả nước đồng lòng”, của sức mạnh toàn dân, của những hoàng đế anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, của những quý tộc anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Kháng Dư…, của những bình dân anh hùng như Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu…, và của đông đảo những người lính anh hùng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”.
Tinh thần đó phải được nhận thức, đánh thức, thành ý thức trách nhiệm và quyết tâm của mỗi người dân và của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay.
Anh Thế (thực hiện)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp