LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP

Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (nay là KCN Biên Hòa 1) được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Tháng 6 năm 1961, Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn thành lập Uỷ ban nghiên cứu thuộc Trung tâm khuếch trương kỹ nghệ (Sonadezi – viết tắt: Sociéte national pour le développement des zône industrielles) chủ trương xây dựng một khu công nghiệp ở Biên Hoà. Khu kỹ nghệ Biên Hoà được thành lập theo sắc lệnh số 49/KT ngày 21 tháng 5 năm 1963. Địa điểm được chọn xây dựng trên diện tích 376/520 héc ta tại xã Tam Hiệp, xã Long Bình của Biên Hoà. Trên địa điểm này, đã có nhà máy giấy Cogido (thành lập năm 1959).

Tuy nhiên phải đến ngày 29-12-1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, tạo nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài, một vấn đề rất mới mẻ ở thời điểm đó, trong bối cảnh nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp còn đè nặng. Ba năm sau đó (1988 – 1990), vốn FDI vào Việt Nam khá dè dặt, mỗi năm chỉ thu hút vài ba trăm triệu USD.

Năm 1992, các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn chứng khoán Nomura (Nhật Bản) đã sang Việt Nam tìm hiểu chính sách đầu tư vào KCN. Nắm được cơ hội vàng đó, đích thân ông Đào An, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng lúc bấy giờ, thông qua GS, TS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đã mời gọi Nomura về đầu tư KCN ở Hải Phòng. Sau quá trình khảo sát, đối tác Nhật Bản đã “khoanh” 153 ha ruộng ven quốc lộ 5, thuộc địa phận xã An Hưng, huyện An Hải (nay là huyện An Dương), cách trung tâm TP Hải Phòng 10 km, thuận lợi cả về giao thông đường bộ và đường thủy, liên doanh với Hải Phòng thành lập Công ty Phát triển KCN Nomura – Hải Phòng (NHIZ), tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD để xây dựng KCN đầu tiên của cả nước tính từ thời kỳ Đổi Mới.

Khi khởi công, đối tác liên doanh Nhật Bản cam kết xây dựng một KCN kiểu mẫu không chỉ của Hải Phòng, mà còn cả Việt Nam. Với tiềm lực mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn, các dịch vụ, tiện ích của KCN đã hoàn chỉnh đồng bộ, từ đường giao thông, cấp nước, thông tin, y tế, đến hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp vi sinh, thậm chí chủ đầu tư còn xây dựng cả một nhà máy điện độc lập trong KCN, công suất tới 55 MW,… Nhiều năm sau, KCN Nomura vẫn giữ vị trí “quán quân” nếu xét về sự đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, giá cho thuê đất đương nhiên đắt đỏ, đối tác Nhật Bản lại quá khắt khe lựa chọn nhà đầu tư với định hướng ưu tiên các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, vì thế nhiều doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu, đầu tư tại KCN Nomura đều bị “bật ra”.

Trong mười năm đầu, chịu tác động của khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở châu Á, Nomura trầy trật mãi vẫn không thể lấp đầy 50% diện tích, khiến NHIZ hết sức khó khăn. Về sau, bị cạnh tranh gay gắt bởi “phong trào” xây dựng KCN ồ ạt ở các địa phương, Nomura đành chấp nhận cho các DN vốn mỏng vào đầu tư sản xuất. Tỷ lệ lấp đầy được cải thiện, nhưng tiêu chí “kiểu mẫu” định hướng ban đầu đã không còn trọn vẹn. Nhìn nhận lại cả quá trình trước đó, Nomura đã bỏ lỡ cơ hội thu hút DN có tiềm năng hơn hẳn một số đơn vị đầu tư tại đây. Hiện KCN Nomura đã lấp đầy 100%, tỷ suất đầu tư bình quân rất cao (khoảng 7 triệu USD/ha), tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động,… nhưng theo tiết lộ của một cán bộ Ban Quản lý KKT Hải Phòng, xét về hiệu quả kinh tế, liên doanh này vẫn đang phải oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế từ ngày đầu thành lập, đến nay chưa phát sinh lợi nhuận.