Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám vừa được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc. Mong rằng qua đây bạn đọc có thêm nhiều tài liệu và ý tưởng viết bài văn cho mình nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.
- Phân tích truyện Tấm Cám
- Cảm nghĩ về truyện Tấm Cám
1. Dàn ý phân tích ý nghĩa truyện cổ tích
I. Mở bài:
Bạn đang xem: Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích có ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì, cổ tích sinh hoạt. Tấm Cám thuộc loại cổ tích thần kì. Đắc trưng quan trọng của cổ tích thần kì là sự tham gia của các yếu tố thần kì vào sự phát triển của câu chuyện. Ước mơ cháy bỏng về hạnh phúc, lẽ công bằng, phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người là nội dung chủ yếu của cổ tích thần kì.
II. Thân bài:
1. Ý nghĩa nội dung truyện cổ tích Tấm Cám:
– Mâu thuẫn chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa cô Tấm mồ côi, xinh đẹp, hiền lành với dì ghẻ và Cám ác độc, tàn nhẫn. Mâu thuẫn này phát triển từ thấp đến cao: ban đầu chỉ là những hơn thua về vật chất, tinh thần, sự ganh ghét mẹ ghẻ con chồng,…Khi đó, Tấm luôn là người nhường nhịn, chịu thua thiệt. Càng về sau mâu thuẫn chuyển thành sự đố kị, một mất một còn, tiêu diệt lẫn nhau. Đây là những mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nhưng trên hết là mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Mâu thuẫn này được tác giả dân gian giai quyết theo hướng thiện ác.
– Ý nghĩa những lần biến hóa của Tấm: dù bị mẹ con Cám tìm mọi cách tận diệt, Tấm vẫn tái sinh dưới các dạng thức khác nhau (chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị). Càng về sau, Tấm càng đấu tranh quyết liệt để giành lại sự sống. Qua những lần biến hóa, dân gian muốn khẳng định: cái thiện không bao giờ chịu khuất phục, chính nghĩa không bao giờ đầu hàng, cái thiện sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lẽ phải và công lí. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất làm nên chiến thắng.
– Ý nghĩa việc trả thù của Tấm: hành động trả thù của Tấm là hành động của cái thiện trừng trị cái ác. Nó phù hợp với quan niệm “Ở hiền gặp lành”, “Ác giả, ác báo”.
2. Giá trị nghệ thuật:
– Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột ngày càng tăng tiến.
– Xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập cùng tồn tại và song song phát triển. Ở đó, bản chất của từng tuyến nhân vật được nhấn mạnh.
– Có nhiều yếu tố thần kì song vai trò của yếu tố thần kì cũng khác nhau trong từng giai đoạn.
– Kết cấu quen thuộc của truyện cổ tích: người nghèo khổ, bất hạnh trải qua nhiều hoạn nạn cuối cùng được hưởng hạnh phúc.
3. Ý nghĩa văn bản:
Truyện cổ tích Tấm Cám ngợi ca sức sống bất diệt, sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người và cái thiện trước sự vùi dập của kẻ xấu, cái ác, đồng thời thể hiện niềm tin của nhân dân vào công lí và chính nghĩa.
2. Ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích là tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận của con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động. Truyện Tấm Cám thuộc loại cổ tích thần kì. Thông qua cuộc đời và số phận nhân vật Tấm, nhân dân ta muốn khẳng định chân lí cái thiện luôn chiến thắng cái ác và khuyên nhủ con người nên làm những điều tố đẹp, tránh những việc xấu xa, hại người.
Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện “Tấm Cám”:
Mâu thuẫn chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa cô Tấm mồ côi, xinh đẹp, hiền lành với dì ghẻ và Cám ác độc, tàn nhẫn. Mâu thuẫn này phát triển từ thấp đến cao.
Ban đầu chỉ là những mâu thuẫn xoay quanh quyền lợi về vật chất, tinh thần, sự ganh ghét mẹ ghẻ con chồng trong cuộc sống gia đình thường ngày. (nội dung về chiếc yếm đỏ, về con cá bống, về việc Tấm đi xem hội- thử giày)
Về sau, mâu thuẫn chuyển thành sự đố kị, một mất một còn, tiêu diệt lẫn nhau (chi tiết về cái chết của Tấm, về con chim vàng anh, về cây xoan đào và khung cửi, về bà lão hàng nước và quả thị). Đây là mâu thuẫn về quyền lợi xã hội.
Truyện “Tấm Cám” phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ (giữa dì ghẻ và con chồng). Bên cạnh đó, truyện còn có ý nghĩa xã hội cao hơn là thể hiện mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Tấm là đại diện cho cái thiện, mẹ con Cám là hình ảnh của cái ác, của kẻ bất lương. Mâu thuẫn này được tác giả dân gian giải quyết theo hướng thiện thắng ác.
Ý nghĩa của quá trình biến hóa của nhân vật Tấm trong truyện:
Sau khi bị mẹ con Cám hại chết, Tấm nhiều lần hoá thân. Tấm biến thành chim vàng anh → cây xoan đào → khung cửi → Tấm hóa thân thành quả thị thơm và về ở với bà lão làng nước → Tấm trở lại làm người. Dù bị mẹ con Cám tìm mọi cách tận diệt, Tấm vẫn tái sinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Càng về sau Tấm càng đấu tranh quyết liệt để giành lại sự sống.
Quá trình biến hóa của Tấm thể hiện sức sống, sự trỗi dậy mãnh liệt của cái thiện trước sự vùi dập của cái ác. Cái thiện không bao giờ chịu khuất phục, chính nghĩa không bao giờ đầu hàng, cái thiện sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lẽ phải và công lí. Ta thấy không một thế lực nào có thể tiêu diệt được cái thiện.
– Ý nghĩa việc trả thù của Tấm:
Tấm chỉ cho Cám cách để ngày càng xinh đẹp như mình.Tấm sai quân hầu đạo một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.
Xem thêm : Tại sao pháp luật thời Lý nghiêm cấm việc giết mổ trâu bò?
Hành động trả thù của Tấm là hành động của cái thiện trừng trị cái ác. Nó phù hợp với quan niệm “Ở hiền gặp lành”, “Thiện giả thiện báo, Ác giả ác báo” của nhân dân.
Nghệ thuật: Đặc sắc nghệ thuật của truyện thể hiện ở sự chuyển biến hình tượng nhân vật Tấm. Từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình. Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột ngày càng tăng tiến. Truyện sử dụng các yếu thần kì. Hình ảnh truyện đẹp, bình dị, gần gũi với đời sống, phong tục tập quán của nhân dân, tạo ấn tượng thẩm mĩ cho câu chuyện.
Truyện Tấm Cám ngợi ca sức sống bất diệt, sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người và cái thiện trước sự vùi dập của kẻ xấu, cái ác, đồng thời thể hiện niềm tin cá nhân của nhân dân vào công lí và chính nghĩa.
3. Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám mẫu 2
Truyện cổ tích là một thể loại tiêu biểu của dòng văn học dân gian Việt Nam. Mỗi câu chuyện cổ là kết quả của trí tưởng tượng dân gian xoay quanh số phận, cuộc đời của những nhân vật là đại diện tiêu biểu cho các hạng người trong xã hội. Một trong những câu chuyện cổ tích hay được bao thế hệ học sinh yêu thích là truyện cổ Tấm Cám.
Đầu tiên, có thể thấy, bằng cách xây dựng chân dung các nhân vật cũng như những xung đột, mâu thuẫn xảy ra giữa họ, truyện đã phản ánh một lát cắt của hiện thực trong xã hội. Cuộc sống luôn tồn tại cả thiện- ác, có tốt đẹp cũng có xấu xa. Trong Tấm Cám, Tấm là nhân vật đại diện cho cái thiện, cái tốt được mọi người yêu mến, bênh vực. Ngược lại, Cám là một kẻ ích kỷ, hẹp hòi, tham lam và tàn độc, bị mọi người ghét bỏ. Giữa Tấm và Cám là hai nhân vật đối nghịch đại diễn cho hai thái cực tốt xấu trong xã hội. Mâu thuẫn giữa Tấm và Cám xảy ra cũng là khi cuộc đấu tranh giữ cái ác và cái thiện bắt đầu. Ban đầu chỉ là những xung đột, tranh giành về vật chất và tinh thần khuôn khổ gia đình. Sự việc ngày càng phát triển, mâu thuẫn càng ngày càng đẩy lên cao khi mẹ con Cám quyết tâm giết Tấm. Đây không phải là mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân nữa mà còn là mâu thuẫn mang tính xã hội như vừa nói ở trên, xung đột giữa thiện- ác. Kết cục câu truyện Cám chết, Tấm có cuộc sống, hạnh phúc ấm êm bên vua cũng cho thấy được trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái ác luôn bị thua cuộc.
Trong câu chuyện, ta còn bắt gặp những chi tiết kì ảo, hoang đường, được thể hiện rõ nhất qua những lần biến hóa của Tấm: Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và quả thị thơm được bà lão bán nước mang về. Những chi tiết này không chỉ làm cho câu chuyện thêm phần thú vị, có sức hấp dẫn với người đọc mà qua đó còn thể hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện với cái ác. Dù hết lần này đến lần khác bị mẹ con Cám chèn ép, hủy diệt sự sống, Tấm vẫn không thôi từ bó khát khao sống, khát khao hạnh phúc của mình mà quyết đấu tranh tận cùng với mẹ con Cám, giành lại sự sống và hạnh phúc cho chính mình. Qua đó, tác giả dân gian đã bày tỏ rõ quan điểm: Trong bất kì xã hội nào, cũng không thể dung túng, tha thứ cho cái ác. Công lý sẽ thay phần chính nghĩa mà tiêu diệt cái ác, cái thiện lên ngôi và không bất kỳ thế lực nào có thể vùi dập được nó.
Hành động trả thù của Tấm thoạt tiên có vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn, bởi người xưa có câu: “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, nhưng xét trong hoàn cảnh và ý nghĩa câu chuyện ta thấy đây là một hành động hợp logic. Mẹ con Cám bị Tấm trừng trị và nhận cái chết đích đáng cũng là lúc thiện lành chiến thắng, cái ác bị tận diệt đến cùng. Kết cục ấy phù hợp với mong muốn, ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, công lý, xã hội mà con người sống theo lẽ phải ” Ở hiền gặp hành, ở ác gặp ác”.
Ngoài những bức thông điệp đầy ý nghĩa, Tấm Cám còn thể hiện rõ những đặc trưng của truyện cổ tích được thể hiện qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, các chi tiết kì ảo hoang đường đầy thú vị. Nghệ thuật tương phản đối lập được thể hiện qua hành động của nhân vật cùng lối kể chuyện tự nhiên, theo trình tự thời gian cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho truyện. Trải qua hàng thế kỉ với sự phát triển muôn màu muôn sắc của văn học, Tấm Cám vẫn giữ cho mình vị trí quan trọng trong lòng bao thế hệ độc giả.
4. Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám mẫu 3
Tấm Cám là truyện cổ điển hình và tiêu biểu nhất cho thể loại truyện cổ thần kì. Với trí tưởng tượng phong phú, cách xây dựng nhân vật toàn diện, cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn, nhân dân ta đã gửi gắm vào nhân vật này ước mơ, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, công bình, kẻ xấu bị trừng trị, người tốt được báo đáp, công lí được thực thi. Vượt lên trên thời gian, truyện cổ Tấm Cám vẫn còn gây hứng thú đối với người đọc nhiều thế hệ, trở thành câu chuyện kể mang hàm ý giáo dục con người sâu sắc.
Chuyện kể về cuộc đời và số phận đầy bất hạnh của nhân vật Tấm. Tấm là một cô gái hiền lành, xinh đẹp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với dì ghẻ và Cám – cô em cùng cha khác mẹ. Tấm luôn bị mẹ con Cám ghen ghét và ngược đãi. Một lần đi hớt tép Tấm bị Cám lừa lấy hết tép, chỉ còn lại con bống nhỏ. Tấm nghe lời Bụt khuyên nuôi chú cá bống trong giếng. Biết Tấm nuôi cá bống, mẹ con Cám lừa bắt bống ăn thịt. Ngày hội, mẹ con Cám trộn thóc lẫn gạo bắt Tấm nhặt, không cho đi xem hội. Bụt lại hiện lên giúp Tấm làm việc và biến chỗ xương của bống thành quần áo đẹp cho Tấm đi hội. Tấm đi xem hội đến chỗ lội, đánh rơi chiếc giầy xuống nước. Nhờ chiếc giầy, Tấm được làm vợ vua. Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám hại chết và đưa Cám thế chỗ Tấm trong cung vua.
Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, con ác trên khung cửi và khi thành quả thị thì được một bà lão đem về. Mỗi khi bà lão đi vắng, Tấm hiện ra dọn dẹp nhà cửa. Sau đó bà lão phát hiện ra Tấm. Một hôm, nhà vua đi qua, ghé vào quán nước của bà cụ. Nhận ra Tấm qua miếng trầu, đem Tấm về cung. Tấm hạnh phúc bên vua còn mẹ con Cám sau đó bị trừng trị đích đáng.
Nhân vật chính trong truyện chính là cô Tấm. Tấm mang thân phận mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Cô sống với dì mụ ghẻ độc ác và cô em cùng cha khác mẹ là Cám. Trong hoàn cảnh ấy, Tấm luôn bị đối xử bất công, chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau.
Với bản tính hiền lành lại rất chăm chỉ, Tấm sớm biết làm mọi việc trong nhà. Phẩm chất ấy không những không được trân trọng mà còn bị mẹ con dì ghẻ ghen tức, hành hạ, bắt cô phải lao động quần quật suốt ngày. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Cuộc sống làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn khiến cho số phận của Tấm chứa đầy bất hạnh, cay đắng và khổ cực.
Chính lòng đố kị và thù ghét Tấm của mẹ con Cám khiến cho mâu thuẫn gia đình từng bước dâng cao. Mâu thuẫn đầu tiên bắt đầu từ chuyện đi bắt tép của chị em Tấm Cám. Bản chất của Cám không khác gì mụ gì ghẻ, lúc nào cũng giành phần hơn với chị nên đã xảo quyệt lừa chị lặn sâu mà tranh thủ trút hết tép của chị. Đó là hành động cướp công đê tiện. Rồi đến chuyện rình mò việc Tấm nuôi bống trong giếng của mẹ con Cám rồi đi đến hành động bắt bống ăm thịt. Dường như, mẹ con Cám không muốn Tấm có bất kì một niềm vui nào trong cuộc sống. Họ cố gắng tìm mọi cách cướp đoạt niềm vui và đẩy tấm vào đau khổ.
Mâu thuẫn được đẩy lên cao điểm trong lần đi xem hội. Tấm háo hức muốn đi nhưng mụ gì ghẻ lại nghĩ ra cách tàn nhẫn bắt Tấm phải ở nhà. Mụ gì ghẻ không nghĩ rằng Tấm sẽ có được gì trong buổi hội ấy, chỉ đơn giản là mụ không muốn Tấm có niềm vui mà thôi. Nhờ Bụt giúp đỡ mà nàng có cơ hội được đến với mọi người. Tình cờ ướm thử và vừa vặn với chiếc giày đã làm thay đổi cuộc đời Tấm. Từ một cô gái quê mùa trở thành hoàng hậu khả kính. Điều đó như một vết dao khoét sâu vào lòng ghen tức của mẹ con mụ gì ghẻ, thôi thúc mụ có âm mưu tàn độc đối với cô, đẩy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám lên đến cực điểm
Qua các tình tiết, ta có thể thấy, Tấm là cô gái bất hạnh, bị hắt hủi, yếu đuối, thụ động, dễ khóc, chăm chỉ, hiền ngoan, cũng khát khao được vui chơi. Mẹ con Cám là người độc ác, nhẫn tâm hành hạ Tấm, luôn ghen ghét và đố kị, hãm hại Tấm. Bụt hiền từ, có phép lực, chuyên cứu giúp những người nghèo bất hạnh. Ở đây, Bụt đóng vai trò là yếu tố thần kì kịp thời giải quyết khó khăn, bế tắc của người bất hạnh, tạo nên nét đặc biệt hấp dẫn của loại truyện này.
Mâu thuẫn ban đầu chỉ là sự hơn thua về vật chất, tinh thần, sự ghen ghét mẹ ghẻ con chồng. Những lúc này Tấm luôn là người nhường nhịn, chịu thua thiệt. Sự nhường nhịn của Tấm khiến cho mẹ con Cám không những không nhận ra và trân trọng mà còn ngày càng lấn tới và lún sâu vào tội lỗi. Bởi thế, khi Tấm trở thành hoàng hậu, mâu thuẫn giữa Tấm – Cám và dì ghẻ không những không giảm mà còn ngày một phát triển, ngày một căng thẳng gay gắt, quyết liệt hơn.
Đây không còn là mâu thuần gia đình mà phát triển thành mâu thuẫn giữa cái ác và cái thiện trong xã hội. Mẹ con Cám tìm đủ mọi cách và nhiều lần truy đuổi hòng tiêu diệt bằng được Tấm để độc chiếm ngôi hoàng hậu, hưởng vinh hoa phú quý. Đó là con người vô cùng độc ác, mưu mô, xảo quyệt và có lòng tham vô đáy.
Âm mưu giết Tấm lại được thực hiện ngay ngày giỗ của cha Tấm. Một sự bất lương, đê tiện đang âm thầm diễn ra. Tấm vẫn ngây thơ không biết gì bởi nàng luôn tin vào điều thiện và sự cải hóa của con người. Mẹ con Cám nhẫn tâm chặt cây cau khiến nàng ngã chết. Cám thế chỗ chị lên làm hoàng hậu. Hồn Tấm hóa thành con chim vàng anh. Mẹ con Cám giết vàng anh, nàng hóa thân thành cây xoan đào. Mẹ con Cám chặt cây xoan đào, nàng hóa vào khung cửi. Khung cửi bị đốt, nàng hóa thân vào quả thị thơm. Và cuối cùng, từ quả thị, Tấm bước ra với hình dung con người.
Với bốn lần hoá thân, Tấm càng đấu tranh quyết liệt để giành sự sống. Thực tế khốc liệt cũng thay đổi tính nết và cách nói năng, ứng xử của cô. Sau mỗi lần bị giết, bị chết, bị chặt, bị đốt, Tấm đều không chết mà tìm cách hoá thân sang kiếp khác, vật khác, tìm cách mắng rủa, tố cáo tội ác cướp chồng, giết chị của Cám. Càng hóa thân, Tấm càng trưởng thành hơn. Các lần hóa thân chứng minh sức sống mãnh liệt của Tấm. Đó cũng là sức sống mãnh liệt của cái thiện.
Bốn lần bị giết, bốn lần hoá thân thể hiện quan niệm luôn luân hồi của đạo Phật trong tinh thần nhân dân, thể hiện mơ ước của nhân dân gửi vào nhân vật Tấm.
Tấm phải sống để hưởng hạnh phúc, để trừng trị những kẻ thù độc ác, mẹ con Cám nhất định phải đền tội. Ở giai đoạn biến hoá về sau của Tấm, ta không thấy Bụt xuất hiện nữa. Vai trò của Bụt chấm dứt khi bước vào cuộc đấu tranh giành lại sự sống. Tính tích cực, chủ động của nhân vật Tấm thể hiện ở điểm này và đó cũng là cơ sở để dân gian khẳng định: Chính sức sống mãnh liệt của con người, của cái thiện mới là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng.
Khi Tấm trở lại ngôi vị hoàng hậu, nàng xinh đẹp hơn xưa. Qua đó, dân gian muốn khẳng định rằng cái thiện không bao giờ chịu khuất phục, chính nghĩa không bao giờ đầu hàng. Cái thiện sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lẽ phải và công lí. Kết cấu câu chuyện nêu lên một triết lí: “ở hiền gặp lành”. Đây cũng là ước mơ, khát vọng của người nông dân bị đè nén, áp bức.
Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám là mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nhưng trên hết là mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội và được giải quyết theo hướng thiện thắng ác. Đó cũng là quan niệm thiện – ác và tinh thần lạc quan, niềm tin vào chân lí và công bằng vào tâm thức người Việt trong cổ tích.
Năm lần bảy lượt hãm hại Tấm để cướp lấy thành quả của Tấm, mẹ con Cám không thể thành công. Thế nhưng, họ vẫn không nhận ra bài học nào. Họ vẫn cố chấp với sự mê muội của chính mình. Hậu quả cuối cùng mà họ phải nhận lấy là hoàn toàn đích đáng. Cám bị dội nước sôi mà chết cùng khát vọng được đẹp hơn chị. Mụ gì ghẻ cũng lăn ra chết trước cái chết của con gái yêu.
Câu chuyện kết thúc có hậu, người tốt như Tấm đã được bảo vệ và đền đáp; kẻ xấu như mẹ con Cám phải nhận hậu quả tương xứng với hành động xấu xa của họ. Đó cũng là mong muốn của nhân gian. Có ý kiến cho rằng Tấm trả thù là hợp lí, là thích đáng. Mẹ con Cám đáng bị trừng trị bằng hình phạt nặng nề như vậy là hợp với lẽ đời. Nhưng có ý kiến không đồng tình, cho rằng hành động ấy trái với bản chất hiền hậu của Tấm.
Xem thêm : Top 10 những ngành có cơ hội làm việc ở nước ngoài
Theo logic phát triển tính cách của Tấm và quan niệm của người Việt Nam trong cổ tích thì việc trả thù của Tấm là hợp lí. Tấm đã sống bằng trái tim chân thiện, lấy ân báo oán, lấy nghĩa trả thù. Còn mẹ con Cám vì lòng tham mù quáng mà bất chấp lương tri, không chịu hồi tỉnh. Không những giết Tấm, mẹ con Cám còn tiêu diệt tận gốc rễ mọi mầm móng. Đó là hành động man rợ, không còn nhân tính, đáng bị trời tru đất diệt.
Cuối truyện, Tấm đã thấu rõ bản chất của mẹ con Cám. Lúc này cô đã nhân danh cái thiện trừng phạt cái ác. Tấm là nhân vật văn học do nhân dân lao động sáng tạo để thể hiện quan niệm, thái độ của mình về cuộc sống. Tư tưởng cốt lõi mà dân gian muốn gửi đến người nghe (đọc) là: Thiện luôn thắng ác, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.
Qua câu chuyện, ta nhận ra hạnh phúc không tồn tại ở đâu đó xa xôi, trừu tượng mà ở ngay trong cõi đời này. Người bình dân xưa không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay ở nơi trần thế. Xã hội luôn công bằng, ở đó có công lí sẽ luôn được thực hiện. Tức là người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác, giết người sẽ bị trừng trị đích đáng. Trong một thời đoạn nào đó, có thể điều ấy không đúng, nhưng nhìn xa vào dòng thời gian, chân lí ấy là hoàn toàn đúng đắn.
Sức hấp dẫn của câu chuyện còn thể hiện ở cốt truyện li kì. Nhiều yếu tố thần kì trong câu chuyện xuất hiện với nhân vật thần kì (Bụt), vật thần (xương cá bống, gà biết nói, đàn chim sẻ biết nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo). Bản thân nhân vật chính cũng có sự biến hoá thần kì đã tạo nên nét kì ảo hết sức lôi cuốn. Cách xây dựng mâu thuẫn và đẩy xung đột ngày càng tăng tiến mang tính kịch sâu sắc. Hai tuyến nhân vật đối lập cùng tồn tại và song song phát triển. Đó là lối kết cấu quen thuộc đã thành mô típ trong thể loại truyện cổ tích: kiểu nhân vật mồ côi, hoặc nghèo khó, bất hạnh trải qua nhiều khó khăn, hoạn nạn, cuối cùng được hưởng hạnh phúc.
Hơn một câu chuyện cổ, truyện cổ tích Tấm Cám để lại trong người đọc một bài học nhân sinh quý giá. Hãy luôn sống chân thiện và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp sẽ đến. Hãy luôn tránh xa cái xấu, cái ác để không phải làm điều sai trái, phải nhân lấy những hậu quả nặng nề. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm. Sống hướng đến con người và gìn giữ thiện lương ngay chính trong cuộc sống khác nghiệt này.
5. Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám mẫu 4
Trong kho tàng văn học dân gian, truyện cổ tích là một trong những thể loại truyện để lại được nhiều những dấu ấn, mang nhiều giá trị nhân văn cao cả. Ông cha ta đã dùng chính những câu truyện cổ tích để giáo dục con cháu sống cho tốt đời, đẹp đạo. Tấm Cám là một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất.
Phần mở đầu tác phẩm truyện chính là giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh sinh sống của họ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chế từ hồi Tấm còn bé, sau mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ, mẹ của Cám. Lời giới thiệu gợi mở số phận đáng thương, tội nghiệp của nhân vật Tấm. Trong quan niệm của người xưa, mối quan hệ giữa mẹ ghẻ và con chồng là mối quan hệ không thể dung hoà:
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”
Trong câu chuyện cũng như vậy, Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặt trơn, Tấm thì bị ghét bỏ, bắt làm mọi việc nặng nhọc trong nhà. Sau đoạn văn giới thiệu, giúp người đọc hình dung được cuộc sống của Tấm thì ở những câu văn sau chính là minh chứng cho những hành động bắt nạt Tấm của mẹ con Cám. Mụ dì ghẻ mang hai cái giỏ đưa cho hai chị em đi bắt tôm bắt tép và ra điều kiện ai bắt được đầy giỏ sẽ thưởng yếm đào.
Đó là một điều kiện tưởng chừng có vẻ công bằng, nhưng thực tế không như vậy. Nhờ sự chăm chỉ của mình mà Tấm đã nhanh chóng bắt được đầy giỏ, còn Cám thì ngược lại, rong chơi, lười làm nên không có gì mang về. Lúc này Cám giở thủ đoạn với Tấm để cướp công lao của Tấm về mình: “Chị Tấm ơi, chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về dì mắng”. Vốn bản tính hiền lành, tin người, Tấm chẳng hoài nghi mà làm theo lời Cám. Chỉ qua vài chi tiết miêu tả chúng ta cũng có thể nhận thấy ai là người chân thật, ai là kẻ dối trá, lừa lọc.
Đứng trước tình huống đó, Tấm chẳng còn biết làm gì khác, Tấm ngồi khóc. Trong sự bất lực con người ta không biết làm gì khác ngoài việc giải tỏa nỗi ấm ức, bất lực đó qua nước mắt và Tấm cũng vậy.
Hình ảnh Bụt hiện lên khiến cho câu chuyện rẽ sang một hướng khác, Bụt đã giúp Tấm giải quyết sự việc bằng cách tặng cho Tấm một con cá bống.
“Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”
Đối với người xưa, người ta luôn hy vọng có một thế lực tâm linh nào đó luôn xuất hiện đúng lúc để cứu giúp những người ở hiền mà bất hạnh. Thế giới siêu nhiên thần kỳ sống giao hòa với con người. Tấm nghe theo lời Bụt dặn nuôi cá bống trong giếng. Tấm và cá như hai người bạn thân thiết.
Nhưng với đầu óc đa nghi của mụ dì ghẻ, mụ sai Cám đi rình và đã phát hiện được bí mật của Tấm. Mụ lại bày ra mưu đen tối đó là sai Tấm đi chăn trâu đồng xa. Tấm nghe lời mụ chăn trâu đi thật xa, tới chiều về Tấm như mọi khi mang cơm ra cho Bống nhưng gọi mãi chẳng thấy Bống đâu, đáp lại lời Tấm chỉ có một cục máu nổi lên giữa giếng. Mụ dì ghẻ độc ác đã hại chết người bạn thân duy nhất của Tấm. Sự độc ác, đố kỵ đang dần tăng lên trong con người của mẹ con mụ dì ghẻ. Cái chết đã dần xuất hiện, nhưng cái chết là của Bống – tình thương của Bụt đối với cô gái tội nghiệp như Tấm, nhưng mẹ con mụ dì ghẻ đã giết chết tình yêu thương ấy.
Tấm lai một lần nữa rơi nước mắt và được Bụt giúp đỡ, tìm lại được xương cá chôn ở bốn chân giường. Mục đích của việc chôn xương cá dưới chân giường là gì? Phải chăng Bụt đã nhìn và đoán trước được tương lai? Những chi tiết đo khơi gợi cho người đọc sự tò mò để tiếp tục câu chuyện.
Ít lâu sau có hội ở kinh đô, không muốn Tấm đi, mụ dì ghẻ đã gây khó dễ, mụ trộn hai đấu thóc với gạo lại và bắt Tấm nhặt. Bụt lại hiện lên sai chim sẻ nhặt giúp. Đồng thời bảo Tấm đào bốn chân giường lên. Dưới chân giường đó là những thứ cần thiết để Tấm đi dự hội. Trên đường đi dạ hội Tấm làm rơi chiếc giày. Chính chiếc giày là vật kết nối giữa Tấm và vua, chính chiếc giày đã đưa cuộc đời Tấm sang một trang mới. Trong các câu truyện cổ tích trên thế giới, cũng xuất hiện chi tiết đánh rơi chiếc giày sau đó gặp được hoàng tử và hai người sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Nhưng liệu việc Tấm đánh rơi chiếc giày và gặp được vua, Tấm có được sống hạnh phúc? liệu đây có phải là sự kết thúc của câu chuyện?
Khi cái ác chưa bị diệt trừ thì nó sẽ vẫn còn tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Khi nhìn thấy Tấm được sống sung sướng trong hoàng cung, lòng đố kỵ của mẹ con Cám lại nhiều lên gấp bội. Tuy sống trong hoàng cung sung sướng, nhưng với bản chất thiện lương của mình, Tấm vẫn muốn làm tròn chữ hiếu, nàng xin phép vua về giỗ cha mình. Nhưng Tấm đâu biết được về nhà lúc này là đang dần bước tới cửa tử. Lợi dụng lòng hiếu thảo của Tấm, mụ dì ghẻ đã hại chặt cây hại chết Tấm. Mụ dì ghẻ đưa Cám vào cung thay thế Tấm.
Cái chết của Tấm không phải là sự kết thúc, mà chính là sự khởi đầu cho sự đấu tranh mạnh mẽ của Tấm trong phần tiếp theo của câu chuyện. Khi con người ta bị dồn vào đường cùng, bị chèn ép tới mức khó thở, chỉ còn một cách duy nhất đó là vùng lên đấu tranh, giành lại hạnh phúc. Sau khi Tấm chết hóa thành chim vàng anh, hóa thành khung cửi để trực tiếp trả thù mẹ con Cám. Dù bị hại chết bao lần nhưng sức sống đấu tranh trong Tấm luôn mạnh mẽ. Có thể thấy trong phần sau của câu truyện không có sự xuất hiện của Bụt. Tấm đã tự đấu tranh bằng bản thân mình, Tấm nhận ra không ai có thể giúp đỡ mình mãi, cách duy nhất có thể là tự giúp chính bản thân mình. Từ một cô gái hiền dịu, nết na, cam chịu, giờ đây Tấm đã mạnh mẽ, dám đứng dậy đấu tranh.
Trong lần hóa thân cuối cùng, Tấm hoá thân thành quả thị giúp ân nhân của mình là bà bán nước. Ta không khó để bắt gặp hình ảnh người chui ra từ các con vật, hay loại quả khác nhau trong những câu chuyện dân gian, hình ảnh Tấm chui ra từ trái thị cũng rất hợp lý với yếu tố kì ảo vốn rất được ưa chuộng trong các câu chuyện cổ tích. Tấm gặp lại nhà vua và bắt đầu quá trình thẳng tay trừng trị cái ác. Với thói ghen tị của Cám và sự tham lam của mụ dì ghẻ đã trực tiếp hại chết chính hai mẹ con mụ. Kết thúc câu truyện đã cho thấy một thông điệp người ở hiền luôn được gặp lành, được nhận sự giúp đỡ, những kẻ ác độc thường không có cái kết hậu.
Tấm Cám là truyện thuộc thể loại cổ tích thần kỳ với những đặc trưng là chứa đựng các yếu tố hoang đường, kì ảo giúp cho nhân vật chính, phản ánh sự mâu thuẫn giữa thiện và ác. Diễn biến truyện được xây dựng phát triển dần, dẫn đến hậu quả tất yếu, phù hợp với diễn biến tâm lý của nhân vật.
Bằng bút pháp hư cấu cùng các yếu tố thần kỳ, tạo sự hấp dẫn cho người đọc. Truyện mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, hướng con người tới một cuộc sống thiện lương.
–
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán lớp 10, Tiếng Anh lớp 10, đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10…
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp