Trình bày suy nghĩ về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình

Văn mẫu lớp 9: Trình bày suy nghĩ về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em học sinh tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý nghị luận về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình

Dàn ý nghị luận về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân: là việc mỗi con người có trách nhiệm với lời nói, hành động, định hướng của bản thân. Bên cạnh đó, nó còn là việc chúng ta không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày, sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai và có ý thức sửa chữa lỗi lầm đó.

b. Phân tích

Việc tự chịu trách nhiệm về bản thân làm cho chúng ta ngày càng tốt hơn, có nhiều bài học quý giá từ đó hoàn thiện nhân cách của mình.

Tự chịu trách nhiệm về bản thân sẽ giúp chúng ta có các nhìn đúng đắn và khắt khe đối với bản thân từ đó khắc phục được những khuyết điểm của mình và tốt hơn từng ngày.

Người biết tự hoàn thiện bản thân là những người không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục. Họ cũng là những người có ý thức vươn lên trong cuộc sống, sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống có trách nhiệm với chính mình và với những người xung quanh để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức đúng đắn, thậm chí là không dám chịu trách nhiệm về việc bản thân mình làm, không dám thẳng thắn nhận lỗi và sửa sai. Lại có những người sống buông thả, bỏ bê bản thân… những người này cần phải sửa đổi bản thân nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Dàn ý nghị luận về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân: là việc mỗi con người không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày. Bên cạnh đó là việc chúng ta dám đối diện, nhìn nhận trực tiếp vào vấn đề, sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai và có ý thức sửa chữa lỗi lầm đó.

Ý nghĩa: khuyên nhủ con người thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để trở nên có ích hơn cho xã hội và hoàn thiện chính mình hơn.

b. Phân tích

• Biểu hiện của việc tự hoàn thiện bản thân:

Không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.

Biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục.

Có ý thức vươn lên trong cuộc sống, sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.

• Ý nghĩa của việc tự chịu trách nhiệm về bản thân:

Làm cho bản thân mình ngày càng tốt hơn, có nhiều bài học quý giá từ đó hoàn thiện nhân cách của mình.

Khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng.

Người biết tự ý thức chịu trách nhiệm về bản thân sẽ tiến bộ từng ngày và nhận được tình yêu thương từ mọi người.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: Dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực và được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức đúng đắn, thậm chí là không dám chịu trách nhiệm về việc bản thân mình làm, không dám thẳng thắn nhận lỗi và sửa sai. Lại có những người sống buông thả, bỏ bê bản thân… những người này đáng bị phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu nghị luận về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 1

Cuộc sống là một hành trình đa sắc màu, đầy thách thức và bất ngờ mà chúng ta không thể dự đoán trước. Để phát triển bản thân và góp phần vào xã hội, ngoài việc phải nỗ lực hàng ngày, con người cần phải có ý thức tự chịu trách nhiệm đối với bản thân mình. Ý thức này bao gồm việc chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, năng lực và sự trưởng thành của mình.

Những người có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân sẽ có cái nhìn sâu sắc về những gì họ đã đạt được, từ đó họ biết cách hoàn thiện bản thân và kiếm được sự tôn trọng từ người khác. Họ sống có trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và thường được mọi người tin tưởng, yêu quý và tôn trọng. Cuộc sống của họ trở nên thuận lợi hơn, dễ dàng hơn một cách tự nhiên.

Trong một xã hội nơi mà con người thiếu ý thức tự chịu trách nhiệm, xã hội đó sẽ dần trở nên đau lòng, nơi mà mọi người không có ý thức về bản thân và không có động lực để hoàn thiện bản thân. Đối với những học sinh, những người sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai và những cống hiến cho đất nước, việc có ý thức về việc hoàn thiện bản thân, sống trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tương lai của chúng ta.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phê phán những người không có ý chí, sống thiếu trách nhiệm và không có ước mơ, hoài bão. Cuộc sống quá ngắn ngủi để bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân. Hãy nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày để trở thành những công dân tốt và xứng đáng là thế hệ tiên tiến của quốc gia.

Nghị luận về ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình hay nhất – Mẫu số 2

Dân gian ta thường nói: “Có gan làm, có gan chịu” để nói về tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng của con người. Quả thực, đây là một trong những phẩm chất đạo đức cốt lõi mà ta cần có. Có lẽ, bên cạnh những yếu tố như thể chất, học vấn thì thước đo của sự trưởng thành nằm ở ý thức chịu trách nhiệm với bản thân.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân là việc mỗi con người có trách nhiệm với lời nói, hành động, suy nghĩ của mình trong đời sống. Bên cạnh đó, nó còn là việc học hỏi và rèn luyện để bản thân hoàn thiện hơn từng ngày.Tinh thần trách nhiệm được thể hiện ở việc ăn nói ngay thẳng, cư xử đúng mực, biết điều khiển cảm xúc của bản thân, luôn sẵn sàng nhận lỗi khi phạm phải sai lầm.

Cuộc sống này như một món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho ta. Ta lớn lên trong tình yêu thương và bao bọc của những người thân yêu nhưng đến một thời điểm nhất định, ta trở thành người có toàn quyền quyết định số phận của mình. Có ý thức và trách nhiệm với bản thân, ta có thể dễ dàng vượt qua những trở ngại ấy và vững bước trên đường đời. Chúng ta có thể khác nhau về địa vị, tiền bạc, sự xuất thân… nhưng chỉ cần ta có trách nhiệm của bản thân, gia đình, xã hội, thì đều xứng đáng được tôn vinh, kính trọng. Không chỉ vậy, ta còn có thể lan tỏa những năng lượng tích cực đến với cuộc sống chung, hình thành một xã hội ngập tràn hạnh phúc. Câu chuyện về George Washington và cây anh đào là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm. Khi còn nhỏ, một lần Washington vô tình chặt đứt cây anh đào non yêu quý của cha. Cậu bé đã muốn nói dối vì sợ cha quở trách. Khi cha hỏi George rằng ai đã chặt gốc cây yêu thích của ông, George nhìn cha với khuôn mặt tội lỗi. Cuối cùng, cậu bé òa khóc và thú nhận: “Thưa cha, con không thể nói dối”. Người cha không trách mắng mà trái lại còn ông còn ôm con và khen ngợi con vì tinh thần trung thực.

Những người sống buông thả, bỏ bê bản thân hoặc sống ỷ lại, khi phạm sai lầm thì giấu giếm là những kẻ đê hèn, không có lòng tự trọng. Đáng buồn thay cho những kẻ rẻ mạt ấy!

Ý thức được về trách nhiệm bản thân quả thật không dễ dàng, nhưng bù lại, thứ chúng ta nhận về lại nhiều hơn thế, đó là một cuộc đời hạnh phúc và một tư thế ngẩng cao đầu.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 3

Cuộc sống luôn đa sắc màu và ẩn chứa nhiều khó khăn, thử thách mà ta không thể lường trước được. Chính vì thế, để bản thân mình tốt hơn cũng như cống hiến cho xã hội thì bên cạnh việc nỗ lực từng ngày, con người cũng cần có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Tự chịu trách nhiệm về bản thân mình là việc mỗi người chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hoạt động, năng lực và cả sự trưởng thành của mình. Người có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân sẽ giúp bản thân có nhận thức đúng đắn về những gì mình đã có, từ đó biết hoàn thiện bản thân nhiều hơn và có được sự tôn trọng từ người khác. Tự chịu trách nhiệm về bản thân sẽ giúp cho chính ta sống có trách nhiệm, biết giữ chữ tín và sẽ được mọi người tin tưởng, yêu quý, tín nhiệm, cuộc sống cũng từ đó trở nên thuận lợi hơn, dễ dàng hơn phần nào. Nếu trong xã hội con người sống không có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình thì xã hội đó sẽ ngày càng biến chất, nơi con người không có nhận thức đúng đắn về bản thân mình cũng như không có ý thức nỗ lực để hoàn thiện bản thân. Là người học sinh, cũng là công dân, chủ nhân tương lai của đất nước, ta cần có ý thức hoàn thiện bản thân mình, sống có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, với xã hội; đồng thời biết nỗ lực vươn lên để tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, ta cũng cần phê phán những con người không có ý chí, sống vô trách nhiệm, không có ước mơ, hoài bão,… Cuộc sống vốn ngắn ngủi, hãy hoàn thiện bản thân mình từng ngày để trở nên tốt đẹp hơn, xứng đáng là thế hệ chủ nhân tiên tiến của nước nhà.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 4

Bạn muốn sống cuộc sống của chính mình hay muốn người khác sống thay bạn mà mình không thấy được giá trị, ý nghĩa của cuộc đời. Để sống cuộc đời ý nghĩa của chính mình, trước hết chúng ta cần có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân. Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân là việc mỗi con người có trách nhiệm với lời nói, hành động, định hướng của bản thân. Bên cạnh đó, nó còn là việc chúng ta không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày, sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai và có ý thức sửa chữa lỗi lầm đó. Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn lao đối với mỗi người nói riêng và xã hội nói chung. Trong cuộc sống, nhận thức tự chịu trách nhiệm của bản thân giúp chúng ta có ý thức đúng đắn, về hướng đi và về cuộc đời của mình. Nó định hướng cho chúng ta con đường đúng đắn nhất để đi đến thành công, tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Việc có ý thức trách nhiệm với bản thân cũng sẽ làm cho bản thân ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết, khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Người có ý thức rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình luôn biết tự đánh giá mình, tích cực học hỏi ở người khác, rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực phù hợp. Để ngày càng tiến bộ cần bạn nhất định phải không ngừng nâng cao năng lực tri thức và hoàn thiện kỹ năng, nhân cách, phẩm chất đạo đức cho mình. Tuy nhiên, bên cạnh những người luôn ý thức, trách nhiệm về bản thân, vẫn có những kẻ dựa dẫm, trông chờ vào người khác mà không nỗ lực vươn lên. Cũng có những người tự ti, ngại ngùng từ đó đánh mất nhiều cơ hội quý báu. Những người này khó thấy được giá trị tốt đẹp của cuộc sống và nếu không nỗ lực sẽ sớm bị xã hội đào thải. Mỗi người học sinh chúng ta cần biết tự chịu trách nhiệm về bản thân mình bằng cách nỗ lực học tập, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà mình được giao. Bên cạnh đó cần cố gắng tu bổ đạo đức thật tốt để xứng đáng là người công dân vừa có đức vừa có tài.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 5

Không ai sống hộ cuộc đời của chúng ta cả. Cha mẹ và người thân chỉ dìu dắt ta trưởng thành trên một đoạn đường đời nhất định. Còn lại tất cả là do ta cố gắng, chính vì thế, chúng ta phải có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Trách nhiệm với bản thân là việc mỗi người tự ý thức được con người mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, cố gắng phát huy điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu để bản thân tốt hơn từng ngày. Trách nhiệm với bản thân của mỗi người được thể hiện ở việc biết tự giác trong công việc cũng như trong cuộc sống của bản thân mình, luôn hoàn thành mọi việc một cách đúng hạn và trọn vẹn nhất, không để bản thân rơi vào những tình huống bị động hoặc tình trạng quá tải hay căng thẳng, mệt mỏi. Cuộc sống của chúng ta luôn có những khó khăn, thử thách mà ta không thể lường trước được sẽ xảy đến lúc nào, có những lúc ta nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng nếu ta buông xuôi, mặc kệ mọi chuyện đồng nghĩa với việc ta sống vô trách nhiệm với bản thân, để bản thân mình trôi trượt vào thất bại, vào tiêu cực. Người có trách nhiệm với bản thân trong những hoàn cảnh đó sẽ tìm cách vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách để hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Việc sống có trách nhiệm với chính bản thân không chỉ giúp chúng ta chủ động, tích cực hơn mà còn là nền tảng để chúng ta trau dồi, hoàn thiện bản thân mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người sống với thói ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người sống vô trách nhiệm, khi gặp khó khăn đã vội bỏ cuộc,… Những người này cần phải xem xét lại thái độ sống của bản thân và cố gắng hơn nếu muốn thay đổi hiện tại của mình. Mỗi chúng ta có một lần để sống. Hãy chủ động, tự giác hoàn thiện bản thân, trở thành công dân tốt, con người có ích cho xã hội.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 6

Mỗi người muốn hoàn thiện và phát triển bản thân mình một cách tốt nhất thì trước hết chúng ta cần có cách nhìn nhận, đánh giá bản thân mình một cách khách quan, trung thực và nghiêm khắc. Chúng ta biết tự hào về bản thân mình là một việc tốt, nhưng nếu biết xấu hổ thì còn quan trọng hơn và quan trọng nhất là phải có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân là việc mỗi con người không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày. Bên cạnh đó là việc chúng ta dám đối diện, nhìn nhận trực tiếp vào vấn đề, sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai và có ý thức sửa chữa lỗi lầm đó. Câu nói khuyên nhủ con người ta nên lưu tâm nhiều hơn đến những hành động của mình và rút ra những bài học quý báu cho bản thân mình. Việc ý thức tự chịu trách nhiệm bản thân giống như việc chúng ta tự biết xấu hổ về bản thân mình. Tự hào là cơ sở hình thành sự tự tin cho con người, bên cạnh đó nó còn giúp con người lạc quan hơn, vững bước trên con đường mình đã chọn. Chúng ta có quyền tự hào về những gì bản thân mình đã làm được, tuy nhiên nếu không có chừng mực thì sự tự hào đó sẽ khiến chúng ta trở thành người xấu thích khoe khoang và chủ quan trong cuộc sống của mình. Xấu hổ là khi chúng ta nhận ra được lỗi của mình, từ đó chúng ta có thể khắc phục và sửa chữa lỗi lầm đó. Từ việc nhận ra và sửa chữa lỗi lầm, chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân mình hơn. Xấu hổ trái ngược với tự hào, cảm giác ban đầu của nó thật tệ nhưng nếu ta biết rút ra bài học cho bản thân thì ta sẽ tốt hơn rất nhiều, quá trình hoàn thiện bản thân sẽ được rút ngắn thêm một chút. Tự hào hay xấu hổ đều là những điều tốt đẹp mà mỗi con người cần có. Nếu chúng ta đặt sự tự hào và xấu hổ đúng chỗ, chúng ta sẽ đạt được thành quả sống nhiều hơn mong đợi. Tuy nhiên, con người không nên quá tự hào về bản thân để dẫn đến tự phụ và cũng không nên quá xấu hổ về bản thân để gây ra sự tự ti, ngại ngùng từ đó đánh mất nhiều cơ hội quý báu. Việc biết tự hào và xấu hổ về bản thân cũng là một kĩ năng sống giúp ta cân bằng cảm giác giữa con tim và lí trí. Hãy trở nên khôn ngoan, cẩn trọng và ưu tiên sự phát triển bản thân lên hàng đầu để có được một cuộc sống ý nghĩa.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 7

Không ai sinh ra đã hoàn hảo. Bất cứ ai trở nên hoàn hảo đều phải trải qua rèn luyện mới có được. Bởi thế, ý thức tự hoàn thiện bản thân, thay đổi bản thân và tự chịu trách nhiệm về bản thân là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi con người. Hiểu đơn giản, tự hoàn thiện bản thân và tự chịu trách nhiệm về bản thân là biết nhìn nhận, đánh giá về khả năng, thái độ, hành vi, việc làm, điểm mạnh, điểm yếu… của bản thân mình; vượt lên khó khăn, trở ngại, không ngừng lao động, học tập, tư dưỡng rèn luyện; đồng thời phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điều hay điểm tốt của người khác để bản thân ngày càng một tốt hơn, tiến bộ hơn. Người có ý thức rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình luôn biết tự đánh giá mình, tích cực học hỏi ở người khác, rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực phù hợp. Để ngày càng tiến bộ cần bạn nhất định phải không ngừng nâng cao năng lực tri thức và hoàn thiện kỹ năng, nhân cách, phẩm chất đạo đức cho mình. Trước hết, phải tự tin vào bản thân, quý trọng bản thân, đừng mặc cảm, tự ti với bản thân. Nhận rõ điểm yếu, điểm mạnh của mình, khắc phục và hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh, không ngừng học hỏi để ngày càng tiến bộ và hoàn thiện. Ai cũng cần phải tự hoàn thiện bản thân mình bởi mỗi người đều có điểm mạnh và điểm hạn chế riêng, việc bản thân tự hoàn thiện mình là tất yếu để đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Tự hoàn thiện mình là phẩm chất quan trọng của thanh thiếu niên giúp cho cá nhân, gia đình và cộng đồng ngày càng tiến bộ.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 8

Xã hội luôn phát triển, vận động theo chiều hướng tiến bộ và đi lên. Chính vì thế, con người cũng cần thay đổi, phát triển, nâng cao giá trị của bản thân và có ý thức tự chịu trách nhiệm với bản thân mình, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân là việc mỗi con người không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày. Bên cạnh đó là việc chúng ta dám đối diện, nhìn nhận trực tiếp vào vấn đề, sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai và có ý thức sửa chữa lỗi lầm đó. Việc thay đổi bản thân của mỗi cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp và to lớn đối với cuộc sống, sự phát triển của xã hội. Người biết thay đổi bản thân là người không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Họ biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục. Bên cạnh đó, họ còn có ý thức vươn lên trong cuộc sống, sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê… Việc có ý thức trách nhiệm với bản thân có ý nghĩa to lớn với con người và xã hội: thay đổi để làm cho bản thân ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết, khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Người biết hoàn thiện bản thân sẽ tiến bộ từng ngày và nhận được tình yêu thương từ mọi người. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người sống an phận, nghe theo sự sắp đặt của người khác hoặc quá lười biếng, không có ý thức vươn lên để hoàn thiện bản thân mình,… những người này sẽ không phát triển được bản thân, dần dần sẽ tụt về sau và không có được thành công trong cuộc sống. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, quỹ thời gian của chúng ta cũng giống nhau, chính vì thế, mỗi người hãy cố gắng hoàn thiện bản thân, vươn lên và nắm bắt những cơ hội quý giá trong cuộc sống của mình.

Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – Mẫu 9

“Cơ hội giống như bình minh, nếu bạn chờ đợi quá lâu, bạn có thể bỏ lỡ nó” (William Arthur). Thật vậy, đừng để khi mất đi mới biết cách nắm bắt, cơ hội chỉ đến một lần, nó sẽ bị bỏ lỡ nếu bạn mãi chờ đợi. Cũng vậy, ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm với bản thân mình là điều đầu tiên giúp bạn, dẫn lối bạn đến với thành công.

Vậy sự tự ý thức chịu trách nhiệm của bản thân mình là gì? Đó là sự chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hoạt động, về sự trưởng thành của mình; là sự tự ý thức, tự chịu trách nhiệm với bản thân về năng lực. Để tự mình xây dựng nên những thành công, vượt qua những khó khăn, để bản thân mình trở thành người có ích. Như vậy, con người luôn cần có ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm với bản thân. Đó cũng là điều dẫn bạn đến với thành công, hạnh phúc.

Trong cuộc sống, nhận thức tự chịu trách nhiệm của bản thân giúp chúng ta có ý thức đúng đắn, về hướng đi và về cuộc đời của mình. Ý thức trách nhiệm giúp con người có nhận thức và thành công đúng đắn trong cuộc sống. Trong học tập, giáo dục học sinh nhận thức rõ ràng về ý thức phấn đấu, nhận thức rõ về bản thân trong quá trình lao động và học tập. Trong làm việc, nó giúp con người hiểu rõ, nhận thức rõ ràng về vấn đề, để có thể giải quyết mọi chuyện nhanh chóng và có ích. Trong đời sống, ý thức tự chịu trách nhiệm bản thân và năng lực để tự chịu trách nhiệm giúp bản thân bạn được mọi người xung quanh tôn trọng, giúp con người có sự tự trọng bản thân.

Như vậy, ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân là sự tự chịu trách nhiệm về năng lực của mình mình, để giúp bản thân có nhận thức, có được sự tôn trọng từ người khác. Obama – vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ chính là tấm gương sáng về ý thức tự chịu trách nhiệm của bản thân. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama gặp tình huống trời mưa; thay vì nhờ nhân viên che chắn cho mình, ông đã tự cầm ô và đi đến để che chở cho một phụ nữ Việt Nam đi bên đường đang bị mưa. Hành động của Obama tuy nhỏ, nhưng nói lên được ý thức của Tổng thống với mọi người và với bản thân mình. Hay Alexander Graham Bell mắc chứng khó đọc, viết và không có khả năng học tập. Nhưng ông vẫn phát minh ra điện thoại – một phát minh giúp ích lớn cho cuộc sống của con người và cũng là một bước tiến trong sự phát triển ngành thông tin liên lạc. Như vậy, là Alexander Graham Bell một người tự ý thức về bản thân mình, tự ý thức về năng lực của bản thân mình, để tạo nên thành công, tài năng cho chính mình. Đó còn là Albert Einstein – nhà bác học vĩ đại. Thuở nhỏ, Einstein được biết đến là một đứa trẻ không có khả năng học tập (luôn xếp hạng cuối ở lớp), viết rất kém (cậu từng nói: “Viết đối với tôi là cái gì khó khăn lắm”); có thể bị hội chứng Aspergers Syndrome – một dạng của bệnh tự kỷ; diễn đạt các ý tưởng rất kém (lên 3 chưa biết nói, 7 tuổi mới biết đọc; là một giáo sư giảng dạy tồi). Thế nhưng vượt qua khó khăn, ông đã nhận ra tài năng, ý thức về nó và tạo nên những sáng chế, đặc biệt là thuyết tương đối. Và từ đó được coi là nì bác học vĩ đại nhất mọi thời đại. Như vậy cả ba tấm gương trên đều là những thiên tài biết nhận ra tài năng, ý thức về nó. Họ là những người mà chúng ta cần học tập, noi theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những người luôn ý thức, trách nhiệm về bản thân, vẫn có những kẻ dựa dẫm, trông chờ, coi thường bản thân mình. Những kẻ như vậy, đáng bị xã hội lên án, phê phán, để họ có thể trở thành người tốt cho xã hội. Muốn vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những ý thức, nhận thức đúng đắn về hành động, lời nói của mình. Để có thể ý thức tự trách nhiệm bản thân.

Hãy nỗ lực hết mình, hãy để bản thân bạn chiến thắng thay vì gục ngã. Bởi: “Kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng, người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc” (Napoleon Hill).

Ngoài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về việc tự ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình, các bạn có thể xem thêm Soạn Văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9.