Rằm tháng 7 là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Rằm tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu và ngày xá tội vong nhân

Rằm tháng 7 là ngày 15/7 Âm lịch. Đây là ngày có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau được lan rộng ra các nước khác ở châu Á.

Thời cổ đại, việc cúng Rằm tháng 7 là ngày lễ cúng tổ tiên của người Trung Quốc, có nguồn gốc từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Quan niệm của đạo này cho rằng tiết Trung Nguyên bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 Âm lịch (ngày “mở cửa quỷ môn”) cho đến ngày 30 tháng 7 (ngày “đóng cửa quỷ môn”).

911978b7-f715-4cf7-aaf8-aee7d7ccdf0e.png

Rằm tháng 7 là ngày gì là thắc mắc của nhiều người

Đầu tháng này, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng,… sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng.

Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày Rằm tháng 7 họ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.

Tại Việt Nam, mọi người thường cúng Rằm tháng 7 ở chùa trước rồi mới đến cúng tại gia. Lễ cúng này thường được tổ chức vào ban ngày, tránh tổ chức vào chiều tối hoặc ban đêm, khi mặt trời lặn.

Ngày Rằm tháng 7 hay còn được gọi là ngày “Xá tội vong nhân” hoặc “cúng cô hồn”, “cúng thí thực” (tặng thức ăn). Vì vậy, dân gian hay gọi nôm na tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn”.

Theo dân gian đây là tháng không may mắn và có những điều cần kiêng kỵ để tránh gặp xui xẻo. Tuy nhiên, đây cũng là tháng mà các nhà kinh doanh bắt đầu mua hàng để tích trữ bán trong dịp tết Nguyên đán.

Rằm tháng 7 còn là ngày báo hiếu cha mẹ mà trong Phật giáo gọi là ngày Vu Lan. Đây là ngày lễ để con cái hướng về cha mẹ, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục, tìm về cội nguồn yêu thương.