I. Thông tin chung về Khảo sát mức sống dân cư năm 2022
Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 (viết gọn là KSMS 2022) được tiến hành theo Quyết định số 939/QĐ-TCTK ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. KSMS 2022 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê trong việc đánh giá thực trạng đời sống của dân cư; đo lường nghèo và phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng dân cư phục vụ hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội.
Bạn đang xem: Thông cáo báo chí Kết quả khảo sát mức sống dân cư 2022
KSMS 2022 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong KSMS 2022 gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, tình hình đời sống của hộ và một số đặc điểm của xã.
II. Kết quả chính của KSMS 2022
2.1. Thu nhập bình quân
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Sau 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.
Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).
Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).
Hình 01. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn từ năm 2012-2022
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1).
Hình 02. Cơ cấu thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo nguồn thu từ năm 2012-2022
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Năm 2022, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng từ tiền lương tiền công đạt 2,6 triệu đồng (tăng 8,2 điểm %), thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 0,47 triệu đồng (tăng 4,3 điểm %), thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,1 triệu đồng (tăng 15,9 điểm %), thu từ các nguồn thu khác đạt 0,5 triệu đồng (tăng 24,7 điểm %).
Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày cảng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,1% năm 2022. Ngược lại, tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng so với năm 2019, 2020 và 2021 (34,7% so với 33,4%, 33,3% và 32,5%). Tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công có giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 1,5%) nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Điều này cho thấy rằng, sau đại dịch các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.
2.2. Chi tiêu bình quân và tiêu dùng lương thực, thực phẩm
Năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. Có thể thấy dưới tác động của dịch Covid-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020). Năm 2022, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.
Hình 03. Chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn thôn từ năm 2012-2022
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1. Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).
Tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm năm 2022, lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm còn 6,9 kg, giảm 0,7 kg so với năm 2020. Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (7,7 so với 5,7 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất (7,8 so với 6,1 kg/người/tháng).
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng qua các năm, từ 2,3 kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6 kg/người/tháng năm 2022. Tiêu thụ rau xanh tăng từ 1,7 kg/người/tháng năm 2020 lên 1,9 kg/người/tháng năm 2022.
Xem thêm : Khái niệm văn minh phương Đông thời kì cổ-trung đại?
Lượng tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác (nước có ga, nước ngọt…) có dấu hiệu giảm trong năm 2022; rượu bia giảm từ 1,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 1,2 lít năm 2022 và đồ uống khác giảm từ 2,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 2,1 lít năm 2022.
Hình 04. Khối lượng tiêu dùng gạo, thịt các loại và rau bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
2.3. Quy mô hộ gia đình
Nhân khẩu bình quân 1 hộ năm 2022 là 3,6 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ là 2,1 người. So với năm 2020, quy mô hộ và số người trong độ tuổi lao động không thay đổi. Tỷ lệ phụ thuộc tăng từ 0,69 năm 2020 lên 0,72 năm 2022. Quy mô hộ gia đình ở khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt, với 3,5 người/hộ ở khu vực thành thị và 3,6 người/hộ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ thuộc ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (0,75 so với 0,67).
Hình 05. Số nhân khẩu, số người trong tuổi lao động và tỷ lệ phụ thuộc bình quân một hộ
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
2.4. Giáo dục
Năm 2022, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 95,8%, 90,5% và 77,2%.
Hình 06. Tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp năm 2012 và 2022
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2022, các tỷ lệ đi học đúng tuổi đều có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông (tăng từ 59,4% năm 2012 lên 77,2% năm 2022). Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình cũng ngày càng cải thiện thể hiện ở chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm cho 1 người đi học, tuy nhiên năm 2022 có phần giảm so với năm 2020.
Năm 2022 chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm của 1 người đi học là 7 triệu đồng; giảm khoảng 70 nghìn đồng so với năm 2020. Chi giáo dục đào tạo chủ yếu giảm ở hai khoản chi là chi cho học thêm và chi giáo dục khác (gồm các loại hình đào tạo khác ngoài chính quy).
Hình 07. Chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm 1 người đi học
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí, trái tuyến (chiếm 40,3%), học thêm (chiếm 16,6%) và chi giáo dục khác (chiếm 19,3%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn. Các khoản chi cho giáo dục, đào tạo năm 2022 đều tăng so với 2020 trừ hai khoản giảm là chi cho học thêm và chi giáo dục khác.
Hình 08. Cơ cấu các khoản chi giáo dục, đào tạo 1 năm 1 người đi học năm 2022
Xem thêm : CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2022
2.5. Y tế
Năm 2022, tỷ lệ người có khám chữa bệnh trong 12 tháng là 27,7%, giảm 9,2 điểm % so với năm 2020. Dịch Covid-19 có lẽ gây tâm lý lo ngại việc phải đi khám chữa bệnh trong người dân, tỷ lệ khám bệnh ngoại trú năm 2022 là 26,4% và nội trú là 3,6%; giảm tương ứng 7,5 điểm % và 3,5 điểm % so với năm 2020.
Năm 2022, có 89,2% người có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí, không có sự khác biệt về tiếp cận thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính. Hai vùng có tỷ lệ người có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí thấp nhất là Tây Nguyên (84,3%) và Đông Nam Bộ (84,6%).
Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2022 cũng giảm so với 2020, cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng. Năm 2022, chi tiêu bình quân một người có khám chữa bệnh nội trú xấp xỉ 9 triệu đồng và một người có khám chữa bệnh ngoại trú là gần 1,4 triệu đồng.
Thành thị có mức chi y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh cao hơn nông thôn (2,8 triệu đồng so với 2,3 triệu – chênh lệch gần 500 nghìn/người có khám chữa bệnh).
Hình 09. Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh trong 12 tháng qua năm 2022
Xem thêm : CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2022
2.6. Nhà ở và đồ dùng lâu bền
Trong giai đoạn 2012-2022, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2022 là 98,3%, tăng 0,9 điểm % so với 2020 và tăng 7,3 điểm % so với năm 2012. Có 99,7% hộ thành thị và 97,4% hộ nông thôn có nguồn nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh tăng nhanh hơn ở khu vực nông thôn (năm 2022 tăng 1,2 điểm % so với 2020 và 8,6 điểm % so với năm 2012).
Cùng xu hướng với chất lượng nguồn nước sinh hoạt, tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh tăng nhanh theo thời gian. Tỷ lệ này năm 2022 là 96,2%, tăng 2,2 điểm % so với 2020 và 18,8 điểm % so với năm 2012. Mức độ tăng của tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh giai đoạn 2012-2022 tăng rất nhanh ở khu vực nông thôn từ 70% năm 2012 lên 94,3% năm 2022 (tăng 24,3 điểm %) cho thấy chất lượng hố xí của hộ gia đình đang được cải thiện một cách vượt bậc.
Xem xét hai tỷ lệ này theo 6 vùng trong giai đoạn 2012-2022 cho thấy khoảng cách giữa các khu vực đang được thu hẹp rất nhanh, tuy nhiên tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh luôn luôn thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (92,6% năm 2022) còn tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh hầu như thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (90,7% năm 2022). Do đó, các chính sách cải thiện trong giai đoạn tới cần tập trung chủ yếu tại hai vùng này.
Hình 10. Tỷ lệ nguồn nước, hố xí hợp vệ sinh năm 2012 và 2022 theo khu vực
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Sử dụng điện sinh hoạt cũng là một trong số các chiều quan trọng phản ánh đời sống cư dân. Kết quả khảo sát cho thấy điện lưới quốc gia đã phủ sóng gần như đến từng hộ gia đình, vùng miền, từ năm 2012 tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đã đạt mức 97,6%, đến năm 2020 và 2022 cùng đạt 99,5%, trong đó gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực thành thị – nông thôn và giữa các vùng miền, địa phương.
Sử dụng đồ dùng lâu bền phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là một khía cạnh phản ánh chất lượng đời sống hộ gia đình. Theo kết quả khảo sát, năm 2022, trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế (Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 3 (nhóm trung bình) trở lên.
Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ gia đình có đồ dùng lâu bền tăng dần trong giai đoạn từ 2012-2020 và giảm nhẹ trong năm 2022. Năm 2022 trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ là hơn 84 triệu đồng, giảm gần 3,7 triệu đồng so với năm 2020.
Việc mua mới đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua cũng phản ánh mức độ thay thế và bổ sung thêm tài sản, thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống hộ gia đình. Năm 2022, tỷ lệ hộ có mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua là 23,9%, giảm 10,5 điểm % so với năm 2020. Tỷ lệ này tiếp tục giảm cùng xu hướng với năm 2020 (năm 2020 giảm 9,8 điểm % so với 2018) cho thấy dường như những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới hành vi chi tiêu của hộ gia đình. Hộ thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là những khoản chi mua tài sản có giá trị tương đối lớn như đồ dùng lâu bền. Có thể thấy, việc mua mới đồ dùng lâu bền bị cắt giảm ở cả hai khu vực thành thị (giảm 9,3 điểm %) và nông thôn (giảm 11,1 điểm %), ở tất cả các vùng và các nhóm thu nhập so với năm 2020.
Mặc dù tỷ lệ hộ gia đình mua mới đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua giảm đi nhưng trị giá đồ dùng lâu bền mua mới vẫn tăng lên. Năm 2022, trị giá đồ dùng lâu bền mua mới bình quân một hộ có mua trong 12 tháng qua đạt hơn 46 triệu, tăng hơn 16 triệu (gấp 1,6 lần) so với năm 2020. Điều này cho thấy trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu, với số ít các hộ gia đình mua sắm mới đồ dùng lâu bền năm 2022, hộ vẫn ưu tiên mua sắm các đồ dùng có giá trị cao, thời gian sử dụng lâu dài.
Về số lượng, một số loại đồ dùng lâu bền chủ yếu trên 100 hộ năm 2022 có xu hướng tăng so với 2020 như xe máy (165 so với 156), điện thoại (246 so với 210), tủ lạnh (95 so với 85), máy giặt (60 so với 54), máy điều hòa (68 so với 51) và bình tắm nước nóng (52 so với 43). Sự gia tăng đáng kể số lượng đồ dùng lâu bền trong hộ gia đình cho thấy đời sống của hộ dân cư ngày càng được cải thiện, hiện đại và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, số lượng đồ dùng lâu bền (ô tô, máy vi tính, máy điều hòa nhiệt độ, bình tắm nước nóng) trên 100 hộ của các hộ dân cư thuộc nhóm nghèo nhất thấp hơn nhiều so với hộ thuộc nhóm giàu nhất phản ánh chênh lệch đáng kể về điều kiện sinh hoạt giữa các hộ gia đình.
Ngày nay với quan niệm “nhà là nơi để về”, nhà ở có vai trò vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với tất cả các hộ gia đình. Chất lượng nhà ở được quyết định bởi diện tích và kết cấu của nhà ở. Kết quả khảo sát cho thấy giai đoạn 2012-2022, chất lượng nhà ở của các hộ gia đình nước ta được nâng cao rõ rệt. Năm 2022, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,2 m2, tăng 1,9 m2 so với năm 2020 và tăng 9,3 m2 so với năm 2012. Về kết cấu nhà ở, năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 96,8%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời, ví dụ các hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (6,3% nhà thiếu kiên cố và 1,9 % nhà đơn sơ) và Trung du và miền núi phía Bắc (6,3% nhà thiếu kiên cố và 3% nhà đơn sơ).
Hình 11. Cơ cấu các loại nhà ở năm 2022
Xem thêm : CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2022
2.7. Nghèo đa chiều và bất bình đẳng
Năm 2022 là năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 với chuẩn nghèo thu nhập và 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản tương ứng với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (tương ứng 0,7% và 0,9%).
Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2022 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%).
Hình 12. Tỷ lệ hộ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều năm 2022
Xem thêm : CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2022
Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2022 là 0,375, giữ ổn định so với năm 2020 và 2021 và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình. Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (tương ứng 0,408 và 0,399).
Kết luận
Năm 2022 tình hình kinh tế – xã hội nước vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và bắt đầu phục hồi vào 6 tháng cuối năm. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong năm 2022 do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có thể thay đổi hành vi tiêu dùng do tác động của đại dịch, sự gia tăng của giá cả (giá hàng hóa, giá xăng dầu), hạn chế nguồn cung dịch vụ (ăn uống ngoài gia đình, du lịch, giải trí…). Mặc dù chi tiêu bình quân đầu người giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch. Bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng và giữa nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao; do vậy các chính sách phục hồi sau đại dịch cần trọng tâm vào nhóm người yếu thế hơn trong xã hội.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 21/04/2024 12:05
Thần Tài ban LỘC trong nháy mắt: 4 con giáp GIÀU nhanh chóng cuối năm…
Top 4 cung hoàng đạo thích làm chủ luôn có tham vọng mở công ty…
Số phận người sinh năm Mão theo cung hoàng đạo: Bạn có thành công không?
Thần Tài mở kho: 4 tuần tới mọi điều ước sẽ thành hiện thực, 4…
Tử vi hôm nay: 4 con giáp có khả năng đạt được thành công vào…
Con số may mắn hôm nay 19/11/2024: Xin số ông DIAH, tận hưởng vận may