Từ khóa: chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, quan điểm sai trái, thù địch.
1. Những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần bị phản bác
Bạn đang xem: Phê phán một số quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ nhất, quan điểm cho rằng, chủ nghĩa xã hội mà C.Mác nêu ra cũng chỉ là một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng mới, không có khả năng thực hiện.
Để làm rõ luận điểm sai lầm trên, cần dựa trên cả cơ sở lý luận và thực tiễn.
Về cơ sở lý luận, chúng ta thấy rõ sự khác biệt căn bản giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa xã hội không tưởng, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX ở Anh, Pháp có những giá trị nhân văn, nhân đạo, giá trị phê phán cũng như giá trị thức tỉnh phong trào công nhân quốc tế. Nhưng những hạn chế của nó đã khiến chủ nghĩa xã hội không tưởng không thể là lý luận tiền phong dẫn đường đưa phong trào công nhân đến thắng lợi. Chủ nghĩa xã hội không tưởng đã không phát hiện được quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, không khám phá ra bản chất của chủ nghĩa tư bản cũng như không tìm thấy được lực lượng có thể tiến hành cách mạng. Sự ra đời của ba phát kiến vĩ đại của C.Mác: chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã giúp khắc phục những hạn chế trên và đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học. Trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, các nhà kinh điển khẳng định, quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người là một quá trình phát triển lịch sử – tự nhiên, sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp đến cao. Từ đó, các ông dự báo: thay thế cho hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ là hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa với bản chất nhân văn cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội khỏi mọi sự áp bức, bóc lột. Học thuyết giá trị thặng dư đã “bóc trần bí mật của chủ nghĩa tư bản” và làm rõ bản chất bóc lột lao động làm thuê của chủ nghĩa tư bản. Bằng những thủ đoạn tinh vi, nhà tư bản chiếm đoạt ngày càng lớn “giá trị thặng dư” được sinh ra nhờ lao động không công của người công nhân. Chính đó là nguyên nhân cơ bản làm cho mâu thuẫn về kinh tế giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản tăng lên không thể dung hòa trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. Từ hai phát kiến trên, các ông đã chứng minh được rằng, giai cấp lãnh đạo, tổ chức thắng lợi cuộc cách mạng XHCN ở mỗi nước để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xác lập xã hội mới – xã hội XHCN và tiến lên chủ nghĩa cộng sản chính là giai cấp công nhân.
Sự khác biệt toàn diện trên cho thấy, không thể đồng nhất chủ nghĩa xã hội khoa học với chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Về cơ sở thực tiễn, trước hết, phải thấy rằng, chủ nghĩa xã hội đã là một hiện thực trong lịch sử và hiện vẫn đang là một hiện thực không thể phủ nhận. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến ước mơ ngàn đời của nhân loại thành sự thật. Và trong suốt hơn 70 năm tồn tại, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong 16 năm công nghiệp hóa (1925-1941), Liên Xô từ một nước tư bản chủ nghĩa loại trung bình (Nga) và hầu hết vùng Trung Á ở trình độ tiền tư bản trở thành nước công nghiệp hàng đầu châu Âu. Năm 1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử. Năm 1957 là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Năm 1961, là nước đầu tiên đưa con người vào vũ trụ. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã trở thành siêu cường thứ hai thế giới. Có thể nói, trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ chứng kiến sự phát triển nhanh trong thời gian ngắn như vậy. Không chỉ không thua kém các nước tư bản chủ nghĩa trong kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà Liên Xô còn giải quyết thành công hơn hẳn về lĩnh vực xã hội. Ở Liên Xô, bốn lĩnh vực việc làm, nhà ở, y tế và giáo dục được quan tâm và miễn phí cho toàn dân. Cùng với đó có bốn đối tượng được ưu tiên là trẻ em, người già, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đã tạo ra sự công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo, thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản. Cho đến nay, mặc dù hệ thống XHCN hiện thực thế giới đã tan rã nhưng không ai có thể phủ nhận sự tồn tại khách quan và tính ưu việt của nó. Đặc biệt là những thành công bước đầu nhưng hết sức quan trọng trong công cuộc cải cách, đổi mới ở các nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam và tinh thần chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở các nước Mỹ Latinh… đang chứng minh cho lý tưởng xã hội XHCN vẫn có sức sống trường kỳ cùng nhân loại.
Vậy sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu có phải là sự thất bại của chủ nghĩa xã hội khoa học như các thế lực thù địch đang rêu rao: “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(1), hay học thuyết của Mác là “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai lịch sử”(2)?
Trước hết, cần nhận thức rõ, đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực. Đi lên chủ nghĩa xã hội là một con đường dài, đầy khó khăn, nhiều bước quanh co, khúc khuỷu, có thể gặp những thất bại tạm thời. Các nhà kinh điển cũng đã từng dự báo điều này bởi xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng một chế độ hoàn toàn khác về chất so với những chế độ xã hội trước đó, một chế độ trong đó con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, không còn phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Chủ nghĩa tư bản để đạt được như ngày hôm nay, cũng phải trải qua không ít thăng trầm – đó là một quy luật tất yếu của lịch sử cho sự ra đời của một hình thái kinh tế – xã hội mới. Giai đoạn 1506-1609, cuộc cách mạng tư sản Hà Lan thắng lợi lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha, đã thành lập nhà nước tư sản đầu tiên trên thế giới. Năm 1640, cách mạng tư sản Anh thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ lịch sử cận đại toàn thế giới – thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa, trong đó diễn ra các cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới giữa phong kiến và tư sản. Vậy nhưng, phải đến những năm 80 của thế kỷ XIX, chế độ phong kiến bị lật đổ ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản thì chủ nghĩa tư bản mới được xác lập trên phạm vi rộng lớn, trở thành một hệ thống chính trị kinh tế trên thế giới. Trong suốt hơn 300 năm đó, chủ nghĩa tư bản cũng nhiều lần giành được chính quyền rồi lại bị giai cấp quý tộc phong kiến lật đổ. Vì vậy, không thể từ một bước lùi tạm thời của chủ nghĩa xã hội mà đã có thể kết luận rằng, chủ nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn, không thể thành hiện thực hay là một “ảo tưởng” được.
Bên cạnh đó, nguyên nhân của sự kiện năm 1991 ở Liên Xô và các nước Đông Âu chính là do những khuyết điểm, sai lầm tích tụ chậm được phát hiện và khắc phục, nhất là về những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới. Hai nguyên nhân cơ bản và liên quan trực tiếp, chặt chẽ với nhau bao gồm, một là, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và công tác tổ chức – cán bộ trong quá trình cải tổ. Đây là nguyên nhân chính. Hai là, các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tìm mọi cách tác động làm chệch hướng công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, lợi dụng những sai lầm bên trong để thực hiện mục tiêu xóa bỏ chế độ XHCN. Như vậy, nguyên nhân cho sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không phải vì sai lầm của học thuyết Mác – Lênin mà vì những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã xa rời hoặc nhận thức sai lầm những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tế cho thấy, trong quá trình cải tổ, cải cách, đổi mới, nước nào biết vận dụng sáng tạo những nguyên tắc, nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, của chủ nghĩa xã hội khoa học thì hạn chế được những khuyết tật, giữ vững được chủ nghĩa xã hội, đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng xã hội mới.
Thứ hai, quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là phương tiện cứu nước, giành độc lập dân tộc, khi đạt được mục đích cần phải thay đổi phương tiện.
Những người này cho rằng, Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm!, “chủ nghĩa xã hội đã ở vào giờ thứ 25 trên toàn cầu”, “Việt Nam nên xoay trục để phát triển”(3). Họ lý giải rằng, thời kỳ phong kiến không cần chủ nghĩa xã hội mà vẫn có độc lập dân tộc; hay chủ nghĩa xã hội chỉ là phương tiện mà Hồ Chí Minh sử dụng để cứu nước mà thôi…
Trước hết, cần khẳng định, không thể tán thành luận điểm cho rằng thời kỳ phong kiến chưa có chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn có độc lập dân tộc. Thực tiễn lịch sử nước ta cho thấy, các triều đại phong kiến tiến bộ đại diện cho dân tộc lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Khi đó chưa có chủ nghĩa xã hội. Trên thế giới, chủ nghĩa xã hội được đặt ra về lý luận khi chủ nghĩa Mác ra đời và về thực tiễn khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi. Do đó, nếu đặt vấn đề về chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời đại phong kiến là phi lịch sử, và nếu dựa vào đó để phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hết sức phi lý.
Xem thêm : Top 15 gương mặt streamer giàu nhất Việt Nam
Thực tiễn thế giới và Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở châu Âu, Bắc Mỹ mở rộng địa bàn thống trị thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược nước khác. Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau những cuộc đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt ách thống trị trên toàn cõi Đông Dương với cái tên mới “xứ Đông Dương thuộc Pháp” gồm năm kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên, cái tên Việt Nam cũng không còn nữa.
Giai cấp tư sản thực dân Pháp đã từ chối hợp tác với phong trào Tây Du của Phan Châu Trinh; giai cấp tư sản quân phiệt Nhật từ chối hợp tác với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Sự từ chối ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là không thể có sự hợp tác bình đẳng giữa kẻ thống trị với người bị trị, giữa kẻ cướp nước với những người mất nước. Trong lịch sử thời kỳ này ở Việt Nam, giai cấp tư sản Việt Nam có hai bộ phận: bộ phận tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước nhưng yếu kém cả về kinh tế, chính trị, dễ thỏa hiệp về tư tưởng; bộ phận tư sản mại bản thì cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc tư sản. Các phong trào cứu nước đi theo con đường phong kiến như phong trào đấu tranh của Trương Định, Nguyễn Trung Trực… ở miền Nam; Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng… ở miền Trung; Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Quang Bích… ở miền Bắc đều thất bại; các phong trào đi theo con đường tư sản như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội… cũng thất bại.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm đã từng đánh bại những đế quốc lớn như đế chế Nguyên Mông, đế quốc Đại Minh mà ngày nay, sau hơn 70 năm (1858-1929) chống thực dân Pháp với tinh thần “khi nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam chống người Tây” lại liên tục thất bại. Người trả lời đúng câu hỏi trên chính là Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Trở lại lịch sử đầu thế kỷ XX, sau nhiều năm suy ngẫm và mười năm đầu bôn ba tìm đường cứu nước qua hơn 30 quốc gia dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra từ cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là các cuộc cách mạng không đến nơi (tức là không triệt để). Rằng “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”(4). Đồng thời từ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Con đường để giải phóng thực sự các dân tộc bị áp bức chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Cần nhận thức rõ, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời trong bối cảnh chưa xuất hiện hệ thống thuộc địa, do đó nó cũng chưa xuất phát từ yêu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của các nước đế quốc, thực dân tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội khoa học trước hết là khoa học giải phóng xã hội, giải phóng con người trong từng dân tộc khỏi ách thống trị của giai cấp tư sản ở dân tộc đó để tiến tới giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội trên toàn thế giới.
Sau 10 năm tìm đường cứu nước (1911-1920), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm được con đường giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, độc lập dân tộc là mục tiêu trước tiên để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội với ý nghĩa: nước chưa được độc lập thì lợi ích giai cấp vạn năm cũng không đòi được. Thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là cơ sở củng cố vững chắc độc lập dân tộc và giá trị của độc lập dân tộc mới được thực hiện đầy đủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(5). Như vậy, chỉ đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mới làm cho độc lập dân tộc bền vững.
Có thể nói, những luận điệu của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận và đi đến mục đích xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay ngày càng tinh vi, với nhiều giọng điệu dễ thuyết phục những người mơ hồ về lý luận, những kẻ bất mãn chế độ… Nhận diện rõ những luận điệu sai trái đó, thực hiện phản bác trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn cách mạng Việt Nam là cách thức đấu tranh hiệu quả nhất để đập tan những âm mưu của các phần tử phản động này.
2. Tiếp tục khẳng định chủ nghĩa xã hội chính là con đường đi lên tất yếu của nhân loại
Thực tiễn cho thấy, những luận điệu trên của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch không thể nào làm xóa bỏ được những giá trị của chủ nghĩa xã hội khoa học – đã được lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định và đang từng bước chứng minh bằng chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Ngay trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều tất yếu như nhau”(6). Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh khi gặp được ánh sáng Cách mạng Tháng Mười, cũng khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng sau sự kiện năm 1991 vẫn giữ vững niềm tin với sự lựa chọn của mình: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(7). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển 2011) tiếp tục kiên định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(8).
Thực tế là, chủ nghĩa tư bản đã từng có vai trò lịch sử trong các thế kỷ trước, và hiện nay vẫn còn khả năng tồn tại do biết sử dụng sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ và bóc lột các nước thuộc thế giới thứ ba. Rõ ràng, khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất vẫn tồn tại thì những thành quả của khoa học và công nghệ, trình độ kinh tế tri thức và những điều chỉnh về thể chế quản lý kinh tế – xã hội… trước tiên vẫn là công cụ để bóc lột giá trị thặng dư. Hiện nay, dù đã thực hiện rất nhiều điều chỉnh, chủ nghĩa tư bản vẫn bộc lộ những khiếm khuyết và mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết được trong các vấn đề dân tộc, giai cấp, vấn đề xóa bỏ chế độ người bóc lột người, chiến tranh, bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, chăm lo phát triển con người, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Do bản chất của mình, ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn đang thực hiện chính sách thực dân kiểu mới nhằm bóc lột các nước kém phát triển, chậm phát triển. Những cuộc chiến tranh và can thiệp quân sự, thông qua các cuộc cách mạng màu của các nước phương Tây vào các quốc gia độc lập có chủ quyền trong những thập niên 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, cho dù cố che đậy với những lý do gì thì về thực chất vẫn là các cuộc xâm lược nhằm mục đích phân chia lại thị trường thế giới, giành giật tài nguyên, môi trường, duy trì hoặc áp đặt ảnh hưởng lên các nước khác. Từ đây, chủ nghĩa tư bản tìm mọi cách ngăn cản quá trình vận động, phát triển lên chủ nghĩa xã hội của các quốc gia đã giành được độc lập, buộc các quốc gia này phải phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản. Cũng thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, các nước tư bản muốn các nước XHCN từ bỏ con đường mà mình đã lựa chọn. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản không thể nào là sự lựa chọn đúng đắn nhất của nhân loại.
Chủ nghĩa xã hội hiện thực với lịch sử hơn 100 năm vẫn đang trong giai đoạn mở đầu với những thử nghiệm. Mặc dù vậy, chủ nghĩa xã hội đã thể hiện sức sống mãnh liệt trong đời sống kinh tế, chính trị, tinh thần của nhân loại ở thế kỷ XX và tạo ra những giá trị nhân văn ở thế kỷ XXI. Chính nhờ có chủ nghĩa xã hội làm “đối trọng” mà chủ nghĩa tư bản buộc phải điều chỉnh để thích nghi nếu muốn tồn tại, góp phần thúc đẩy hòa bình, tiến bộ của nhân loại trên thế giới. Sức sống của chủ nghĩa xã hội vẫn được nhìn thấy ở các nước kiên định với sự lựa chọn của mình như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào… Những mầm mống chủ nghĩa xã hội vẫn đang tiếp tục phát triển bất chấp sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc như mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Mỹ Latinh. Những nhân tố chủ nghĩa xã hội vẫn đang tồn tại ở ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Các nước theo lý tưởng XHCN đang đạt được những thành tựu to lớn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.
Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu to lớn. Đánh giá tổng thể về kết quả của 30 năm tiến hành đổi mới, Đại hội XII chỉ rõ: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhâp quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, phát triển. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên…; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”(9). Những thành tựu đó ngày càng khẳng định sự đúng đắn trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng khẳng định sự nhận thức và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Xem thêm : Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Những thành tựu tiêu biểu đó là tiền đề quan trọng để cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; là cơ sở, nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ – nhân tố quan trọng để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đây cũng chính là minh chứng đầy sức thuyết phục để bác bỏ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020
(1), (2) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.48, 47-48.
(3) Nguyễn Chí Thảo: Phê phán luận điệu cho rằng “Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phe-phan-luan-dieu-cho-rang-viet-nam-kien-dinh-muc-tieu-doc-lap-dan-toc-va-chu-nghia-xa-hoi/14155.html, cập nhật ngày 08-08-2019.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.274.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.175.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.613.
(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005, tr.314.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.65-66.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on %s = human-readable time difference 14:20
Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem con số MAY MẮN giúp…
Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Rồng khôn, Hổ may mắn
Cảnh báo 4 con giáp đối mặt nguy cơ mất tiền, đừng vội đầu tư…
4 con giáp VƯỢT gai để lội ngược dòng xuất sắc cuối năm 2024, tiền…
Tuần mới (4 - 10/11) đón nhận may mắn, 3 con giáp mở mang tầm…
Cách giúp 12 con giáp cưỡi sóng vượt gió chinh phục đỉnh cao tháng 11/2024