Categories: Tổng hợp

‘Cuộc chiến tranh bị lãng quên’ trên bán đảo Triều Tiên

Published by

Cuộc chiến kéo dài 3 năm 1 tháng này vẫn chưa chính thức kết thúc vì các bên liên quan mới chỉ ký kết Hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953 chứ không phải một hiệp định chấm dứt chiến tranh. Và kể từ thời điểm dừng cuộc chiến năm 1953, mặc dù cả Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và các nước liên quan đã thay đổi nhiều nhà lãnh đạo, song bán đảo Triều Tiên không ít lần sôi sục “bên bờ vực chiến tranh”, những vết thương lòng của các gia đình ly tán do cuộc chiến này vẫn chưa lành và giấc mơ thống nhất hai miền là rất xa vời. Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có hòa bình đúng nghĩa.

Trên thực tế, vòng đàm phán để chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên đã được tổ chức năm 1954 tại Geneva (Thụy Sĩ), song không đạt được kết quả mong muốn. Hai miền Triều Tiên tiếp tục bị chia cắt, bán đảo Triều Tiên, về danh nghĩa, vẫn ở trong tình trạng chiến tranh – “cuộc chiến tranh bị lãng quên” như cách gọi của giới chuyên gia.

Các nhà sử học cho rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên khởi nguồn từ lịch sử phức tạp trên bán đảo Triều Tiên, hay nói rõ hơn là xuất phát từ sự cạnh tranh sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các cường quốc sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cũng có ý kiến cho rằng chiến tranh Triều Tiên là “con đẻ” của Chiến tranh Lạnh.

Có thể coi sự kiện ngày 25/6/1950 là đỉnh điểm của những mâu thuẫn kéo dài trên bán đảo Triều Tiên, khu vực vốn chịu ách đô hộ của đế quốc Nhật Bản từ năm 1910. Nhật Bản đã phân chia bán đảo làm hai khu vực phía Bắc và phía Nam vĩ tuyến 38 để quản lý. Tháng 8/1945, khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, bán đảo Triều Tiên tiếp tục bị chia làm hai phần, với ranh giới là vĩ tuyến 38, phần miền Bắc do Liên Xô quản lý, phần phía Nam do Mỹ kiểm soát, đồng thời thực hiện chế độ ủy trị tại đây trong thời gian 5 năm. Năm 1946, một ủy ban liên hợp về vấn đề Triều Tiên ra đời, với mục tiêu thúc đẩy sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, cuối năm 1947, Chiến tranh Lạnh bùng nổ đã khiến mọi kế hoạch bị gián đoạn. Mỹ và Liên Xô không còn thúc đẩy các cuộc bầu cử thống nhất bán đảo Triều Tiên. Năm 1948, lần lượt hai miền Triều Tiên tổ chức bầu cử riêng rẽ, hai chính quyền ở hai miền không ngừng xung đột do quan điểm khác biệt về phát triển đất nước. Chỉ tính từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950, hơn 1.800 vụ đụng độ lớn nhỏ khác nhau đã nổ ra giữa quân đội hai miền tại khu vực biên giới.

Cuộc chiến bùng nổ ngày 25/6/1950 sau đó nhanh chóng kéo theo sự tham gia quân sự trực tiếp của Mỹ, tiếp đó là Trung Quốc, cùng 14 nước trong một lực lượng can thiệp của Liên hợp quốc. Hoạt động chiến sự chấm dứt bằng thỏa thuận đình chiến được đại diện Triều Tiên và Mỹ ký ngày 27/7/1953, khi cả hai bên đã chịu những tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Đáng chú ý, Hàn Quốc không ký kết thỏa thuận đình chiến vì cho rằng thỏa thuận này không giải quyết vấn đề chia cắt bán đảo Triều Tiên. Mọi nỗ lực sau đó nhằm thúc đẩy ký kết hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh đều không đạt kết quả, mà giới chuyên gia nhận định một trong những rào cản chính là sự nghi kỵ, thiếu lòng tin giữa các bên, đồng thời, các cường quốc giữ vai trò ảnh hưởng chi phối trên bán đảo Triều Tiên, chưa thể “dàn xếp” được những tính toán chiến lược của mình.

Sau năm 1953, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những hướng đi riêng để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên chưa có ngày bình yên. Sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1953, theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng với đồng minh Hàn Quốc, luôn bị Bình Nhưỡng coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh. Triều Tiên cũng lo sợ cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc là “cuộc tập dượt” để chuẩn bị xâm lược Bình Nhưỡng. Đặc biệt, sau khi Mỹ triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Hàn Quốc, bán đảo Triều Tiên đã trở thành “điểm nóng”.

Kể từ khi vũ khí hạt nhân lần đầu tiên xuất hiện ở bán đảo Triều Tiên năm 1958, là các loại đạn pháo M442 của Mỹ chứa đầu đạn hạt nhân W33 với sức công phá 12 kiloton, tương đương 12.000 tấn thuốc nổ TNT, đến năm 1991, Mỹ đã triển khai khoảng 950 vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, bao gồm các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật lẫn chiến lược, từ đạn pháo hạt nhân cho đến tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân. Lo sợ Hiệp định đình chiến có thể bị vi phạm bất kỳ lúc nào, Triều Tiên ngay lập tức có biện pháp phòng bị mà kết quả là Trung tâm hạt nhân Yongbyon được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên phát triển song song với hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Kể từ thời điểm đó, người dân trên bán đảo Triều Tiên, khi chứng kiến căng thẳng quân sự tưởng chừng sẽ dẫn tới xung đột vũ trang thực sự, như năm 2010 và năm 2017, có lúc lại cảm thấy hòa bình lâu dài đã cận kề. Bản thân lãnh đạo hai miền đã có không ít nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. Đáng chú ý, trong các năm 2000 và 2007, hai tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Dae-jung và ông Roh Moo-hyun với “Chính sách Ánh dương” đã sang Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il.

Trong giai đoạn này, các mối quan hệ liên Triều gần gũi hơn. Đơn cử như sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000, hai bên đã tổ chức 21 đợt đoàn tụ trực tiếp và 7 đợt qua video tính đến thời điểm hoạt động này bị gián đoạn hồi tháng 10/2015. Hợp tác kinh tế cũng được xúc tiến mà biểu tượng là khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập từ năm 2004 (bị đóng cửa đầu năm 2016 do căng thẳng hai miền)…

Đỉnh cao của việc cải thiện quan hệ liên Triều là hội nghị thượng đỉnh với kết quả đột phá không ngờ giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4/2018 tại làng đình chiến Panmunjom. Hai bên đã ký Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, trong đó nhất trí ngừng tất cả các hành động thù địch và tiến tới ký hiệp định hòa bình, kết thúc chiến tranh trong năm 2018. Cuộc gặp này đã mở đường cho một chương mới trong lịch sử thế giới với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều ngày 12/6/2018 tại Singapore.

Tuy nhiên, có thể nói việc tiến tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên đặc biệt phức tạp do vấn đề này không chỉ liên quan tới hai miền Triều Tiên mà còn dính líu tới rất nhiều bên, trong đó có Mỹ. Bản thân Hiệp định đình chiến năm 1953 cũng có đại diện Mỹ ký kết. Hơn thế nữa, giờ đây việc thiết lập hòa bình lâu dài lại gắn liền với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, một tiến trình thực sự gian nan, bất chấp lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã ký Tuyên bố chung ngày 12/6/2018 với cam kết kiến tạo một tương lai hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên sau hơn nửa thế kỷ.

This post was last modified on 14/04/2024 11:43

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

7 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

7 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

11 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

16 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

16 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

17 giờ ago