(Bqp.vn) – Quân khu 4 nằm trên dải đất Miền Trung, bao gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, với 26 dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình của quân khu đa dạng, là loại địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng xen kẽ và bờ biển, có dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nơi hẹp nhất là khu vực Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có độ dốc lớn. Từ Quan Hoá, Thanh Hoá kéo dài về phía Nam, tỉnh Thừa Thiên – Huế địa hình có thế thiên hiểm, tạo một vành đai có ý nghĩa chiến lược về quân sự và kinh tế.
Quân giải phóng Trị Thiên tổ chức các cuộc tập kích bất ngờ đánh thẳng vào các căn cứ quân sự của Mỹ trên vùng Nam vĩ tuyến (Ảnh: Tư liệu)
Bạn đang xem: Quá trình hình thành và phát triển
Một số mốc thời gian
– Ngày 15/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Thiết Hùng làm Khu trưởng; đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu làm Chính trị viên cùng với Xứ uỷ Trung kỳ thành lập Chiến khu 4 gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 15/10 trở thành ngày truyền thống của LLVT Quân khu 4.
– Ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổ chức các Liên khu; Chiến khu 4 đổi thành Liên khu 4.
– Ngày 24/4/1955, Liên khu uỷ khu 4 bàn giao cho Liên khu uỷ khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
– Ngày 3/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh Ký Sắc lệnh thành lập quân khu 4; tỉnh đội Thanh Hoá được điều về Quân khu Hữu Ngạn.
– Ngày 6/4/1966, Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên.
– Ngày 6/2/1976, Quân uỷ Trung ương, Bộ quốc phòng quyết định hợp nhất Quân khu 4 và Quân khu Trị Thiên thành Quân khu 4.
– Ngày 18/4/1976, Tỉnh đội Thanh Hoá được điều chuyển trở lại Quân khu 4.
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 ra đời trên dải đất “Địa linh, nhân kiệt”, ngay từ đầu đã đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
Dải đất “Địa linh, nhân kiệt”, địa bàn chiến lược của cả nước
– Đây là một địa bàn hiểm yếu, kéo dài từ Tam Điệp nơi Hoàng đế Quang Trung đã hội quân để đánh thắng 20 vạn quân Thanh đến Hải Vân; địa thế dài và hẹp dần về phía Nam, nơi hẹp nhất chỉ có 50 km, địa hình phức tạp, núi non hiểm trở. Cả 6 tỉnh đều có biên giới trên bộ và biển, với tổng chiều dài 1.227,8 km đường biên giới trên bộ và 722 km bờ biển. Đây là địa bàn rất dễ chia cắt chiến lược trong các cuộc chiến tranh.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây đã từng bị chia cắt, điển hình là 2 cuộc chia cắt lịch sử: Thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến; giai đoạn 1954 – 1975 khi đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước tạm thời chia làm 2 miền và giới tuyến tạm thời là Vĩ tuyến 17. Chính những yếu tố tự nhiên này làm cho địa bàn Khu 4 qua các thời kỳ luôn là địa bàn chiến lược quan trọng hiểm yếu của cả nước.
– Từ xa xưa dải đất khu 4 đã từng được xem là phên dậu của các triều đại phong kiến Việt Nam, là nơi phát tích của các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cứu nước của cha ông ta xưa khi tổ quốc bị rơi vào tay quân xâm lược. Đây là dải đất địa linh nhân kiệt. Thời nào, cũng có những anh hùng hào kiệt:
+ Triệu Thị Trinh cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt chống quân Ngô thế kỷ thứ 3, Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) đánh quân Đường, Lê Lợi tụ nghĩa đánh giặc Minh…
+ Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, các phong trào yêu nước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên địa bàn Quân khu, tiêu biểu như: Phong trào Đông Du của Cụ Phan Bội Châu, các cuộc khởi nghĩa của Lê Trực (Quảng Bình), Trần Tấn, Đặng Như Mai (Nghệ An), Đinh Công Tráng (Thanh Hoá) và Phong trào Cần Vương của Cụ Phan Đình Phùng tại vùng núi Hương Khê/ Hà Tĩnh….
– Địa bàn khu 4 còn là nơi sinh ra những danh nhân văn hoá nổi tiếng của dân tộc và thế giới: Đại thi hào Nguyên Du, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Bà chúa thơ nôm Hồ xuân Hương…
– Đặc biệt nơi đây đã sinh ra nhiều lãnh tụ tiền bối của cách mạng Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta và Đảng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú. Các tổng Bí thư Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Khả Phiêu…
– Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý đã tạo nên truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của con người nơi đây. Sau khi có Đảng lãnh đạo nó đã được nâng lên một tầm cao mới, yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc gắn liền với lý tưởng xây dựng một chế độ xã hội mới tươi đẹp, chế độ xã hội chủ nghĩa. Địa bàn Quân khu 4 trở thành một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nhân dân một lòng, một dạ tin vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Lực lượng vũ trang Quân khu vinh dự được kế thừa truyền thống quý báu đó của quê hương anh hùng, quật khởi, địa linh nhân kiệt.
Là một bộ phận của LLVT cách mạng, LLVT Quân khu 4 ra đời là yêu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng Mác xít Lê Nin chân chính, có tiền thân từ các Đội Tự vệ đỏ, từng bước trưởng thành và lớn mạnh:
– Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã quyết định con đường cách mạng Việt Nam là con đường bạo lực và tất yếu phải tổ chức LLVT cách mạng.
– Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, phong trào của quần chúng ở các địa phương Khu 4 diễn ra mạnh mẽ mà đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh, theo đó là sự ra đời của các Đội Tự vệ đỏ, đây được xem là tiền thân của LLVT. Cùng với sự phát triển của cách mạng, lực lượng vũ trang đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh. Sau Cách mạng Tháng Tám các tỉnh Khu Bốn đã tổ chức ra chi đội giải phóng quân, tiếp đến là sự ra đời các trung đoàn; sau đó hình thành các sư đoàn chủ lực và phát triển như ngày nay.
– Trong quá trình xây dựng chiến đấu, trưởng thành, do yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên trực thuộc Quân khu 5 rồi thành Quân khu Trị Thiên; lực lượng vũ trang Thanh Hoá một thời thuộc Quân khu Tả Ngạn. Nhưng bất luận ở đâu thì những chiến công của lực lượng vũ trang tỉnh Trị -Thiên, tỉnh Thanh Hoá đều góp phần tô thắm truyền thống LLVT Quân khu 4, nó nằm trong chỉnh thể thống nhất truyền thống LLVT Quân khu 4.
– Những đặc điểm địa lý, lịch sử địa bàn chi phối hun đúc truyền thống LLVT Quân khu 4. Trong đó sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định, đặc điểm địa bàn làm nên nét riêng của LLVT Quân khu 4.
Khẩu đội 1, Đại đội 104, Trung đoàn Phòng không 210 đã chiến đấu 147 ngày đêm bảo vệ giao thông ngã ba Đồng Lộc năm 1965 (Ảnh: Tư liệu)
Mảnh đất qua 2 cuộc kháng chiến: vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương; nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch, quân và dân Khu 4 kiên trung lập nhiều chiến công oanh liệt
a) Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Khu 4 vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương; quân, dân Khu 4 vừa chiến đấu giỏi, vừa sản xuất giỏi chi viện đắc lực sức người, sức của cho các chiến trường:
– Trong kháng chiến chống thực dân Pháp:
+ Ngay sau khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, phong trào ủng hộ Nam Bộ của Khu 4 đã diễn ra sôi nổi; các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia giết giặc; Chiến khu đã cử 5 đại đội nam tiến; trên địa bàn Chiến khu, quân dân ta đã nhất loạt tiến công quân Pháp và giành thắng lợi, nhất là tại Vinh (Nghệ An) và Thừa Thiên Huế.
+ Năm 1947, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, từ đây hình thành 2 vùng: 3 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh là vùng tự do, là hậu phương, là căn cứ địa của cách mạng; Bình Trị – Thiên trong vùng tạm chiếm, là tiền tuyến của Chiến khu.
Lực lượng vũ trang từng bước củng cố và phát triển, cùng nhân dân đấu tranh tiêu diệt địch, giải phóng quê hương, mở nhiều chiến dịch và giành thắng lợi quan trọng, tạo cục diện có lợi cho thắng lợi quyết định của cả nước.
Ở hậu phương, vừa đấu tranh chống địch phá hoại vùng tự do, xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, trở thành căn cứ địa vững chắc thứ 2 của cả nước sau Việt Bắc; đồng thời chi viện đắc lực sức người, sức của cho các chiến trường, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
– Trong chống Mỹ:
+ Sau Hiệp định Giơnevơ đất nước chia thành 2 miền, Khu Bốn cũng bị chia làm 2. Từ Vĩnh Linh trở ra là hậu phương trực tiếp của tuyền tuyến lớn miền Nam, đồng thời cũng là tuyến đầu của miền Bắc XHCN. Quảng Trị, Thừa Thiên là chiến trường. nơi đụng đầu lịch sử giữa ta và địch.
+ Trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Khu 4 đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập được nhiều chiến công xuất sắc, nổi bật là:
* Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, Khu 4 hăng hái lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, huy động sức người, sức của cho các chiến trường.
Quân khu 4 là nơi ra đời nhiều phong trào cách mạng, nhiều khẩu hiệu hành động trở thành phương châm của cả nước: “Gió đại phong, cờ 3 nhất”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Nhường nhà để hàng, nhường làng để xe”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; bảo đảm thông suốt huyết mạch giao thông để hậu phương lớn Miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam.
* Quân và dân Khu 4 anh dũng chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
Đầu tháng 8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ và leo thang bắn phá Miền Bắc (05/8/1964), quân và dân Vinh – Bến Thuỷ (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hoá), cảng Gianh (Quảng Bình) đã anh dũng giáng trả và bắn rơi máy bay Mỹ ngay trận đầu.
Trong các cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã dội bom xuống 90% số thôn, xã từ Thanh Hoá đến Vĩnh Linh; quân, dân Khu 4 bắn rơi 2.183 máy bay các loại (34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111) bằng hơn 1/2 tổng số máy bay của đế quốc Mỹ bị bắn rơi, 258 tàu chiến, bảo về vững chắc thành quả xây dựng CNXH và hành lang vận chuyển chiến lược chi vện chiến trường miền Nam và Lào, Campuchia.
* Quân dân Quảng Trị – Thừa Thiên Huế trung dũng,kiên cường, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Trong hoàn cảnh Mỹ nguỵ khủng bố hết sức tàn bạo, quân và dân Quảng trị, Thừa Thiên Huế vẫn ngoan cường bám trụ củng cố và xây dựng lực lượng, tấn công địch bằng cả 3 mũi giáp công, trên 3 vùng chiến lược. 10 năm đầu là thời kỳ chuyển thế tấn công, giữ gìn lực lượng. Tiếp theo đó LLVT đã cùng nhân dân chiến đấu dũng cảm, giành thắng lợi trong các chiến dịch hè thu 1966, Đường 9 – Khe Sanh 1967; đặc biệt là trong cuộc tấn công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968, thành phố Huế trở thành chiến trường xuất sắc nhất và được tặng 8 chữ vàng “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”
Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, ngày 13/02/1972, thực hiện quyết định của Quân uỷ Trung ương, quân và dân ta đã giành thắng lợi ở nhiều nơi, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 02/5/1972. Mùa xuân năm 1975, phối hợp với các chiến trường, quân và dân ta càng đánh, càng thắng lớn, đến ngày 26 tháng 3 năm 1975 tỉnh Thừa Thiên Huế được giải phóng. Những thắng lợi đó của quân và dân Khu 4 đã góp phần giải phòng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Xem thêm : Lên sàn chứng khoán là gì? Có tác dụng gì?
b) Mảnh đất Khu 4 là mảnh đất của một thời máu lửa, gắn với những chiến công oanh liệt, đi vào lịch sử dân tộc như những trang chói lọi nhất về trí thông minh, lòng dũng cảm, nghị lực phi thường của quân và dân nơi đây.
– Qua 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là chiến trường ác liệt nhất của cả nước, kể cả trên chiến trường Trị Thiên hay trên miền Bắc XHCN từ Vĩnh Linh đến Thanh Hoá.
+ Quảng Trị với 81 ngày đêm, Thành Cổ, Bến Hải, Cửa Tùng (Quảng Trị); Hàm Rồng (Thanh Hoá); Truông Bồn (Nghệ An); Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Cảng Gianh (Quảng Bình), đây thực sự là những điểm lửa trong những năm đánh Mỹ.
+ Kẻ thù dội xuống đây nhiều bom đạn chỉ tính riêng Thành Cổ Quảng Trị trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ 27/7 – 16/9/1972) Mỹ – ngụy đã dội xuống nơi đây 32.800 tấn bom, 733.528 quả đạn pháo.
+ Đây là nơi mở đầu cho nhiều học thuyết xâm lược của Mỹ: Hàng rào điện tử Mắcnamara; nơi mở đầu cuộc xâm lược bằng không quân và hải quân của Mỹ có 4 điểm thì Khu Bốn 3 điểm: Vinh – Bến Thuỷ (Nghệ An); Cảng Gianh (Quảng Bình); Lạch Trường (Thanh Hoá); Bãi Cháy (Quảng Ninh).
+ Người dân Khu 4 chịu nhiều đau thương mất mát, trên địa bàn Quân khu có 166.446 liệt sỹ hy sinh các chiến trường.
+ Đây không chỉ địa bàn chịu nhiều đau thương mất mát, ác liệt trong chiến tranh mà còn chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Sau chiến tranh quân và dân Quân khu 4 phải xây dựng lại quê hương từ đống đổ nát, hoang tàn, nhiều di chứng chiến tranh còn đeo đẳng mãi cho tới hôm nay.
Thanh niên xung phong mở đường tại mặt trận Trị Thiên. Ảnh: Tư liệu
– Nhưng từ đau thương mất mát ấy, nhân dân và LLVT Quân khu 4 từ trong máu lửa vẫn kiên trung vững vàng trong tư thế hiên ngang, trong tư thế của người chiến thắng, nổi bật:
+ Cô gái sông hương “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường; Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường”
+ Mẹ Suốt “Một tay lái chiếc đò ngang” đưa quân dưới làn bom đạn địch.
+ Địa đạo Vĩnh Mốc, điển hình trí thông minh, lòng dũng cảm, nghị lực phi thường của người Khu 4, cả làng 82 gia đình với 300 con người kiên trì đào sâu vào lòng đất 1 địa đạo dài 1.701 m; càng phi thường hơn khi các thế hệ bám trụ sống và chiến đấu, học tập ở đây.
+ Gương chiến đấu dũng cảm của các nữ pháo thủ Ngư Thuỷ, các cụ dân quân Hoằng Trường…
+ Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ở Thừa Thiên Huế, cách mạng vào thời điểm vô cùng khó khăn, nhiều cơ sở Đảng bị khủng bố trắng (Hương Thuỷ từ 170 đảng viên chỉ còn 30, Phú Vang 193 đảng viên chỉ còn 23…) nhưng quân và dân ta vẫn sáng lên một niềm tin “Mất đất chưa phải mất nước. Chúng ta nhất định thắng”.
– Trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, nơi đây được ghi nhận bởi những chiến công oanh liệt, đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước như những mốc son chói lọi.
Cụ thể: Đường 9 – Khe Sanh, Huế, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Vinh – Bến Thuỷ, Nam Ngạn Hàm Rồng, Lạch Trường (Thanh Hoá), Sông Gianh (Quảng Bình) là những địa danh trận đầu đánh thắng Không quân Mỹ.
Trong hoà bình, LLVT Quân Khu 4 cũng luôn tự lực, tự cường vượt qua khó khăn lập được nhiều thành tích xuất sắc, cùng với các tầng lớp nhân dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh ngày càng vững chắc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
Mười năm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN (1975 – 1985).
Đất nước được hoàn toàn thống nhất, trên địa bàn Quân khu đời sống của nhân dân còn nghèo, hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề, lực lượng vũ trang Quân khu vừa tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, vừa tham gia phát triển kinh tế như: khai thác gỗ, xây dựng lại tuyến đường sắt Minh cầm – Tiên an, xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình, giúp Bạn Lào xây dựng cơ sở hạ tầng, rà phá bom mìn…
Trong những năm đổi mới, cùng với sự phát triển của quân đội, LLVT Quân khu không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, nổi bật là:
– Cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
+ Trước mọi diễn biến của tình hình, nhất là những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ 20, phong trào cộng sản quốc tế gặp tổn thất lớn, LLVT Quân khu vẫn một lòng một dạ tin theo Đảng, tin tưởng vào sự tất thắng của CNXH, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
+ ý thức chấp hành kỷ luật ngày càng tiến bộ, tỷ lệ đào bỏ ngũ năm 1986 là 1,2% nay không còn.
+ Cán bộ, chiến sỹ LLVT không quản ngại gian khổ, băng mình trong bão lũ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như: Anh hùng Liệt sỹ Và Tồng Khư, Phạm Hữu Huyên, Lê Văn Phượng…
+ Trong sự nghiệp đổi mới có 9 đơn vị được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, 1 đơn vị được phong tặng dang hiệu “Anh hùng Lao động”, 3 đồng chí được trao tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, 1 đồng chí được phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lao động”, lực lượng vũ trang Quân khu được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới, nhiều tập thể, cá nhân được nhận các phần thưởng cao qúy khác
– Công tác xây dựng các tổ chức đảng TSVM, tổ chức quần chúng, xây dựng đơn vị VMTD có bước tiến bộ mới:
+ Năng lực lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ ngày càng được nâng lên, nhất là sau khi thực hiện cuộc vận động “xây dựng chỉnh đốn Đảng” và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2009, có 91,24% tổ chức đảng đạt TSVM. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng ngày càng cao.
+ Công tác xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hoá ngày càng đi vào chiều sâu. Chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các địa phương, đơn vị ngày càng được nâng lên. Nhiều đơn vị đạt đơn vị huấn luyện giỏi.
– Xây dựng cơ sở, xã, phường, cụm ATLC-SSCĐ có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu, tạo tiền đề xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Đến nay, số cơ sở, xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện là: 77,75%, khá là 19,52%; không có cơ sở yếu kém; cụm hoạt động khá là93,64%.
Hàng năm các đơn vị trong Quân khu tổ chức hàng trăm đợt hành quân dã ngoại về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tuyên truyền vận động nhân dân, tham gia xây dựng các tổ chức, giúp địa phương làm nhiều công trình kinh tế-xã hội có ý nghĩa. Qua đó góp phần xây dựng cơ sở chính trị và tăng cường tình đoàn kết quân dân.
Nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng ở các địa phượng, đơn vị ngày càng được nâng lên. Quân khu và các tỉnh phối hợp xây dựng nhiều công trình có giá trị kinh tế và quốc phòng. Các Đoàn kinh tế quốc phòng của Quân khu vừa tích cực triển khai dự án, vừa giúp dân xây dựng đời sống mới, tổ chức sản xuất, xoá đói giảm nghèo; góp phần tăng cường tiềm lực phòng thủ địa bàn.
Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách hậu phương quân đội với nhiều việc làm có ý nghĩa như: Xây dựng 2.227 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay đã quy tập 7.043 mộ Liệt sỹ ở Lào và 1.961 mộ Liệt sỹ trong nước, đây vừa là đạo lý, vừa để góp phần củng cố thế trận lòng dân.
– Cán bộ, chiến sỹ đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho thực hiện nhiệm vụ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên.
Trong nền kinh tế thị trường, cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã nhanh chóng bắt nhịp và chuyển đổi cơ chế, bảo đảm tốt công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho LLVT Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ kể cả nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.
Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả cao. Đã động viên cán bộ, chiến sỹ khắc phục khó khăn về thời tiết, khí hậu, đất đai đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ không ngừng được cải thiện; nơi ăn, nghỉ của bộ đội ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Làm tốt quy hoạch các khu căn cứ hậu cần chiến lược phục vụ cho xây dựng khu vực phòng thủ. Công ty Hợp tác kinh tế đã năng động trong quản lý điều hành, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá; giải quyết tốt việc làm và tăng thu nhập của người lao động.
Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” được triển khai tích cực và thu được nhiều kết quả tốt. Nâng cao được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ và đội ngũ chuyên môn, kỹ thuật trong bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng VKTBKT. Nhận thức và ý thức của cán bộ, chiến sỹ trong chấp hành luật lệ giao thông ngày càng tốt hơn.
Làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Campuchia.
– Sau Cách mạng tháng Tám, nhiệm vụ quốc tế của LLVT Quân khu 4 đã được đặt ra và trở thành truyền thống quý báu của quân và dân khu 4.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, LLVT Quân khu đã luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu giải phóng quê hương, góp phần đưa cách mạng 2 nước đến thắng lợi hoàn toàn.
– Sau năm 1975, các đơn vị: Sư đoàn 324, Sư đoàn 968, Trung đoàn 176 tham gia cùng Bạn bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới; một bộ phận của Công ty hợp tác kinh tế vừa làm nhiệm vụ hợp tác kinh tế vừa làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, giúp bạn phát triển kinh tế – xã hội. Cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341, tiểu đoàn 31 đặc công tham gia cứu dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng.
Ngày nay, các cơ quan, đơn vị của Quân khu đang tích cực cùng Bạn Lào xây dựng đường biên giới hữu nghị; giúp đỡ Bạn về công tác kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phát triển KT-XH, củng cố QP-AN đạt hiệu quả thiết thực.
Những nét tiêu biểu Truyền thống Lực lượng vũ trang Quân khu 4
Truyền thống của LLVT Quân khu là sự kế thừa truyền thống của quân đội, của quê hương, chính vì vậy nó mang trong mình cái chung của dân tộc của LLVT cách mạng và vừa mang đặc trưng riêng của vùng đất và tư chất con người Khu 4.
Trận địa pháo cao xạ dân quân Vĩnh Thủy lập công bắn rơi 6 máy bay Mỹ ngày 11/11/1966 (Ảnh: Tư liệu)
Xem thêm : Công nguyên là gì? Trước công nguyên và sau công nguyên được hiểu như thế nào?
– Những nét tiêu biểu về truyền thống của LLVT Quân thể hiện ở 5 nội dung cơ bản sau:
Một là, truyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
– Truyền thống này xuất phát từ sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ mà trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị. Đây là nội dung bao trùm, chi phối tất cả các nét đặc trưng khác.
Hai là, có ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù.
– Truyền thống này bắt nguồn từ lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ lòng yêu nước XHCN, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí quyết tâm, thông minh dũng cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội.
Ba là, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí.
– Kế thừa truyền thống của Quân đội ta, một Quân đội của dân, do dân và vì dân do Đảng, Bác Hồ tổ chức lãnh đạo.
– Cán bộ, chiến sỹ LLVT Quân khu chiến đấu quên mình vì nhân dân.
– Nhân dân thương yêu đùm bọc LLVT Quân khu như ruột thịt và đó là nhân tố quan trọng để LLVT trưởng thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
– Nhân dân và LLVT Quân khu đồng sức, đồng lòng chiến đấu chống kẻ thù, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh chống mọi thủ đoạn “DBHB”, bạo loạn lật đổ của địch.
Thanh niên xung phong và nhân dân Ngã ba Đồng Lộc san lấp hố bom (Ảnh: Tư liệu)
Bốn là, hậu phương – tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước.
– Đây là nét đặc trưng có tính đặc thù của Khu 4, bởi xuất phát từ đặc điểm của địa bàn này: Trong 2 cuộc kháng chiến mảnh đất này vừa có vùng giải phóng, vừa có vùng tạm chiếm, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, là huyết mạch giao thông chi viện cho các chiến trường kể cả nhân, tài, vật lực.
Năm là, có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng; đặc biệt gắn bó thuỷ chung với cách mạng Lào.
– Đây là một nét đẹp trong truyền thống của Quân đội mà Quân khu 4 được kế thừa, tuy nhiên điều khác hẳn với nhiều đơn vị khác đó là ngay từ khi ra đời đến nay, không thời kỳ nào chúng ta không có vinh dự được làm nhiệm vụ này,
– Chúng ta giúp Bạn vô tư, trong sáng, giúp Bạn toàn diện.
– Với cách mạng Lào là mối tình thuỷ chung son sắt trên tình đồng chí, anh em.
– Tinh thần quốc tế trong sáng còn biểu hiện ở việc tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước trong khu vực vì sự ổn định và phát triển.
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng lực lượng vũ trang và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT – XH gắn với tăng cường QP-AN:
Người lính trở về trong niềm vui chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, thống nhất đất nước (Ảnh: Tư liệu)
1. Xây dựng lực lượng vũ trang
– Tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá cách mạng Việt Nam, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự – quốc phòng;
– Nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi thủ đoạn phá hoại của địch;
– Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng trên địa bàn Quân khu. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng an ninh với kinh tế.
2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
– Ra sức xây dựng nền tảng chính trị tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn diện bảo vệ Tổ quốc.
– Nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, đảng viên, giáo dục quốc phòng trong học sinh, sinh viên và toàn dân.
– Tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, toàn diện. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở, xã, phường an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu phù hợp với từng địa phương. Xây dựng các khu vực phòng thủ mạnh trên các hướng, nhất là hướng trọng điểm.
– Làm tốt công tác chính sách và hậu phương quân đội.
– Làm tốt việc tuyên truyền và tuyển gọi thanh niên nhập ngũ.
3. Xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
– Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
– Làm tốt công tác tổ chức xây dựng lực lượng; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cả lực lượng thường trực, DQTV, DBĐV.
– Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật trong các cơ quan, đơn vị.
4. Tổ chức tốt công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng LLVT và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
– Làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho thực hiện mọi nhiệm vụ của LLVT Quân khu.
– Đẩy mạnh thực hiện phong trào: “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động: “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” đi vào chiều sâu, chất lượng; bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
– Nâng cao chất lượng công tác tăng gia, chăn nuôi ở các đơn vị và hiệu quả sản xuất kinh doanh ở các đơn vị có thu, nhất là Công ty HTKT.
– Tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm trên mọi lĩnh vực.
5. Tăng cường tình đoàn kết Việt Nam – Lào trong giai đoạn mới
– Làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ LLVT và nhân dân thấy rõ ý nghĩa của tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào là một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi của cách mạng 2 nước.
– Đấu tranh làm thất bại mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc phá hoại tình đoàn kết 2 dân tộc.
– Tiếp tục phối hợp cùng bạn đẩy mạnh hợp tác trên nhiều mặt; xây dựng đường biên giới hữu nghị, chống tội phạm, nạn buôn lậu; kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh…
(Báo QĐND)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 28/04/2024 08:31
Vận mệnh người tuổi Mùi theo cung hoàng đạo: Bạn có dễ thăng tiến không?
Hé lộ vận mệnh 12 con giáp tháng 12/2024: Những rủi ro nào đang rình…
Cẩm nang may mắn năm 2025 cho người tuổi Tý: Cơ hội đổi đời trong…
Tử vi hôm nay 4 con giáp ngày 26/11/2024 gặp nhiều may mắn, vận may…
Con số may mắn hôm nay 26/11/2024 theo tuổi sinh: Hãy chọn SỐ ĐÚNG để…
Tử vi thứ ba ngày 26/11/2024 của 12 con giáp: Tý xui xẻo, Mùi an…