Trung Quốc xôn xao vì trường hợp anh em họ lấy nhau

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video anh em họ yêu nhau được không

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc đang bàn luận sôi nổi về chủ đề kết hôn cận huyết sau khi xuất hiện video bác sĩ khuyên bệnh nhân tìm người hiến tinh trùng hôm 1/6.

Trong video, bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân nữ ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc từng sảy thai 4 lần, ba lần thụ tinh ống nghiệm không thành. Bác sĩ ngạc nhiên khi biết người chồng là con của bác gái, chị ruột bố của bệnh nhân.

“Theo tôi được biết thì chỉ người ít học mới lấy họ hàng gần”, bác sĩ nói. “Cả cô và chồng đều là cử nhân đại học, tại sao cô vẫn lấy chồng là họ hàng gần?”.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân kết hôn cận huyết ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Người phụ nữ tỏ ra ngượng ngùng. Bác sĩ hỏi tiếp: “Cô đã bao giờ tính chuyện chia tay để tìm người khác thích hợp không?” Bệnh nhân trả lời: “Vậy thì chúng tôi thà không có con”, sau đó giải thích quan hệ giữa hai vợ chồng rất tốt.

Cuối cùng, bác sĩ đề nghị tìm người hiến tinh trùng bởi đó là cách tốt nhất để sinh con khỏe mạnh. “Vâng, đúng là thế”, bệnh nhân nữ đồng ý, nói thêm “cả chồng tôi và gia đình đều đồng ý phương án này”.

Từ thời cổ đại, Trung Quốc đã cấm hôn nhân giữa anh em cùng dòng tộc về đằng nhà nội, nghĩa là con cái của hai người đàn ông là anh em ruột, nhưng cho phép hôn nhân khác họ, tới khi luật cấm hôn nhân cận huyết hiện hành ra đời năm 1981.

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại bất chấp luật pháp, đặc biệt ở khu vực miền núi và hải đảo do mạng lưới giao thông kém phát triển. Nhiều người trên mạng xã hội ngạc nhiên khi biết ở thời hiện đại vẫn tồn tại trường hợp người có học vấn cao kết hôn cận huyết.

“Tại sao không học kỹ kiến thức trước khi yêu đương với họ hàng gần?”, một người bình luận.

“Tôi không phản đối kiểu quan hệ này nhưng tôi nghĩ không nên sinh con vì đó là thiếu tôn trọng mạng sống của trẻ em bởi khả năng mang dị tật cao”, một người khác bày tỏ.

Hồng Hạnh (Theo SCMP)