Bánh tráng gạo lứt bao nhiêu calo? Hướng dẫn cách làm bánh tráng gạo lứt cuộn ức gà

Những thực phẩm làm từ gạo lứt đã và đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong cộng đồng những ai theo đuổi lối sống lành mạnh, những người đang ăn kiêng và giảm cân. Gạo lứt đã phát huy công dụng cũng như chứng minh được giá trị và lợi ích của nó khi mà những món ăn, thực phẩm có thành phần chính từ loại gạo này ngày càng phát triển mạnh và dần thay thế loại gạo trắng thông thường. Những người ăn kiêng có lẽ sẽ không lạ lẫm gì với cơm gạo lứt, bánh bao gạo lứt, bánh chưng gạo lứt,…và cả bánh tráng gạo lứt. Và nếu bạn mới biết và tìm hiểu về bánh tráng gạo lứt thì hẳn sẽ có một thắc mắc mà đa số mọi người đều gặp phải đó là ” bánh tráng gạo lứt bao nhiêu calo?” Cùng Long Châu đi tìm hiểu và làm rõ thông tin này nhé!

Bánh tráng – nguyên liệu phổ biến trong những món ăn Việt

Bánh tráng là một nguyên liệu phổ biến để làm lên nhiều món ăn Việt, đây loại bánh được làm bằng bột gạo, thường được tráng mỏng rồi đem phơi khô.

Có thể nói người Việt Nam không ai là không biết tới bánh tráng và mỗi vùng mỗi miền lại gọi bánh trắng với những cái tên riêng khác biệt:

  • Miền Bắc: bánh tráng còn có tên gọi là bánh đa nem, thường được dùng để cuốn thịt hoặc làm nem rán, loại bánh tráng này được tráng với lớp bột dày nên thường phải nhúng nước để bánh mềm ra trước khi sử dụng.
  • Miền Trung: phổ biến nhất là ba loại bánh tráng với các độ dày mỏng khác nhau tùy loại, loại dày nhất trước khi ăn thường phải nướng trên lửa, loại mỏng hơn trước khi dùng phải nhúng qua nước và loại cuối có độ giòn thơm và hơi dẻo do được làm bằng bột gạo pha với một chút bột sắn.
  • Miền Nam: loại bánh tráng được dùng phổ biến thường khá mỏng, có thể dùng trực tiếp mà không cần nhúng qua nước hoặc nướng trên lửa.

Bánh tráng gạo lứt bao nhiêu calo?

Bánh tráng gạo lứt – phiên bản healthy của bánh tráng truyền thống

Trong nhiều năm gần đây gạo lứt đã trở thành một cái tên ngày càng phổ biến, được những người theo đuổi lối sống lành mạnh yêu thích và sử dụng thay thế loại gạo trắng truyền thống. Lý do là bởi gạo lứt có những ưu điểm và công dụng vượt trội hơn hẳn gạo trắng như:

  • Gạo lứt là loại tinh bột chuyển hóa chậm, vì vậy khi chúng ta ăn gạo lứt sẽ có cảm giác no lâu hơn. Đây chính là lý do khiến gạo lứt được những ai đang trong độ ăn kiêng và giảm cân thường xuyên sử dụng.
  • Lớp cám gạo bên ngoài có chứa vitamin B giúp bảo vệ thần kinh, kiểm soát và ngăn ngừa nhiều bệnh lý khác.
  • Có chỉ số đường huyết thấp hơn gạo trắng từ 10% đến 20%, vì vậy gạo lứt cũng là một lựa chọn thay thế của những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Gạo lứt chứa nhiều khoáng chất hơn so với gạo trắng thông thường.

Chính bởi những đặc điểm đem lại công dụng vượt trội phục vụ cho sức khỏe mà gạo lứt ngày càng phổ biến và được sử dụng thay thế gạo trắng trong nhiều nguyên liệu và món ăn như cơm gạo lứt, bún gạo lứt, bánh chưng gạo lứt, phở gạo lứt,… và cả bánh tráng gạo lứt.

Được cải tiến từ loại bánh tráng truyền thống, bánh tráng gạo lứt sử dụng gạo lứt làm nguyên liệu chính thay cho gạo trắng thông thường. Vì vậy loại bánh tráng này không có màu trắng như các loại bánh tráng thông thường, thay vào đó bánh có màu ngả nâu gần giống với màu gạo lứt. Bánh có độ dày vừa phải, mềm và hơi dẻo, rất dễ dùng.

Bánh tráng gạo lứt bao nhiêu calo?

Bánh tráng gạo lứt được mệnh danh là món ăn vô cùng hiệu quả trong công cuộc giảm cân của nhiều người bởi lượng calo trong bánh tráng gạo lứt chỉ dao động từ trong khoảng từ 220 calo đến 320 calo cho mỗi 100gram bánh tráng gạo lứt.

Nhiều thực đơn dành cho phái đẹp để duy trì một vóc dáng cân đối và khỏe mạnh sẽ luôn có các món cuộn dùng bánh tráng gạo lứt kết hợp với nhiều nguyên liệu như rau củ, trái cây, nấm, ức gà,…

Hướng dẫn làm bánh tráng gạo lứt cuộn ức gà

Món bánh tráng gạo lứt cuộn ức gà và rau củ dưới đây có lẽ sẽ trở thành tâm điểm cho bữa ăn trong tuần với vị ngon khó cưỡng đi cũng giá trị dinh dưỡng cao và nhiều lợi ích về sức khỏe, đặc biệt giúp các chị em giữ dáng đẹp da.

Đầu tiên chúng ta sẽ phải chuẩn bị nguyên liệu:

  • 10 chiếc bánh tráng gạo lứt
  • 200gram ức gà
  • 3 quả trứng gà
  • 1 quả dưa chuột
  • 1/2 quả bơ
  • 1/3 cái bắp cải tím
  • 1 củ cà rốt
  • 1/2 quả ớt chuông
  • 1 bó lá hẹ nhỏ
  • 3 muỗng canh nước cốt me
  • 2 muỗng canh nước tương
  • 2 muỗng canh bơ lạt
  • 1/2 muỗi cà phê muối tiêu
  • Rửa sạch ức gà rồi ướp với 1/4 muỗng cà phê muối tiêu.
  • Rửa sạch các loại rau củ: dưa chuột, ớt chuông, cà rốt, lá hẹ rồi cắt sợ mỏng. Riêng lá hẹ rửa sạch và để ráo nước, không cắt.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu

  • Đem lần lượt ớt chuông, bắp cải tím, cà rốt đi luộc. Sau khoảng 2 phút thì vớt ra và để ráo nước.
  • Đập trứng vào một bát tô rồi thêm 1/4 thìa cà phê muối tiêu rồi đánh đều và đem đi rán. Sau khi rán bạn cắt trứng thành những sợi mỏng.
  • Ức gà bạn đem áp chảo ở mức lửa vừa trong khoảng 2 phút, khi một mặt đã chín vàng thì lật lại để miếng thịt được chín đều. Sau khi thịt gà đã chín, bạn đê nguội một chút rồi cũng tiến hành cắt lát mỏng miếng ức gà.

Bước 3: Cuộn bánh tráng

  • Trải một miếng bánh tráng gạo lứt lên mặt phẳng sạch rồi xếp lần lượt các nguyên liệu theo thứ tự: lá hẹ, dưa chuột, cà rốt, bắp cải tím, ớt chuông, bơ, trứng và thịt gà. Dùng tay khéo léo cuộn cuốn bánh tráng lại thành hình con lăn.
  • Làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu.

Bước 4: Làm nước sốt

  • Cho 2 muống canh bơ lạt, 3 muỗng nước cốt me vào một chiếc chảo nóng rồi trộn đều để hỗn hợp quện lại với nhau.
  • Thêm 4 muỗng canh nước lọc, 2 muỗng nước tương vào rồi khuấy đều cho đến khi bạn thấy hỗn hợp nước sốt sệt lại thì tắt bếp và cho ra chén riêng.

Sau khi hoàn thành nốt công đoạn làm nước sốt là bạn đã có thể thưởng thức món gỏi cuốn từ bánh tráng gạo lứt ngon tuyệt rồi.

Hy vọng qua bài viết này câu hỏi bánh tráng gạo lứt bao nhiêu calo đã có đáp án cụ thể, mọi người cũng cập nhật thêm một món ngon chuẩn healthy để chiêu đãi gia đình những ngày cuối tuần.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp