Trẻ bị tay chân miệng kiêng gì và nên ăn gì để mau khỏi bệnh?

Tay chân miệng dù không phải bệnh mới nhưng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh khi con mình không may mắc phải bệnh này. Nhiều bố mẹ quan niệm bị tay chân miệng cần kiêng nước, kiêng gió, không được tắm, đây là những quan niệm sai lầm mà phụ huynh cần hiểu rõ. Vậy trẻ bị tay chân miệng kiêng gì và ăn gì để bệnh nhanh hồi phục?

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Trẻ bị tay chân miệng kiêng gì và nên ăn gì mau khỏi

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm không còn xa lạ với các bậc phụ huynh, bệnh thường do siêu vi đường ruột gây ra, đối tượng dễ bị nhiễm bệnh là trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ.

Tay chân miệng nằm trong top 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất ở nước ta. Chỉ tính từ 5 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có đến 5.545 trường hợp mắc tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận đang gióng lên hồi chuông báo động cho các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ và phòng ngừa tay chân miệng cho bé. (1)

Theo bác sĩ Duy Tùng tay chân miệng là bệnh có thể xuất hiện quanh năm và nguy cơ thành dịch lớn. Biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể chuyển biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ, vì vậy nếu trẻ không được điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm. Hiện nay tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng ngừa. Điều trị tay chân miệng chủ yếu là kiểm soát triệu chứng.

Triệu chứng và biến chứng bệnh tay chân miệng có thể mắc phải ở trẻ?

Bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, trong thời gian này, bệnh nhi chưa xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh. Đến thời kỳ khởi phát, trẻ sẽ có những triệu chứng của tay chân miệng như sốt, đau họng, đau rát ở miệng và chảy nước miếng, có trường hợp kèm theo nôn và tiêu chảy.

Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng là trẻ có những bóng nước với đường kính khoảng 2-3mm, có thể xuất hiện ở tay, chân, vùng niêm mạc má, lợi, thậm chí trong họng rất khó để quan sát… Các bóng nước tiến triển nhanh thành các vết loét làm cho trẻ đau, khó chịu và không muốn ăn. (2)

Theo bác sĩ Duy Tùng “vì tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc đặc trị nên với những trường hợp nhẹ, có thể sử dụng các thuốc giảm đau, an thần. Tuy nhiên bố mẹ cần theo dõi bé sát sao để có thể kịp thời xử trí những biến chứng có thể xảy ra. Sau vài ngày bệnh có thể tự khỏi, những nốt hồng ban trên da sẽ tự lặn mà không để lại sẹo. Tuy nhiên với trường hợp nguyên nhân bệnh tay chân do virus Entero 71 thì cần chú ý đặc biệt vì chủng này có thể gây biến chứng nặng như viêm màng não, viêm não, phù phổi, viêm cơ tim, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong”.

Triệu chứng và biến chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ
Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng

Tham khảo: Tay chân miệng có lây không?

Trẻ bị tay chân miệng kiêng gì?

Việc chăm sóc đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị tay chân miệng cho trẻ. Vậy trẻ bị tay chân miệng nên kiêng gì và cần làm gì để trẻ nhanh chóng hết bệnh. Bố mẹ có thể lưu ý những vấn đề sau đây: (3)

  • Kiêng nơi đông người: Tay chân miệng là bệnh dễ lây lan vì vậy với trẻ đang bị tay chân miệng, bố mẹ nên cho trẻ ở nhà và chăm sóc ở phòng riêng, đặc biệt với trường hợp gia đình có nhiều trẻ nhỏ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh. Phụ huynh sau khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần rửa tay sạch với dung dịch khử khuẩn để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Bác sĩ Tùng chia sẻ “tôi thường nhắc nhở các vị phụ huynh khi con mình bị tay chân miệng thì mình nên cho bé ở nhà vì khi ở nhà sẽ chăm sóc bé được tốt hơn, dễ theo dõi biến chứng và đặc biệt không làm lây bệnh ra cho các bé học chung và lây ra cho cộng đồng. Thời gian ở nhà tối thiểu là 10 ngày để đảm bảo đây là giai đoạn siêu vi có thể thải ra ngoài được nhiều, không lây cho các bé khác. Đồng thời khi mình ở nhà rồi cũng cần báo cho nhà trường biết con mình bị tay chân miệng để nhà trường có thể làm vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực mà con mình có khả năng thải ra siêu vi, việc này sẽ hạn chế được lây lan cho những bé khác.”

  • Kiêng gãi hoặc chạm vào vết ban: Các nốt ban do tay chân miệng miệng cần được giữ sạch và tránh bị tác động vào để tránh gây đau cho trẻ. Bố mẹ nên cắt móng tay, móng chân cho bé gọn gàng, tối ngủ có thể mang bao tay để tránh trong lúc bé ngủ cựa quậy sẽ chà sát vào vết ban. Với các vết ban có dấu hiệu phồng rộp, loét có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc bôi ngăn nhiễm trùng.
  • Không sử dụng thìa, dĩa sắc nhọn: Trẻ bị tay chân miệng sẽ lên những nốt ban ở xung quanh miệng, trong niêm mạc miệng, nếu sử dụng các dụng cụ như thìa, dĩa sắc nhọn có thể làm tổn thương các vết loét trong miệng bé, khiến bé cảm thấy đau, khó chịu và không muốn ăn.
  • Không cho trẻ uống aspirin: Trong trường hợp bé bị sốt, bố mẹ có thể sử dụng các thuốc hạ sốt như paracetamol cho trẻ theo liều lượng của bác sĩ chỉ định, không tự ý tăng liều. Bên cạnh đó, với trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh không nên cho trẻ uống aspirin để hạ sốt vì điều này có thể gây ra ảnh hưởng nặng nề hơn là gây ra hội chứng Reye, hội chứng này có thể tác động lên não và gan của trẻ, làm cho tình trạng em bé trở nên nặng hơn rất nhiều.
  • Không dùng muối: Một số phụ huynh nghĩ rằng muối có tác dụng khử khuẩn nên suy nghĩ đến việc sử dụng nước muối để tắm cho bé, tuy nhiên nếu không không có chỉ định của bác sĩ, bố mẹ không được dùng muối, chanh hay các thuốc chống viêm nào để làm giảm tình trạng nổi ban đỏ trên da bé.
  • Không nên kiêng tắm: Theo bác sĩ Duy Tùng, một số phụ huynh quan niệm khi trẻ bị tay chân miệng thì phải kiêng tắm, kiêng gió, kiêng nước và ủ trẻ kín để trẻ ra ban nhiều hơn thì bệnh sẽ nhanh khỏi. Tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm vì khi bố mẹ ủ trẻ quá kín, trẻ sẽ dễ bị nhiễm trùng da và để lại sẹo. Việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần giữ cho các nốt ban được thoáng khí sẽ mau lành hơn và không để lại sẹo trên da bé.
Trẻ bị tay chân miệng kiêng gì
Trẻ bị tay chân miệng kiêng gì?

Trẻ bị tay chân miệng kiêng ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ tăng đề kháng và mau hồi phục. Vậy những thực phẩm nào mà trẻ bị tay chân miệng nên kiêng ăn, bố mẹ có thể tham khảo qua một số lưu ý dưới đây:

  • Tránh các loại thực phẩm giàu arginine: Arginine được biết đến là một loại axit amin có thể khiến virus sản sinh nhiều hơn. Việc này không có lợi đối với sức khỏe của bé bị tay chân miệng, một số thực phẩm giàu arginine mà bố mẹ có thể tránh cho trẻ sử dụng như nho khô, các loại hạt, lạc (đậu phộng), chocolate…
  • Tránh các loại thức ăn cứng, cay nóng hay được nêm nếm quá mặn: Với trẻ bị tay chân miệng thường nổi nốt ban loét ở niêm mạc miệng, việc cho trẻ ăn thực phẩm cay, nóng cứng sẽ làm cho vết loét bị kích ứng mạnh hơn, khiến bé cảm thấy đau rát, khó chịu, vết loét cũng khó lành hơn.
  • Tránh các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa: Các loại thực phẩm sẽ khiến da của bé tiết dầu nhiều hơn, vô tình làm cho tình trạng các nốt ban sẽ trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó những thực phẩm này thường khó tiêu hóa, trẻ hấp thụ chậm và không tốt với sức khỏe của trẻ đang bị bệnh. Tuyệt đối không dùng các thực phẩm mà bé từng bị dị ứng hoặc đồ ăn lạ.
Trẻ bị tay chân miệng kiêng ăn gì
Trẻ bị tay chân miệng kiêng ăn gì?

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì?

Trẻ bị tay chân miệng ăn gì để nâng cao sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh là điều mà phụ huynh nào cũng quan tâm. Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý cùng chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ trong quá trình điều trị và hồi phục bệnh.

Bố mẹ cần nắm các nguyên tắc khi xây dựng chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao hệ miễn dịch của trẻ bao gồm:

  • Cho trẻ ăn đủ chất, đa dạng nhóm thực phẩm bao gồm: chất đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Không quá kiêng khem để có thể bù lại nguồn năng lượng và các chất dinh dưỡng bị mất.
  • Cho bé ăn đủ đạm, cân nhắc bổ sung thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ thịt, cá như cá chép, cá quả, cá trích…, trứng, sữa và hải sản cũng giúp cung cấp nguồn kẽm và sắt cho trẻ.
  • Bổ sung củ quả có màu vàng, đỏ như đu đủ, dưa hấu, cà rốt, cà chua… và các loại rau xanh sẫm như rau ngót, cải bó xôi, súp lơ… những thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho trẻ đặc biệt bổ sung vitamin A, C… Các vitamin này giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp các sang thương trên da nhanh lành.

Phụ huynh cũng cần lưu ý tuy vitamin C có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, chống dị ứng nhưng bố mẹ không nên cho trẻ ăn các loại trái cây có vị chua như chanh, cam… vì có thể làm trẻ có cảm giác bị xót miệng khi ăn, thay vào đó bố mẹ có thể bổ sung các loại trái cây có vị ngọt nhé khác như dưa hấu.

  • Về chế biến thức ăn cũng cần được chú ý, khi làm đồ ăn cho trẻ, bố mẹ nên cắt thái hoặc xay nhỏ cho trẻ dễ ăn, đặc biệt đồ ăn nên ở dưới dạng lỏng mềm để trẻ dễ nuốt. Món ăn cần được thay đổi và chia làm nhiều bữa nhỏ giúp bé ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn. Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh khi làm thức ăn cho trẻ và khi cho trẻ ăn.
  • Bé cần uống đủ nước, nhất là giai đoạn bé bị sốt hoặc nôn, bố mẹ có thể bổ sung thêm nước quả và sinh tố cho bé. Khi bé có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy nên cho trẻ uống oresol để bù nước và điện giải.
Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì
Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì?

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh lây nhiễm từ người sang người, dễ lây lan thành dịch, vì vậy để chăm sóc bé yêu tốt nhất và hạn chế tối đa tình trạng lây lan này, bạn cần chú ý những điều sau:

– Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ còn lại đang sống chung trong một gia đình.

– Người lớn khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng phải đeo khẩu trang cho cả mình và trẻ. Sau khi chăm sóc xong thì phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

– Quần áo của trẻ bị tay chân miệng phải được giặt riêng. Nếu được, nên luộc bằng nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng và nước sạch.

– Những đồ vật dùng chung như đồ chơi, bình sữa, ly, chén của trẻ bị tay chân miệng phải dùng riêng với những trẻ khác. Đồng thời phải được làm sạch bằng xà phòng và nước sạch.

– Vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bị tay chân miệng mỗi ngày.

Theo bác sĩ Duy Tùng, khi chăm sóc trẻ tại nhà, các bậc phụ huynh có thể lưu ý một số điều như: Thứ nhất là chế độ ăn. Chế độ ăn đối với tay chân miệng rất là quan trọng. Bởi nếu không để ý, có thể vô tình làm trẻ sợ, trẻ biếng ăn luôn. Chúng ta phải làm cho thức ăn đừng quá nóng, cay, thậm chí để hơi mát mát cũng được. Và nếu cần thì chúng ta phải xay nhuyễn ra bởi vì trẻ rất đau, không thể nào nuốt được những thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Có những trẻ bình thường thích uống nước cam lắm, nếu bây giờ trẻ không thích uống thì cũng không không nên ép, ép trẻ sẽ sợ.

Một vấn đề cần phải quan tâm nữa là chúng ta phải chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng. Bởi vì những trẻ bị tay chân miệng rất ngại đánh răng và chảy nước miếng rất nhiều nhưng không dám nuốt. Nếu chúng ta không giữ vệ sinh răng miệng cho tốt, thì sau khi trẻ khỏi tay chân miệng sẽ bị viêm nướu, viêm nướu răng và nhiễm trùng. Thì lúc đó rất là khó bởi vì trẻ đã sợ ăn vì tay chân miệng sau lại không ăn vì viêm nướu, đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng. Không ủ kín trẻ tránh để bội nhiễm da, cần cho trẻ mặc đồ thoáng, mềm và thấm hút mồ hôi.

Như đã nói, bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất cao. Dù đã thực hiện đầy đủ các cách để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm, nhưng phụ huynh cũng phải thường xuyên quan sát, theo dõi những trẻ chưa bị bệnh mỗi ngày. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như sốt, đau miệng, bỏ ăn, nổi ban tay chân thì phải đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám ngay.

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh lý cho trẻ em. Bên cạnh đó, khoa Nhi BVĐK Tâm Anh cũng trang bị hệ thống trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn, áp dụng quy trình diệt khuẩn, chống nhiễm khuẩn đa phương pháp theo tiêu chuẩn Quốc tế, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền chéo cho trẻ khi đến thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám với các bác sĩ tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vui lòng liên hệ:

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc của phụ huynh về vấn đề trẻ bị tay chân miệng kiêng gì và nên ăn gì. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến vì vậy khi trẻ có dấu hiệu bệnh, bố mẹ nên đưa ngay bé đến bệnh viện thăm khám để có phương án điều trị kịp thời.