Từ đầu tháng 5 vừa qua, anh N.Q.V. (25 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu để ý thấy bàn chân của mình xuất hiện mảng lớn phần da thừa nổi lên cùng màu trắng thay vì hồng hào như trước.
“Lần đầu tiên phát hiện là sau khi tôi đá bóng trở về. Lúc này, tôi suy nghĩ có thể trong quá trình đá bóng, việc di chuyển nhiều trên sân thời gian dài cùng cường độ lớn khiến phần da chân bị bong tróc như vậy”, anh V. chia sẻ.
Bạn đang xem: Có phải bong tróc da chân, tay là thiếu vitamin C?
Tuy nhiên, khác với những lần trước đó, sau khi bóc lớp da thừa cùng suy nghĩ bàn chân sẽ sớm thay da mới, anh V. vẫn cảm thấy khó chịu khi tình trạng bong tróc da tiếp tục lan rộng, thậm chí ở bàn chân còn lại.
Một phỏng đoán khác tiếp tục được nam thanh niên này đưa ra sau khi nghe gia đình, bạn bè khuyên là đang thiếu vitamin C. Thay vì đi khám, V. tìm mua vitamin C dạng sủi ở hiệu thuốc gần nhà uống bổ sung. Dẫu vậy, tình trạng vẫn không cải thiện.
Sai lầm khi tự chẩn đoán
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết vấn đề phần da chân, tay bị bong tróc nhưng toàn cơ thể không có sự thay đổi bất thường là một bệnh lý về da liễu thông thường.
Bàn chân của anh V. bị bong tróc từng mảng lớn và tiếp tục lan rộng sau khi bóc. Ảnh: NVCC.
“Tình trạng này còn được gọi với tên là bệnh Eczema hay chàm bàn tay, bàn chân. Các dấu hiệu của bệnh liên quan chủ yếu tới bàn tay, bàn chân và người bệnh nên tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu”, vị chuyên gia nói.
Mặt khác, bác sĩ Minh nhấn mạnh hiện tượng này có liên quan tới sự thiếu hụt vitamin C hay không lại là vấn đề khác.
Nguyên nhân là trên thực tế, ở người bệnh thiếu vitamin C, các triệu chứng sẽ xảy ra ở toàn thân như khô da, bong vảy, thậm chí ở mức độ nặng là xuất huyết, tổn thương răng, tóc, thiếu máu,… thay vì chỉ ở bàn tay, bàn chân.
Xem thêm : Vận chuyển 100 g heroin trở lên có thể lĩnh án tử hình
Bà khẳng định: “Vì những lý do trên, việc người bệnh quy tất cả triệu chứng bong da tay, chân vào việc thiếu vitamin C là không chính xác. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn độc lập”.
Bong da chân, tay có nguy hiểm?
Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, tình trạng bong da chân, tay không mang lại nguy cơ quá lớn cho sức khỏe nói chung. Tuy nhiên, bệnh lý này ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt và làm việc của người bệnh.
“Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần sử dụng chân, tay trong công việc hàng ngày. Việc có làn da bong tróc khiến mọi hoạt động bị ảnh hưởng tiêu cực. Một số trường hợp nặng thậm chí có thể xuất hiện bội nhiễm, chảy dịch, từ đó hạn chế khả năng lao động”, vị chuyên gia thông tin.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bác sĩ Minh cho hay vấn đề phổ biến nhất là viêm da tiếp xúc. Đó là khi có thể chịu tác động quá nhiều bởi xà phòng, hóa chất, chất tẩy rửa,…
Bà nói thêm: “Một số nguyên nhân khác có thể là da khô do nhiều yếu tố khác như viêm da cơ địa, vảy nến,…”.
Từ đây, người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng này cần tới các cơ sở y tế khám da liễu như một bệnh lý thông thường.
“Tại bệnh viện, bác sĩ da liễu sẽ có nhiệm vụ xác định nguyên nhân, đồng thời tùy vấn đề để kê đơn thuốc điều trị. Thông thường, đơn thuốc sẽ chủ yếu là kem bôi ngoài da”, bác sĩ Minh cho biết.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý trong một số phương pháp có thể áp dụng trong trường hợp bệnh còn nhẹ hoặc trước khi quyết định đi khám,
Cụ thể, để hạn chế bệnh tăng nặng và diễn biến xấu, người bệnh cần tạm thời tránh xa các loại xà phòng, hóa chất hay chất tẩy rửa nói chung. Nếu buộc phải sử dụng các sản phẩm này, chúng ta có thể đeo thêm găng tay khi rửa bát, giặt quần áo,…
Xem thêm : Mèo đực triệt sản bao lâu thì lành? Cách chăm sóc mèo sau triệt sản
Tình trạng bong tróc da tay, chân ảnh hưởng nhiều tới công việc và sinh hoạt. Ảnh minh họa: sharon_mccutcheon
“Việc thứ 2 phải làm ngay là bôi kem dưỡng ẩm càng nhiều càng tốt vào các vị trí bị bong tróc da. Tần suất có thể lên tới 4-5 lần/ngày”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Trong trường hợp đã làm tốt cả 2 điều trên là tránh chất tẩy rửa và bôi kem dưỡng ẩm nhưng tay, chân vẫn bong tróc da, chảy dịch, khó chịu,… người bệnh lúc này buộc phải đi khám để được kê đơn thuốc xử lý.
Lưu ý những bệnh da liễu mùa hè
Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh chia sẻ trong giai đoạn giao mùa và miền Bắc đang bước vào thời tiết nắng nóng, nhiều mặt bệnh phổ biến cũng bắt đầu xuất hiện nhiều tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cần người dân lưu tâm.
Vấn đề thường gặp nhất trong khoảng thời gian này là tình trạng bệnh nhân bị côn trùng đốt. Cách duy nhất để bảo vệ cơ thể trước tình trạng này là tránh tiếp xúc với côn trùng.
“Ví dụ với muỗi, mọi người nên sử dụng các sản phẩm xịt có công dụng tránh côn trùng đốt, từ đó giảm nguy cơ liên quan các loài này”, bác sĩ Minh gợi ý.
Nhóm bệnh thứ 2 cũng khá phổ biến trong thời gian này là mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể bí bức, từ đó phát sinh tình trạng viêm nang lông, mụn nhọt.
Bác sĩ Minh khuyên: “Với những trường hợp này, chúng ta nên cố gắng giữ cơ thể thoáng mát thông qua trang phục, môi trường,… Nếu xuất hiện nhọt, viêm nang lông nhiều, bệnh nhân cần đi khám để giải quyết vấn đề”.
Cuối cùng, với cường độ nắng cao như hiện nay, việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên là điều bắt buộc, nhất là khi người dân đi du lịch, ra biển. Việc làm đơn giản này giúp chúng ta tránh bỏng nắng, nguy cơ ung thư da,…
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp