Bị chó cắn chảy máu có sao không? Phải làm gì để phòng dại?

Dại là căn bệnh phổ biến hiện diện ở hơn 150 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 60.000 trường hợp chết vì bệnh dại, trong đó trẻ em chiếm đến 40%. Việt Nam là quốc gia lưu hành bệnh dại tại hầu hết các địa phương, ước tính sơ bộ cho thấy có khoảng 400.000 trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin mỗi năm. Vậy khi bị chó cắn chảy máu có sao không? Khi bị chó cắn chảy máu, cần sơ cứu vết thương cho người bệnh như thế nào để vết thương không bị sưng, nhiễm trùng, mưng mủ và tránh nguy cơ mắc bệnh dại? Phác đồ tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn bao gồm bao nhiêu mũi?

bị chó cắn chảy máu có sao không

6 mức độ tổn thương khi bị chó cắn

Chó cắn là một trong những tình huống gây ra vết thương thường gặp nhất trên thế giới. Một nghiên cứu ở Cheshire (Anh) cho thấy trẻ em dưới 15 tuổi và nam giới có nhiều khả năng bị chó cắn hơn. Theo đó, những người có tình trạng rối loạn thần kinh cũng có nguy cơ bị chó cắn cao hơn đến 22% (1).

Mức độ tổn thương do chó cắn có thể từ nhẹ đến nặng, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất đến từ việc chó cắn là người bị cắn mắc bệnh dại vì một khi nạn nhân lên cơn dại, nguy cơ tử vong gần như tuyệt đối. Ngoài ra, trong một số trường hợp chó, mèo, vật nuôi tấn công mạnh bạo và hung dữ, người bệnh còn bị tổn thương các dây thần kinh, cơ, xương, nhiễm trùng và mắc bệnh uốn ván.

Hiện nay, mức độ tổn thương trên da khi bị chó cắn được phân chia thành 6 mức độ cụ thể như sau:

  • Cấp độ 1: Chó cắn nhưng răng chưa tạo ra bất kỳ vết xước nào trên cơ thể. Thường xảy ra trong trường hợp cắn trượt, cắn nhẹ qua lớp vải quần áo và không mang tính chất nguy hiểm.
  • Cấp độ 2: Chó cắn để lại vết thương trầy xước nhẹ nhưng không chảy máu. Trường hợp này, nước dãi chứa virus gây bệnh dại của chó có thể lây nhiễm qua cơ thể người bệnh.
  • Cấp độ 3: Chó cắn để lại từ 1 đến 4 vết thương hở, nông và chảy máu ít trên da.
  • Cấp độ 4: Tương tự cấp độ 3 nhưng trong đó có 1 vết cắn bị răng đâm gây thủng sâu.
  • Cấp độ 5: Tương tự cấp độ 4 nhưng gây ra nhiều vết cắn bị răng đâm gây thủng sâu.
  • Cấp độ 6: Được đánh giá là cấp độ nguy hiểm nhất, nạn nhân có thể bị tấn công bởi những loài chó hung bạo nhất như Pit bull, vết cắn nhiều, sâu, làm rách cơ và thủng sâu tới xương, tổn thương các dây thần kinh nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, sức tấn công của chó quá mạnh bạo có thể khiến vùng da bị cắn bị nát.

chó nghi ngờ dại

Bị chó cắn chảy máu có sao không?

CÓ! Thậm chí là rất nguy hiểm! Bị chó cắn chảy máu có sao không là thắc mắc của rất nhiều người. Chuyên gia cho biết, chó cắn chảy máu có thể gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe người bệnh và đặc biệt nguy hiểm như nhiễm trùng, bệnh uốn ván, tổn thương thần kinh, tổn thương cơ và xương và gây bệnh dại.

1. Nhiễm trùng

Khi bị chó cắn chảy máu, ngoài rủi ro mắc bệnh dại thì nguy cơ nhiễm trùng cũng là yếu tố thường được đề cập đến. Vết thương chó cắn có thể bị vi khuẩn (tụ cầu, tụ huyết trùng, Capnocytophaga) xâm nhập gây nhiễm trùng nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách.

Khi bị nhiễm trùng, vết thương sẽ sưng đỏ, mưng mủ lan rộng và có mùi khó chịu. Ngoài ra, đối với những vết cắn đặc biệt nghiêm trọng có thể gây ra hiện tượng sưng phù, đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại sinh vật lạ xâm nhập vào vết thương. Vùng da bị tổn thương lúc này sẽ sưng phù, đau và nóng.

bị chó cắn chảy máu

2. Tổn thương dây thần kinh

Cơ thể con người có đến 43 cặp dây thần kinh khác nhau, đảm nhiệm chức năng kết nối hệ thần kinh trung ương với phần còn lại của cơ thể. Do đó, khi bị chó tấn công, không thể tránh khỏi việc tổn thương các dây thần kinh trên cơ thể, dẫn đến việc tê bì, không thể điều khiển một phần cơ thể,…

Các chuyên gia cho biết phụ thuộc vào mức độ và vị trí của vết cắn, mà thời gian phục hồi các tổn thương thần kinh có thể tạm thời hoặc kéo dài. Đối với vết cắn khiến dây thần kinh bị dập nát, thời gian phục hồi thường khoảng 6-12 tuần. Đối với vết cắn làm đứt dây thần kinh, người bệnh sẽ cần nhiều thời gian phục hồi hơn, trung bình mất từ vài tháng đến vài năm thậm chí là mất chức năng vĩnh viễn (2).

3. Tổn thương cơ và xương

Đối với những trường hợp chó dữ tấn công mạnh bạo gây ra nhiều vết thương to và sâu, người bị cắn có nguy cơ đối mặt với tổn thương cơ và xương. Cụ thể:

  • Tổn thương cơ: Vết cắn sâu sâu làm tổn thương cơ (rách cơ, đứt một phần hay hoàn toàn bó cơ) gây ra các cơn đau nhức dữ dội, vết cắn bị bầm tím và tụ máu. Nếu vết cắn ở tứ chi người bệnh có thể bị hạn chế khả năng vận động do cơ đó chi phối đang bị tổn thương.
  • Tổn thương xương: Nếu vết cắn có lực tác động mạnh vào vị trí khớp hoặc xương có thể khiến người bệnh gãy xương và gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu cho người bị cắn.

bị chó cắn chảy máu phải làm gì

chó cắn chảy máu có sao không

chó cắn chảy máu

4. Nhiễm uốn ván

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi trực khuẩn uốn ván Clostridium tetan. Khuẩn uốn ván trú ngụ nhiều trong đất cát nên móng chân của chó có thể mang mầm bệnh. Chúng cũng tồn tại ở môi trường cống rãnh, chất thải của các loại gia súc, gia cầm. Thông qua vết chó cắn, trực khuẩn uốn ván nhanh chóng xâm nhập và gây bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bị cắn gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như gãy xương, viêm phổi, thuyên tắc phổi, vỡ tim, ngưng tim đột ngột thậm chí là tử vong.

5. Mắc bệnh dại

Dù chảy máu ít hay nhiều thì nước dãi của chó chứa virus Rhabdovirus cũng sẽ truyền sang người, virus di chuyển theo đường máu đến các dây thần kinh, tủy sống, não bộ và gây bệnh dại. Ngược lại, nếu chó tấn công là vật nuôi khỏe mạnh, được theo dõi 20 ngày và không cón triệu chứng mắc bệnh dại, người bệnh có thể vệ sinh vết cắn mỗi ngày cho đến khi vết thương lành lặn, không gây hại tới sức khỏe.

Xem thêm: Bị chó cắn chảy máu ít có sao không?

bị chó cắn

Cách sơ cứu khi bị chó cắn chảy máu

Các chuyên gia cho biết khi bị chó dại cắn, điều quan trọng nhất cần thực hiện là nhanh chóng sơ cứu vết thương đúng cách cho người bị cắn để tránh nhiễm trùng và ngăn chặn virus gây bệnh dại xâm nhập vào cơ thể. Các bước sơ cứu vết thương cụ thể như sau:

  • Bước 1: Trấn an người bị cắn để lấy lại bình tĩnh. Việc làm này giúp giảm nguy cơ bị chó tiếp tục tấn công và giúp quá trình sơ cứu diễn ra thuận lợi hơn.
  • Bước 2: Vệ sinh kỹ vết thương dưới nước với xà phòng trong vòng 15 phút để loại bỏ tất cả tác nhân gây bệnh cũng như các dị vật còn sót lại trên da. Lưu ý thao tác nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh lên vết thương vì có thể tạo điều kiện cho virus di chuyển nhanh hơn.
  • Bước 3: Sát trùng vết thương bằng các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng như cồn, oxy già. Điều này sẽ giúp vệ sinh vết thương cẩn thận, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng da và nhiễm trực khuẩn uốn ván.
  • Bước 4: Trong trường hợp vết cắn sâu gây chảy máu, cần tiến hành dùng băng gạc y tế đặt lên vết thương trong khoảng 15 phút để cầm máu. Trong trường hợp vết cắn đặc trưng khiến máu chảy thành tia, có thể sử dụng dây thun garo giúp cầm máu tạm thời. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Làm gì khi bị chó cắn nhẹ?

Lưu ý: Trong quá trình sơ cứu khi bị chó cắn chảy máu, tuyệt đối không bóp, nặn khiến vết thương bầm dập và trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, không đắp bất cứ loại thuốc nam hay lá cây lên vết thương khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

vệ sinh vết thương khi bị chó cắn
Bị chó cắn chảy máu phải làm gì? Người bị cắn cần Vệ sinh kỹ vết thương dưới nước với xà phòng trong vòng 15 phút để loại bỏ tất cả tác nhân gây bệnh cũng như các dị vật còn sót lại trên da

Phác đồ tiêm phòng cho người bị chó cắn chảy máu

Bị chó cắn chảy máu có sao không? Đối với người bị chó cắn chảy máu, việc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại càng sớm càng tốt là rất cần thiết để tránh nhiễm trùng và ngăn chặn virus gây bệnh dại xâm nhập vào cơ thể. Cần thực hiện phác đồ tiêm phòng dại như sau:

Phác đồ tiêm dại đối cho người bị chó cắn chảy máu nhưng chưa tiêm dự phòng

  • Cần tiêm đủ 4 mũi (*) vào N0, N3, N7 và N28
  • Cần tiêm đủ 5 mũi (**) vào N0, N3, N7, N14 và N28

Lưu ý:

  • (*) Sau 10 ngày thực hiện theo dõi chó, mèo, vật nuôi còn sống và khỏe mạnh;
  • (**) Chó, mèo, vật nuôi bệnh, chết hoặc mất dấu không theo dõi được;
  • Sau khi bị chó, mèo, vật nuôi tấn công cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt;
  • Huyết thanh kháng dại được chỉ định tiêm vào ngày N0 cùng mũi tiêm đầu tiên của vắc xin Dại và không được tiêm trễ sau 7 ngày bởi lúc này kháng thể phòng bệnh dại có từ vắc xin đã sản sinh trong cơ thể.

Đối với người bị chó cắn chảy máu đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc xin phòng bệnh Dại thế hệ mới

  • Cần tiêm đủ 2 mũi vào N0 và N3

Lưu ý: Người bị cắn cần thực hiện lại phác đồ điều trị sau phơi nhiễm trong các trường hợp:

  • Người bị cắn đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dại trước hoặc sau khi phơi nhiễm, nhưng chưa được tiêm đủ 3 liều vào N0, N7, N21(hoặc N28).
  • Những người đã được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại nhưng là loại vắc xin cũ được điều chế từ não mô chuột.
  • Những có hệ miễn dịch bị ức chế do các nguyên nhân khác hoặc người mắc bệnh HIV/AIDS.
tiêm phòng khi bị động vật cắn
Khi bị chó, mèo, vật nuôi tấn công, cần sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa người bị cắn đến cơ sở tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ kiểm tra mức độ tổn thương và chỉ định loại vắc xin phòng ngừa bệnh dại phù hợp

Bị chó cắn chảy máu có sao không? Câu trả lời là CÓ thậm chí là CỰC KỲ NGUY HIỂM nếu không được sơ cứu vết thương và điều trị dự phòng kịp thời. Trong trường hợp bị chó cắn chảy máu nhưng chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại, tỷ lệ chết vì bệnh dại gần như là tuyệt đối. Chính vì vậy, ngay khi bị chó, mèo hay vật nuôi tấn công, bên cạnh việc sơ cứu vết thương kịp thời và đúng cách, cần nhanh chóng đưa người bị cắn đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, điều trị cũng như chỉ định tiêm chủng vắc xin phù hợp nhằm tránh sự nhiễm trùng và ngăn chặn virus dại xâm nhập, tấn công khiến bệnh nhân gặp nhiều nguy hiểm.