Cách giảm ngứa khi bị dị ứng

2.1. Phương pháp không dùng thuốc

Gãi là một trong những cách giảm ngứa khi bị dị ứng mà phần lớn bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, gãi làm tăng thêm kích ứng da và làm nặng nề thêm tình trạng ngứa. Do đó, cần hạn chế gãi vùng da bị ngứa.

Ngoài ra, bệnh nhân cần cắt ngắn móng tay, mặc quần áo thoáng mát, rộng. Khi tắm, không nên dùng nước nóng, không dùng các loại xà phòng, sữa tắm, dầu gội gây kích ứng da hoặc có nguy cơ gây dị ứng cũng như các loại mỹ phẩm có chứa chất tạo màu, tạo mùi.

Đồng thời, giữ cho không khí trong nhà ẩm để hạn chế làm da khô, nên giữ nhiệt độ trong nhà phù hợp. Cách làm giảm ngứa khi bị dị ứng đơn giản là chườm đá hoặc nước mát lên vùng da ngứa hoặc bôi tinh dầu bạc hà để làm mát.

2.2. Phương pháp dùng thuốc

Thuốc bôi tại chỗ: dùng trong trường hợp ngứa da khu trú như côn trùng cắn, ban đỏ, … Một số thuốc thường được sử dụng như thuốc kháng histamin (Mepyramine, diphenhydramine). Trong đó, diphenhydramine thường được sử dụng như một cách giảm ngứa khi bị dị ứng hiệu quả. Ngoài ra, các thuốc gây tê như benzocaine, lidocaine hoặc tetracaine cũng được sử dụng để giảm ngứa. Tuy nhiên cần tránh dùng kéo dài và trên diện rộng vì những thuốc này có thể gây nên những tác dụng bất lợi như rối loạn nhịp tim, …

Thuốc uống: thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân ngứa lan tỏa hoặc điều trị bằng thuốc bôi không đáp ứng. Cách làm giảm ngứa khi bị dị ứng phổ biến là dùng thuốc kháng histamin (cetirizine, chlorphenamine, cimetidine, loratadine, hydroxyzine, ranitidine, ..), doxepin, mirtazapine, ondansetron, paroxetine, …

Lưu ý:

  • Chỉ dùng thuốc trị ngứa khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, đường dùng, thời gian dùng thuốc.
  • Không bôi thuốc trên diện rộng hoặc lạm dụng quá mức với dạng thuốc bôi.
  • Khi bôi, tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, mũi, miệng, tai.